Hậu Obama: Liệu Mỹ có bỏ cấm vận đối với Cuba?

AppleMark

Nguồn: Matthew Barbari, “The Cuban Embargo after Obama: The Presidential Candidates’ Platforms”, Foreign Policy Analysis¸12/02/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong Thông điệp liên bang cuối cùng của mình, Tổng thống Obama đã nhắc đến mong muốn của ông về việc lệnh cấm vận thương mại lâu đời của Mỹ đối với Cuba sẽ được chấm dứt trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông ở Nhà Trắng. “50 năm cô lập Cuba đã thất bại trong việc thúc đẩy dân chủ, cản trơ lợi ích của chúng ta tại khu vực Mỹ Latinh,” vị tổng thống nói, đồng thời thêm rằng “Cần thừa nhận Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Hãy dỡ bỏ lệnh cấm vận.”

Obama trước đó đã khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với chính quyền Raul Castro. Vào ngày 20 tháng 7 năm 2015, quan hệ ngoại giao đã được khôi phục và Đại sứ quán Cuba ở Washington cùng với Đại sứ quán Mỹ ở Havana được thông báo sẽ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, do lệnh cấm vận vẫn bị duy trì, trách nhiệm dường như sẽ được chuyển sang cho vị tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy di sản của Obama và chấm dứt sự cô lập kinh tế của đảo quốc này.

Sự chấp thuận của Quốc hội chính là rào cản lớn nhất đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này. Quốc hội được kiểm soát bởi phe Cộng hòa vốn phản đối thay đổi này vì vẫn xem Cuba là kẻ thù. Quốc hội để lại rất ít nghi ngờ rằng Obama sẽ không thể chứng kiến sự chấm dứt lệnh cấm vận trước khi rời nhiệm sở. Dù nhiều vấn đề khác là mối bận tâm hàng đầu của cuộc bầu chọn ứng cử viên đang diễn ra của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, nhưng Cuba là đề tài mà mỗi ứng viên chính đều đã đề cập đến, cho thấy ý kiến của họ về việc giải quyết mối quan hệ giữa Washington và Havana như thế nào.

Cương lĩnh của các ứng viên Đảng Cộng hòa

Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Marco Rubio, hai ứng viên trong cuộc bầu chọn của Đảng Cộng hòa, đã đặc biệt lớn tiếng về lệnh cấm vận. Cả Cruz và Rubio đều chống Cuba và cả hai đã từng công khai phản đối kịch liệt chính sách bình thường hóa, kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận của Tổng thống Obama. Cruz gọi chính sách của Obama là một “sai lầm thảm hại”, cho rằng nó sẽ hợp pháp hóa chế độ của ông Castro.

Cruz tin rằng mở cửa thương mại với quốc đảo này sẽ làm hại người dân Cuba đang khao khát nhiều quyền tự do hơn bằng cách để cho chế độ cộng sản ở Cuba tiếp tục tại vị. Quan điểm đó cũng nhận được sự đồng tình từ ông Rubio, một Thượng nghị sĩ từ Florida, bang có đông người dân gốc Cuba nhất. Rubio từ lâu đã là một người chỉ trích chế độ của ông Castro, cho rằng chính sách Cuba của Obama là vô cùng nguy hiểm.

Đối với ông, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ đe dọa vị thế đạo đức của Mỹ tại khu vực này. Ông cũng tuyên bố rằng nếu ông đắc cử Tổng thống, ông sẽ đóng cửa cả hai Đại sứ quán ở Washington và Havana, và thay vào đó sẽ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Cuba cho đến khi chế độ của ông Castro bị lật đổ. Điều này đặt ông vào thế bất đồng thậm chí với cả Cruz, người tán thành việc giảm dần các lệnh trừng phạt đối với Cuba dựa trên điều kiện là sự tiến bộ nhân quyền tại nước này.

Cương lĩnh của các ứng viên Đảng Dân chủ

Trong khi các thành viên đảng Cộng hòa có xu hướng ủng hộ lệnh cấm vận, nhiều thành viên đảng Dân chủ lại đứng về phe Obama, xem lệnh cấm vận là một thất bại ngoại giao và kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Cuba. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã phát biểu công khai rằng ông phản đối lệnh cấm vận và ủng hộ bình thường hóa quan hệ, đồng thời để tương lai Cuba cho người dân Cuba quyết định. Ông hy vọng đảo quốc này sau cùng sẽ trở thành một thể chế dân chủ và từng bỏ phiếu cho các đạo luật có lợi cho Cuba. Năm 2014, Sanders đã đồng bảo trợ cho một dự thảo luật trình lên Thượng viện về việc cho phép người dân đi lại giữa Mỹ và Cuba.

Người dẫn đầu cuộc đua của đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng và Thượng nghị sĩ bang New York Hillary Clinton. Bà Clinton đã công khai phát biểu ủng hộ lời kêu gọi của ông Obama về bình thường hóa quan hệ, bất chấp việc trước đây bà từng nghiêng về các lệnh trừng phạt. Gần đây, bà đã tuyên bố rằng lệnh cấm vận là một “con chim hải âu” (điềm gở)  trên đầu nước Mỹ trong quan hệ với Mỹ Latinh và chính sách ngoại giao của Mỹ không còn cần phải được xem xét “thông qua lăng kính Chiến tranh Lạnh lỗi thời”.

Clinton cũng đồng thời tỏ rõ lập trường nếu đắc cử, bà sẽ thúc đẩy Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận hoặc sử dụng quyền lực hành pháp của mình để giảm các hạn chế đi lại và tăng cường thương mại. Bà khẳng định trong thời gian làm Ngoại trưởng, bà đã yêu cầu ông Obama xem xét chấm dứt lệnh cấm vận. Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa chỉ bắt đầu sau khi nhiệm kỳ Ngoại trưởng của bà kết thúc.

Clinton đã phải bảo vệ cho lập trường hiện tại của mình về Cuba vì nó mâu thuẫn với quan điểm trước đó của bà vốn từng ủng hộ lệnh cấm vận trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008. Thậm chí trong thời gian là Đệ nhất phu nhân dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà đã nghiêng về các biện pháp tăng cường cấm vận, chẳng hạn như Đạo luật Helms – Burton 1996. Trong khi bà Clinton được phép thay đổi quan điểm của mình về các vấn đề chính sách, một câu hỏi được đặt ra là bà có thực sự ủng hộ những chính sách như thế hay chỉ đang tìm cách làm hài lòng những cử tri ủng hộ việc bình thường hóa trong nỗ lực giành được đề cử của đảng Dân chủ.

Bất chấp lập trường của các ứng viên về lệnh cấm vận Cuba, hầu như vẫn sẽ không có gì xảy ra chừng nào Quốc hội vẫn tiếp tục phản đối việc chấm dứt nó. Với việc Raul Castro sẽ thoái lui vào năm 2018, những năm tiếp theo đó sẽ vô cùng then chốt trong lịch sử Cuba. Việc chúng ta (các cử tri) có muốn nước Mỹ trở thành một phần của lịch sử đó hay không sau cùng vẫn phụ thuộc vào chính chúng ta.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]