Nguồn: “Why American elections cost so much”, The Economist, 09/02/2014.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hầu như sau mỗi kỳ bầu cử tại Mỹ, các kỷ lục về chi tiêu mới lại được phá vỡ. Còn gần chín tháng nữa mới tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này, nhưng các ứng cử viên trong cuộc đua vào Thượng viện của bang Kentucky đã thu được 19,4 triệu USD và đã chi 7,3 triệu USD. Trong kỳ bầu cử năm 2012, chỉ riêng các ứng cử viên trong cuộc đua vào Thượng viện của bang Massachusetts đã chi hơn 85 triệu USD. Đó chỉ là con số lẻ khi so với cuộc đua vào chức tổng thống năm đó, với chi phí lên tới 2 tỷ USD (tổng chi phí của cuộc bầu cử năm 2012, bao gồm cả các cuộc đua vào Quốc hội, lên tới 7 tỷ USD). Không phải quốc gia nào cũng chi nhiều như vậy cho nền dân chủ của mình: ví dụ, ở Pháp, chi tiêu cho chiến dịch của các ứng cử viên tổng thống được giới hạn ở mức 30 triệu USD. Vậy tại sao các cuộc bầu cử của Mỹ lại đắt đỏ như vậy?
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất, các cuộc bầu cử của Mỹ đắt đỏ vì Mỹ là một nước lớn và giàu có: tổng dân số 314 triệu người tạo nên rất nhiều chi phí, đặc biệt là trong các thị trường truyền thông cạnh tranh như New York và Florida. Ngoài ra, mỗi kỳ bầu cử lại bao gồm hàng nghìn cuộc đua: các vị trí mà ở các quốc gia khác có thể được lấp đầy bởi những người được chỉ định bởi một đảng thì lại được cạnh tranh một cách quyết liệt tại Mỹ.
Ngoài những yếu tố về cấu trúc, một số người đổ lỗi cho phán quyết Citizen United của Tòa án tối cao vào năm 2010 vốn giải thoát các tập đoàn và công đoàn lao động khỏi các giới hạn chi tiêu dành cho các chương trình phát sóng chính trị độc lập (tức những chương trình không liên quan tới chiến dịch của các ứng cử viên cụ thể). Điều đó đã dẫn đến một sự gia tăng lớn về chi tiêu trong cuộc bầu cử năm 2012, lên tới mức cao nhất trong lịch sử nếu tính theo chi phí danh nghĩa. Phần lớn số tiền đó đến từ các “siêu Ủy ban Hành động Chính trị” (super–PAC) với khả năng thu hút và chi tiêu những khoản tiền không giới hạn, miễn là các ủy ban này tiết lộ các nhà tài trợ – và các nhóm gọi là nhóm “501(c)(4)”, tức các tổ chức phi lợi nhuận vốn có thể chi tiêu ít tự do hơn so với các siêu PAC nhưng lại không phải công bố nhà tài trợ của mình.
Nhưng các cuộc bầu cử của Mỹ đã đắt đỏ như vậy trong một thời gian dài. Nếu tính theo tỉ lệ GDP, cuộc bầu cử tổng thống năm 1896 có mức chi tiêu cao hơn nhiều so với bốn cuộc bầu cử tổng thống đắt đỏ nhất tiếp theo cộng lại. (Năm trước chiến dịch đó, thượng nghị sĩ Mark Hanna đã nói: “Có hai điều rất quan trọng trong chính trị. Điều thứ nhất là tiền và tôi không thể nhớ điều còn lại là gì” (hàm ý tiền là quan trọng nhất – NBT).
Năm 2012, chiến dịch của Barack Obama đã nỗ lực để thu hút các khoản đóng góp ở mức 200 USD hoặc ít hơn, và ông Obama đã qua mặt đối thủ Mitt Romney của mình trong hạng mục đó khi thu được 233,2 triệu USD so với 79,8 triệu USD [cho Mitt Romney]. Nhưng cả hai chiến dịch đều đã dựa chủ yếu vào các nhà tài trợ lớn, cũng như các siêu PAC lớn nhất: quỹ Khôi phục Tương lai của Chúng ta (Restore our Future) thiên hữu nhận được 30 triệu USD từ Sheldon Adelson, một ông trùm sòng bạc, và vợ của ông ta, trong khi quỹ Ưu tiên Hành động Hoa Kỳ (Priorities USA Action), quỹ ủng hộ ông Obama, đã thu về hàng triệu USD từ các công đoàn và các công ty luật.
Tuy nhiên, chi tiêu chính trị không phải là không bị giới hạn. Các tập đoàn và công đoàn không thể đóng góp trực tiếp vào các chiến dịch của các ứng cử viên, nhưng Tòa án Tối cao từ lâu đã ra phán quyết rằng nếu một người hoặc một nhóm muốn trả tiền cho các quảng cáo bày tỏ quan điểm chính trị của mình, thì đó là một hình thức phát ngôn, và do đó sẽ được bảo vệ bởi Tu Chính Án Thứ nhất. Vì vậy, lý do đơn giản nhất tại sao bầu cử tại Mỹ lại vô cùng đắt đỏ là do chi tiêu cho quảng cáo được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận.
Không phải ai cũng hài lòng với tình trạng này. Phán quyết Citizens United đã được đưa ra theo tỉ lệ phiếu 5-4, và trong một quan điểm bất đồng mạnh mẽ, cựu Thẩm phán John Paul Stevens đã cảnh báo rằng quyết định theo đa số “đe dọa làm suy yếu sự liêm chính của các thể chế dân cử trên toàn quốc” bằng cách “tăng cường đáng kể vai trò của các tập đoàn và các công đoàn cũng như … các lợi ích mà chúng đại diện.”
Những người khác thì lo ngại về sự gia tăng của “tiền đen“, tức các khoản đóng góp đến từ các nhà tài trợ không được tiết lộ hoặc được che chắn kỹ. Trong khi đó, yêu cầu không được liên quan đến các chiến dịch tranh cử đối với các khoản chi tiêu “độc lập” đôi khi được thực thi kém, và ranh giới giữa các chiến dịch và các nhóm độc lập thì kém rõ ràng hơn so với lý thuyết.
Dù tồn tại các mối quan ngại như vậy, chi phí cho các chiến dịch không có vẻ gì sẽ giảm xuống. Một siêu PAC ủng hộ cuộc chạy đua chức tổng thống chưa được công bố của bà Hillary Clinton sau hơn hai năm nữa đã thu hút được hơn 4 triệu USD. Đó là một số tiền rất lớn cho một ứng cử viên danh nghĩa, nhưng có lẽ cũng chưa bằng 1% số tiền mà ứng cử viên của đảng Dân chủ rốt cục sẽ chi tiêu vào năm 2016.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]