Can thiệp nhân đạo (Humanitarian intervention)

Print Friendly, PDF & Email

249733121_72980d6353_z

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Hằng

Cho đến nay, trong nghiên cứu quốc tế đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề can thiệp nhân đạo, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho thuật ngữ này. Theo định nghĩa được đại đa số các quốc gia chấp nhận thì can thiệp nhân đạo là hành động đơn phương của một quốc gia mà không có sự thông qua của cộng đồng quốc tế, hoặc là hành động của nhiều quốc gia hoặc một liên minh thực hiện theo nghị quyết của một tổ chức quốc tế đa phương như Liên Hiệp Quốc, liên quan đến việc sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của một quốc gia khác mà không có sự chấp thuận của chính phủ nước sở tại, với mục đích ngăn chặn và chấm dứt sự vi phạm nghiêm trọng và trên diện rộng quyền con người hay luật nhân quyền quốc tế mà quốc gia bị can thiệp thực hiện đối với công dân của chính nước đó.

Vì vậy can thiệp nhân đạo là biện pháp mang tính chất cưỡng bức, áp đặt nhằm ép buộc nước bị can thiệp phải chấp nhận những điều kiện nhất định nào đó. Các nước thực hiện can thiệp nhân đạo sẽ chỉ hạn chế phạm vi hoạt động của mình vào mục đích chấm dứt và ngăn chặn các sự vi phạm nói trên, không nhằm vào mục đích mở rộng ảnh hưởng của mình tại nước chịu can thiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hành động can thiệp nhân đạo còn bao gồm cả những biện pháp phi quân sự như kinh tế, chính trị, và ngoại giao.

Các tiêu chí để xem xét xem liệu một cuộc can thiệp quan sự có thể được gọi là “can thiệp nhân đạo” hay không khá đa dạng, bao gồm:

    • Tình trạng, mức độ vi phạm nhân quyền của quốc gia bị can thiệp;
    • Quy mô của các chiến dịch quân sự thuộc hoạt động can thiệp;
    • Mục tiêu của các hoạt động quân sự can thiệp (hướng vào việc ngăn chặn thảm họa nhân đạo, bảo vệ nhân mạng hơn là việc xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng của quốc gia tiến hành can thiệp);
    • Lực lượng quân sự tham gia can thiệp nhân đạo thuộc nhiều quốc gia khác nhau, mang tính đa phương, hay là quân đội của một quốc gia nhất định;
    • Có nhận được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương hay không;
    • Can thiệp vũ lực có phải là biện pháp bắt buộc cuối cùng sau khi những biện pháp phi quân sự khác đã tỏ ra không có hiệu lực hay không.

Tuy nhiên, một hoạt động quân sự có được coi là “can thiệp nhân đạo”, vì mục tiêu nhân đạo hay không vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Xét về mặt lý luận, can thiệp nhân đạo là các hoạt động vì mục đích bảo vệ sinh mạng của con người và các quyền cơ bản của con người trong các “thảm họa nhân đạo”. Tuy nhiên, xét về mặt thực tiễn, hiếm có quốc gia nào thực hiện can thiệp nhân đạo khi không thu được lợi ích gì. Các nước tiến hành can thiệp nhân đạo thường nhằm đạt được những mục đích nhất định, hoặc chí ít là để mở rộng ảnh hưởng của quốc gia mình trên bản đồ chính trị thế giới. Không thể phủ nhận can thiệp nhân đạo vốn mang ý nghĩa nhân đạo và tích cực, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, can thiệp nhân đạo đã trở thành công cụ hiệu quả để một nước này can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác, vi phạm chủ quyền quốc gia, nhằm phục vụ mục đích và ý đồ chính trị riêng của mình.

“Hỗ trợ nhân đạo”
Hỗ trợ nhân đạo khác với Can thiệp nhân đạo. Hỗ trợ nhân đạo là các hoạt động cung cấp sự trợ giúp khẩn cấp về lương thực, thuốc men, quần áo,.. và các vật dụng, dịch vụ cần thiết khác cho nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, hoặc các thảm họa nhân đạo do con người gây ra.

Sau Chiến tranh Lạnh, vấn đề dân chủ và nhân quyền ngày càng được Mỹ và các nước phương Tây quan tâm và nhấn mạnh trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, khái niệm về chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm không còn mang tính tuyệt đối như trong thời kỳ trước đó. Hợp tác kinh tế và các vấn đề toàn cầu như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh con người,.. đã làm cho biên giới giữa các quốc gia bị xóa mờ, các quốc gia buộc phải hợp tác với nhau nhiều hơn.

Chính vì vậy, tình hình quốc tế ngày càng thuận lợi cho sự can dự và các cuộc can thiệp nhân đạo của các nước phương Tây vào những trường hợp được gọi là “khủng hoảng nhân đạo” đa phần xảy ra ở các nước nghèo đang phát triển. Năm trường hợp can thiệp nhân đạo tiêu biểu nhất trong những thập niên gần đây bao gồm: các hoạt động can thiệp của Liên Hiệp Quốc ở Iraq năm 1991, Mỹ và Liên Hiệp Quốc ở Somalia năm 1992, Rwanda năm 1994, hoạt động của Liên Hiệp Quốc và NATO ở Bosnia năm 1995, và ở Kosovo năm 1999.

Vấn đề về tính pháp lý của can thiệp nhân đạo cũng là một điểm lý thú gây tranh luận trong giới nghiên cứu. Một mặt, can thiệp nhân đạo bị xem như hành động đi ngược lại nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực đối với quốc gia có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ và mục đích tồn tại của Liên Hiệp Quốc là để gìn giữ ổn định trên thế giới và bảo vệ nhân mạng con người.

Về hình thức, can thiệp nhân đạo trong quan hệ quốc tế chủ yếu được thực hiện dưới hai biện pháp: sử dụng quân sự và phi quân sự. Mặc dù, như định nghĩa nêu trên, việc can thiệp nhân đạo thường gắn liền với việc sử dụng vũ lực, nhưng thực tế các quốc gia vẫn sử dụng các biện pháp phi quân sự nhằm gây sức ép và can thiệp vào các quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hoặc gây ra các thảm họa nhân đạo. Can thiệp nhân đạo phi quân sự thường được sử dụng dưới các biện pháp như cấm vận, đặc biệt là cấm vận kinh tế và cấm vận vũ khí, cô lập ngoại giao, gây áp lực chính trị, phong tỏa tài khoản của các nhà lãnh đạo, các tổ chức hoặc của quốc gia bị can thiệp.

Trong khi đó, can thiệp nhân đạo bằng quân sự là việc sử dụng vũ lực thông qua các lực lượng quân sự nhằm buộc chính phủ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền phải chấm dứt các vi phạm, thậm chí các cuộc can thiệp còn có thể dẫn tới việc lật đổ và thay thế chính phủ đó bằng một chính phủ khác. Yếu tố nhân đạo được coi là điểm cốt lõi và là mục đích, ý nghĩa của các hoạt động quân sự này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dùng vũ lực để can thiệp nhân đạo đã làm tổn hại đến nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 2018).