Yếu tố địa chính trị trong quan hệ Mỹ – Cuba

Print Friendly, PDF & Email

dc-1962-map-of-cuban-missile-crisis

Nguồn: George Friedman, “The Geopolitics of U.S. – Cuba Relations”, Stratfor, 23/12/2014.

Biên dịch: Nguyễn Quang Khải | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro vừa thống nhất trao đổi tù nhân bị giam giữ với tội danh tình báo. Ngoài ra, Washington và Havana còn nhất trí thảo luận về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, chưa một thỏa thuận nào được đưa ra về việc chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, một bước đi đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội.

Đây là một thỏa thuận khiêm tốn, gây được tiếng vang chỉ bởi trước nay chẳng có một thỏa thuận nào. Quan hệ Mỹ-Cuba đã đóng băng nhiều thập niên, và cả hai bên đều không sẵn sàng nhượng bộ cũng như có những động thái đi trước. Một phần lý do là vì chính trị nội bộ ở cả hai nước đều khiến việc để mặc cho mối quan hệ đóng băng trở thành lựa chọn dễ dàng hơn.

Về phía Mỹ, việc liên minh những người Mỹ gốc Cuba, các chính trị gia bảo thủ và các tổ chức nhân quyền lên án Cuba vi phạm nhân quyền đã đập tan nỗ lực làm tan băng quan hệ. Về phía Cuba, sự thù địch với Mỹ đóng vai trò nòng cốt trong việc duy trì tính chính đáng của chế độ cộng sản ở nước này. Chính phủ nước này không những được xây dựng trên nền tảng của sự đối đầu với đế quốc Mỹ mà Havana còn sử dụng lệnh cấm vận đang tiếp diễn của Mỹ để biện minh cho những thất bại về kinh tế của Cuba. Chẳng có một sức ép bên ngoài nào buộc một nước chung sống với bên kia nhưng lại có rất nhiều lý do trong nước khiến tình hình cứ giậm chân tại chỗ.

Nhưng hiện nay Cuba đang chịu một số sức ép buộc nước này phải thay đổi chính sách. Cuba đã vật lộn để tồn tại được sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng nay nước này phải đối mặt với một vấn đề cấp bách hơn: đó là tình hình bất ổn ở Venezuela. Caracas cung cấp dầu lửa cho Cuba với giá ưu đãi đặc biệt. Khó mà biết được kinh tế Cuba đã tới gần vực thẳm tới mức nào, nhưng chắc chắn là dầu lửa của Venezuela sẽ tạo sự khác biệt lớn. Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang phải đối mặt với bất ổn dâng cao vì các vấn đề kinh tế. Nếu chính phủ Venezuela sụp đổ thì Cuba cũng sẽ mất một trong những bệ đỡ quan trọng. Không ai biết chắc liệu số phận Venezuela sẽ đi về đâu, nhưng Cuba phải đối mặt với khả năng tình huống xấu nhất xảy ra và nước này buộc phải tính đến chuyện mở cửa. Xét về mặt bảo vệ chế độ thì mở cửa với Mỹ là hợp lý hơn cả.

Lý do của Mỹ cho sự thay đổi chính sách này không rõ ràng như vậy. Nhưng nếu đứng từ quan điểm của ông Obama thì sự thay đổi này có ý nghĩa về chính trị. Trước hết, về mặt ý thức hệ, Obama muốn chấm dứt cấm vận Cuba. Thứ hai, ông có rất ít thành công về chính sách ngoại giao cho đến thời điểm này. Bình thường hóa quan hệ với Cuba có thể là điều mà ông muốn đạt được, vì những nhóm lợi ích như Phòng Thương mại Hoa Kỳ rất ưu ái việc bình thường hóa quan hệ và sẽ giúp tạo vỏ bọc về chính trị (để chống chỉ trích – NBT) trong nội bộ Đảng Cộng hòa.

Nhưng lý do cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất là phần lớn những nền tảng địa chính trị đằng sau nỗi ám ảnh của nước Mỹ với Cuba gần như đã không còn, nếu không phải là mãi mãi thì ít nhất cũng là trong tương lai gần. Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba không còn đặt ra thách thức chiến lược nào nữa. Để hiểu được phản ứng của Mỹ với Cuba trong suốt nửa thế kỷ qua, chúng ta cần hiểu thách thức địa chính trị của Cuba đối với Mỹ.

Giá trị chiến lược của Cuba

Thách thức mang tên Cuba khởi thủy từ hồi Tổng thống Thomas Jefferson hoàn thành thương vụ mua Louisiana năm 1803. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình Lãnh thổ Louisiana thuộc sở hữu của Tây Ban Nha cho tới khi được nhượng lại cho Pháp để rồi mấy năm sau đó Napoleon lại bán lại cho Mỹ để lấy tiền trang trải cho cuộc chiến với người Anh. Jefferson nhận thấy Louisiana là điểm mấu chốt cho an ninh quốc gia Mỹ ở hai điểm: thứ nhất, dân Mỹ vào thời điểm đó chủ yếu quần cư phía đông dãy Appalachia thành một dải dài từ New England tới biên giới Georgia-Florida khiến nước Mỹ cực kỳ dễ bị xâm lược và không có chỗ để thoái lui, và điều này đã trở thành hiện thực trong cuộc chiến tranh năm 1812. Thứ hai, Jefferson luôn mơ về một nước Mỹ thịnh vượng với những người nông dân sở hữu đất đai của riêng mình, sống như những chủ doanh nghiệp chứ không phải như nông nô. Vùng đất đai màu mỡ của Louisiana nằm trong tay những người di cư đến Mỹ sẽ tạo ra của cải xây dựng đất nước và là vị trí chiến lược để bảo vệ của cải ấy.

Louisiana chiến lược ở chỗ nó có hệ thống sông ngòi cho phép nông dân vùng Trung Tây chuyển sản phẩm làm ra bằng xà lan tới sông Mississipi và từ đó xuống New Orleans. Ngũ cốc từ đó sẽ được chuyển xuống các tàu đi biển và sang châu Âu. Chính số ngũ cốc này sẽ tạo điều kiện cho Cách mạng Công nghiệp nổ ra ở Anh, bởi lẽ việc nhập khẩu một số lượng lớn lương thực thực phẩm đã giải phóng nông dân Anh khỏi công việc đồng áng để làm việc trong các ngành công nghiệp ở thành thị.

Để làm được vậy, nước Mỹ cần kiểm soát hệ thống sông Ohio-Missouri-Mississipi (bao gồm nhiều sông khác nữa), cửa sông Mississipi, Vịnh Mexico và cửa ra Đại Tây Dương chạy dọc giữa Cuba và Florida, và giữa Cuba và Mexico. Nếu chuỗi cung ứng này bị phá vỡ ở một điểm nào đó, hệ lụy toàn cầu – mà đặc biệt là hệ lụy với nước Mỹ – sẽ là vô cùng lớn. Hiện nay, New Orleans vẫn là cảng hàng hóa lớn nhất nước Mỹ, thường xuyên vận chuyển ngũ cốc đi châu Âu và nhập thép cho sản xuất trong nước.

Đối với người Tây Ban Nha, Lãnh thổ Louisiana là tấm khiên chắn chống lại các cuộc tấn công của Mỹ vào Mexico và những mỏ bạc trù phú của nước này, vốn là phần đóng góp lớn vào sự thịnh vượng của Tây Ban Nha. Nếu Louisiana rơi vào tay Mỹ, những tài sản chiến lược đó sẽ bị đe dọa. Từ quan điểm của Mỹ, mối quan ngại của Tây Ban Nha làm tăng khả năng nước này can thiệp vào thương mại Mỹ. Với Florida, Cuba và Yucatan nằm trong tay mình, người Tây Ban Nha có thừa khả năng làm tê liệt dòng chảy hàng hóa dọc theo sông Mississipi.

Cựu Tổng thống Andrew Jackson là người đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Jefferson. Là một vị tướng, ông đã phát động chiến tranh chống lại người da đỏ Seminole ở Florida và chiếm vùng đất này từ tay Tây Ban Nha – và từ tay người Seminole. Ông bảo vệ New Orleans khỏi đợt tấn công của người Anh năm 1814. Khi trở thành tổng thống, ông nhận ra rằng Mexico khi đó đã độc lập khỏi Tây Ban Nha là một mối đe dọa chính đối với toàn bộ miền Trung nước Mỹ. Biên giới của Texas thuộc Mexico nằm trên sông Sabine, chỉ cách sông Mississipi 193km. Jackson, thông qua Sam Houston, đã châm ngòi một cuộc nổi dậy chống Mexico ở Texas tạo điều kiện cho việc xâm lược.

Nhưng Cuba thuộc Tây Ban Nha vẫn là cái gai trong mắt Mỹ. Eo biển Florida và Yucatan tương đối hẹp. Và mặc dù Tây Ban Nha khi đã suy yếu vẫn có thể ngăn chặn các ngả giao thương của Mỹ thì chính người Anh mới là những kẻ làm người Mỹ lo ngại nhất. Người Anh đóng căn cứ ở Bahamas, gần Cuba, với những cái đầu sẵn tư duy hằn học với Mỹ, có thể giành lấy Cuba và áp đặt một lệnh phong tỏa gần như không thể xuyên thủng và làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Người Anh phụ thuộc vào ngũ cốc của Mỹ, và không thể loại trừ khả năng họ sẽ tìm cách kiểm soát nguồn xuất khẩu ngũ cốc từ vùng Trung Tây ngõ hầu đảm bảo an ninh kinh tế cho chính họ. Nỗi lo sợ sức mạnh của Anh đã là động lực định hình cuộc Nội chiến Mỹ và nhiều thập niên sau đó.

Cuba là mấu chốt. Nếu nằm trong tay một cường quốc thù địch với Mỹ, Cuba có thể trở thành con dao đâm thẳng vào Mississipi cũng như cướp lấy New Orleans. Sự yếu kém của người Tây Ban Nha khiến người Mỹ lo sợ. Bất cứ một cường quốc châu Âu nào – như nước Anh, hay sau đó vào năm 1871 là Đức – đều có thể dễ dàng hất cẳng Tây Ban Nha khỏi Cuba. Và nước Mỹ khi ấy chưa có hải quân mạnh, sẽ không đủ sức để đối phó. Giành lấy Cuba vì thế trở thành nhiệm vụ sống còn trong chiến lược của Mỹ. Theodore Roosevelt trên cương vị tổng thống đã nhìn thấy trước nước Mỹ sẽ nổi lên thành một cường quốc hải quân, ông đã góp phần vào việc xây dựng thành công kênh đào Panama vốn có vai trò quan trọng đối với một lực lượng hải quân hoạt động trên hai đại dương, và ông cũng là người hùng trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ (1898-1900) khi Mỹ giành được Cuba.

Với việc chiếm được Cuba, con đường trung chuyển New Orleans-Đại Tây Dương được đảm bảo. Nước Mỹ duy trì kiểm soát Cuba cho đến khi Fidel Castro nổi lên. Nhưng từ lâu nước Mỹ đã lo ngại về an ninh của Cuba. Tự thân hòn đảo không thể đe dọa đến các tuyến đường vận chuyển. Nhưng nếu nằm trong tay một cường quốc thù địch, Cuba có thể trở thành bàn đạp để bóp nghẹt nước Mỹ. Trước Thế chiến II, khi cảm nhạn được ảnh hưởng của Đức ở Cuba, Mỹ đã làm mọi cách để đưa Fulgencio Batista lên nắm quyền; người vẫn được coi là đồng minh, hay có người coi là con rối của Mỹ, tùy cách nhìn nhận vấn đề. Nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ: bất cứ khi nào một cường quốc khác quan tâm tới Cuba, nước Mỹ phải phản ứng, và nước Mỹ đã phản ứng hiệu quả cho tới khi Castro lên nắm quyền năm 1959.

Ảnh hưởng của Liên Xô

Nếu Liên Xô muốn tìm một địa điểm để từ đó đe dọa lợi ích của Mỹ thì không đâu lý tưởng bằng Cuba. Vì thế, dù cho Fidel có là người cộng sản trước khi lên nắm quyền ở Cuba hay không thì có vẻ là sau rốt kiểu gì ông cũng trở thành một đồng minh của phe cộng sản. Tôi nghĩ rằng ông ta đã là một người cộng sản nhiều năm trước khi lên cầm quyền nhưng khôn khéo che giấu việc đó vì biết rằng một nhà cầm quyền cộng sản công khai ở Cuba sẽ làm sống lại mối lo sợ của Mỹ. Cũng có thể ông không là cộng sản nhưng rồi đã ngả về phía Liên Xô vì lo sợ Mỹ can thiệp. Nước Mỹ vốn không hiểu hết được cuộc cách mạng Cuba đã tự động tiến tới gia tăng kiểm soát. Castro, là một người cộng sản, nhà cải cách nông nghiệp hay gì đi chăng nữa, cũng cần một đồng minh để chống lại sự can thiệp của Mỹ. Dù sự sắp đặt ấy đã được lên kế hoạch nhiều năm, như tôi nghi ngờ, hay chỉ là chớp nhoáng, thì hẳn Liên Xô cũng coi đây là mối tơ duyên trời cho.

Nếu Liên Xô không đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba thì trong Chiến tranh Lạnh kiểu gì Mỹ cũng vẫn sẽ phản đối một đồng minh nào đó của Liên Xô kiểm soát Cuba. Đây là vấn đề đã ăn sâu bén rễ vào tư duy địa chính trị Mỹ. Nhưng thực tế là Liên Xô đã lắp đặt tên lửa ở Cuba, một câu chuyện chúng ta phải kể đến.

Không lực Liên Xô thiếu máy bay đánh bom chiến lược tầm xa. Trong Thế chiến II, Liên Xô chỉ tập trung vào tầm ngắn, máy bay hỗ trợ cho các chiến dịch trên bộ. Nước Mỹ đã từng có rất nhiều kinh nghiệm đánh bom tầm xa từ những lần giao tranh với Đức và Nhật trên không. Vì thế, trong thập niên 1950, Mỹ đặt căn cứ không quân ở châu Âu và sau đó là căn cứ B-52 ở lục địa Mỹ giúp nước Mỹ có thể tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân. Liên Xô khi đó không có đội hình máy bay đánh bom tầm xa nên không thể trả đũa nước Mỹ. Cân bằng quyền lực hoàn toàn nghiêng về hướng có lợi cho Mỹ.

Liên Xô muốn nhảy cóc, từ xây dựng một đội hình máy bay đánh bom có người lái sang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đầu thập niên 1960, thiết kế các tên lửa loại này đã có nhiều bước tiến, nhưng việc lắp đặt thì chưa. Liên Xô vẫn chưa có công cụ ngăn chặn hiệu quả chống lại một cuộc tấn công hạt nhân từ Mỹ ngoại trừ một hạm đội tàu ngầm đã lỗi thời. Không khí thù địch giữa Mỹ và Liên Xô khi ấy vô cùng căng thẳng, và Mát-xcơ-va không thể không tính tới chuyện Washington sẽ lợi dụng thời cơ để tấn công Liên Xô mà không sợ bị trả đũa.

Liên Xô đã có dàn tên lửa đạn đạo tầm trung hiệu quả. Mặc dù số tên lửa này không thể bắn tới Mỹ từ Liên Xô, nhưng chúng có thể bao quát gần như toàn bộ lãnh thổ Mỹ từ Cuba. Liên Xô cần một ít thời gian để lắp đặt một dàn tên lửa đạn đạo lớn cùng lực lượng tàu ngầm. Cuba là địa điểm hoàn hảo để triển khai dàn tên lửa ấy. Nếu thành công, Liên Xô sẽ đập tan cơ hội của Mỹ bằng cách đặt một lực lượng răn đe ở Cuba. Nhưng Liên Xô đã bị phát hiện trước khi thực hiện được ý đồ. Mỹ đe dọa xâm lược Cuba, Liên Xô buộc phải tính đến chuyện Mỹ sẽ đe dọa tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào Liên Xô và họ đã phải xuống nước. Như chúng ta đều biết, Mỹ không có ý định tiến hành một cuộc tấn công nào như thế, nhưng Liên Xô không thể không dè chừng.

Cuba hằn sâu vào tư duy chiến lược của Mỹ ở hai tầng nấc. Tự thân nó chưa bao giờ là mối đe dọa với Mỹ. Nhưng dưới sự kiểm soát của một cường quốc hải quân, Cuba có thể bóp nghẹt nước Mỹ. Sau khi Liên Xô cố gắng triển khai dàn tên lửa đạn đạo tầm trung tại đó, một tầng nấc nữa được tạo ra trong đó Cuba là mối đe dọa tiềm tàng đối với lục địa Mỹ cũng như đối với các tuyến giao thương. Mỹ và Liên Xô đã thỏa thuận với nhau, theo đó Mỹ cam kết không xâm lược Cuba và Liên Xô cam kết không đặt vũ khí hạt nhân ở nước này.

Nhưng Cuba vẫn luôn là vấn đề với Mỹ. Nếu như xảy ra chiến tranh ở châu Âu, Cuba có thể trở thành một căn cứ đe dọa sự kiểm soát của Mỹ ở vùng biển Caribe và theo đó là khả năng vận chuyển tàu chiến từ Hạm đội Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Nước Mỹ chưa bao giờ nới lỏng sức ép đối với Cuba, cũng như Liên Xô cứ dùng nước này làm căn cứ cho nhiều thứ ngoài vũ khí hạt nhân (chúng tôi đồ vậy), và chế độ của Castro thì cứ bám lấy Liên Xô để có được an ninh trong khi nước này ủng hộ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (theo cách gọi của Cuba) ở các nước Mỹ Latinh và châu Phi phục vụ những lợi ích chiến lược của Liên Xô.

Cuba hậu Xô-viết

Với sự sụp đổ của Liên Xô, Castro mất đi người bảo trợ và đảm bảo chiến lược cho mình. Mặt khác, Cuba không còn là mối đe dọa đối với Mỹ nữa. Có một thỏa hiệp bất thành văn là mặc dù Cuba không còn là mối đe dọa với Mỹ nhưng do trên lý thuyết thì nước này vẫn có thể trở thành mối đe dọa nên Washington sẽ không chấm dứt thù địch với Havana nhưng cũng sẽ không tích cực tìm cách lật độ (chế độ ở) nước này. Về phần mình, chính phủ Cuba cam kết không làm cái mà thực sự nước này không thể làm: đó là trở thành mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ. Cuba sẽ vẫn là một sự phiền phức ở những nơi như Venezuela, nhưng một sự phiền phức không phải là mối đe dọa chiến lược. Vì thế, mối quan hệ giữa hai nước vẫn đóng băng.

Kể từ thương vụ Louisiana, Cuba luôn là mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Mỹ khi nước này liến kết với hoặc bị kiểm soát bởi một cường quốc châu Âu. Vì thế nước Mỹ thường xuyên cố gắng định hình chính sách của Cuba và từ đó là chính sách đối nội của nước này. Fidel Castro muốn chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ, nhưng ông chỉ làm được điều đó bằng cách liên kết với một cường quốc khác: Liên Xô. Cuba muốn độc lập với Mỹ lại cần phụ thuộc vào Liên Xô. Và việc đó, cũng giống tất cả các mối quan hệ, đều có cái giá của nó.

Việc trao đổi tù nhân là rất thú vị. Việc mở đại sứ quán là quan trọng. Nhưng những câu hỏi lớn vẫn chưa có lời đáp. Hiện tại, không có cường quốc nào có khả năng lợi dụng vị trí địa lý của Cuba (ngay cả Trung Quốc). Vì vậy không có vấn đề nghiêm trọng nào. Nhưng ai mà biết được tương lai sẽ ra sao. Cuba thì muốn bảo vệ chính quyền của mình và đang tìm cách giảm sức ép từ phía Mỹ. Hiện tại, Cuba thực sự không đáng lo ngại lắm. Nhưng rồi mọi việc qua đi, và không ai có thể dám chắc nước này lại không trở thành một mối bận tâm lớn. Vì vậy, nước Mỹ luôn một mực đòi có thay đổi chế độ ở Cuba trước rồi mới nới lỏng sức ép. Nhưng khi Cuba quyết tâm giữ vững sự tồn tại của chế độ thì người Cuba có thể trao đổi thứ gì đây? Họ có thể hứa hẹn suốt đời trung lập, nhưng những hứa hẹn như thế chẳng có mấy giá trị.

Cuba cần cải thiện quan hệ với Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp chính phủ Venezuela sụp đổ. Trên lý thuyết, nền kinh tế khốn đốn của Venezuela có thể thúc đẩy sự thay đổi chế độ ở Cuba do sức ép bên trong. Hơn nữa, Raul Castro đã già rồi còn Fidel Castro thì đã gần đất xa trời. Nếu chính quyền Cuba muốn tiếp tục tồn tại, nó phải được bảo vệ ngay bây giờ, bởi chẳng ai biết ai sẽ kế nhiệm hai anh em Castro. Nhưng nước Mỹ có thời gian, và mối quan ngại của Mỹ đối với Cuba đã ăn vào xương tủy. Do không có lợi ích gì nên việc duy trì sức ép hiện nay là không cần thiết, nhưng Washington cũng không cần hấp tấp lơi lỏng Havana. Obama muốn để lại di sản đối ngoại nào đó, nhưng logic tình hình hiện nay cho thấy Cuba cần bình thường hóa hơn Mỹ, và cái giá mà người Mỹ đặt ra cho bình thường hóa quan hệ sẽ cao hơn so với vẻ bề ngoài bây giờ, dù cái giá đó do ông Obama hay người kế nhiệm ông đưa ra.

Chúng ta còn lâu mới ngã ngũ được cuộc tranh cãi liên quan đến vị trí của Cuba và thực tế rằng vị trí ấy vẫn có khả năng đe dọa lợi ích của Mỹ. Bởi thế, những bước đi ban đầu chỉ là khởi đầu. Vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.

Tiến sĩ George Friedman là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tình báo Toàn cầu Stratfor, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như The Next 100 Years (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “Thế giới 100 năm sau”), The Next Decade, America’s Secret War…