Hồi kết của chủ thuyết Corbyn

Print Friendly, PDF & Email

86258544

Nguồn: Andres Velasco, “The Dead-End of Corbynismo”, Project Syndicate, 30/09/2015.

Biên dịch: Nguyễn Vũ Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Mỹ Latinh có thứ hàng xuất khẩu mới: Sự bùng phát tràn lan của chủ nghĩa dân túy. Đầu tiên nó tiến chiếm những bờ biển ấm áp và chào đón ở Địa Trung Hải, nuôi dưỡng sự ủng hộ dành cho phe cánh tả Syriza của Hy Lạp và Podemos ở Tây Ban Nha. Giờ đây nó lại cập bến Vương quốc Anh.

Chủ thuyết Corbyn (Corbynismo) – hệ tư tưởng của một thành viên nghị viện Anh từng bị cho ra rìa, người cổ vũ nhiệt tình cho tổng thống quá cố Hugo Chavez của Venezuela, cho rằng Vladimir Putin đã đúng khi xâm chiếm Ukraine, và giờ lại đang lãnh đạo Công đảng danh giá của nước Anh – nghe như quen tai với bất cứ ai hiểu biết về Mỹ Latinh.

Chủ thuyết này kêu gọi cấp tiền cho các thâm hụt tài khóa (giờ có thể gọi là “nới lỏng định lượng của nhân dân”), quốc hữu hóa công nghiệp (bắt đầu với ngành đường sắt), và đặt dấu chấm hết cho cạnh tranh cũng như cung ứng các dịch vụ công bởi tư nhân. Đây là  những thứ mà cựu Thủ tướng Tony Blair và những người ủng hộ ông đã từng nghĩ – có vẻ sai lầm – rằng chúng đã bị quẳng vào thùng rác của lịch sử.

Tất nhiên, chủ nghĩa dân túy kiểu mới này (mà đối thủ đang cạnh tranh với bà Hillary Clinton trong Đảng Dân chủ là Bernie Sanders cũng là một người theo đuổi tích cực) có nhiều nguồn gốc. Cũng giống như Martin Wolf đã từng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009 đã làm các cử tri thực sự tức giận đối với “những trùm tài phiệt tham lam và những tay sai của họ trong chính trị và truyền thông”. Người đoạt giải Nobel Paul Krugman (người đôi lúc có quan điểm nghe giống của Corbyn, nhưng thực chất không phải) và Wolfgang Munchau cũng nhấn mạnh rằng thành phần cánh tả ôn hòa của Châu Âu đã đánh mất sự ủng hộ vì đã quá sẵn sàng đón nhận đường lối thắt lưng buộc bụng cực đoan theo yêu cầu của nước Đức và các đồng minh chính thống của nó.

Nhưng giận dữ không đồng nghĩa với sáng suốt. Những người theo chủ thuyết dân túy mới ở châu Âu đang chuyển sự bất mãn hợp pháp của người dân vào một hệ thống các chính sách sai lầm, thứ chỉ có thể tạo ra thêm nhiều sự bất mãn nữa. Người Mỹ Latinh đã học được bài học đắt giá này từ vài thập niên trước. Những người Châu Âu (và có lẽ cả những người Mỹ) có thể cũng sẽ gặp điều tương tự.

Ba điều mập mờ về mặt khái niệm làm cho chủ thuyết Corbyn nhìn nhận vấn đề hoàn toàn sai lầm.

Thị trường khoai tây không giống như thị trường cho vay vốn. Quả đúng như vậy, các chủ ngân hàng là những kẻ tham lam. Và rõ ràng là thị trường tài chính đòi hỏi những quy định và sự giám sát sát sao. Nhưng những gì đúng với thị trường tài chính lại không hẳn đúng với các thị trường khác.

Những giao dịch liên quan đến khoai tây chỉ xảy ra tại một thời điểm duy nhất: người mua trả tiền và người bán giao khoai tây, chỉ cần có vậy. Giao dịch tài chính, ngược lại, xảy ra một cách kéo dài: người đi vay nhận tiền ngày hôm nay và hứa trả trong vòng một tháng, một năm hay một thập niên. Điều này làm cho tài chính đặc biệt dễ chịu ảnh hưởng bởi những kẻ lừa đảo và những kẻ đại bịp chuyên sắp đặt các mánh khóe tài chính. Vì những kỳ vọng và niềm tin về những diễn tiến tốt đẹp trong tương lai có vai trò trọng yếu, các chính phủ cần phải hành động giống như chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi, đó là sẵn sàng đứng lên để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm ổn định các thị trường tài chính.

Như nhà kinh tế học lớn người Mỹ gốc Cuba và Argentina Carlos Díaz‑Alejandro đã chỉ ra từ rất lâu rằng các thị trường tài chính không bị trừng phạt bởi tình trạng phá sản. Khi các ngân hàng gặp rắc rối, các chính phủ luôn luôn cứu họ hoặc ước sao họ đã làm như vậy (hãy nghĩ đến trường hợp Lehman Brothers như là một ví dụ điển hình). Các quy định cần phải lập ra thứ kỷ luật mà các thị trường tài chính không thể đưa ra được.

Nhưng những người theo chủ thuyết Corbyn lại sai lầm khi suy luận rằng những bệnh tật của các thị trường tài chính sẽ luôn lây lan sang tất cả các thị trường khác. Các đất nước, dù giàu hay nghèo, không cần một hội đồng giám sát mua bán khoai tây với các quyền điều tiết mới và được mở rộng.

Thật là tuyệt vời khi theo trường phái Keneys – nhưng trong suốt cả hai nửa chu kỳ. Đúng như thế, những nhà kinh tế chính thống (hầu hết là) gốc Đức đều truyền bá ra khắp mọi nơi giải pháp cắt giảm tài khóa tệ hại. Khi nền kinh tế đang bùng nổ, họ tuyên bố chi tiêu cần phải được cắt giảm (hoặc nếu không được thì phải tăng thuế) cốt để giảm cầu. Khi nền kinh tế đang bị sụt giảm hoàn toàn, chi tiêu cũng cần phải cắt giảm để khôi phục niềm tin và phục hồi đầu tư. Đối với một vài nền kinh tế Châu Âu, phương thuốc này đã gây ra một sự suy thoái kéo dài không đáng có.

Những người ủng hộ chủ thuyết Corbyn không tin rằng những khoản thâm hụt ngân sách lớn và những khoản nợ là vô hại. Ngược lại, (họ tin rằng) khi những khoản nợ này trở nên không bền vững và các chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đóng cửa bệnh viện và cắt giảm lương hưu thì chính những người nghèo và những người dễ bị tổn thương sẽ là những người gánh chịu tổn thất nhiều nhất.

Cách để làm cho một chính sách tài khóa phản chu kỳ mạnh mẽ trở nên khả thi là dựa vào các quy tắc ngân sách tân tiến. Một chính phủ theo trường phái Keynes hiện đại không ngại ngần tăng chi tiêu khi đối mặt với một đợt suy thoái. Nhưng, để làm được điều đó, thì nó cần phải có được sự khả tín và mức nợ thấp,  điều chỉ có được từ việc tiết kiệm và trả các khoản nợ cũ trong giai đoạn kinh tế đi lên.

Chúng ta đã làm được điều này ở Chile trong giai đoạn bùng nổ giá kim loại đồng năm 2006 – 2008, khi thặng dư ngân sách lên tới 8% GDP. Khi phố Wall bị tan chảy, chúng ta đã có dư địa về ngân sách để áp dụng một trong những kế hoạch chống khủng hoảng quyết liệt nhất so với ở bất cứ nơi nào khác. Một quy định chi tiêu ngân sách nghiêm ngặt, được thiết kế và áp dụng bởi các chính phủ trung tả, có thể hoàn toàn biến điều này thành hiện thực.

Các mục đích tiến bộ không ging với các phương tiện của nhà nước. Không có gì gọi là không thể tránh khỏi, từ sự khổ đau, bất công cho đến bất bình đẳng. Đó là lý do tại sao những nhà dân chủ xã hội hiện đại và những nhà dân chủ cấp tiến lại hào hứng với công cuộc chỉnh đốn xã hội. Nhưng sự hiệu quả lại đòi hỏi không được phép cứng nhắc về các chính sách cần thiết nhằm giành được các kết quả cao đẹp cuối cùng.

Hãy xem xét trường hợp chăm sóc y tế. Những chính sách khác nhau sẽ có hiệu quả khác nhau ở những nơi khác nhau. Người Anh có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất và một người chi trả duy nhất: Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia. Canada có người chi trả công (bảo hiểm y tế) duy nhất nhưng hầu hết việc cung cấp dịch vụ (y tế) lại từ tư nhân. Chương trình bảo hiểm y tế Obamacare yêu cầu người dân mua bảo hiểm tư nhân (có trợ cấp của nhà nước cho những người nghèo) để chi trả tài chính cho các dịch vụ y tế do phần lớn là các phòng khám và bệnh viên tư cung cấp.

Trong vấn đề giáo dục, lương hưu hay nhà ở cho người nghèo cũng vậy. Các nhà nước đều đúng khi chi tiêu hào phóng cho giáo dục; nhưng trong số 10 trường đại học hàng đầu thế giới được xếp hạng bởi Đại học Giao thông Thượng Hải thì tới 7 trường thuộc về tư nhân. Các hệ thống lương hưu thành công thường được chia sẻ bởi các quỹ nhà nước và các quỹ tư nhân. Và còn nhiều ví dụ nữa. Đây là các kiến thức không có gì mới đối với các sinh viên ngành chính sách công hiện đại. Những người theo chủ thuyết Corbyn dường như không hấp thụ được gì từ chúng.

Đó là một tin xấu. Tin tốt lành là những ý tưởng này đã tồn tại và cung cấp một lựa chọn thay thế tiến bộ cho tư tưởng kiểu Corbyn lỗi thời của những năm 60 thế kỷ trước. Một vài ý tưởng đã được phát triển tại các nước giàu; những ý tưởng khác thì ở những nước mới nổi. Khả năng lãnh đạo chính trị – mà Thủ tướng Italia Matteo Renzi là một ví dụ – giờ đây là thứ cần thiết để thực thi được những ý tưởng này.

Andres Valesco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile, là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Quốc tế tại Trường các Vấn đề công và quốc tế, Đại học Columbia.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Dead-End of Corbynismo

Xem thêm: 

http://nghiencuuquocte.net/2015/10/14/tro-ve-chu-nghia-xa-hoi/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]