Đã đến lúc “xoay trục” sang Địa Trung Hải

Mediterranean_Relief

Nguồn: Paolo Gentiloni, “Pivot to the Mediterranean”, Foreign Affairs, 28/05/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Địa Trung Hải là cái nôi của nền văn minh Hy Lạp, của Đế chế La Mã, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Nó là một vùng biển với nhiều tên gọi: với người La Mã là Mare Nostrum nghĩa là “Biển của chúng tôi”; với người Thổ Nhĩ Kỳ là Akdeniz hay “Biển Trắng”; là Yam Gadol hay “Biển lớn” với người Do Thái; Mittelmeer hay “Trung hải” theo cách gọi của người Đức. Đây là nơi gặp gỡ của Châu Phi, Châu Á, và Châu Âu, hình thành nên lịch sử rộng lớn, phức tạp và đa dạng.

Tuy nhiên, ngày nay, Địa Trung Hải đang ở thời điểm bước ngoặt. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn ngoài việc là ranh giới phía nam châu Âu. Nó có thể trở thành vùng biển bất ổn hoặc bình yên, tùy vào hành động của chúng ta ở đó.

Italia chiếm vị trí trung tâm về lịch sử và địa lý của vùng Địa Trung Hải, do đó có lợi ích cố hữu đối với sự ổn định của khu vực này. Nhưng khu vực này không nên là mối quan tâm của riêng Italia. Cùng với Italia, EU và Hoa Kỳ nên “xoay trục” về Địa Trung Hải, bởi lẽ khu vực này đã trở thành trung tâm của ba thách thức lớn toàn cầu.

Thách thức đầu tiên là chủ nghĩa khủng bố. Từ Vịnh Guinea tới Pakistan, các mối đe dọa đang lan tỏa khắp khu vực. Bắc Phi, Trung Đông, và Yemen là tiêu điểm của sự bất ổn, với các cuộc đụng độ và chiến tranh ủy nhiệm thường xuyên xảy ra giữa cộng đồng Hồi giáo Shia và Sunni, và ngay cả trong chính cộng đồng Sunni.

Thách thức thứ hai là châu Phi. Từ lâu, trong mắt các chính phủ châu Âu, châu Phi luôn gắn liền với nạn đói, bệnh tật, tham nhũng, bạo lực và chủ nghĩa bộ lạc. Nhưng thế kỷ mới đã cho thấy một châu Phi khác, tuy vẫn ám ảnh bởi những thất bại thể chế nhưng giờ đây cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, những cải thiện về phát triển con người, và các thể chế đa phương mới, chẳng hạn như Liên minh châu Phi (African Union). Đối với châu Âu, Địa Trung Hải có thể và nên là một cầu nối với châu Phi, ngày nay thường được coi là “Châu lục thứ hai của Trung Quốc,” nhờ đầu tư hạ tầng lâu dài của quốc gia này tại châu Phi.

Thách thức thứ ba là về vấn đề nhân khẩu. Khi chiến tranh và các xung đột khác tàn phá các quốc gia trong lưu vực Địa Trung Hải, hàng ngàn người tị nạn hoặc được tiếp nhận ở Li-băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tìm đến châu Âu. Và các dòng người di cư ở bên trong châu Âu sẽ tiếp tục là một đặc trưng lâu dài của chính trị Địa Trung Hải, do sự mất cân bằng giữa các nước châu Âu với dân số lão hóa ở bờ bắc và các nước ở bờ nam với dân trẻ số trẻ hơn.

Vai trò của Italia

Địa Trung Hải ngày nay đang kiếm tìm một trật tự mới để giải quyết những thách thức toàn cầu này. Cán cân quyền lực trong khu vực ngày càng trở nên phức tạp. Thứ nhất, những căng thẳng giữa Israel và Palestine đã leo thang. Một phần nhờ vào sự dẫn dắt của Mỹ, Israel và Palestine đã có những bước tiến hướng tới một giải pháp hòa bình vào thập niên 1990, nhưng rồi điều này vẫn chưa thành hiện thực. Trong thập niên qua, mối quan hệ giữa Israel và Palestine đã trở nên xấu đi, khiến cuộc xung đột lâu đời nhất ở Địa Trung Hải này là một trong nhiều yếu tố góp phần gây bất ổn khu vực. Một thỏa thuận hạt nhân cân bằng với Iran mang lại niềm tin cho cộng đồng quốc tế rằng chương trình hạt nhân của Iran đang và sẽ luôn vì mục đích hoà bình, cùng việc Iran tái hòa nhập vào cộng đồng thế giới, có thể giúp ổn định Trung Đông, nhưng châu Âu và Hoa Kỳ phải nỗ lực để giúp sự chuyển giao đó diễn ra suôn sẻ.

Trong khi đó, Daesh, Nhà nước Hồi giáo tự xưng, là mối đe dọa khác đối với nền hòa bình Địa Trung Hải. Nhóm này đại diện cho một lực lượng mới và hung hăng của chủ nghĩa khủng bố, có khả năng lợi dụng sự mong manh của các quốc gia Địa Trung Hải và những căng thẳng giữa các quốc gia Hồi giáo. Nó cũng tạo nên một thách thức nội bộ cho Italia và cho cả châu Âu, với khả năng thu hút các chiến binh nước ngoài bằng việc hối thúc cải đạo và cả sự man rợ.

Italia đang đóng vai trò quan trọng trong việc chống khủng bố và các mối đe dọa khác đối với Địa Trung Hải. Chúng tôi toàn tâm toàn ý cam kết chống lại tuyên truyền thánh chiến ở Italia. Cho dù kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận, chúng tôi đã đưa ra hình phạt khắc nghiệt hơn cho việc sử dụng truyền thông xã hội để kích động khủng bố. Tại Libya, Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang bành trướng. Chúng tôi sẵn sàng đi đầu trong việc hỗ trợ, trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc, cho một chính phủ Libya có sự hòa hợp quốc gia trong mọi lĩnh vực, nhằm ổn định quốc gia này và giải quyết những thách thức lớn của nó, bao gồm chủ nghĩa khủng bố và buôn lậu người di cư. Nhưng cuộc đấu tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng không thể giành thắng lợi chỉ bằng quân sự. Chiến thắng đòi hỏi một chiến dịch phản công tinh vi, bao gồm làm kiệt quệ nguồn lực tài chính của nhóm, như Italia đã làm trong vai trò đồng lãnh đạo Nhóm chống tài trợ cho Nhà nước Hồi giáo (Counter-ISIL Finance Group). Ngày 20/3, nhóm đã họp lần đầu tiên ở Roma và thông qua một kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố Daesh truy cập hệ thống tài chính quốc tế.

Quyền lực mềm của Italia cũng là vô giá trong việc tăng cường quan hệ văn hóa và thương mại trong khu vực. Chúng tôi lên án và chiến đấu chống lại những sự thiếu khoan dung cuồng tín và việc sát hại các tín đồ Kitô giáo, những người mà sự tồn tại của họ bị chủ nghĩa khủng bố đe dọa. Chúng tôi đã góp sức với Vua Jordan Abdullah II, hỗ trợ những nỗ lực của nhà vua chống lại các nhóm khủng bố. Và chúng tôi đã cấp học bổng và thị thực cho những người sống sót sau vụ tấn công khủng bố Garissa ở Kenya năm 2015.

Vượt ra ngoài phạm vi sức mạnh mềm, Italia sẵn sàng tiên phong trong các nỗ lực đa phương ở một số lĩnh vực chủ chốt, bao gồm quản lý dòng di cư, chiến đấu chống khủng bố ở Libya, và đóng một vai trò đáng kể trong việc ổn định hóa quốc gia này.

Hướng tới một vùng biển bình yên

Địa Trung Hải không chỉ đơn thuần là một mối quan tâm của riêng nước Ý. Những đường biên giới nam Âu đóng vai trò quan trọng với EU và Hoa Kỳ vì chúng tiềm ẩn những rủi ro chủ yếu đối với xã hội hiện đại: di cư, chủ nghĩa khủng bố, tình trạng vô pháp luật, không quốc tịch, xung đột tôn giáo, thanh niên thất nghiệp, nghèo đói, bị loại trừ về xã ​​hội và chính trị, và bất bình đẳng. Đồng thời, biên giới nam Âu cũng chứa đựng cơ hội. Một trật tự mới ở Địa Trung Hải có thể lan tỏa sự ổn định đến cả ba châu lục.

“Xoay trục” sang Địa Trung Hải hiển nhiên nằm trong lợi ích của Italia. Với đường bờ biển dài năm ngàn dặm, Italy dễ bị tác động bởi bất ổn ở các vùng nước lân cận, bao gồm nạn buôn lậu và buôn người. Địa Trung Hải là chìa khóa không chỉ đối với sự ổn định mà còn với các giá trị của chúng tôi nhằm tiêu diệt nạn buôn người và khủng bố, tấn công tàu thuyền và các mạng lưới của chúng.

Nhưng chúng tôi vững tin rằng một trật tự Địa Trung Hải mới cũng nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ và Châu Âu. Đối với Hoa Kỳ, xoay trục về Địa Trung Hải không đòi hỏi phải sao nhãng việc xoay trục sang châu Á của nước này. Ngược lại, hai trục bổ sung lẫn nhau. Trung Quốc đã nắm bắt được tầm quan trọng của Địa Trung Hải trong chiến lược toàn cầu của mình. Dưới sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên, và các cảng và cơ sở hạ tầng ven biển trải dài tới phía bắc Biển Địa Trung Hải. Muốn tìm bằng chứng về đầu tư của Trung Quốc trong khu vực, chỉ cần để ý tới Athens, Hy Lạp, nơi Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la để vực dậy cảng Piraeus. Hoa Kỳ cũng nên tiếp tục đầu tư trong khu vực.

Đối với châu Âu, xoay trục sang Địa Trung Hải là một cơ hội kinh tế. Một Kế hoạch Marshall Địa Trung Hải, tập trung vào cơ sở hạ tầng, năng lượng, quốc phòng, thương mại và kinh tế tri thức có thể thúc đẩy đầu tư và việc làm ở các nước nam Âu và cung cấp cửa ngõ vào thị trường châu Phi. Một kế hoạch như vậy cũng có thể là một nền tảng văn hóa và ngoại giao cho sự ổn định chính trị. EU đã có một vài nỗ lực nhằm ưu tiên vùng Địa Trung Hải bằng các công cụ thuộc Chính sách Láng giềng (Neighborhood Policy): EU coi các thảm kịch trên biển gần đây một bước ngoặt đối với Chương trình nghị sự châu Âu về vấn đề di cư (European Agenda on Migration). EU đã tăng nguồn lực để đẩy mạnh sự hiện diện trên biển, trong khi vẫn đang ra sức chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia thành viên. Nhưng châu Âu vẫn chưa nỗ lực hết sức có thể, và sự can thiệp của Mỹ vẫn vô cùng quan trọng đối với sự ổn định an ninh khu vực. Đối với tất cả các chủ thể, giờ chính là lúc để xoay trục sang Địa Trung Hải.

Paolo Gentiloni là Bộ trưởng Ngoại giao Italia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]