Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (23/12/2015)

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Chính sách đối ngoại của một quốc gia vừa là sự nối dài của chính sách đối nội, vừa là bức tranh phản ánh cách nhìn của quốc gia đó đối với thế giới. Nói cách khác, chính sách đối ngoại chính là một phần thế giới quan của nước đó. Tác giả Merriden Varrall thuộc Viện Phân tích Lowy, đã có một bài viết phân tích thế giới quan của Trung Quốc dựa trên các động thái gần đây của nước này. Ông Varrall lập luận, nếu muốn biết Trung Quốc sẽ củng cố và triển khai chính sách đối ngoại ra sao và làm thế nào để các đối sách của các nước khác không phản tác dụng, thì không nên bỏ qua khía cạnh thế giới quan của họ.

Theo ông Varrall, có 4 quan điểm chủ yếu về thế giới thể hiện trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: thế kỷ tủi nhục – các đặc tính văn hoá vốn có và bất biến – số phận lịch sử và cuối cùng là định nghĩa về lòng hiếu thảo và nghĩa vụ gia đình. Nhìn chung, bốn quan điểm này đã ảnh hưởng đến cách hành xử của Trung Quốc. Bắc Kinh tin rằng họ đang trong quá trình trở lại vai trò trung tâm trong khu vực cũng như trong các vấn đề toàn cầu, và các nước khác nên sớm nhận ra điều này.

Những động thái gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông cũng phản ánh một trong những thế giới quan của họ: số phận lịch sử. Trung Quốc tin rằng những hành động đó là sự phản ánh việc Bắc Kinh đang trở lại vị trí và vai trò xứng đáng được tôn trọng trong khu vực sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”.

Trong khi đó, thái độ hành xử của Bắc Kinh đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông lại phản ánh quan điểm về “sự hiếu thảo và nghĩa vụ gia đình”. Theo đó, Trung Quốc đóng vai trò là người bố, trụ cột trong gia đình; là người có trách nhiệm duy trì hoà bình của khu vực. Các nước trong khu vực không cần phải “cống nạp” vì sự hoà bình đó nhưng cần thể hiện sự tự nguyện và lòng kính trọng với Trung Quốc. Ngược lại, nếu các nước không thể hiện lòng kính trọng, đó sẽ là cái cớ để Bắc Kinh tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo trật tự trong “gia đình” được tôn trọng.

Câu chuyện về thế kỷ tủi nhục cùng những đặc tính văn hoá bất biến ảnh hưởng đến cách Trung Quốc nhìn nhận vai trò của Hoa Kỳ ở biển Đông. Các hành động của Washington gần đây trên biển Đông như tuần tra hàng hải bằng cả tàu chiến lẫn máy bay bị Bắc Kinh xem là nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì bá quyền và kiềm chế Trung Quốc trở lại vị trí xứng đáng sau một thế kỷ tủi nhục. Nói một cách khác, bỏ qua các toan tính về chính trị và lợi ích kinh tế trên biển Đông, những hành động của Hoa Kỳ đã đi ngược lại những nỗ lực vươn lên và trở lại thế giới của Trung Quốc khiến Bắc Kinh không thể chấp nhận được. Một vài những minh chứng khác thể hiện 4 quan điểm này là Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Quay trở lại với các vấn đề thuộc lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã yêu cầu Hải quân Hoa Kỳ nên dành ít tiền hơn cho kế hoạch đóng tàu và dùng số tiền đó để mua sắm nhiều máy bay hơn. Ông Carter yêu cầu giảm số lượng kế hoạch đóng mới tàu thuộc chương trình tàu chiến đấu ven bờ (LCS) từ 52 xuống còn 40 tàu và dành số tiền được cắt giảm đó đầu tư vào chương trình F-35C (phiên bản hải quân). Chuyên gia James Hasik tại Trung tâm Brent Scowcroft đã gọi đó là sự sai lầm về chiến lược và kỹ thuật.

Vấn đề thứ nhất, nói về các tàu chiến thuộc chương trình LCS, ông Hasik đánh giá đây là sai lầm về chiến lược. Các tàu thuộc chương trình LCS bị xem là “to xác nhưng vô dụng” bởi vũ trang quá yếu, lại hay hỏng hóc. Thêm vào đó, trong khi xu hướng của thế giới là hướng tới các tàu đa năng, tuần tra tầm xa thì Hải quân Hoa Kỳ lại đổ tiền cho một chương trình chế tạo ra những con tàu với tính năng và hành trình hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, Hải quân Hoa Kỳ cùng với các nhà thầu của chương trình đã quyết định bổ sung cơ bắp cho con tàu. Từ một tàu có vai trò tuần tra, các tàu LCS sẽ được vũ trang trở thành các khinh hạm – một khinh hạm thật sự – với đầy đủ vũ khí, từ pháo hạm, tên lửa, radar cho tới sonar chống ngầm. Tuy nhiên, sự bổ sung này tiếp tục vấp phải những chỉ trích và dường như lại tiếp tục đi ngược lại xu hướng của thế giới và công nghệ quân sự. Thứ nhất, việc vũ trang cho một con tàu tuần tra ven bờ theo tiêu chuẩn của một khinh hạm đã là điều vô lý. Khối lượng và kết cấu con tàu không thể thích hợp để làm điều đó. Nói nôm na, bạn không thể bắt một đứa bé vốn chỉ có thể cầm nổi dao găm đi cầm một khẩu súng chống tăng được. Thứ hai¸ trong khi cả thế giới đang phát triển theo hướng tấn công tầm xa, với sự ra đời của nhiều tên lửa vượt tầm nhìn được bắn đi từ máy bay chiến đấu, thậm chí trong tương lai là máy bay không người lái thì Washington lại quyết định sử dụng chiến thuật “tàu tiêu diệt tàu”.

Sang vấn đề thứ hai là các máy bay F-35. Việc kêu gọi đổ tiền vào một chương trình phát triển máy bay vốn đã bắt đầu quá lâu và ngốn quá nhiều tiền là điều không hợp lý, thậm chí là gây nghi ngờ về tính năng thật sự của nó. Trong khi thế giới, phần lớn là các quốc gia có sức mạnh quân sự hạn chế hơn Hoa Kỳ, đều chọn giải pháp tác chiến phi đối xứng thì liệu ngay khi được phát triển hoàn thành và đưa vào biên chế, F-35 có còn bắt kịp sự phát triển của công nghệ tên lửa phòng không và radar giám sát mới hay không?

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý

Quân đội Việt Nam trong năm 2016 ngoài năm ưu tiên hiện đại hoá là hải quân; phòng không không quân; trinh sát kỹ thuật; tác chiến điện tử; thông tin liên lạc sẽ chú trọng ưu tiên cho hiện đại hoá lục quân. Đó là phát biểu của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong bài trả lời phỏng vấn bao điện tử Zing News. Theo ông Tuấn, quân đội Việt Nam không viễn chinh, không đi xâm lược, ưu tiên bảo vệ tổ quốc cho nên ưu tiên cuối cùng là phải trên đất liền. Như vậy, vào năm 2016, toàn bộ ba quân chủng hải, lục, phòng không không quân sẽ bước vào giai đoạn hiện đại hoá toàn diện, khởi động quá trình thay đổi lớn nhất về chất của quân đội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Chính quyền New Delhi vừa bật đèn xanh cho kế hoạch mua hàng loạt hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga với giá trị lên tới gần 6 tỉ USD. Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ (DAC) do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar làm chủ tịch hôm 18-12 xác nhận, New Delhi sẽ mua 5 trung đoàn S-400 từ Nga. Hiện tổng giá trị của hợp đồng vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên nếu chỉ tính riêng giá thành của 5 trung đoàn S-400 chưa bao gồm tên lửa đã là 400 tỉ rupee (khoảng 6 tỉ USD), do đó giá trị thực của thương vụ lần này có thể sẽ cao hơn con số 6 tỉ USD. Ngoài thương vụ S-400, phía DAC cũng thông báo về kế hoạch hiện đại hóa 24 hệ thống tên lửa phòng không S-125 của Ấn Độ, vốn được sản xuất từ thời Liên Xô. Giá trị hợp đồng khoảng 180 triệu USD.

Nhật Bản và Indonesia nhất trí đàm phán chuyển giao công nghệ quốc phòng. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 17 tháng 12 thông báo Tokyo đồng ý bắt đầu đàm phán chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Jakarta. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng tuyên bố Jakarta và Tokyo đã đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ ngoại giao và hai bộ quốc phòng hai nước. Cả Nhật Bản và Indonesia cũng nhất trí cần tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc hội đàm 2+2.

Một máy bay quân sự huấn luyện loại KAI T-50 của Không quân Indonesia đã bị rơi trong khi biểu diễn tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Không quân Yogyakarta. Thiếu tướng Dwi Badarmanto, người phát ngôn của lực lượng không quân Indonesia ngay sau đó đã lên tiếng xác nhận vụ tai nạn, đồng thời thông báo cả hai phi công đều đã thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do áp suất trong buồng lái đột ngột thay đổi khiến hai phi công bị ngất đi. Chiếc máy bay sau đó do không được kiểm soát đã rơi xuống đất.