Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (15/09/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Kế hoạch cải tổ quân đội Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nhận được sự chú ý từ giới phân tích. Tác giả Kevin McCauley – một cựu sĩ quan tình báo cao cấp của Hoa Kỳ nhận định, khó khăn trong công cuộc cải tổ quân đội của ông Tập đến bây giờ mới thật sự bắt đầu. Việc cắt giảm số lượng các quân khu, thành lập bộ chỉ huy liên hợp chiến trường và lục quân không còn là ưu tiên số một của quân đội ít nhiều sẽ vấp phải sự phản đối trong hàng ngũ tướng lĩnh, bất chấp việc ông Tập đã củng cố quyền lực trong quân đội. McCauley nhận định, giới quân sự Trung Quốc có thể đạt được sự đồng thuận trong kế hoạch cắt giảm quân số, song để tiến tới thành lập một bộ chỉ huy liên hợp chắc chắn sẽ còn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Dưới góc nhìn của các nhà lý thuyết, lịch sử phát triển của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trải qua 3 giai đoạn hiện đại hoá kể từ khi thành lập cho đến nay.

Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ năm 1949 đến giữa những năm thập niên 1980. Đây là giai đoạn Trung Quốc trải qua thời kỳ cuối của cuộc nội chiến, bao trùm cả giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ này PLA được xây dựng chủ yếu nhằm chống lại một cuộc tấn công quy mô diện rộng trên đất liền. Lục quân giữ vai trò chủ chốt và được hỗ trợ bởi không quân, hải quân và lực lượng pháo-tên lửa chiến lược (lực lượng nhị pháo).

Bước sang giai đoạn thứ hai, kéo dài từ giữa những năm 1980 đến giữa thập niên 1990. Hoà bình và phát triển, quan hệ căng thẳng với Liên Xô không còn, nguy cơ về một cuộc tấn công trên bộ diện rộng không còn đã thúc đẩy sự thay đổi tư duy hiện đại hoá quân đội. PLA được xây dựng nhằm đối phó với một cuộc chiến tranh cục bộ, khu vực nhưng đặc biệt nhấn mạnh trong điều kiện công nghệ cao, hiện đại.

Giai đoạn thứ ba kéo dài từ giữa những năm 1990 cho đến nay. Với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại, PLA được định hướng hiện đại hoá có thể giành chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hoá. Với bối cảnh như vậy, PLA bắt đầu cắt giảm quân số và tập trung vào việc xây dựng một đội quân tác chiến mạnh, hiện đại đễ hỗ trợ sức mạnh quốc gia và giành lợi thế trên chiến trường mạng. Trong giai đoạn này, bắt đầu vào năm 1997, PLA cắt giảm 500.000 quân, tiếp theo đó là 200.000 giữa hai năm 2003 và 2005 và hiện tại, năm 2015 là 300.000 quân. Đáng lưu ý là mặc dù liên tục cắt giảm quân số lớn song Trung Quốc vẫn là nước có quân đội lớn nhất thế giới.

Bằng chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập đã loại bỏ ra khỏi quân đội những thành phần cản trở kế hoạch cải tổ và dường như đã đủ sức mạnh để cải tổ PLA một cách mạnh mẽ – điều mà những người tiền nhiệm như ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã không làm được. Tuy nhiên, việc vẫn còn xuất hiện lời kêu gọi lòng trung thành và sự ủng hộ đối với kế hoạch cải tổ của ông Tập cho thấy trong hàng ngũ PLA vẫn còn những thành phần phản kháng hoặc không đồng ý. Một số cải cách có thể sẽ không được tiến hành một cách triệt để. Nhưng nếu nhìn tổng thể, kế hoạch của ông Tập có thể cải tổ PLA một cách sâu rộng, cả về tổ chức lẫn chất lượng.

Và mặc dù kế hoạch cải tổ có thể đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, song giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được đó là điều cần thiết phải làm bởi nguy cơ tụt hậu luôn ám ảnh PLA.

Mặc dù cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít của Trung Quốc đã khép lại từ ngày 03 tháng 9 song vẫn còn xuất hiện một vài ý kiến về ý nghĩa thật sự của cuộc diễu binh hôm đó. Đi ngược lại với luồng ý kiến cho rằng cuộc diễu binh là bức bình phong hướng sự chú ý của người dân và dư luận quốc tế ra khỏi các vấn đề quốc nội, tác giả Zheng Wang khẳng định, ý nghĩa thật sự của cuộc diễu binh là nhằm củng cố hình ảnh của PLA trong mắt người dân cũng như cho thấy sức mạnh và quyết tâm cải tổ quân đội của ông Tập Cận Bình.

Ông Zheng lập luận, thông tin về cuộc diễu binh chính thức xuất hiện kể từ tháng một năm nay và các binh sĩ đã bắt đầu luyện tập kể từ đó. Không có chuyện Bắc Kinh “bất ngờ” tổ chức diễu binh nhằm thu hút sự chú ý ra khỏi các vấn đề quốc nội. Giới lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ biết trước được lại xảy ra một vụ nổ ở Thiên Tân hay thị trường tiền tệ lại rơi vào khủng hoảng. Đơn giản là vì những tổn thất của Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai là quá lớn và việc phát xít bị đánh bại có ý nghĩa quan trọng đối với hoà bình và phát triển cũng như số phận của Trung Quốc. Cũng cần phải nhớ rằng, chủ nghĩa dân tộc là một trong những nguồn sức mạnh lớn của Trung Quốc và Bắc Kinh luôn biết cách làm thế nào để khơi gợi nó.

Từ sau khi cầm quyền năm 2013, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng, bài trừ những thành phần bất hảo ra khỏi bộ máy nhà nước, trong đó có cả quân đội. Hơn 50 tướng lĩnh của PLA đã phải “bỏ mũ ra đi” vì các cáo buộc tham nhũng và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh quân đội trong mắt người dân. Có một điều đặc biệt trong cuộc diễu binh ngày 3 tháng 9, 56 tướng lĩnh PLA cùng với các binh sĩ dưới quyền đã tích cực tham gia hầu hết các buổi luyện tập trước ngày diễu hành. Điều này không mang ý nghĩa nào khác hơn là củng cố tinh thần binh sĩ, đoàn kết nội bộ trong quân đội và gửi một thông điệp đến các quốc gia bên ngoài rằng quân đội Trung Quốc là một đội quân mạnh mẽ, kỷ luật và đoàn kết. Đó còn là thông điệp muốn gửi đến người dân Trung Quốc, rằng quân đội vẫn là hình ảnh tốt trong mắt người dân.

Một số tin vắn đáng chú ý

Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin hôm thứ sáu đã công bố một hợp đồng quốc phòng mới trị giá 428 triệu USD trong vòng 10 năm nhằm hiện đại hoá phần cứng và phần mềm của hệ thống AEGIS trứ danh. Theo Lockheed Martin, một chương trình có tên Ship Integrated & Test (SI&T) “sẽ tích hợp hệ thống AEGIS vào các chiến hạm lớp Arleigh-Burke, cũng như hiện đại hoá các lớp tàu khu trục khác đề phù hợp với phiên bản mới nhất của AEGIS. Trong phiên bản này, các tàu chiến có khả năng “chống đỡ các cuộc tập kích đường không, ví dụ như từ máy bay hay tên lửa hạm. Đồng thời cùng lúc có khả năng định vị và ngăn chặn tên lửa đạn đạo. Đây là hệ thống duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại có khả năng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ như vậy cùng một lúc.

Indonesia dự kiến cắt giảm chi tiêu quốc phòng lần đầu tiên trong vòng năm năm qua, dấy lên nghi ngờ về năng lực hiện đại hoá quân đội của nước này. Mặc dù liên tục gia tăng trong những năm vừa qua, chi tiêu quốc phòng của Indonesia vẫn chỉ chiếm 0,8% GDP nước này vào năm 2014, thấp nhất Đông Nam Á. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng 6,3% cho năm sau là một cú giáng mạnh vào nỗ lực hiện đại hoá quân đội của Jakarta. Lý do cho việc cắt giảm này chủ yếu đến từ sự giảm tốc của kinh tế Indonesia (chỉ tăng trưởng 4,7% vào quý 2 năm nay). Tuy vậy, một số lĩnh vực vấn được ưu tiên đầu tư như mua sắm các loại máy bay chiến đấu, tàu ngầm và ra-đa mới.

Philippines đang tích cực thúc đẩy đối thoại quốc phòng giữa các đối tác khác trong khu vực. Hàn Quốc và Philippines đã đồng ý cùng làm sâu sắc thêm liên kết quân sự giữa hai nước trong thời điểm mà Manila đang mong muốn hiện đại hoá quân đội. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo tới Philippines, hai bên đã ký hiệp định trao đổi thông tin quân sự và sĩ quan, cũng như tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các mối đe doạ an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Philippines cũng chuẩn bị tiến hành hai cuộc tập trận chung với Australia vào cuối năm nay. Australia và Mỹ là hai quốc gia duy nhất cho tới hiện tại ký kết hiệp định viếng thăm quân sự với Manila. Một hiệp ước khác cũng chuẩn bị được ký với Nhật Bản.