Tác giả: Erwin Schweisshelm
Dệt may và da giày trên đà phát triển
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, mà một trong những động lực tăng trưởng chính đến từ ngành dệt may. Quần áo may sẵn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam.[1] Hiện tại, Việt Nam đứng thứ tư trong tổng số các nước xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.[2]
Dù sản xuất quần áo may sẵn có truyền thống lâu dài tại Việt Nam, quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế mới chỉ diễn ra gần đây. Từ sau Đổi Mới, ngành công nghiệp dệt may đã là một trong những nhóm ngành đầu tiên thành lập và phát triển không ngừng cho đến nay. Xu hướng phát triển của dệt may càng được củng cố sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Đây là ngành được hỗ trợ rất nhiều từ phía chính phủ, nhiều dự án phát triển tham vọng được đề ra. Tựu trung, số liệu cho biết có khoảng 2,5 triệu lao động tham gia vào ngành này, trong đó đa số là phụ nữ.[3]
Ở một số diễn đàn gần đây, VITAS – Hiệp hội Dệt may Việt Nam[4] ước tính trong ngành hiện tồn tại hơn 5000 nhà máy, trong đó có khoảng 4500 xưởng may, 500 xưởng dệt kim và 100 xưởng kéo sợi. Sản lượng hàng năm vào mức 500 tấn len, 200000 tấn xơ sợi, 1,4 tỉ tấn vải và 3 tỉ sản phẩm quần áo các loại. Hiện tại, dệt may chiếm khoảng 13,6% tổng giá trị xuất khẩu,[5] đứng thứ hai sau hàng điện tử về kim ngạch xuất khẩu ròng.[6]
Thị phần của Việt Nam trong ngành may mặc toàn cầu là khoảng 3,7% vào năm 2013.[7] Vitas dự báo tổng giá trị xuất khẩu trong tương lai sẽ đạt 24 tỉ USD, tăng 19% so với mức năm 2013.[8] (Mức tăng trưởng ngành ở Trung Quốc và Ấn Độ thấp hơn đáng kể so với con số trên). Cũng theo số liệu của Vitas, xuất khẩu may mặc Việt Nam hiện xuất hiện ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. 52,8% số đó tiếp cận thị trường Mỹ (Bangladesh là 24,1%). 17% được xuất khẩu vào EU (Bangladesh: 59,7%). Hai thị trường lớn tiếp sau đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.[9]
Bảng: Các ngành xuất khẩu tại Việt Nam
Thị phần xuất khẩu quần áo may sẵn toàn cầu của Việt Nam vẫn còn thấp. Trung Quốc hiện giữ vai trò dẫn đầu thị trường, chiếm 39% thị phần toàn cầu (2013). Dù vậy, tăng trưởng dệt may vẫn tỏ ra sôi động sau quá trình mở cửa từ những năm 1990. Việc tham gia vào WTO và ASEAN là tiền đề cho sự phát triển này. Hiện tại, quá trình thương thảo đối với FTA Việt Nam-EU và TPP đã hoàn tất trong năm 2015. Ở cả hai trường hợp, dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế tiếp cận các thị trường lớn so với Trung Quốc. Báo cáo của ngân hàng Standard Chartered cho biết với TPP, Việt Nam có khả năng qua mặt Bangladesh, với điều kiện các quy chuẩn xuất xứ được đảm bảo để hàng Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan vào thị trường Mỹ. Một báo cáo gần đây cùa World Bank cũng ước tính dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 41% vào năm 2020.[10]
Nếu không tồn tại nguyên tắc xuất xứ ba công đoạn, thị phần may mặc Việt Nam sẽ tăng từ 4% lên mức 11% vào năm 2024. Theo đó, Việt Nam sẽ đứng thứ hai sau Trung Quốc, dù thị phần nước này cũng sẽ giảm. Thị phần của Bangladesh sẽ chỉ tăng từ 5% lên mức 7%.[11] Chịu thiệt hại sẽ là các nhà sản xuất đến từ Trung Mỹ, vốn chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường Mỹ.[12] Với các quy tắc gắt gao về yêu cầu xuất xứ ba công đoạn, tới năm 2024 cả Việt Nam và Bangladesh sẽ cùng giữ 8% thị phần, cũng theo báo cáo trên.
Nhiều nhà đầu tư xem Việt Nam như là lựa chọn thay thế khi giá nhân công Trung Quốc tăng và các vụ tai nạn thảm khốc trong ngành diễn ra ở Bangladesh. Các hiệp định thương mại tự do mới kí kết lại càng củng cố xu hướng chuyển dịch nói trên. Cả chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Theo Hội đồng Dệt May Trung Quốc (CNTAC), Việt Nam là lựa chọn số một cho đầu tư nhờ vào mức tích tụ bông sợi nguyên liệu lớn, giá nhân công, chi phí hậu cần và hải quan thấp. Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng.
Trung Quốc hiện vẫn dẫn đầu về xuất khẩu may mặc với tổng giá trị vào khoảng 170 tỉ USD trong năm 2015, nhưng Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ghi nhận mức lương lao động trung bình ở nước này năm 2014 (số liệu mới nhất được cập nhật) vào khoảng 8300 USD một năm. Con số tương tự ở Việt Nam là 3000 USD và ở Bangladesh là 1000 USD.[13]
(Tương lai) thách thức, vấn đề và giải pháp
Trước triển vọng phát triển trên, VITAS vẫn nhấn mạnh rằng đang tồn tại những vấn đề dai dẳng đối với ngành công nghiệp may mặc Việt Nam. Ở một khía cạnh, giá nhân công đang tăng. Mặt khác, may mặc Việt Nam vốn phụ thuộc sâu vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Dù sao, may mặc nội địa Việt Nam đã tiến hành đầu tư mạnh mẽ, bước đầu đem lại tiến triển đáng kể. Tỉ lệ nội địa hóa được mở rộng trong khoảng thời gian tương đối ngắn, bao gồm việc nội địa hóa công đoạn dệt vải từ cả sợi bông lẫn sợi tổng hợp. Thêm vào đó, trọng tâm sản xuất đã chuyển dịch thành công sang các mặt hàng chất lượng cao trong vài năm trở lại đây. Các khâu thiết kế, phát triển sản phẩm và marketing ngày càng được phát triển và thực hiện bài bản ở các công ty trong nước. Vinatex đặt mục tiêu đưa tỉ lệ nội địa hóa lên 60% đến năm 2018.
Một trong những điều kiện đính kèm trong chương dệt may của TPP đòi hỏi rằng những mặt hàng xuất sang các nước thuộc TPP sẽ chỉ được hưởng các điều khoản ưu đãi khi các sản phẩm trung gian làm nên thành phẩm cũng có xuất xứ từ các quốc gia thành viên (tham khảo hình minh họa khái quát quy trình hai/ba công đoạn ở trên). Tuy nhiên, thực trạng cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc (đều không thuộc TPP) hiện chiếm tới 54% nguồn nhập khẩu nguyên liệu,[14] đồng thời cũng tương ứng là hai thị trường nhập khẩu sản phẩm trung gian lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện đang trong quá trình thương thuyết để được cho phép áp dụng những lộ trình chuyển đổi đủ lâu để tranh thủ đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm trung gian.
Cho thấy khả năng nhận diện xu thế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hình thành, hay mở rộng khâu kéo sợi của riêng mình để không bị tụt hậu khi TPP có hiệu lực. Các doanh nghiệp chủ chốt đang đi theo xu hướng này có thể kể đến như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (CSFC), Công ty cổ phần Dệt Thành Công (TCM), và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).[15] Ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đổ tiền đầu tư vào các nhà máy quay sợi, đan và nhuộm tại Việt Nam, điển hình là Tập đoàn Itochu Nhật Bản, Tập đoàn Viễn Đông Thế Kỷ Mới từ Đài Loan hay Tập đoàn Crystal từ Hongkong.
Thêm vào đó, trong một động thái nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sợi trong nước, Bộ Công Thương đã đề xuất áp thuế ở mức 2% đối với xơ ngắn (PSF).[16] Hiện tại nhập khẩu xơ ngắn chưa phải chịu thuế. Mối lo ngại lớn đối với các công ty Việt Nam hiện nay là việc họ sẽ thua các đối thủ nước ngoài vì không thể cạnh tranh về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tham gia thị trường.
So với các nhà xuất khẩu may mặc khác trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam gặp hạn chế về máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, chưa kể năng suất lao động tương đối thấp. Bất lợi này đã không còn có thể được bù đắp chỉ bởi lượng lao động giá rẻ dồi dào.[17] Để đối phó, chính phủ hiện đang đầu tư vào khâu đào tạo và cơ sở hạ tầng dịch vụ.
Ngành dệt may
Ngành dệt may vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước trong ngành là rất cao, trong đó đáng kể nhất là Vinatex – một tập đoàn quốc doanh lớn. Tập đoàn này là đơn vị sản xuất hàng may mặc chiếm tỉ trọng cao nhất nước, đồng thời là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất.[18] Cơ cấu Vinatex bao gồm một công ty mẹ, nhiều trung tâm nghiên cứu – đào tạo và hơn 100 doanh nghiệp trực thuộc. Năm 2014, Vinatex chiếm đến 15% tổng giá trị xuất khẩu may mặc cả nước.
Hiện chính phủ đang có kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi Vinatex, chuyển dịch xuống còn 51% cổ phần, nhằm nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác. Tháng 10/2014, tập đoàn Itochu Nhật Bản đã mua lại khoảng 5% cổ phần niêm yết của Vinatex. Sắp tới, Vinatex dự định đầu tư xấp xỉ 440 triệu USD vào nhà xưởng, xưởng nhuộm, dệt sợi và cơ sở hạ tầng nói chung. Với những bước mở rộng như vậy, tuy nhiên, Vinatex vẫn ở vào thế yếu nếu so với các nhà đầu tư nước ngoài do triển vọng đầu tư vào các ngành phụ trợ vẫn còn kém.[19] Một tay chơi đáng chú ý khác đó là liên danh đa nhãn hàng VITAS. VITAS hiện có hơn 700 thành viên, bao gồm nhiều doanh nghiệp chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi Vinatex, chuyển dịch xuống còn 51% cổ phần, nhằm nhường chỗ cho các nhà đầu tư khác. Tháng 10/2014, tập đoàn Itochu Nhật Bản đã mua lại khoảng 5% cổ phần niêm yết của Vinatex. Sắp tới, Vinatex dự định đầu tư xấp xỉ 440 triệu USD vào nhà xưởng, xưởng nhuộm, dệt sợi và cơ sở hạ tầng nói chung. Với những bước mở rộng như vậy, tuy nhiên, Vinatex vẫn ở vào thế yếu nếu so với các nhà đầu tư nước ngoài do triển vọng đầu tư vào các ngành phụ trợ vẫn còn kém. Một tay chơi đáng chú ý khác đó là liên danh đa nhãn hàng VITAS. VITAS hiện có hơn 700 thành viên, bao gồm nhiều doanh nghiệp chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Công nhân ngành may mặc nằm dưới sự đại diện của nghiệp đoàn may mặc, vốn là một nhánh của Liên đoàn Lao động Việt Nam.[20] Nếu ta đặt khoảng 123.000 công nhân vào bức tranh lớn của tổng cộng hơn 2,5 triệu công nhân ngành dệt may được thuê hiện tại, có thể thấy chỉ chưa đầy 5% số công nhận ngành được đại diện theo bất kì hình thức nào. Dù vậy, tồn tại nhiều công đoàn trực thuộc doanh nghiệp. Những công đoàn cơ sở này có liên hệ trực tiếp dưới vai trò bao trùm của Tổng liên đoàn.
Ngành da giày
Ngành công nghiệp sản xuất giày dép đóng vai trò quan trọng không kém trong nền kinh tế Việt Nam. Các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực được dự báo sẽ đưa ngành da giày tăng trưởng mạnh. Việt Nam hiện đã là nhà xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Italia, và kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới. Trong trường hợp của TPP, mức thuế từ 3,5% đến 57,4% trong hiện tại sẽ rơi về 0%. Kim ngạch xuất khẩu ngành đạt xấp xỉ 12 tỉ USD trong năm 2014, (chiếm khoảng 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dù lãi ròng chỉ rơi vào khoảng 3,55 tỉ USD) và 15 tỉ USD trong năm 2015.[21]
Hiệp hội da, giày và túi xách Việt Nam (LEFASO) dự đoán mức tăng trong năm 2016 vào khoảng từ 15 đến 20%.[22] Năm 2013, thị trường quan trọng nhất là Mỹ (Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ hai sau Trung Quốc vào thị trường này), theo sau là Bỉ và Đức. Nhưng cũng trong ngày da giày, sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào Trung Quốc cũng phải được giảm thiểu bằng cách tăng hàm lượng sản xuất nội địa.
Dày giép là ngành có sản lượng xuất khẩu lớn thứ ba tại Việt Nam. Theo số liệu từ chính phủ, hiện có khoảng một triệu công nhân làm việc cho 600 doanh nghiệp, cho ra đời khoảng 800 triệu đôi giày một năm. Đóng góp vào con số này là xu hướng chuyển dịch công xưởng từ Trung Quốc và Bangladesh sang Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ (khoảng 38% mức trung bình ở Trung Quốc), tỉ giá ổn định và tận dụng vị trí chiến lược đón đầu các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực. Ấn Độ, vốn cùng có giá nhân công và chi phí sản xuất thấp, là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam. Bùng nổ tăng trưởng cũng được dự báo trong ngành da giày sau khi FTA Việt Nam-EU và TPP đi vào hiệu lực. Gần 50% lượng giày thể thao của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Thuế nhập khẩu hiện tại rơi vào khoảng 1,65 USD một đôi. Do đó việc phá bỏ hàng rào thuế do TPP đem lại sẽ giúp Nike gặt hái lợi nhuận khổng lồ.[23]
Tuy nhiên cùng lúc đó, áp lực lên các doanh nghiệp nội địa sẽ cực lớn, khi các doanh nghiệp nước ngoài cũng tận dụng được việc xóa bỏ thuế, và thực tế là họ có khả năng tận dụng tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam.[24] Ngay trong hiện tại, 77% giá trị xuất khẩu da giày trong nước là do các doanh nghiệp FDI đóng góp.[25]
Hơn nữa, tỉ lệ nội địa hóa trong ngành là rất thấp. Sản xuất trong nước đối với các mặt hàng phụ trợ cho ngành da giày, đặc biệt là da thuộc và da tổng hợp hiện chỉ đạt 38% tổng nguồn cung, vốn đến chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Lương, điều kiện lao động và an toàn nghề nghiệp
Chuỗi cung ứng may mặc và giày dép bao gồm phân cấp thành ba tầng: tầng đầu tiên là những thương hiệu quốc tế. Các thương hiệu này sẽ đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất ở tầng thứ hai, vốn phần lớn là các nhà đầu tư châu Á. Đến lượt mình, các nhà sản xuất ở tầng hai đôi khi sẽ thuê ngoài đến các đối tác ở tầng cuối cùng, vốn là khu vực chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý là quan hệ giữa tầng thứ hai và tầng thứ ba thường thiếu minh bạch. Rất khó để theo dõi các tiêu chuẩn xã hội và môi trường đối với các hợp tác này.[26]
Ở Việt Nam, tiền lương dựa trên mức lương tối thiểu khu vực. Mức này được chính phủ căn cứ trên các đề xuất bởi Hội đồng Tiền lương Quốc gia thực hiện theo cơ chế ba bên. Hội đồng bao gồm đại diện của người sử dụng lao động (như Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, cũng như các hiệp hội ngành nghề khác), đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động) và phía chính phủ (bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ba phía đều có quyền biểu quyết ngang nhau. Hội đồng do Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm chủ tịch. Lương tối thiệu vừa được điều chỉnh tăng (sau nhiều thảo luận gây tranh cãi trong hội đồng) khoảng 12,4% ở bốn khu vực theo bảng sau (đơn vị Triệu VND):
Khu vực | 2015 | 2016 |
Khu vực I (Hà Nội, TP.HCM…) | 3,1 | 3,5 |
Khu vực II | 2,75 | 3,1 |
Khu vực III | 2,4 | 2,7 |
Khu vực IV | 2,15 | 2,4 |
Lương tối thiểu theo đó đã tăng phần trăm ở mức hai con số tương ứng trong vài năm trở lại đây.
Mức lương công nhân trong ngành may mặc khá đa dạng, phụ thuộc vào từng công ty, khu vực, giờ làm thêm và nguồn đầu tư. Hơn nữa, mức lương sau thuế còn tùy thuộc vào mức trợ cấp được chi trả, đặc biệt là phụ cấp năng suất và phụ cấp hiện diện (chỉ được chi trả khi công nhân đi làm tối thiểu 26 ngày/tháng).[27] Theo nguồn tin cung cấp từ các công đoàn cơ sở, mức lương trung bình tương đương 200 USD/tháng, đã bao gồm bữa ăn, đi lại, đồng phục và dụng cụ lao động, kể cả lương thưởng vào các dịp lễ tết. Các doanh nghiệp bắt buộc phải trả phí bảo hiểm xã hội. Tiền công làm thêm giờ được quy định bởi Luật Lao động.
Theo nghị quyết Chính phủ số 49/2013, mọi công ty tự thiết lập bảng lương riêng. Các công đoàn cơ sở chỉ có chức năng tư vấn và không có quyền đồng ra quyết định trong việc thiết lập các bảng lương riêng. Trên thực tế, bảng lương được các công ty lập ra chỉ có ý nghĩa để tính mức bảo hiểm xã hội, lại chỉ được tính trên mức lương cơ bản. Dù vậy, từ tháng 1/2016, mức bảo hiểm xã hội theo quy định mới sẽ dựa trên tổng lương, tức bao gồm cả lương cơ bản và phụ cấp. Theo đó, mức bảo hiểm phải đóng sẽ được chia cho doanh nghiệp – 22% và người lao động – 11,5%. Ở Việt Nam, lương công nhân may mặc cao hơn ở Campuchia và Bangladesh, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với Indonesia, và chỉ tương đương 40% mức tương tự ở Trung Quốc.
Bảng: Giá nhân công ngành may mặc theo giờ ở một số nước
Mặc dù vậy, theo một nghiên cứu thực hiện bởi Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), khả năng cạnh tranh quốc tế của may mặc Việt Nam vẫn có khả năng suy giảm, do tỉ lệ tăng lương tối thiểu không tương xứng với mức tăng trong năng suất lao động. Nhận định này tuy nhiên lại mâu thuẫn với một nghiên cứu thực hiện gần đây bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh hợp tác với Viện Kế toán viên Giám định Vương quốc Anh và xứ Wales. Nghiên cứu này cho thấy mức tăng năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam cao gấp đôi các nước láng giềng.[28]
Theo các tính toán bởi các công đoàn ở Việt Nam, mức lương tối thiểu chỉ đủ trang trải hai phần ba chi phí sinh hoạt cần thiết. Mục tiêu đặt ra là một mức lương tối thiểu đủ chu cấp chi phí sinh hoạt (lương sinh hoạt tối thiểu) vào năm 2017, theo lộ trình đặt ra của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Mức này được ước tính vào khoảng 190 USD ở đô thị.
Tới tháng 5/2013, các thỏa thuận thỏa ước tập thể (CBA) chỉ tồn tại ở cấp độ doanh nghiệp. Theo sau Luật Lao động sửa đổi năm 2013, thỏa thuận thỏa ước tập thể đã có thể diễn ra ở cấp khu vực kinh doanh và ngành nghề. Trường hợp đầu tiên đã diễn ra ở Bình Dương năm 2013. Tổng cộng chín công ty đã kí bản thỏa thuận, cho phép công nhân hưởng những điều kiện tốt hơn (về ăn uống, mức lương, phụ cấp,…) được quy định trong Luật Lao động. Trong các thương thảo diễn ra vào tháng 1/2014, số doanh nghiệp tham gia lên tới 15. Một số đòi hỏi thêm về quyền lợi cho người lao động cũng được thỏa hiệp. Một trường hợp tương tự về thỏa thuận thỏa ước tập thể đã đi vào hiệu lực từ giữa năm 2014.
Báo cáo của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có tổng cộng 630 trường hợp tử vong do tai nạn lao động trong năm 2014, mà chỉ có một phần nhỏ trong số đó được điều tra.[29] Ngoài ra, có đến 6.709 vụ tai nạn được ghi nhận trong năm 2014, liên quan tới 6.941 công nhân. Cục phòng cháy chữa cháy báo cáo có khoảng 2.357 vụ cháy trong năm 2014, gây ra 90 trường hợp tử vong tại khu sản xuất.[30] Đây được cho là hệ quả của việc vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Dù vậy, con số trên được cho là còn cao hơn mức được báo cáo, khi số liệu chính thức chỉ được thu thập dựa trên 20.000 nhà máy, đại diện cho chưa đầy 4% tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam.[31] Vai trò của thanh tra lao động là rất hạn chế, khi chỉ có khoảng 500 thanh tra chịu trách nhiệm đối với 54 triệu lao động thuộc khoảng 500,000 doanh nghiệp.
Tuần lễ hành động vì vệ sinh, an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy là một chiến dịch được thực hiện hàng năm bởi bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm gia tăng nhận thức của người lao động, cũng như khuyến khích các thành viên trong cộng đồng nêu ý kiến về việc bảo vệ tài nguyên và thanh tra lao động. Có vẻ như tình hình đang được cải thiện, dù khá chậm chạp.
Áp lực dư luận lên các công ty liên quan đến điều kiện lao động, bảo hiểm, môi trường và việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh đã được đẩy mạnh trong vài năm gần đây, đặc biệt sau các sự kiện đau lòng ở Bangladesh. Luật Sức khỏe và An toàn Lao động sửa đổi tháng 5/2015 bao hàm những điều khoản khắt khe hơn nhiều về việc tuân thủ các quy chuẩn an toàn và sức khỏe lao động, cũng như quyền của các công đoàn trong việc đại diện người lao động khiếu kiện các nhà sử dụng lao động không tuân thủ các quy định này.
Một khảo sát trong năm 2014 của Chương trình vì Việc làm tốt hơn đối với 60 nhà máy (đều đã được kiểm tra bốn lần vào các năm trước) cho thấy những cải thiện rõ ràng trong sử dụng hóa chất và nguyên liệu độc hại. Số doanh nghiệp không tuân thủ các yêu cầu giảm mạnh tới 60% từ 2011 đến 2014. Trái lại, phòng cháy chữa cháy vẫn là vấn đề cấp thiết. 50% số nhà máy không chứng minh được mình có cửa thoát hiểm dễ tiếp cận, hay nếu có thì cũng bị hàng hóa che khuất. Thêm vào đó, đường điện không đảm bảo, thiếu hệ thống báo cháy và các dụng cụ dập lửa là các vấn đề được phát hiện trong nhiều trường hợp. Diễn tập phòng cháy chữa cháy cho công nhân được thực hiện rải rác. Vai trò của công đoàn trong vấn đề này cũng được cho là chưa đầy đủ.[32]
Trong năm 2011 (năm Việt Nam đối mặt với mức lạm phát 18%), 267 cuộc đình công tự phát đã nổ ra trong ngành may mặc. Lí do liên quan đến điều kiện lao động tồi và mức lương thấp. Dù đã giảm về số lượng, các cuộc đình công tự phát vẫn diễn ra.
Đi sâu chi tiết sản xuất: Việt Nam không phải là Bangladesh
Ở Việt Nam, đương nhiên có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân cả nước ngoài lẫn trong nước mà các điều kiện lao động không đáp ứng được kể cả luật lao động trong nước lẫn các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường chỉ sản xuất phục vụ thị trường nội địa, hay chỉ là một phần của chuỗi cung ứng trong các giai đoạn cao điểm. Tiếp cận các tổ chức này tỏ ra rất khó khăn.
Về mảng phục vụ xuất khẩu của may mặc Việt Nam, có cơ sở để cho rằng các điều kiện tương đối tốt hơn Bangladesh, và các thảm kịch như vụ Rana Plaza sẽ khó có khả năng xảy ra ở Việt Nam, ít nhất là không nghiêm trọng đến vậy. Điều này sở dĩ do một số yếu tố:
- Ngành dệt may ở Việt Nam có lịch sử lâu đời, không phải mới chỉ xuất hiện qua một đêm. Các nhà máy đều được xây dựng với công năng phục vụ duy nhất, chứ không phải là các tòa nhà được chuyển đổi công năng (như một số trường hợp của Bangladesh). Có những yêu cầu chi tiết và rõ ràng về phòng cháy chữa cháy, thông khí, chiếu sáng, kho hóa chất,… dù thực tế những thứ này không được thường xuyên kiểm tra. Điều này đã được đề cập trong báo cáo của Better Work, đồng thời được xác nhận bởi kinh nghiệp của một số tổ chức kiểm toán và công đoàn.
- Các giá trị xã hội cũng đóng một phần vai trò trong “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Dù đặt trọng tâm rõ ràng vào cạnh tranh và giá, Đảng và Nhà Nước Việt Nam vẫn duy trì ý chí chính trị rằng công nhân Việt Nam không bị đối xử tệ, và rằng nhân phẩm và quyền của họ phải được tôn trọng. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa rất được đề cao.
- Một số công đoàn (không chỉ trong những công ty đa số vốn nhà nước) vẫn đủ sức đảm bảo các quyền quy định trong luật lao động được đảm bảo và tạo ra các tiến bộ nhất định. Khoảng 10% công nhân trong ngành may mặc hiện đang được bảo vệ dưới quyền thỏa thuận tập thể theo ngành (được thúc đẩy bởi FES), vốn không chỉ đóng vai trò là chuẩn mực cho các xí nghiệp khác, mà còn làm tiền đề hoàn thiện luật pháp về tiêu chuẩn lao động, vốn về bản chất là khá tích cực. Kết quả là mức lương được trả, bao gồm cả trợ cấp (có cả tiền lương làm thêm giờ) vào khoảng 250 USD, so với mức lương cơ bản 130 USD. Hiện chính phủ và các công đoàn có kế hoạch thay mức lương cơ bản bằng mức lương sống được tới năm 2017, được cho là có thể lên tới mức 190 USD.
- Việc thương thảo lương hiện nay dựa trên đặc trưng rằng nhu cầu công nhân ngành may mặc đang tương đối cao. Vì vậy, mức biến động có thể lớn. Đây là hệ quả của mức tăng trưởng xuất khẩu từ 10 đến 20% một năm của ngành may mặc. Mức tăng này được dự đoán sẽ duy trì với các hiệp định thương mại sẽ đi vào hiệu lực. Các lí do khác liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mới thành lập Việt Nam, bên cạnh đó ngành sản xuất đồ điện tử cũng đang bùng nổ và cạnh tranh với ngành may mặc trong việc thu hút lao động (Samsung hiện đang sản xuất 60% số smart phones của mình tại Việt Nam). Điều này khuyến khích các công ty đối đãi công bằng hơn với người lao động để giữ chân họ và tận dụng năng suất lao động sẽ tăng qua thời gian.
Tranh luận tại các nước là thị trường xuất khẩu về tiêu chuẩn tối thiểu cũng bắt đầu cho thấy tác động. Số lượng công ty kí hợp đồng mua hàng kèm các điều khoản về an toàn cháy nổ và tiêu chuẩn xã hội bên cạnh vấn đề chất lượng và thời gian giao hàng đã gia tăng trong thời gian gần đây. Dù việc trở thành thành viên của dự án Better Work Vietnam (do ILO/IFC tài trợ) không nằm trong yêu cầu để được cấp giấy phép xuất khẩu (khác với ở Lesotho hay Jordan), nhiều công ty đã tham gia vào dự án này với mức phí thường niên là 3500 USD (tùy vào quy mô công ty) đơn giản vì đối tác của họ yêu cầu. Quỹ Fair Wear hiện cũng đang hoạt động tại Việt Nam với đội ngũ kiểm toán riêng. Họ hiện theo dõi 152 nhà cung ứng cho 19 nhãn hiệu nằm trong mạng lưới của Fair Wear.
Erwin Schweisshelm là Trưởng đại diện Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam. Bài viết được dịch lại với sự cho phép của tác giả từ FES Briefing Paper. Tài liệu đồng thời cũng là báo cáo tham luận tại hội thảo “Middle income trap: International Experiences and Lessons for Vietnam“ diễn ra vào ngày 17-18/3 tại đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Thành Phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: SCIS Policy Paper
————
[1] Thomasson, Sarah C. (2011): Vietnam: A Textile Powerhouse. In: Textile World Asia. Feature.
[2] Trans-Pacific Partnership (TPP): Winners and losers, Standard Chartered Bank 2015.
[3] Hundt, Thomas (2013): Vietnams Wirtschaft holt schnell auf. In: Germany Trade and Invest. http://www.gtai.de/GTAI/Navigation/DE/Trade/maerkte,did=932042.html (24-06-2014)
[4] http://www.vietnamtextile.org.vn/default_p1_1-1_2-2.html
[5] Con số này đáng chú ý, tuy nhiên sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam hiện tại chưa lớn bằng Campuchia hay Bangladesh, nơi con số lên đến khoảng 82%.
[6] Ngành điện tử không được đề cập ở đây, nhưng số liệu cho thấy mức tăng trưởng rất mạnh. Theo số liệu của DBS Research ở Singapore, xuất khẩu hàng điện tử ở châu Á có mức tăng tổng đạt 17% trong giai đoạn 2010-2014, trong khi mức tăng của riêng Việt Nam gấp 10 lần số đó. Việt Nam đã thay thế Philippines và Thái Lan để trở thành nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ năm thế giới trong hai năm sau đó. Khu vực này chiếm tới 23% tổng tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 và đóng góp 23,4% GDP, tăng 5,2% so với năm 2010. Xem thêm Vietnam News, “Vietnam electronics exports expand”, 9.7.2015.
[7] Kak, R., 2015. Trans – Pacific Partnership (TPP): Winners and losers.
[8] Dù vậy, khoảng 12 tỉ USD phải được trừ ra do mức nhập khẩu nguyên phụ liệu trung gian, do vậy thặng dư thương mại chỉ còn khoảng 12 tỉ USD.
[9] Tuy nhiên, trong quý 1 2015, xuất khẩu sang EU giảm đáng kể do đồng Euro sụt giá so với đồng USD. VND được neo giá vào đồng USD (Vietnam News 21.4.2015, p.15).
[10] “VN garment firms proactively putting in place measures to capitalize on TPP”, Yarnsandfibers.com, 14.10.2014, http://www.yarnsandfibers.com/news/textile-news/vn-garment-firms-proactively-putting-place-measures-capitalize-ttp#.Vh8dD2ucWDk, retrieved 15.10.2015.
[11] Trans-Pacific Partnership (TPP): Winners and losers, Standard Chartered Bank 2015.
[12] “Vietnam likely to overtake Bangladesh in apparel exports”, Dhaka Tribune, 10-02-2015. http://www.dhakatribune.com/business/2015/feb/10/vietnam-likely-overtake-bangladesh-apparel-exports-2024-once-tpp-takes-shape#sthash.gKT4RQv7.dpuf.
[13] Jake van der Kamp, “Why textile trade is slipping through China’s fingers”, South China Morning Post, 20.1.2016.
[14] Mỹ và Malaysia, 2 nước TPP chỉ chiếm có 4%.
[15] Ngay cả tỉ phú Mỹ Wilbur Ross cũng đã mở đầu tư liên kết với Vinatex tại Đà Nẵng. Ông ta cho rằng nhịp phát triển của Việt Nam tương tự như Hàn Quốc trước kia, và Việt Nam hiện là thị trường đầu tư an toàn nhất.
[16] http://www.vietnam-briefing.com/news/yarn-forwards-effect-transpacific-partnership-vietnam.html/#sthash.Wddyrvn7.dpuf.
[17] Điều này đặc biệt đúng khi xét đến việc lao động có thể bị hút sang ngành sản xuất điện tử với xu hướng đầu tư nước ngoài vào ngành này tăng mạnh.
[18] Thomasson, Sarah C. (2011): Vietnam: A Textile Powerhouse. In: Textile World Asia. Feature. http://www.textileworldasia.com/Issues/2011/July-August-September/Features/Vietnam-A_Textile_Powerhouse (24-06-2014).
[19] Vietnam News 20-02-2015, “Big year likely for VN textile, garment exports”, http://vietnamnews.vn/economy/266932/big-year-likely-for-vn-textile-garment-exports.html.
[20] Không như ở Đức, cấu trúc công đoàn ở Việt Nam mang tính tập trung, được hiểu là các công đoàn cơ sở thực chất là các nhánh của một tổ chức bao trùm.
[21] Vietnam News 28-2-2015, “Footwear export to the US soars”, http://vietnamnews.vn/economy/266897/footwear-export-to-the-us-soars.html.
[22] “Footwear industry exports to grow 20 per cent”, VN News, 20.1.2016
[23] How the TPP could change where your clothes come from, VOV Policies and Politics, 11.11.2015, http://www.vox.com/policy-and-politics/2015/11/11/9715652/tpp-textiles-clothes-garments, accessed on 13.11.2015
[24] Vietnam Briefing, “Business Intelligence from Dezan Shira & Associates”, 1 January 2015, http://www.vietnam-briefing.com/news/schicke-sneaker-vietnams-schuhindustrie.html/.
[25] Vietnam News 28-2-2015.
[26] Angie Ngoc Tran, Vietnam’s textile and garment industry in the local supply chain, 2012, http://ijie.um.edu.my/filebank/published_article/4120/Fulltext7.pdf.
[27] Angie Ngoc Tran, ibid.
[28] “Vietnam outpaces neighbours in labor productivity growth”, Thanh Nhien News, 14-3-2015. http://www.thanhniennews.com/business/vietnam-outpaces-neighbors-in-labor-productivity-growth-report-39798.html.
[29] Vietnam News, 5-3-2015, p. 3, Employers blamed for labour deaths.
[30] Vietnam News, 5-3-2015, ibid.
[31] Trong cuộc phỏng vấn với Vietnam News ngày 27/5/2015, Phó Chủ tịch Ủy ban Các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc Hội, ông Bùi Sỹ Lợi ước đoán con số thật vào khoảng 1700.
[32] ILO, “Despite some progress, garment factories need to strengthen fire safety”, http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_327036/lang–en/index.htm (press release dated 11-12-2014).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]