Tác giả: Nguyễn Hữu Tráng
Thủ tướng Đức, Tiến sĩ Angela Merkel, có lẽ là người phụ nữ đặc biệt trên chính trường quốc tế thế kỷ 20, 21 và là người đi vào lịch sử thế giới, lịch sử châu Âu như một Lãnh đạo thực thụ.
Những kỷ lục
Bà Merkel đặc biệt không phải chỉ vì bà là nữ Chủ tịch đầu tiên của Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) vốn có tiếng là đảng bảo thủ truyền thống ở Đức và giữ chức vụ Thủ tướng Đức liên tục từ năm 2005 đến nay. Bà Merkel còn là người giữ nhiều kỷ lục, nổi bật như 38 tuổi bà làm Bộ trưởng Phụ nữ và thanh niên, 40 tuổi làm Bộ trưởng Môi trường, 44 tuổi làm Tổng thư ký CDU, 46 tuổi Chủ tịch CDU và 3 nhiệm kỳ liên tục làm Thủ tướng.
Bà là phụ nữ Đông Đức duy nhất không những trưởng thành trong hệ thống chính trị mới sau thống nhất năm 1990, mà còn trở thành một chính khách thành công nhất ở Đức từ trước đến nay. Bà là lãnh tụ không có đối thủ ở đất nước có môi trường chính trị khắc nghiệt nhất châu Âu hiện tại.
Điều đặc biệt khác nữa ở bà Merkel là trong môi trường bảo thủ của CDU, xu hướng cơ đốc giáo là chủ đạo nhưng bà xuất thân là con của một mục sư tin lành và sống trong môi trường tin lành từ nhỏ đến khi trưởng thành. Hơn nữa, những giá trị “bảo thủ” như gia đình, con cái rất được coi trọng trong CDU thì bà lại qua “hai lần đò”, không con cái và hầu như không có thời gian dành cho gia đình.
“Ngược dòng” như vậy nhưng bà có được lòng tin gần như tuyệt đối (cho đến gần đây) của hầu hết đảng viên CDU và cả “đảng chị em” CSU cũng như của cử tri Đức. Nhiều cử tri Đức “chán ngấy” CDU và muốn thay đổi nhưng lại bỏ phiếu cho đảng này chỉ vì họ yêu thích bà Merkel. “Muốn bà Merkel làm Thủ tướng thì phải bầu CDU”, đây đã từng là khẩu hiệu tranh cử của CDU. Trong 11 năm làm người đứng đầu Chính phủ bà có thể liên minh được với hầu hết các đảng phái chính trị trong Nghị viện Đức, từ Đảng Dân chủ xã hội (SPD), đến Đảng dân chủ tự do (FDP).
Thích ứng nhanh, chiến thuật điêu luyện
Điều gì làm nên một Angela Merkel như vậy? Thật khó để trả lời. Trong một bài báo viết năm 2015 khi Tạp chí Time của Mỹ phong bà Merkel là người phụ nữ của năm, nhà báo Michael Kappeler của Hãng thông tấn Đức DPA viết: “Điều gì về Angela Merkel còn lại trong kỷ niệm một khi bà không còn làm Thủ tướng nữa? Phải chăng đó là một nữ chính khách có khả năng thích ứng đáng ngạc nhiên, rất tự tin về quyền lực nhưng lại rất tĩnh tâm và có chiến thuật điêu luyện làm thay đổi đất nước một cách ít ồn ào nhất”.
Với phong cách đó, bà đã giúp nước Đức lấy lại vị trí số một ở châu Âu cả về kinh tế và chính trị, trở thành thủ lĩnh của “thế giới tự do” của phương Tây và thế giới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và tỷ phú George Soros đã từng ca ngợi, không có Đức, châu Âu không thể giải quyết được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, dù đó là khủng tài chính, kinh tế hay khủng hoảng tị nạn.
Bà Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg, cha bà là mục sư tin lành. Gia đình bà sau đó đã chuyển từ Tây Đức sang sinh sống ở Đông Đức. Ở Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức bà học đại học chuyên ngành hóa ở Đại học Các-Mác, Leipzig.
Bà Merkel khi còn nhỏ. |
Khác với những học sinh xuất thân từ các gia đình mục sư khác, Angela tích cực tham gia sinh hoạt tập thể, gia nhập Đội thiếu niên và sau đó là Đoàn thanh niên tự do Đức (FDJ). Bà từng làm Phó Bí thư đoàn trường phổ thông. Vì học rất giỏi và tích cực tham gia những hoạt động xã hội nên năm lớp 10, bà Angela được thưởng Huy chương bạc Lessing. Trong một hoạt động ủng hộ Việt Nam do FDJ nhà trường tổ chức, bà Merkel – Phó Bí thư FDJ đã hát bài “Quốc tế ca” bằng tiếng Anh (hồi đó bị coi là tiếng của kẻ thù) và đọc bài thơ của Christian Morgenstein với ý nghĩa là vượt qua giới hạn của bức tường Đông-Tây. Cũng vì hành động này mà cô học trò Angela suýt bị đuổi học nếu không có ông bố mục sư quan hệ tốt với chính quyền xin cho.
Cho đến khi làm việc ở Viện hóa lý thuộc Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức ở Adlerhof (Berlin), Angela Merkel vẫn tích cực tham gia các hoạt động của FDJ, làm đến Phó Bí thư đoàn của Viện, phụ trách tư tưởng và tuyên truyền.
Môi trường giáo dưỡng của gia đình tác động khá nhiều đến suy nghĩ của Angela Merkel từ khi còn nhỏ cho đến mãi sau này. Bố của bà tôn trọng cuộc sống ở CHDC Đức hồi đó, cố gắng làm trung gian giữa tôn giáo và chính trị, không để tôn giáo can thiệp chính trị nhưng cũng không muốn chế độ Cộng sản ở Đông Đức tác động tiêu cực đến hoạt động tôn giáo, nhất là Tin lành và Thiên chúa.
Cho đến biến cố chính trị ở Đức những năm 1989-1990, Angela Merkel vẫn tin có thể thay đổi được xã hội ở CHDC Đức bằng cách duy trì chủ nghĩa xã hội nhưng dân chủ hóa nó. Giữa những năm đó, bà tham gia phong trào dân chủ ở Đông Đức trong tổ chức “Demokratie Aufbruch” (DA- Thức tỉnh dân chủ) mà mục tiêu ban đầu của tổ chức này là dân chủ hóa xã hội CHDC Đức nhưng duy trì sự tồn tại của hai nhà nước Đức.
Trong Chính phủ cuối cùng của Thủ tướng Lothar de Maizierre, bà Merkel được cử giữ chức Phó phát ngôn Chính phủ. Cũng chính ở cương vị này, khả năng của bà mới được bộc lộ và chú ý. Năm 1990 Đảng DA sát nhập với Đảng CDU Đông Đức và sau này CDU Đông Đức lại sát nhập vào CDU Tây Đức. Bà Merkel lúc đó được Thủ tướng Lothar de Maizierre giới thiệu với Thủ tướng Helmut Kohl. Sau tổng tuyển cử thống nhất và thành lập Chính phủ CHLB Đức mới (tháng 10/1990) bà tham gia Chính phủ thống nhất với cương vị Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên. Dư luận trong Đảng và ngoài xã hội coi Angela Merkel là “con cưng chính trị” của ông Helmut Kohl và bản thân bà Merkel cũng coi ông Kohl như là “Ziehvater” – cha đỡ đầu về chính trị của mình.
Bước ngoặt chính trị của bà Merkel có lẽ thực sự bắt đầu khi năm 1998 bà được Chủ tịch CDU Schäuble lúc đó cử làm Tổng Thư ký Đảng. Năm 1999 xảy ra “scandal” liên quan đến Chủ tịch danh dự CDU Helmut Kohl. Tổng thư ký Merkel đã quay ra quy tội cho “cha đỡ đầu”, gây ra thất bại của Đảng. Không mất uy tín thêm nữa, Đảng cần phải chính thức “chia tay” với cái bóng khổng lồ của Chủ tịch danh dự để “đi bằng đôi chân của mình”.
Đây được coi là cú huých đưa bà lên nắm chức Chủ tịch CDU năm 2000 và sau đó là chức Thủ tướng Liên bang vào năm 2005. Mặc dù sau vụ này bản thân cựu Thủ tướng Helmut Kohl “từ mặt” người “học trò” Merkel, nhưng bản thân CDU lại được lợi và cầm quyền liên tục từ hơn mười năm nay. Có người nói Angela Merkel bản tính mềm mại, có lúc duy tình nhưng khi cần cũng có thể “rắn” và có những quyết định táo bạo mà không cần để ý những ý kiến quanh mình.
Nước mắt người tị nạn và nhà chính trị có tâm
Thời điểm Thủ tướng Merkel quyết định nhận những người tị nạn Syria tháng 9 năm ngoái cũng tình nhiều hơn lý. Bà nói, khi nhìn những người tị nạn, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em vật vã ở Budapest, Hungary không biết đi đâu, về đâu, bà đã quyết định nhận họ sang Đức.
Một người tị nạn giữ chặt tấm ảnh của bà Merkel. |
Lúc đó, trong đầu Thủ tướng Đức là hình ảnh của dòng tị nạn chiến tranh trong Thế chiến II do Đức gây ra với châu Âu, là dòng người dân Đông Đức lũ lượt rời bỏ cộng sản Đông Đức (DDR) trong chiến tranh lạnh được các nước khác cưu mang. Quyết định này được coi là đã chính thức “kích hoạt” dòng người tị nạn tràn vào châu Âu đến mức không kiểm soát được.
Người ta đánh giá cao và ca ngợi bà Merkel về quyết định nhân đạo có một không hai này, nhưng cũng trách bà là đến nay không có một “đề án tổng thể” xử lý hậu quả của nó. Các nước châu Âu trách bà không trao đổi trước với họ mà tự ý mở cửa biên giới Schengen cho nhập cư bất hợp pháp. Người dân Đức thất vọng vì để tình hình rơi vào mất kiểm soát. Điều họ lo ngại không hẳn vì người tị nạn đến Đức đông quá mức chịu đựng bởi một nước mạnh như Đức thừa khả năng đón nhận số lượng lớn người nhập cư, mà là Chính phủ không kiểm soát được dòng người này. Tâm trạng “không biết ai đang vào nhà mình” với những câu hỏi như có phải chỉ người tị nạn Syria hay cả những người nước khác, có lẫn các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), các thành phần tội phạm luôn thường trực trong tâm trí đa số người dân Đức.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/3 có bàn về vấn đề người tị nạn vừa qua không mang lại kết quả như mong muốn vì nước nào hầu như cũng chỉ nghĩ đến khó khăn của nước mình. Trong số các nhà lãnh đạo EU, chỉ duy nhất Thủ tướng Angela Merkel còn nghĩ đến tương lai châu Âu, muốn tìm mọi biện pháp để cứu EU trước nguy cơ tan rã nhãn tiền hiện nay. Cũng tại Hội nghị này những lời chỉ trích nhằm vào Đức và Thủ tướng Merkel đã giảm đi trông thấy. Điều này cho phép hy vọng dưới sự “lãnh đạo” của thủ lĩnh Merkel châu Âu sẽ sớm ra khỏi cuộc khủng hoảng di cư này. Một số nhà bình luận đã dự báo, nước Đức sẽ bước ra mạnh mẽ hơn trước khủng hoảng.
Dù năm tới sau khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba của mình, bà Merkel có làm tiếp nhiệm kỳ thứ tư hay không, thì bà vẫn đi vào lịch sử thế giới, lịch sử châu Âu như một Lãnh tụ thực thụ.
Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin (1982), Thạc sĩ luật tại Đại học Tổng hợp Ruprecht- Karls, Heidelberg, CHLB Đức (1990), nguyên là Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (2011-15) và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (2007-11).
Bài viết được đăng lần đầu trên trang Thế giới và Việt Nam.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]