Phương thức ASEAN (ASEAN Way)

aseanway

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được chính thức thành lập tại Bangkok vào ngày 08 tháng 08 năm 1967 với mục đích chính là thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế, và rộng hơn là hợp tác trong tất cả các lĩnh vực có mối quan tâm chung. Sự ra đời của ASEAN cũng là mong ước chung của năm quốc gia sáng lập (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines) nhằm tạo ra một cơ chế ngăn chặn chiến tranh và giải quyết xung đột.

Các quốc gia thành viên ASEAN bình đẳng, có tiếng nói tương đương nhau trong các quyết định của Hiệp hội. Tuy nhiên, ASEAN cho thấy sự phức tạp trong hành vi ứng xử do sự khác biệt nhau quá lớn giữa các quốc gia thành viên về quy mô dân số và lãnh thổ, trình độ phát triển kinh tế, hệ thống chính trị hay bản sắc văn hóa dân tộc. Chính do sự đa dạng và khác biệt này, các quốc gia nhỏ hơn trong ASEAN e ngại việc bị các thành viên hùng mạnh hơn áp đặt các biện pháp cưỡng chế thông qua ASEAN. Đây cũng chính là một cơ sở quan trọng dẫn đến sự hình thành những quy tắc ứng xử giữa các quốc gia thành viên thường được biết đến dưới tên gọi chung là Phương thức ASEAN.

Nguồn gốc từ “Phương thức ASEAN”
Nguồn gốc của từ “Phương thức ASEAN” (ASEAN Way) vẫn còn mơ hồ. Tướng Ali Moertopo, viên chức tình báo cao cấp của Indonesia, là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên ở ASEAN sử dụng từ này vào năm 1974 khi ông cho rằng thành công của ASEAN là do “hệ thống tham vấn trong hầu hết công việc” mà ông gọi là Phương thức ASEAN. Estrella Solidum, một học giả người Philippines được cho là người đầu tiên nghiên cứu Phương thức ASEAN một cách nghiêm túc, thì cho rằng Phương thức ASEAN bao gồm “các yếu tố văn hóa mà trong đó một số giá trị của mỗi quốc gia đều tương đồng với nhau”.

Có thể nói Phương thức ASEAN có nguồn gốc từ nội dung của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia) thông qua ở Bali, Indonesia năm 1976 và được coi là qui chuẩn cho cách ứng xử giữa các nước thành viên ASEAN. Hiệp ước đề cập đến những “nguyên tắc cơ bản” của ASEAN như: (1) cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia; (2) mỗi quốc gia có quyền lãnh đạo sự tồn tại của mình mà không bị can thiệp, lật đổ và bức ép từ bên ngoài; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; (5) từ bỏ đe dọa dùng vũ lực và (6) hợp tác với nhau một cách hiệu quả.

Phương thức ASEAN hoạt động giống như một bộ ứng xử được ngầm hiểu, thay vì một tập hợp các qui tắc và phương thức được pháp điển hóa một cách rõ ràng. Điều này cũng thể hiện mong muốn của các nước ASEAN tránh thể chế hóa và pháp lý hóa sự hợp tác giữa các nước thành viên vì e ngại một ASEAN được thể chế hóa mạnh mẽ cùng những ràng buộc pháp lý sẽ làm xói mòn chủ quyền quốc gia của các thành viên trong việc định đoạt phương thức hợp tác với nhau. Chính vì vậy, Phương thức ASEAN bao gồm một số đặc điểm như không can thiệp, không chính thức, thể chế hóa tối thiểu, tham vấn và đồng thuận, không sử dụng vũ lực và tránh đối đầu. Tuy nhiên, có thể nói Phương thức ASEAN cũng như nội hàm của nó dường như không có một định nghĩa chính thức.

Cho đến nay Phương thức ASEAN đã thể hiện những điểm mạnh và điểm yếu nhất định trong việc duy trì hoạt động, ảnh hưởng và tính hiệu quả của ASEAN. Ví dụ, quá trình tham vấn và đồng thuận được coi là cách tiếp cận dân chủ đối việc hoạch định chính sách, khiến các quốc gia cảm giác tự tin hơn khi tham gia hợp tác khu vực mà không e ngại chủ quyền quốc gia bị xói mòn. Ngoài ra các nguyên tắc của Phương thức ASEAN cũng đã giúp ASEAN giải quyết một cách hòa bình những khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Một trong những thành công thường được đưa ra làm dẫn chứng cho điều này chính là bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được thông qua tại Campuchia năm 2002.

Tuy nhiên, Phương thức ASEAN cũng thường bị chỉ trích là quá khuôn sáo và cường điệu khi thường được các quan chức ASEAN sử dụng để đánh lạc hướng những chỉ trích đối với yếu kém của Hiệp hội trong việc thúc đẩy hợp tác một cách sâu sắc hơn. Nó cũng bị chỉ trích vì tạo ra khuynh hướng loại trừ các vấn đề gây tranh cãi ra khỏi các nghị trình làm việc đa phương chính thức và hướng tới việc lảng tránh thay vì giải quyết xung đột. Ví dụ, các nhà chỉ trích cho rằng nguyên tắc đồng thuận đồng nghĩa với việc mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết khiến cho việc thông qua các quyết định chung hết sức khó khăn và khó mang tính đột phá. Trong khi đó nhiều nhà bình luận cũng cho rằng nguyên tắc không can thiệp gây ra những hạn chế đối với vai trò của ASEAN, đặc biệt là trong các vấn đề như xử lý tình trạng vi phạm nhân quyền ở Myanmar, giải quyết tình trạng khói mù do cháy rừng ở Indonesia, hay giải quyết các tranh chấp xuyên quốc gia như vấn đề biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Chính vì vậy đã có những đề xuất được đưa ra liên quan đến việc sửa đổi Phương thức ASEAN nhằm làm cho Hiệp hội hoạt động hiệu quả hơn, trong đó có việc bãi bỏ những nguyên tắc như đồng thuận hay không can thiệp.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]