Nguồn: Rumi Aoyama, “What’s pushing Japanese firms out of China?,” East Asia Forum, 21/10/2015.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Đầu năm 2015, các công ty Nhật là Panasonic và Toshiba tuyên bố họ sẽ dừng sản xuất tivi ở Trung Quốc. Khi Nhật tiếp tục giảm đầu tư ở Trung Quốc, việc dần rút lui của hai tập đoàn đa quốc gia có vẻ nhấn mạnh xu hướng chung là các công ty Nhật rời khỏi Trung Quốc. Vào ngày 23 tháng Hai năm 2015, tờ Nikkei News đưa tin công ty Citizen Watch Company đột nhiên đóng của nhà máy linh kiện tại Quảng Châu, cho thôi việc hơn 1.000 lao động tại đó.
Mối quan hệ Trung-Nhật đã chạm đáy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Các cuộc hội đàm cấp cao, bao gồm các cuộc gặp thượng đỉnh, đã bị đình chỉ từ khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9 năm 2012 và thủ tướng Shinzo Abe viếng đền Yasukuni vào tháng 12 năm 2013. Với chiến lược Một Vành đai Một Con đường năm 2013, Bắc Kinh đã khởi động chiến dịch tấn công ngoại giao để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, và nối lại các quan hệ liên chính phủ với Nhật Bản.
Nhưng Trung Quốc chưa có bất cứ dấu hiệu thỏa hiệp nào về lịch sử hay về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, Nhật Bản đang tiến dần về phía quan hệ liên minh với Mỹ và đang phát triển một chế độ an ninh tập thể mới. Vẫn còn sự ngờ vực sâu đậm giữa hai bên trong cả hai mảng chính trị và an ninh.
Các công ty Nhật bắt đầu rời Trung Quốc trong bối cảnh này. Ngoài khó khăn chính trị, chính tình trạng thị trường lao động Trung Quốc mới là tác nhân quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Vì các tập đoàn lớn và vừa đều đang thu lợi từ thị trường Trung Quốc, việc rút lui của các công ty Nhật khỏi Trung Quốc không có nghĩa rằng cơ hội làm ăn cho tất cả các công ty Nhật ở đại lục đang thu hẹp.
Các công ty Nhật vào Trung Quốc trước các nước khác sau khi có chính sách mở cửa và cải cách của Bắc Kinh từ cuối những năm 1970. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2012, có hơn 23.094 công ty Nhật tại Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật hiện thời, Cheng Younghua, đánh giá cao hoạt động đầu tư của các công ty này ở Trung Quốc, nêu ra rằng “tính đến tháng Năm năm 2015, tổng đầu tư của Nhật tại Trung Quốc đã lên tới 100,4 tỷ USD, khiến Nhật thành nước đầu tiên vượt qua mốc 100 tỷ USD”.
Nhưng tình hình gần đây đã thay đổi với nhiều công ty Nhật vốn đã hoạt động gần 4 thập niên ở thị trường Trung Quốc. Đầu tư hàng năm của Nhật tại Trung Quốc đã giảm kể từ 2012 khi đạt đỉnh 7 tỷ USD. Con số này năm 2014 là 4,3 tỷ USD, thấp hơn 38,8% so với năm trước đó. Mô hình kinh doanh tại Trung Quốc cũng đang bắt đầu thay đổi. Trước đây, các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc bằng cách sử dụng lực lượng lao động đông đảo và rẻ mạt, và bán sản phẩm của họ ra thị trường nước ngoài. Nhưng việc chi phí lao động gia tăng (chủ yếu do kết quả của luật hợp đồng lao động 2008) đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty tìm kiếm lợi nhuận cao. Một khảo sát của Tổ chức Phát triển Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy 83,9% các công ty Nhật tin rằng việc lương tăng là một vấn đề chính yếu đối với hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc.
Mặt khác, các công ty Nhật dần tăng kỳ vọng coi Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ khi sức mua của người Trung Quốc đã tăng đáng kể do nền kinh tế bùng nổ. Năm 2014, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản nâng Trung Quốc từ thứ 4 lên thứ 3 về trung hạn (khoảng 3 năm tới) trong danh sách các điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất. Kỳ vọng phát triển thị trường và kích cỡ thị trường nội địa hiện tại là hai lý do chính cho thứ hạng cao đó. Thu nhập gia tăng chắc chắn đã làm tăng chi phí vận hành, nhưng cùng lúc đó, các doanh nghiệp Nhật cũng nhận thấy sự gia tăng thu nhập như vậy cũng là một tín hiệu tích cực để mở rộng thị trường.
Vậy nên cho dù lượng đầu tư từ Nhật Bản đang giảm, thị trường Trung Quốc vẫn hấp dẫn.
Không kể đến suy thoái quan hệ chính trị, các công ty Nhật làm ăn tương đối tốt ở thị trường Trung Quốc. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật ghi nhận rằng tổng doanh thu của các công ty Nhật ở Trung Quốc đã lên tới 36.400 tỷ yên (khoảng 300 tỷ USD) năm 2013 (hơn 44.000 tỷ yên nếu tính cả Hồng Kông) chỉ một năm sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các công ty chủ chốt của Nhật đang chiếm chỗ đứng vững chắc ở Trung Quốc. Doanh thu xe hơi, truyền thông dữ liệu, và các ngành điện tử năm 2013 tương ứng đạt 9.400 tỷ, 3.900 tỷ và 2.200 tỷ yên (80 tỷ USD, 30 tỷ USD và 20 tỷ USD). Các công ty đa quốc gia của Nhật, như Toyota, Nissan, Honda, Hitachi và Panasonic, đạt doanh thu hơn 1,000 tỷ yên tại thị trường này, và họ kỳ vọng rằng con số đó chỉ có tăng thêm.
Quan trọng nhất, các công ty Nhật tin rằng thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng, và họ tự tin rằng sẽ kiếm lời được ở đó. Trong khảo sát hàng năm của JETRO năm 2014, 64,1 phần trăm các doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi rằng họ kỳ vọng sẽ có lời từ bán hàng, tăng từ 60,7 phần trăm số doanh nghiệp trong năm trước đó.
Ý kiến cho rằng tất các các công ty Nhật đang rời khỏi Trung Quốc chỉ là chuyện hoang đường. Với các công ty Nhật, vai trò của Trung Quốc đã thay đổi từ “công xưởng của thế giới” tới “thị trường của thế giới”, khi thu nhập và tiêu dùng gia tăng.
Việc Trung Quốc trỗi dậy đã dẫn tới các thay đổi cấu trúc trong cộng đồng quốc tế, và cùng với đó là quan hệ chính trị và an ninh xấu đi với Nhật Bản. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng đối đầu Trung-Nhật trong lĩnh vực chính trị và an ninh có lẽ sẽ ảnh hưởng xấu tới cả quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ngược lại, những người theo trường phái tự do tiên đoán rằng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau của cả hai cuối cùng sẽ đóng góp cho quan hệ chính trị ổn định giữa hai quốc gia này.
Đúng là khía cạnh chính trị trong quan hệ song phương không phải lúc nào cũng thuận lợi cho các công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc. Tuy vậy quan hệ Trung- Nhật không đơn giản như những gì lý thuyết hiện thực hay tự do miêu tả. Mối quan hệ với đặc điểm “lạnh chính trị, nóng kinh tế” là một điển cứu thú vị mang bản chất chưa từng có trong quan hệ quốc tế thời đại toàn cầu hóa. Hiện tại, đối đầu trong lĩnh vực chính trị và an ninh tiếp tục có vẻ tương thích với quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế.
Rumi Aoyama là Giáo sư tại Viện Nghiên cứu các Vấn đề Trung Quốc Đương đại, Đại học Waseda.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″
show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]