Tác giả: Nguyễn Thành Trung
Phong trào không liên kết (Non-Aligned Movement – NAM) là một tập hợp bao gồm các quốc gia tự xem là không liên kết với hay chống lại khối xã hội chủ nghĩa lẫn khối tư bản chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh. Những nhà lãnh đạo được coi là đồng sáng lập Phong trào không liên kết bao gồm Thủ tướng Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser, Thống chế Josip Broz Tito của Nam Tư, Tổng thống Sukarno của Indonesia, và Tổng thống Kwame Nkrumah của Ghana.
Mặc dù cho đến năm 1961 Phong trào mới chính thức được thành lập ở Belgrade (Nam Tư cũ) nhưng nguồn gốc của Phong trào xuất phát từ Hội nghị thượng đỉnh Á Phi tổ chức ở Bandung, Indonesia vào tháng 04 năm 1955. Dưới sự dẫn dắt của thủ tướng Ấn Độ Nehru, người tin rằng các quốc gia châu Á và châu Phi nên xây dựng liên minh đoàn kết chống lại chủ nghĩa đế quốc mới, các nhà lãnh đạo của 29 nước đã gặp nhau ở Hội nghị Á-Phi, tuyên bố áp dụng chính sách trung lập và thúc đẩy phong trào phi thực dân hóa. Ở hội nghị này, các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba cũng chia sẻ những vấn đề chung khác như chống lại sức ép của các quốc gia lớn, duy trì độc lập, chống lại chủ nghĩa thực dân và thực dân mới, đặc biệt là sự thống trị của phương Tây.
Không liên kết |
Từ “Không liên kết” được sử dụng lần đầu tiên bởi Thủ tướng Ấn Độ Nehru trong bài phát biểu của ông ở Hội nghị Colombo, Sri Lanka vào năm 1954 khi ông miêu tả năm nguyên tắc cho quan hệ Trung-Ấn. Khái niệm “không liên kết” được dùng để miêu tả chính sách đối ngoại của của các quốc gia từ chối không liên kết với hay chống lại bất kỳ khối chính trị nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và theo đuổi đường lối độc lập trong chính trị quốc tế. Không liên kết cũng có thể được định nghĩa là không tham gia liên minh quân sự với bất kỳ quốc gia nào trong Chiến tranh Lạnh: khối phương Tây do Mỹ lãnh đạo hay khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu. Chính sách không liên kết vì vậy được cho là giúp các quốc gia này không bị vướng vào cuộc xung đột giữa hai khối trong Chiến tranh Lạnh. |
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình được coi là nền tảng của Phong trào không liên kết bao gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; (2) không xâm lược lẫn nhau; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) bình đẳng và cùng có lợi; (5) cùng tồn tại hòa bình.
Mục tiêu của Phong trào được ghi rõ trong Tuyên bố Havana 1979, bao gồm việc bảo đảm “độc lập và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” trong “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả hình thức xâm lược, chiếm đóng, thống trị, can thiệp hay bá quyền nước ngoài.” Tính trung lập của các quốc gia không liên kết có thể tạo cho họ sức ảnh hưởng về mặt ngoại giao trong Chiến tranh Lạnh khi họ có thể đóng vai trò hòa giải giữa các cường quốc và đóng góp trực tiếp cho mục đích hòa bình.
Phần lớn thành viên của tổ chức này là các quốc gia nằm ở châu Phi và châu Á, và chiếm đa số trong Liên Hiệp Quốc. Từ khi thành lập, Phong trào không liên kết cố gắng tạo ra một con đường độc lập trên vũ đài chính trị thế giới, tránh trở thành con tốt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn. Điều này đã dẫn đến một giai đoạn dài trong lịch sử Chiến tranh Lạnh Phong trào bị ảnh hưởng bởi căng thẳng toàn cầu gây nên bởi thế đối đầu giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh không phải là vấn đề duy nhất trong chương trình nghị sự của Phong trào. Một cái nhìn sơ lược về lịch sử Phong trào cho thấy có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Phong trào đối với các vấn đề quốc tế. Đó là quyền tự quyết, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới, và việc duy trì chính sách trung lập trong quan hệ với tất cả các nước lớn.
Hiện nay thành viên của Phong trào không liên kết chiếm gần 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc và 55% dân số thế giới. Tính đến năm 2011, Phong trào có 118 quốc gia thành viên và 20 quốc gia mang tư cách quan sát viên. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, dẫn đến việc kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà chỉ trích đã đặt dấu hỏi về mục đích tồn tại và sự vững bền của Phong trào không liên kết. Chính vì vậy Phong trào đã buộc phải tự điều chỉnh mình và đề ra mục tiêu mới trong hệ thống thế giới hiện tại.
Hiện nay, Phong trào không chỉ tập trung vào những tôn chỉ hoạt động ban đầu mà còn hướng đến việc tái cấu trúc trật tự kinh tế quốc tế, và tập trung vào các thách thức kinh tế xã hội đối với các quốc gia thành viên, đặc biệt là sự bất bình đẳng trong thời kỳ toàn cầu hóa. Phong trào không liên kết cũng xác định kinh tế kém phát triển, nghèo đói, và mất công bằng xã hội là những mối đe dọa ngày càng tăng đối với hòa bình và an ninh thế giới ngày nay.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]