Người tị nạn (Refugee)

IRAQ-SECURITY/YAZIDIS

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Hằng

Theo khoản A.2. của Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn năm 1951 (United Nations Convention Relating to the Status of Refugees) thì người tị nạn là người có mối lo sợ chính đáng về việc bị ngược đãi vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hoặc vì mối liên hệ thành viên với một tổ chức xã hội nhất định, theo một quan điểm chính trị nhất định; do đó sinh sống bên ngoài quốc gia mà mình có quốc tịch, và không có mong muốn đặt mình dưới sự bảo vệ của quốc gia này.

Khái niệm về người tị nạn sau đó được mở rộng trong bản Nghị định thư năm 1967 của Hiệp định, bao gồm những người rời bỏ quốc gia của mình vì lý do chiến tranh, xung đột hoặc bạo lực, thảm sát xảy ra tại những nơi này. Khái niệm về người tị nạn đôi khi được mở rộng hơn nữa, bao gồm cả những người sống lưu vong ngay bên trong quốc gia của mình. Những người này được gọi là “những người bị thay đổi nơi sinh sống trong nước” (internally displaced persons – IDP).

UNHCR
UNHCR được thành lập ngày 14/12/1950, hiện có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sỹ.  Cơ quan này của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ cho người tị nạn trên thế giới nhằm đảm bảo những nhu cầu và quyền lợi cơ bản của họ, tìm ra giải pháp giúp đỡ những người tị nạn hồi hương hoặc tái định cư tại một quốc gia nhất định.

Kể từ năm 2001, ngày 20/06 hàng năm được UNHCR lấy làm Ngày Người Tị nạn Thế giới (World Refugee Day), nhằm nâng cao nhận thức, mối quan tâm và sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới đối với số phận của hàng chục triệu người tị nạn trên toàn cầu.

Giải pháp cho người tị nạn được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (The United Nations High Commissioner for Refugees) gọi tắt là UNHCR đưa ra bao gồm khuyến khích người tị nạn hồi hương tình nguyện về quốc gia gốc của mình; hòa nhập vào quốc gia mà họ đang tị nạn; hoặc tái định cư ở một quốc gia thứ ba.

Người tị nạn là một trong những vấn đề nhân quyền cần được quan tâm của thế giới. Con số người tị nạn trên toàn cầu đã đạt đến mức hàng chục triệu người và vẫn không ngừng tăng lên. Năm 2007 là năm cao kỷ lục về số người tị nạn mà UNHCR đã trợ giúp: 25,1 triệu người. Sau 5 năm liên tục từ 2001-2005 số người tị nạn trên toàn cầu được giảm, thế giới đã chứng kiến sự tăng mạnh trở lại của số người tị nạn trong những năm tiếp theo. Tính đến hết năm 2007, có tổng cộng 11.4 triệu người tị nạn bên ngoài quốc gia của mình, và 26 triệu người tị nạn ngay bên trong quốc gia đó bởi nguyên nhân xung đột, thảm sát hoặc chiến tranh.

Nguyên nhân của sự gia tăng đột biến này là do hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq. Những người tị nạn đến từ 2 quốc gia này chiếm gần một nửa tổng số người tị nạn trên toàn thế giới được UNHCR trợ giúp trong năm 2007. Cụ thể, đa số người tị nạn đến từ các quốc gia sau: Afghanistan (khoảng 3 triệu người, tị nạn chủ yếu ở Pakistan và Iran); Iraq (Khoảng 2 triệu người, chủ yếu tị nạn ở Syria và Jordan); Colombia (552.000 người); Sudan (523.000 người); và Somali (457.000 người).

Người tị nạn thường tập trung sống trong các trại tị nạn, là những trại do chính phủ các quốc gia tiếp nhận hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGO) xây dựng. Những người tị nạn sống tại đây được nhận trợ giúp cơ bản về lương thực, hỗ trợ về các nhu cầu y tế, sức khỏe, cho đến khi họ có điều kiện quay trở lại quê hương, hoặc có điều kiện hòa nhập vào đời sống xã hội bên ngoài. Nhiều trường hợp trong thực tế, do chiến tranh, xung đột hoặc thảm họa kéo dài, những người tị nạn sau nhiều năm vẫn không thể trở về và có cuộc sống an toàn ở quê hương, khi đó, họ sẽ được thu xếp để tái định cư ở một quốc gia thứ ba, thường là cách xa biên giới quốc gia gốc của mình. Tuy nhiên, việc thu xếp tái định cư không đơn giản, chính vì vậy trên thực tế cuộc sống của những người tị nạn thường kéo dài trong các trại tị nạn với sự thiếu thốn nghiêm trọng về các nhu cầu vật chất cơ bản, không có quyền lợi, họ thường trở thành nạn nhân của bạo lực và bạo hành tình dục, tham gia vào các đội quân khủng bố, hoặc chết vì bệnh tật.

Trên toàn cầu, có khoảng 20 quốc gia thành lập các trại tị nạn và chấp nhận một mức độ nhất định người tị nạn đến cư trú và tái định cư tại đất nước của mình. Trong số đó, những quốc gia chấp nhận nhiều người tị nạn nhất bao gồm: Mỹ, Nam Phi, Thụy Điển, Pháp, Anh, Canada, và Hy Lạp. Người tị nạn được chấp nhận phần lớn là những người tị nạn chiến tranh, mà trong những năm gần đây chủ yếu đến từ các nước như Iraq, Afghanistan, Sudan, Somalia, Iran và các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ.

Bên cạnh đó, thế giới không thể không ghi nhận vai trò của các quốc gia đang phát triển. Trong khi các nước phát triển có những hỗ trợ lớn về kinh phí và chiến lược trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn của thế giới, hoặc đóng vai trò như các quốc gia tiếp nhận người tị nạn đến tái định cư, thì đại đa số người tị nạn lại đang cư trú tị nạn tại các quốc gia đang phát triển vốn là các quốc gia láng giềng của đất nước họ. Danh sách các quốc gia đang phát triển tiêu biểu tiếp nhận người tị nạn bao gồm: Bờ Tây và Dải Gaza, Jordan, Libăng, Syria, Chad, Congo-Brazzaville, Ecuador, Tanzania, Iran, Cộng hòa Síp, Ảrập Xêút, Kenya, Serbia, Pakistan, Nepal, Thái Lan, Ai Cập,…

Dù cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhưng số người tị nạn được tái định cư ở một nước thứ ba và có cuộc sống ổn định chiếm ít hơn 1% tổng số người tị nạn trên toàn thế giới. Tính đến hết năm 2007, chỉ có 75,300 người tị nạn được tái định cư ở 14 quốc gia, bao gồm: Mỹ (48.300 người), Canada (11.200 người), Australia (9.600 người), Thụy Điển (1.800 người), Na Uy (1.100 người) và New Zealand (740 người).

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]