Phong tỏa (Blockade)

Print Friendly, PDF & Email

tumblr_m08noc4ZI51r6y3vao1_1280

Tác giả: Trương Thanh Nhã

Phong tỏa là một hành động mang tính chất thù địch nhằm tiêu hao sinh lực đối phương bằng vũ lực để đạt được những thỏa thuận, lợi ích về mặt kinh tế hay chính trị. Đến cuối thế kỷ 19, hình thức phong tỏa trong chiến tranh đã trở thành một luật tục được chấp nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.

Ngay từ khi các quốc gia xuất hiện và nảy sinh xung đột, bên cạnh hình thức chiến tranh, các quốc gia cũng sử dụng hình thức phong tỏa để triệt tiêu nguồn cung cấp lương thực cho thành lũy đối phương nhằm giành được các mục đích kinh tế hay chính trị mà không phải tiến hành các cuộc chiến tranh hao người tốn của. Việc phong tỏa này ban đầu đối với các thành lũy đơn lẻ chỉ được xem là những cuộc vây hãm bằng lực lượng quân sự nhất định. Về sau, khi quan hệ quốc tế ngày càng phát triển, hình thức vây hãm thành lũy phát triển trở thành hình thức phong tỏa trên bình diện quốc gia.

Đất liền phong tỏa biển khơi
Đây là một chiến lược đặc biệt trong lịch sử chiến tranh do Napoleon nghĩ ra nhằm bao vây, cô lập nước Anh. Ông tiến hành xây dựng nên liên minh các quốc gia lục địa bằng các cuộc chinh phạt và cấm các quốc gia này buôn bán với nước Anh sau thất bại của Pháp trước các hạm đội hùng mạnh của Anh. Chiến lược này thất bại do Anh sở hữu một hệ thống thuộc địa rộng lớn đủ sức hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước. Sự thất bại của chiến lược này cũng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của biển trong chiến tranh và trong quan hệ quốc tế

Ngay từ thời cổ đại, việc phong tỏa kinh tế một thành bang hay một quốc gia đã cho thấy vai trò của việc phong tỏa đường biển bằng hạm đội. Các cuộc phong tỏa trên đất liền thường không đạt được hiệu quả như mong đợi. Lý do là việc giao thương bằng đường thủy đem lại khả năng chuyên chở lớn hơn nhiều so với hình thức vận tải bằng đường bộ nên hầu hết các tuyến đường mua bán lớn đều là các tuyến giao thông đường thủy. Trong cuộc chiến tranh Peloponnese lần thứ hai, quân đội Sparta đã phong tỏa các tuyến đường bộ của Athens nhưng thất bại. Phải đến khi thủy quân Sparta phong tỏa được các tuyến đường thủy của Athens, cắt đứt nguồn vận chuyển lương thực thì Athens mới chính thức đầu hàng.

Cuộc phong tỏa Berlin
_71750_berlin_divides300
Sự phân chia của Berlin sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (Nguồn: BBC)

Đây là cuộc phong tỏa đường bộ lớn nhất trong lịch sử khi Liên Xô phong tỏa các tuyến đường giao thông đến Tây Berlin từ tháng 6 năm 1948 đến tháng 5 năm 1949. Mỹ, Anh và Pháp phải tổ chức các cầu hàng không nhằm tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho khu vực này trong suốt thời gian bị phong tỏa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, máy bay được sử dụng để chống lại các cuộc phong tỏa và đạt được kết quả khả quan. Cuộc phong tỏa kết thúc khi các cường quốc Tây Âu chấp nhận đàm phán với Liên Xô vào năm 1949.

Các hình thức phong tỏa

Phong tỏa tầm gần: là việc sử dụng lực lượng hải quân áp sát các bến cảng quan trọng của đối phương, ngăn chặn việc giao thương của thành phố hay quốc gia đó ngay từ bến cảng. Hình thức này đặc biệt khó khăn khi phải duy trì một hạm đội liên tục ở một vị trí, xa rời các khu tiếp tế và dễ rơi vào tầm tấn công quấy phá của lực lượng bị phong tỏa. Chẳng hạn như trong cuộc chiến tranh năm 1812 giữa Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và Đế chế Anh, hải quân Hoa Kỳ sử dụng những chiến thuyền nhỏ liên tục quấy phá các hạm thuyền phong tỏa hải cảng của hạm đội Anh, dẫn đến sự thất bại của chiến dịch phong tỏa này. Chính vì thế nên hình thức này về sau càng ít được áp dụng mà thay bằng biện pháp phong tỏa tầm xa.

Phong tỏa tầm xa: là hình thức sử dụng hạm đội cắt đứt các tuyến đường trên biển từ xa mà không cần áp sát các cảng biển của đối phương. Hình thức này dần trở nên phổ biến trong thời kỳ cận và hiện đại khi các lực lượng hải quân ngày càng có tính cơ động cao, khả năng đánh chặn và rút lui nhanh chóng. Tuy nhiên, hình thức này lại có yếu điểm là dễ bị phục kích và đánh chặn, hơn nữa các tuyến đường biển khá nhiều nên việc không bám sát các tuyến này dễ để lọt các thương thuyền đi qua khiến cho chiến dịch phong tỏa mất tác dụng. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, hải quân Đức đã sử dụng lực lượng tàu ngầm U-boat phong tỏa các tuyến buôn bán đường biển của Anh nhưng không thực sự thành công do thường xuyên bị phục kích và lực lượng phong tỏa cũng quá mỏng để có thể chặn toàn bộ tuyến đường buôn bán trên Đại Tây Dương của Anh. Trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba, Mỹ cũng đã dùng lực lượng hải quân để tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Cuba, bất cứ tàu thuyền nào tới Cuba đều phải chịu sự kiểm tra của các chiến hạm Mỹ, nếu chống lệnh sẽ bị bắn chìm. Lệnh phong  tỏa này đã gây áp lực lớn lên Cuba và Liên Xô, góp phần dẫn tới những nhượng bộ từ phía hai nước này và giúp cuộc khủng hoảng được tháo ngòi sau đó.

“Phong tỏa” trong các công ước quốc tế

Vào nửa cuối thế kỷ 19, do tính chất phổ biến của biện pháp phong tỏa trong chiến tranh, biện pháp này được các quốc gia Châu Âu chính thức hóa trở thành một trong những biện pháp hợp pháp trong chiến tranh qua Tuyên bố Paris năm 1856 và Tuyên bố Luân Đôn năm 1909 về chiến tranh. Trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chương VII về thẩm quyền của Hội đồng Bảo an cũng cho phép các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sử dụng bất cứ biện pháp nào (kể cả biện pháp phong tỏa) để đảm bảo an ninh nếu được sự đồng thuận của Hội đồng theo điều 51 để tự vệ cho đến khi Hội đồng Bảo an có một giải pháp cho vấn đề đó.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Hình: Máy bay Mỹ hạ cánh tại sân bay Tempelhof trong cuộc không vận nhằm đối phó với việc Liên Xô phong tỏa Berlin. Nguồn: Tumblr.com.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]