5 hiểu lầm về Christopher Columbus

Print Friendly, PDF & Email

18941600-mmmain

Nguồn: Kris Lane, “Five myths about Christopher Columbus”, The Washington Post, 08/10/2015.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một cơ hội bổ túc kiến thức hằng năm cho trẻ em nay trở nên dễ bị bỏ qua bởi Ngày Columbus đã được thay thế bằng “kỳ nghỉ mùa thu” và nhiều người lao động cũng không còn được nghỉ vào ngày này nữa. Khi người ta nhắc tới Christopher Columbus trên truyền thông hay trong các tiết học, ông thường được tán dương hoặc bị phê phán, tùy thuộc vào quan điểm của người nói. Cả hai trường hợp trên cho thấy, ông vẫn còn chưa được hiểu rõ. Hãy cùng xem xét lại một số nhầm lẫn lớn nhất về nhà thám hiểm mà tên ông được đặt cho kỳ nghỉ lễ liên bang vào ngày thứ 2 này.

  1. Columbus chứng minh học thuyết “Trái Đất phẳng” là sai.

Trong cảnh quay đầu tiên của bộ phim “Năm 1492: Cuộc Chinh Phục Thiên Đường” ra mắt năm 1992 do Ridley Scott làm đạo diễn, diễn viên Gérard Depardieu trong vai Columbus đang cùng cậu con trai nhìn về Đại Tây Dương.

Ông nói với con rằng, thế giới có hình dạng giống như quả cam ông đang bóc trên tay: tròn chứ không phải phẳng. Trong cách hiểu truyền thống này, Columbus là một nhà khoa học tiến bộ, một người trước-Galileo bị những người theo chính sách ngu dân bao vây với quyết tâm cản trở các kế hoạch của ông. Chúng ta có được câu chuyện này là nhờ Washington Irving, người đã “Mỹ hóa” Columbus trong cuốn tiểu sử của ông được bán chạy nhất vào năm 1828. Từng nổi danh với các tác phẩm “Rip Van Winkle” và “The Legend of Sleepy Hollow”, Irving là một người say mê nền văn hóa Tây Ban Nha, ông đã nghiên cứu về cuộc đời và những chuyến đi của Columbus khi đang sinh sống ở Tây Ban Nha vào những năm 1820. Dù là một học giả “có vẻ” cẩn trọng, song Irving đã tạo ra quan niệm “kiểu Mỹ” rằng Columbus là người có kinh nghiệm đi biển thực tế và sẵn lòng thách thức các viện sỹ “bàn giấy”, những người không thể nhìn thấy gì quá đường chân trời.

Trên thực tế, quan niệm Trái Đất có hình dạng gần giống hình cầu là điều không còn mới trong thời đại của Columbus. Câu hỏi đặt ra là về kích thước, hình dáng và diện tích bề mặt Trái Đất được các đại dương che phủ lớn tới chừng nào. Cuối cùng, Columbus thiên về quan điểm thế giới có kích thước nhỏ hơn mang hình dạng quả lê thay vì tròn trịa giống quả cam.

Nhà toán học người Florence là Paolo Toscanelli được cho là đã truyền cảm hứng cho Columbus thực hiện chuyến hải hành, nhưng cả Toscanelli lẫn Columbus đều không thể thuyết phục được vương triều Bồ Đào Nha về tính khả thi của nó. Các nhà nghiên cứu vũ trụ người Tây Ban Nha dường như cũng không bị thuyết phục khi Columbus gặp họ vào năm 1486, nhưng các bậc quân vương theo đạo Thiên chúa như Isabella và Ferdinand lại trở nên cực kỳ quan tâm tới việc này. Họ đã trả cho Columbus chút bổng lộc và đề nghị ông chờ. Bồ Đào Nha lúc bấy giờ muốn tìm một lộ trình hàng hải tới châu Á bằng cách đi vòng qua châu Phi. Liệu rằng Tây Ban Nha có bị bỏ nằm ngoài “cuộc chơi” không? Các ông hoàng bà chúa này đã cho Columbus lên diện kiến vào đầu năm 1492. Đến tháng 4, một thỏa thuận được ký tại cung điện Alhambra. Columbus giờ đây trở thành “vị đô đốc của biển cả.”

  1. Columbus là người Italia.

Quỹ Quốc gia của Người Mỹ gốc Italia đã ví buổi diễu hành Ngày Columbus tại New York là “cuộc thị uy lớn nhất và hoành tráng nhất thể hiện niềm tự hào của người Mỹ gốc Italia,” và những người Mỹ gốc Italia đã dẫn đầu các nỗ lực chống lại những thay đổi đối với trọng tâm của ngày lễ trên cả nước.

Nhưng khi Columbus sống, chưa hề có khái niệm người Italia; nước Italia không tồn tại mãi tới năm 1861. Bằng chứng tốt nhất cho thấy nhà thám hiểm được sinh ra tại một ngôi làng gần Genoa, nay thuộc Italia. Trước khi lìa đời, ông tự hào tuyên bố Genoa là quê hương của ông. Trong cuộc đời của Columbus, Genoa là một nền cộng hòa độc lập với ngôn ngữ, tiền tệ và các thuộc địa hải ngoại riêng của mình. Những mối quan hệ về thương mại với vùng Castile và Aragon thuộc Tây Ban Nha ngày nay từng rất thân thiết. Các thuộc địa phục vụ hoạt động giao thương của người Genoa tại Seville, Barcelona và Lisbon đều rất rộng lớn. Một số người Genoa kết hôn với người bản địa được cho nhập quốc tịch thành người Bồ Đào Nha, Catalan hay Castile.

Những mối quan hệ thân tình ấy đã làm gia tăng những tuyên bố về “nguồn gốc” của Columbus. Các học giả nghiêm túc lẫn các nhà lý thuyết nghiệp dư từng đưa ra ý kiến rằng ông có quốc tịch Catalan, Majorca, Ibiza, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Do Thái Sephardi, Sardinia, Ba Lan và thậm chí là Scotland. Đa phần các sử gia đều tin rằng Columbus là người Genoa, nhưng họ chần chừ khi gọi ông là “người Italia”, một phần vì lý do nêu trên, một phần bởi Columbus sớm rời quê hương và chu du đây đó rất nhiều.

  1. Columbus là một doanh nhân thành đạt và là nhà lãnh đạo kiểu mẫu.

Là một tấm gương điển hình từ xưa của người Mỹ, Columbus từng được coi như một doanh nhân kiểu mẫu. Những bài blog và bài viết về Ngày Columbus gồm “3 Bài học về kinh doanh học hỏi từ Christopher Columbus” và “5 Bài học về tính hiệu quả trong vai trò lãnh đạo từ Christopher Columbus.” Những bài văn đầy cảm hứng này đều tập trung vào các điểm cần nhớ như: “Hãy tìm một cơ hội khi bạn có lợi thế.” Có bài đặt câu hỏi: “Công ty của bạn có một Columbus nào không?”

Theo những bài viết này, Columbus là một người dám đương đầu với rủi ro và đầy tự tin, người am hiểu về những loại hàng hóa cơ bản “nóng”. Vào đầu những năm 1480, ông tới vùng duyên hải Tây Phi tìm vàng, sau đó đến mua đường ở quần đảo Madeira, nơi ông kết hôn với nữ quý tộc người Bồ Đào Nha tên là Filipa de Perestrello. Columbus cũng biết ngành đánh bắt cá tuyết ở Bắc Đại Tây Dương, nhưng ông không mặn mà lắm với món này. Ông muốn nếm các loại hương vị của châu Á mà Marco Polo từng mô tả một cách say đắm.

Nếu như Columbus tới được châu Á, có lẽ ông đã chứng minh được mình là một thương gia tâm huyết. Nhưng trên thực tế, nơi ông cập bến lại là bờ biển Ca-ri-bê, tại một khu vực đông dân cư, nơi khó thâm nhập đối với một thương nhân Cựu Thế giới. Ở đây có một ít vàng nhưng vàng không được dùng làm tiền tệ. Có thể có tù nhân, nhưng những người chủ không bán họ ở những khu chợ trời. Chẳng bao lâu sau khi cập bến, Columbus cho rằng mình có thể kết bạn và buôn bán để đổi lấy vàng và nô lệ như những thông lệ của người Bồ Đào Nha tại Tây Phi. Nhưng trừ một vài ngoại lệ, ở châu Mỹ không có nền kinh tế thị trường nào tương  tự như các nền kinh tế của Cựu Thế giới.

Do thiếu hiểu biết về điều này, Columbus nhanh chóng phạm những sai lầm về quản lý, trong đó có nhiều sai lầm chết người. Ông thiết lập một thuộc địa ở bờ biển phía bắc của Haiti và đặt tên là La Navidad. Khi ông trở lại trong sau chuyến hải trình thứ hai, mọi người tại “thị trấn Giáng sinh” này đều đã chết. Columbus lại xây dựng một khu định cư khác, và lấy tên La Isabela để tỏ lòng tôn kính nữ hoàng của ông, nơi cũng nhận kết cục tương tự.

Các nhà khảo cổ học phát hiện ra rằng, La Isabela được xây dựng như một thương điếm hòa trộn đặc điểm của Genoa và Bồ Đào Nha vốn thường thấy ở Địa Trung Hải và châu Phi nằm trên bờ Đại Tây Dương. Nó được kỳ vọng sẽ tồn tại nhờ hoạt động giao thương thay vì tự cung tự cấp, điều khiến người dân trong vùng phải tham gia vào những cuộc cướp bóc mang tính tự sát tại những ngôi làng của người bản địa lân cận. Việc ông hiểu sai về nền kinh tế địa phương cũng như không thể thích nghi với điều kiện của khu vực này đã dẫn tới cái chết của không chỉ những người Tây Ban Nha mà còn vô số người bản địa nơi đây.

  1. Columbus phạm tội diệt chủng.

Vào Ngày Columbus năm 1989, Russell Means – nguyên là nhà hoạt động Thổ dân châu Mỹ – đã dẫn đầu một cuộc biểu tình của Phong trào Anh-điêng Châu Mỹ, đổ những xô máu giả lên bức tượng Columbus đặt tại khu thương mại Denver trong khi những người Mỹ gốc Italia đang diễu hành trên phố. (Ngày Columbus được tổ chức lần đầu tại Denver năm 1907). Trong gần một thập niên, thành phố đã hủy bỏ các cuộc diễu hành. Không chỉ riêng các nhà hoạt động của Phong trào Anh-điêng cáo buộc Columbus về tội thảm sát, mà trong những năm gần đây, một vài thành phố và tiểu bang bắt đầu tổ chức “Ngày Dân tộc Bản địa” hay “Ngày Thổ dân châu Mỹ” thay vì Ngày Colombus

Thế nhưng, nếu chúng ta đánh giá Columbus qua những điều chúng ta biết từ ghi chép của sử sách, thì lời cáo buộc ấy liệu có hợp lý? Việc bắt người dân bản địa bị bắt cóc từ bờ biển Ca-ri-bê làm nô lệ và buôn bán họ chính là lợi nhuận mà Columbus chắc chắn đã nhìn ra. Khi Columbus thiết lập xong liên minh với những người mà ông gọi là “Những người da đỏ tốt”, ông đã ủng hộ việc tiến hành chiến tranh và bắt những nhóm người bản xứ làm nô lệ vì ông coi họ là những kẻ ăn thịt người. Đến năm 1500, ông cùng những người anh em của mình bán gần 1.500 nô lệ bản địa tới thị trường châu Âu. Ngay cả những người dân bản địa “thân thiện” cũng đồng loạt bị ép đi đào vàng, khiến cho số người bỏ mạng tăng lên nhanh chóng vì thiếu ăn, làm việc quá sức và bệnh tật.

Rõ ràng, Columbus không phải là bạn của dân bản địa, nhưng theo một tài liệu được phát hiện tại Simancas, Tây Ban Nha 10 năm về trước thì ông là một tên bạo chúa “công bằng”. Các nhân chứng khai rằng, chính quyền Hispaniola ngắn ngủi của ông dựng lên được ghi dấu bởi sự tàn bạo diễn ra thường xuyên, không chỉ với người Taino bản địa mà còn với cả người Tây Ban Nha với lý do coi thường hay nhạo báng ông. Một phụ nữ từng nhắc Columbus rằng ông là con trai của một người thợ dệt, và sau đó bà đã bị cắt lưỡi. Những người khác cũng bị hành quyết vì những tội danh không nghiêm trọng.

Chủ nghĩa thực dân chưa bao giờ tốt đẹp, và khi đối xử với người bản địa, Colombus đã tuân theo các lề thói buôn bán và nô dịch lâu nay của người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Chúng ta có thể cáo buộc ông tội danh diệt chủng do bất cẩn (nếu quả thực có tội danh đó), nhưng chứng minh liệu ông có cố ý phạm tội đó hay không mới thật là khó. Columbus muốn người dân sinh sống và sinh sôi để thu thuế và cai trị. Ông không hề có ý giảm bớt số dân ở những vùng lãnh thổ mới chiếm được.

Vậy có phải Columbus là người bảo vệ tích cực cho Thổ dân châu Mỹ hay không? Không. Vậy ông có muốn loại bỏ họ không? Không. Có phải hành động thảm sát xuất phát trực tiếp từ các sắc lệnh của ông và các mục đích thương mại của gia đình ông không? Câu trả lời là có.

  1. Columbus tin mình là người đã tìm ra châu Mỹ.

Trải qua nhiều thập niên, học sinh Mỹ được dạy rằng “vào năm 1492, Columbus thực hiện chuyến hải trình trên đại dương xanh thẳm” để “khám phá ra” Tân Thế giới. Tuy nhiên, vào ngày kỷ niệm lần thứ 500 vào năm 1992, các nghiên cứu mới đã bắt đầu được đưa vào những tiết học lịch sử ở cấp tiểu học và trung học. Ngày nay, không mấy ai nói rằng Columbus là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ. Có rất nhiều bằng chứng về việc người Na-uy thời trung cổ đã đặt chân đến và thiết lập nên các thuộc địa ở châu Mỹ.

Vậy thì, điều mà bản thân Columbus nghĩ mình đang làm là gì? Ông chưa bao giờ tin mình đã đặt chân tới nơi nào đó mà người châu Âu lại không biết, và do đó châu Mỹ được đặt theo tên của một nhà hàng hải khác người Florence là Amerigo Vespucci, người đã công nhận “tính mới” của Nam Mỹ. Columbus nghĩ ông đã khám phá ra một số khu vực của châu Á mà Marco Polo hay các chính quyền phương Tây khác chưa đề cập tới. Ông còn tin mình đã phát hiện một tuyến hàng hải mới tới Đông Ấn mà không phải đi qua những tuyến đường bộ và đường thủy do người Hồi giáo kiểm soát.

Mới đây, Nicolás Wey­-Gómez chỉ ra rằng, đi tới những vùng nhiệt đới ở phía Nam có lẽ là sự đổi mới chính của Columbus, bởi Quần đảo Hương liệu là nơi ông muốn đến trước. Từ đó, ông có thể qua Trung Quốc trên một cơ sở thương mại an toàn – dựa vào thương điếm kiên cố mà ông đã cố gắng xây dựng trên hòn đảo Hispaniola. Ngày nay, quan điểm địa lý bảo thủ của ông nghe có vẻ lạ lùng, nhưng rõ ràng không chỉ mình ông không tin là ông đã đặt chân tới những châu lục mà các nhà cầm quyền thời ấy không hề hay biết. Thực tế về một thế giới hoàn toàn mới nơi có hàng triệu người dân mà người châu Âu chưa từng biết sinh sống là điều quá sức tưởng tượng đối với ngay cả đa phần những người dân châu Âu có hiểu biết.

Nếu Columbus có phát hiện thứ gì đó, thì đó chính là phạm vi thực sự của đới gió mậu dịch ở vùng Bắc Đại Tây Dương. Các thuyền viên Bồ Đào Nha cũng đã quan sát thấy hệ thống gió và dòng hải lưu này, nhưng Columbus còn làm được nhiều hơn thế, chứng minh được qua bốn chuyến hải trình của ông rằng việc thực hiện các chuyến đi xuyên Đại Tây Dương với công nghệ tàu buồm lúc bấy giờ là điều khả dĩ hơn những gì người ta từng tưởng tượng.

Muốn biết về chuyến khám phá thực sự, chúng ta phải quay ngược thời gian khoảng 13.000 đến 14.000 năm trước Columbus. Một cuộc nghiên cứu gần đây đã xác nhận, những người đầu tiên đặt chân tới châu Mỹ là dân di cư từ Đông Bắc Á tới Bắc Mỹ thông qua một eo đất tạm thời hay là di chuyển qua từng đảo ở Eo biển Bering và dọc duyên hải Alaska cũng như đường bờ biển của British Columbia. Trong vài làn sóng di cư như vậy, những thổ dân châu Mỹ xa xưa này đã di chuyển về phía nam và phía đông, nhanh chóng định cư tại hai châu lục rộng lớn này cùng vô số những hòn đảo khác.

Đối với nhiều Thổ dân châu Mỹ, cuộc viếng thăm định mệnh của Columbus đã châm ngòi cho một cuộc kháng chiến kéo dài 523 năm. Dù chúng ta gọi đó là Ngày Columbus hay Ngày của Dân tộc Bản địa, thì ngày 12 tháng 10 vẫn còn là một ngày đáng phải suy ngẫm.

Xem thêm: Các bài khác trong series “5 hiểu lầm”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]