Ý nghĩa của Hiệp định TPP đối với Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

750x-1

Nguồn: Yuriko Koike, “Japan’s TPP Transformation”, Project Syndicate, 30/10/2015.

Biên dịch: Nông Thị Nghi Phương | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Ngày 5/10, sau nhiều năm ròng thương lượng miệt mài và kỹ lưỡng, cuối cùng, mười hai quốc gia Vành đai Thái Bình Dương đã kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó hứa hẹn nhiều điều từ tăng cường thương mại đến bảo vệ môi trường. Những cuộc đàm phán này đã khiến mái tóc đen của ông Akira Amari, Bộ trưởng Bộ Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản, chuyển hẳn sang màu muối tiêu. Tuy nhiên, niềm an ủi của ông là TPP sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho “Thế kỷ Châu Á”.

Tiền thân của TPP, trước khi có sự tham gia của ông Amari, là một hiệp định thương mại được ký năm 2006 giữa bốn nước Singapore, New Zealand, Chile và Brunei – được gọi là “Pacific 4”. Sau đó, Mỹ, Úc, Peru và Việt Nam, nhận thấy triển vọng về một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp tại châu Á, đã tham gia đàm phán vào tháng 3/2010. Vậy là, trong phút chốc chiếc thuyền nhỏ bé của P-4 bỗng trở thành chiếc tàu biển khổng lồ.

Và rồi nó thành một hạm đội, khi Malaysia, Mexico, Canada, và cuối cùng là Nhật Bản (vào năm 2013) tham gia đàm phán. Tính chung lại, các nền kinh tế TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, bỏ xa khu vực thương mại tự do lớn nhất hiện tại là Liên minh Châu Âu (EU). Một khi TPP có hiệu lực, tầm ảnh hưởng của nó đối với kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ – cho dù không có sự tham gia của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo sức mua tương đương.

Sự vắng mặt của Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên. Nếu họ tham gia, nền kinh tế đồ sộ và phức tạp của nước này sẽ mang các vấn đề không thể giải quyết được vào các cuộc đàm phán. Để đáp trả, Trung Quốc thực hiện sáng kiến “Con đường Tơ lụa” nhằm thiết lập một khu vực kinh tế có lợi cho những ưu tiên của chính họ. Nước này cũng đang tìm cách hợp tác thương mại sâu rộng hơn với các quốc gia châu Âu. Một ví dụ là chuyến viếng thăm Anh Quốc gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình – thực chất là nhằm làm suy yếu “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ bằng cách tạo ra một mối quan hệ thương mại, tài chính và đầu tư phức tạp với Anh. Cần phải nhấn mạnh rằng ông Tập đã thuyết phục được Anh ủng hộ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo – trái ngược với khuyến cáo của Mỹ.

Song, nếu tính tới việc gần đây Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi đàm phán với Trung Quốc, thì TPP không phải là cấm địa đối với quốc gia này – hay đối với các nền kinh tế châu Á khác. Hàn Quốc đang xem xét việc gia nhập TPP, cũng như Indonesia, sau chuyến thăm Washington, D.C. của Tổng thống Joko Widodo.

Đối với Nhật Bản, TPP là nền tảng quan trọng để tiến tới tự do hóa kinh tế – mục tiêu thứ ba của chương trình cải tổ “Abenomics”, chương trình chính phủ nhằm đem lại sức sống mới cho nền kinh tế yếu ớt của nước này. Các điều luật nhằm thực thi TPP đơn giản sẽ loại trừ việc vận động hành lang và các nhóm lợi ích vốn chỉ làm chậm hay chệch hướng các cải cách từng phần.

Những hứa hẹn về triển vọng tăng cường trao đổi hàng hóa, dịch vụ và vốn xuyên Thái Bình Dương, cũng như việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ, về quyền sở hữu trí tuệ), đơn giản là quá hấp dẫn để có thể bỏ qua. Khi Nhật Bản và các quốc gia châu Á so sánh rủi ro của việc tham gia hay không tham gia TPP, rõ ràng các rủi ro khi không tham gia cao hơn rất nhiều.

Thách thức chính trị của Nhật Bản là phải tuyên truyền về TPP cho các cử tri trong nước, đặc biệt là vận động nông dân. Ví dụ, thuế hải quan cho thịt bò nhập khẩu hiện là 38,5%. Nó sẽ giảm còn 27,5% trong năm đầu tiên sau khi TPP có hiệu lực, và sau đó sẽ giảm dần còn 9% vào năm thứ 16 của hiệp định.

Khoảng thời gian này là quá đủ để người nuôi bò của Nhật Bản chuẩn bị cho việc đối phó với cạnh tranh từ nước ngoài (trong số 870.000 tấn thịt bò nhập khẩu vào Nhật mỗi năm, có 520.000 tấn xuất xứ từ Úc, Mỹ và New Zealand). Và điều đó chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, khi giá cả món mì nước với thịt bò và sukiyaki giảm đáng kể.

Các chủ trại gia súc Nhật Bản sẽ cần thời gian để thích ứng. Bởi họ chăn nuôi gia súc nên không thể thay đổi chóng vánh. Ngoài ra còn có những hạn chế về cơ giới hóa, đặc biệt là trong việc tạo ra loại thịt bò đáp ứng nhu cầu của khách hàng Nhật Bản. Trong khi các chủ trang trại của Úc và Mỹ có những bầy gia súc lớn, các chủ trang trại Nhật Bản lại nuôi từng con bò riêng lẻ bằng bia và xoa bóp. Kết quả là họ sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh về giá cả; do đó sẽ cần tập trung vào chất lượng, chủ yếu qua cải thiện xây dựng thương hiệu và tiếp thị.

Tương tự với gạo. Người ta đồn rằng khi phu nhân của một vị lãnh đạo Trung Quốc nào đó đến thăm Nhật Bản, bà đã mua hàng tấn các loại gạo ngon của Nhật Bản. Tận dụng sự bùng nổ nhu cầu sushi trên thế giới, Nhật Bản cần nhấn mạnh rằng “sushi chính hiệu cần có gạo Nhật Bản”, cần phải xây dựng thương hiệu cho gạo như là một sản phẩm đặc hữu. Những người hoài nghi ý tưởng này nên biết rằng Italy đã từng thành công nhờ phương pháp này, với nhiều nhà hàng cao cấp trên khắp thế giới quảng cáo rằng họ sử dụng pasta Italy chính hiệu.

Trên thực tế, dù TPP có được thực hiện hay không, thì nông dân Nhật Bản vẫn phải đi theo phương pháp này để đảm bảo tương lai của họ, hơn là mong đợi các khoản bảo trợ kéo dài vô tận. Theo logic của TPP, các đồng ruộng bậc thang, một phần quan trọng làm nên phong cảnh nên thơ của Nhật Bản, sẽ không còn được bảo vệ. Vậy tại sao không bảo vệ phong cảnh của chúng ta như một nguồn tài nguyên du lịch – và thậm chí là một cách thức để chống biến đổi khí hậu?

Song đây mới là phần thực sự khó khăn. Hiệp định TPP đã được hoàn thành – nhưng nó sẽ chỉ có hiệu lực khi và chỉ đến khi được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của các quốc gia như Mỹ và Canada. Quá trình này cũng quá đủ để mái đầu muối tiêu của ông Amari chuyển sang màu trắng.

Yuriko Koike là cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia của Nhật Bản, từng là Chủ tịch Tổng Hội đồng Đảng Dân chủ Tự do và hiện là thành viên Quốc hội Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Japan’s TPP Transformation

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]