Trường phái Anh Quốc (English School)

Print Friendly, PDF & Email

ES-ir

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Nguồn gốc của Trường phái Anh Quốc có thể được coi xuất phát từ cuối những năm 1930. Không giống như những lý thuyết có nguồn gốc từ truyền thống dựa trên thuyết hành vi (bahaviouralist) hay thuyết thực chứng (positivist), Trường phái Anh Quốc đại diện cho tổng hòa cách tiếp cận pha trộn lý tính (rationalist) và luân lý (moralist). Nói cách khác, đây là trường phái tư tưởng tập trung vào các đặc điểm và nguyên tắc mang tính đạo đức, chính trị và xã hội của hệ thống quốc tế, và chỉ rõ những đặc điểm và nguyên tắc này vừa giúp hình thành vừa hạn chế lợi ích và hành động của các quốc gia như thế nào.

Mặc dù tên gọi của trường phái này chỉ được chính thức thiết lập vào đầu những năm 1980 nhưng trường phái này đã trải qua những bước tiến hóa trong suốt những năm 1960 và 1970 với các trước tác của Hedley Bull, John Vincent, và Martin Wright. Trong tác phẩm có lẽ được coi là nổi tiếng nhất của mình Xã hội Vô chính phủ (The Anarchical Society), Bull đã tìm cách chứng minh bản chất của các qui tắc luân lý và quy phạm mà dựa vào đó các quốc gia cố gắng học cách hợp tác với nhau, cũng như làm sáng tỏ những ràng buộc mang tính qui phạm của trật tự quốc tế và việc hoạch định chính sách.

Nói chung, Trường phái Anh Quốc bao gồm 3 nhóm truyền thống lý thuyết chính: chủ nghĩa Grotius (Grotianism), chủ nghĩa Kant (Kantism), và chủ nghĩa Hobbes (Hobbesianism). Trong đó, chủ nghĩa Grotius dựa trên các tác phẩm của Hugo Grotius, một luật sư và chính khách người Hà Lan vào đầu thế kỷ 18, đại diện cho nhóm duy lý trong trường phái. Trái lại, chủ nghĩa Kant và chủ nghĩa Hobbes lần lượt đại diện cho các nhóm theo tư tưởng đại đồng (universalist) và hiện thực. Mỗi nhóm tư tưởng có một bộ nguyên tắc cấu trúc khác nhau dùng để lý giải chính trị quốc tế. Trong khi chủ nghĩa Grotius đề cập đến các hạn chế lý tính của luật pháp trong nước đối với quốc gia và xã hội quốc tế (chủ nghĩa duy lý), thì chủ nghĩa Hobbes đại diện cho bản chất vô chính phủ của hệ thống quốc tế, hay nói một cách cụ thể hơn là quan niệm cho rằng xã hội quốc tế có xu hướng dẫn tới chiến tranh xuất phát từ sự nghi kỵ và cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia. Trái lại, chủ nghĩa Kant đại diện cho nhóm mang tư tưởng đại đồng và luân lý của Trường phái Anh Quốc, trong đó họ cho rằng tình đoàn kết quốc tế được thể hiện bởi nghĩa vụ thực hiện theo đúng các nguyên tắc quốc tế về trách nhiệm giải trình và tôn trọng lẫn nhau.

Ở đây chúng ta cần phải nhấn mạnh những khác biệt giữa các nhánh tư tưởng khác nhau trong Trường phái Anh Quốc, bao gồm hai nhánh tư tưởng cơ bản: chủ nghĩa đoàn kết (solidarism) và chủ nghĩa cá thể (particularism). Trong khi những người theo chủ nghĩa đoàn kết ưu tiên an ninh tập thể hay các quyền mang tính quốc tế trong phân tích của họ, thì những người theo chủ nghĩa cá thể nhấn mạnh giá trị qui phạm của chủ quyền quốc gia, hay nói cách khác là các động cơ xuất phát từ việc khẳng định và giữ gìn chủ quyền quốc gia thông qua hợp tác.

Trong thập niên 1980 và 1990, nhánh theo chủ nghĩa đoàn kết có thể nói đã có vai trò nổi bật hơn trong tư tưởng của Trường phái Anh Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc tranh luận về mục đích và trách nhiệm liên quan đến can thiệp nhân đạo. Những người theo chủ nghĩa đoàn kết như Tim Dunne và Nick Wheeler thách thức các phân tích về can thiệp nhân đạo theo chủ nghĩa cá thể được ủng hộ bởi các học giả như Vincent bằng cách nhấn mạnh trách nhiệm tập thể của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền của những dân tộc bị áp bức. Cuộc tranh luận này dẫn tới các cuộc thảo luận rộng khắp hơn về vấn đề liệu sự quá độ từ một xã hội quốc tế sang xã hội thế giới có đòi hỏi phải có những phân tích xã hội học và thể chế rộng lớn hơn về xã hội dân sự toàn cầu hay không.

Chẳng hạn Barry Buzan lập luận rằng việc tập trung vào nhân quyền mặc dù giúp mang lại nhiều kiến giải quan trọng nhưng cũng chỉ là một trong những lĩnh vực thiết yếu của nghiên cứu mà thôi. Quan trọng không kém chính là các nguồn gốc kinh tế của xã hội thế giới và quốc tế, trong đó liên quan đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ cũng như các chủ thể phi nhà nước khác, như các tổ chức khủng bố. Dù có đồng ý với các nỗ lực của Buzan trong việc thiết kế một lý thuyết Trường phái Anh Quốc mang tính hệ thống hay không thì lập luận của Buzan cũng khiến chúng ta phải lưu tâm tới một số hạn chế của lý thuyết Trường phái Anh Quốc. Có lẽ quan trọng hơn, phản biện của Buzan cho thấy mối quan tâm mới xuất hiện trở lại đối với lý thuyết Trường phái Anh Quốc trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh cũng như viễn cảnh mở rộng lý thuyết này, đặc biệt trên khía cạnh giải thích và thấu hiểu vai trò đang biến chuyển của đạo đức, các giá trị xã hội, quyền lực toàn cầu và các khái niệm mang tính đại đồng của tình đoàn kết và hòa bình.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]