Đánh giá cuộc đời chính trị Mao Trạch Đông (P1)

mao1

Biên dịch: Vũ Huy Quang

Lời nói đầu

Bài phỏng vấn “An Appraisal of the political life of Mao Tse-Tung”, đăng trongThe Chinese Communist Party in Power, tr. 380-415, do Rose Connolly thực hiện, tháng Ba, 1977 (đã được Bành Thuật Chi trả lời rồi nhuận sắc trước khi đăng trên Intercontinental Press vào tháng Mười, 1977) chúng tôi dịch ra 28 câu đối đáp sau đây, là một bài hiếm có. Nội dung gồm những phân tích bề trái của những biến cố lớn trong lịch sử Trung Quốc cận đại, và chỉ ra được sức mạnh của sự sùng bái lãnh tụ – vũ khí chính của Mao Trạch Đông – điều khó ngờ tới.

Trong chính trị, đặc biệt là chính trị kiểu Stalin, sự sùng bái lãnh tụ chỉ để đặt quyền lực cá nhân lên trên cùng, rồi che giấu sự thật, đã tiêu diệt cả thù lẫn bạn, cả Tả lẫn Hữu… đưa đến kết quả đã tốn hao bao xương máu, uổng phí cả một cuộc cách mạng tranh đấu cho Dân chủ.

Bành Thuật Chi (1896-1983) đồng thế hệ, hoạt động cách mạng đồng thời với Mao Trạch Đông, là lý thuyết gia của 1 trong 4 nhóm Trotskyist Trung Quốc, từng vào tù (1932-37) tại Giang Tô với Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là Trần Độc Tú, vì bị Quốc Dân Đảng bắt được.

Bành Thuật Chi trả lời những câu hỏi về cuộc đời chính trị Mao Trạch Đông – người từng được coi là nhà lãnh tụ vĩ đại trong phong trào Cộng sản. Nhưng, nói về Mao trạch Đông, dù đã có rất nhiều xưng tụng đủ cách đủ kiểu về sự vĩ đại của Mao, thì phải chăng, đối với lịch sử, cứ hễ được xưng tụng là lãnh tụ vĩ đại… thì hẳn không thể sai lầm? Thật vậy không?

Nếu lãnh tụ không sai lầm bao giờ (lúc nào cũng tài tình), trước sau cũng sẽ “bổ túc” cho những “thiếu hụt” của Chủ nghĩa Mác-Lê, nên phải cộng với tư tưởng của mình, để khi thực hiện “Chủ nghĩa Mác-Lê trong một xứ”, thành ra cái riêng biệt chỉ địa phương mình có: Như “Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông” tại Trung Quốc… chẳng hạn.

Nhưng ở Trung Quốc, khi thêm tư tưởng Mao, thì chủ nghĩa Mác-Lê lại trở thành cái bóng mờ, hoặc làm bung xung, vì sẽ thành “chủ nghĩa xã hội trong một xứ” – như Mao đã rập theo Stalin làm ở Liên Xô – rồi áp dụng tại Trung Quốc. Trong một nước như thế, sẽ tàn sát đối lập, sẽ đến tình trạng Nước độc Đảng, và Đảng độc Khối. Và đầy những xoắn vặn cùng trá mạo lịch sử. Duy trì những điều ấy, hậu quả sẽ dẫn đến quan niệm là, “Dân chủ từ trên xuống”.

Nếu chỉ từ “Trên” mới ban được cho cái quyền cực kỳ quan trọng là Dân chủ, thì bất cứ gì khác, cũng chỉ xuất phát từ đường lối chính trị cuả cá nhân lãnh tụ, không quan điểm chính trị nào khác chen vào được. Khi sự sùng bái ”tư tưởng lãnh tụ” trở thành quốc sách, thì mọi sáng kiến phải bị tiêu diệt, giai cấp quan liêu tức khắc thành hình, Vô sản trở thành giai cấp ngu si. Nếu lãnh tụ qua đời, giới quan liêu ký sinh càng đồng loã trong sự sùng bái để củng cố quyền lực: Chế độ “Cách mạng” sẽ thành một chế độ độc đảng, sẽ tiếp tục có những quyết định độc đoán, vừa mị dân, vừa coi thường quyền sống của những người bên “Dưới” – là thành phần lam lũ thuộc giai cấp bị trị.

Điều như thế, đã tạo ra những trả giá khủng khiếp bằng bao nhiêu sinh mạng trong lịch sử Trung Quốc cận đại, mà bài phỏng vấn sau đây chứng minh về “tư tưởng Mao Trạch Đông”.

————————–

1.

Hỏi: Từ khi Mao chết ngày 9 tháng Chín vừa qua, chính trị gia khắp thế giới đều xưng tụng Mao là nhà lãnh tụ vĩ đại và ưa chuộng hoà bình. Ý ông thế nào về các nhận định trên?

Đáp: Để phân tích sự nghiệp của Mao, điều cần làm là vạch ra tư tưởng và hành động anh ta đã thể hiện trong suốt đời. Chúng ta phải “Gọi đúng tên sự việc”, như Trotsky từng nói.

Mao gia nhập phong trào Cộng sản cuối 1920, có mặt trong hội nghị khởi thủy của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng Bảy 1921. Anh ta được cử đi làm Bí thư Hồ Nam. Trong 2 năm ở Hồ Nam, Mao là một lãnh tụ địa phương tích cực, có công trong sinh hoạt sinh viên và tổ chức phong trào công nhân. Tuy nhiên, anh ta phải chịu trách nhiệm trong việc thúc ép 2 đồng chí lãnh đạo, Ho Ming-fan và Lý Đạt đã phải ra Đảng. Điều đó chứng tỏ, anh ta đã chứa tính độc đoán và đầy thiên hướng quan liêu.

2.

Hỏi: Vai trò của Mao trong cách mạng 1927 là gì?

Đáp: Khi Stalin, qua Quốc tế Cộng sản, ra lệnh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc phải gia nhập Quốc dân Đảng vào đầu 1923, không những Mao tán thành chính sách cơ hội ấy, mà còn lý luận để bênh vực nữa. Trong một bài, chính Mao viết, nhan đề, “Cuộc đảo chính Bắc Kinh và giới nhà buôn”, Mao nhận định, “Vấn đề chính trị đương thời tại Trung Quốc nay không gì khác hơn là chuyện cách mạng quốc gia… Cuộc cách mạng là chuyện chung cả nước…Tuy nhiên, giới tư sản mại bản, mới là giới ý thức được sự thiệt thòi nghiệt ngã nhất.”[1]

Mao thêm:

“Giới nhà buôn tại Thượng Hải đã nổi dậy, chung sức hành động. Chúng ta cũng mong là các nhà buôn ngoài Thượng Hải sẽ nổi dậy như thế… Các tổ chức thương nhân càng lớn rộng, ngày càng thêm thế lực, sẽ gia tăng khả năng hướng dẫn quần chúng cả nước, tiến nhanh tới thành quả cách mạng.”[2]

Mao đem lý thuyết của Menxơvích ra thi hành! Và đã nỗ lực nhiều năm để ủng hộ đảng Tư sản, tức là, Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Mao được bầu vào ban Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Đại hội 3 vào tháng Sáu 1923, giữ chức Bí thư Tổ chức, nhưng lơ là công việc, chỉ tập trung vào công tác của Quốc dân Đảng ở Thượng Hải. Mùa thu 1924, Mao bỏ nhiệm vụ của Đảng Cộng sản, đi Hồ Nam để phát động phong trào khởi nghĩa nông dân, đưa đến thất bại. Rồi anh ta đi Quảng Đông, trở thành Bí thư Tuyên huấn của Quốc dân Đảng, dưới quyền Uông Tinh Vệ, và làm biên tập viên cho tờ Chính trị tuần báo. Qua các bài viết trong đó, Mao rất tán tụng chủ thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên.

Tháng Ba 1926 dưới áp lực của nhiều cán bộ Đảng, Mao viết bài, “Phân tích về tính giai cấp tại Trung Quốc”, nội dung chỉnh lại thái độ thiên Hữu của mình. Anh ta nhận định, “Vô sản kỹ nghệ là lực lượng tiên phong của cách mạng”, nhưng giai cấp tư sản vẫn có Tả, có Hữu, nên “cánh Tả có thể thành bạn hữu chúng ta…”[3]. “Vì thế”, anh ta kết luận, “chính sách hợp tác của Quốc dân Đảng – Cộng sản có thể duy trì mãi mãi.”

Ngay sau khi bài viết tung ra trên Nông dân Nguyệt san, đầu tháng Ba 1926, cánh Tả của Tư sản, do Tưởng Giới Thạch chỉ huy, phát động cuộc đảo chính 20 tháng Ba, trục xuất toàn thể cán bộ Cộng sản, kể cả Mao, ra khỏi các cơ quan lãnh đạo Quốc dân Đảng. Mao phải đi Thượng Hải, và được Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ định làm nhiệm vụ phát động phong trào Nông dân.

Sau đó anh ta đi Hồ Nam để thu thập dữ kiện, rồi thảo “Bản tường trình về sự điều nghiên phong trào nông dân Hồ Nam.” Bản này được những người theo Mao (Mao-ít) coi là “tài liệu ưu mỹ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì, “đã hướng dẫn nông dân tranh đấu”[4]. Vài học giả ngoại quốc, như Benjamin Schwartz, ca ngợi bài này là dấu mốc cho sự thăng tiến của Mao về sau.[5]

Bản báo cáo ấy không hề nhắc đến những giải pháp, như việc tổ chức lãnh đạo phong trào nông dân, việc trưng thu và tái phân phối ruộng đất, mà chỉ mô tả những hành động của nông dân, ngỏ ý bênh vực nông dân trước những sự bóc lột. Đề nghị độc nhất của Mao là, “Những nhà trách nhiệm làm cách mạng phải sửa chữa sai lầm trong phong trào nông dân,” mà “Những nhà có trách nhiệm làm cách mạng” lúc ấy, lại là Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ, và Đường Sinh Trí.

Sau khi rời Hồ Nam, Mao đến Vũ Hán tham gia ban cải cách ruộng đất do Quốc dân Đảng chủ xướng. Anh ta cũng là thành viên trong “Hiệp hội Nông dân Lâm thời Toàn quốc”, nhưng không hề có đề nghị nào về việc cải cách ruộng đất cho Hiệp hội ấy, cũng như cho Đảng Cộng sản… bao giờ cả. Ngược lại, Mao chỉ chấp hành đường lối cơ hội chủ nghĩa của Stalin, trong khi tình hình tại Vũ Hán ngày càng tệ hại.

Tại Liên bang Nga Xô, Trotsky đề nghị chính sách hợp tác Quốc dân Đảng – Cộng sản phải lập tức bãi bỏ, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải lãnh đạo cuộc tranh đấu độc lập cho công nhân, nông dân, chiến binh, phải hướng dẫn họ thành lập những Xô viết, và phải chiếm quyền chỉ huy. Stalin chủ trương ngược lại, đưa đến chuyện “những nhà có trách nhiệm cách mạng” ở Vũ Hán, do Uông Tinh Vệ cầm đầu, đã “trục xuất hết thảy cán bộ Cộng sản ra khỏi Quốc dân Đảng, giải giới toàn thể các tổ chức quần chúng, kể cả Hiệp hội Lâm thời Nông dân toàn quốc”.

Cho đến 15 tháng Bảy 1927, cuộc cách mạng Trung Quốc thứ Nhì (25-27) chìm trong thất bại.

3.

Hỏi: Nếu Mao đã ngập sâu trong Quốc dân Đảng trong suốt quãng thời gian này, thì khi nào ông ta mới rõ ra là người Cộng sản?

Đáp: Sau thất bại của cách mạng 1927, Stalin đổi chính sách, từ “Cơ hội chủ nghĩa cực độ” sang “Phiêu lưu chủ nghĩa cực Tả”, ra lệnh cho Đảng Cộng sản Trung Quốc phải phát động cuộc nổi dậy võ trang. Để chấp hành đường lối mới của Quốc Tế Ba, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới quyền Cù Thu Bạch, triệu tập cuộc họp khẩn ngày 7 tháng Tám 1927. Buổi hội công bố Thư Ngỏ tới toàn thể đảng viên, để xóa các điều sai lầm từ những chỉ thị trước của Stalin, trút hết lên Trần Độc Tú. Mao hoàn toàn hưởng ứng những lí luận bịp bợm này.[6]

Cuộc hội chấp nhận giải pháp phát động “cuộc nổi dậy mùa gặt” ở Hồ Nam-Hồ Bắc. Mao được gửi tới Hồ Nam để lãnh đạo lực lượng nổi dậy, gồm 3,000 người, diễn ra ngày 8-17 tháng Chín 1927. Kết quả, là hàng trăm người chết và bị thương bởi lính tráng Quốc dân Đảng. Hoàn toàn thất bại, Mao tẩu thoát cùng một số đến Tỉnh Cương Sơn tháng Mười 1927.

Mao và những người cùng nhóm bị cô lập hoàn toàn, trong khi đợi chỉ thị mới của Đảng. Thời gian này, có hai nhóm cướp địa phương nhập bọn. Các thủ lãnh cướp, Viên Văn Tài và Vương Tạc, cam kết sẽ chiến đấu với Mao. Tuy nhiên, khi Mao rời Tỉnh Cương Sơn, bọn cướp trở về sào huyệt, cướp bóc như cũ. Sau chúng bị nông dân giết sạch.

Cùng lúc, là cuộc nổi dậy gồm 30,000 người tại Nam Xương, thủ phủ Quảng Tây, dưới sự lãnh đạo của Hạ Long, Diệp Đĩnh và Chu Đức, dưới quyền điều động của Cù Thu Bạch. Cuộc nổi dậy này cũng thất bại, làm Hạ, Diệp, Chu phải rút về Sán Đầu thuộc Quảng Đông.

Tháng Chạp 1927, một cuộc nổi dậy của Đảng Cộng sản ở Quảng Đông cũng bị tận diệt, tổn thất 5 ngàn sinh mạng. Chính sách Stalin đòi nổi dậy võ trang tại Trung Quốc chứng tỏ bằng máu, là hoàn toàn phá sản.

Đại hội Cộng sản Quốc tế Ba tại Moscow tháng Tám 1928, đã đặt vấn đề về chuyện này. Nhưng thay vì rút được kinh nghiệm học hỏi quá khứ, vẫn chỉ đưa ra biện pháp, là phải tiếp tục con đường vũ trang nổi dậy:

“…tại thời điểm này, Đảng phải tuyên truyền mọi nơi mọi chốn cho quần chúng biết khái niệm về Xô viết, khái niệm về chuyên chính “Vô sản và Nông dân”, cùng sự không tránh khỏi việc phải vũ trang nổi dậy… Phải bền bỉ không khoan nhượng, bám sát cuộc cách mạng quần chúng võ trang, tiến tới việc nắm chính quyền. Tổ chức các Xô viết phải trở thành những bộ phận chính cho cuộc nổi dậy…”[7]

Tại Trung Quốc, sự lớn mạnh tương lai của cách mạng sẽ đặt trước Đảng, như một nhiệm vụ để sửa soạn chuyện tiến tới cuộc nổi dậy như một con đường duy nhất, hầu hoàn tất cuộc cách mạng Dân chủ Tư sản, rồi sẽ đánh đổ Quốc Dân Đảng.”[8]

Giải pháp như trên chuyển tới cho Mao, tại Tỉnh Cương Sơn vào mùa thu 1928. Rồi Chu Đức đã đem quân từ Sán Đầu đến, phối hợp với quân của Bành Đức Hoài, thành đội quân nổi dậy cốt lõi để đương đầu với Quốc dân Đảng. Các cánh quân này, sau hợp nhất thành Hồng quân.

Tân Hồng quân từ Sán Đầu thành hình vào chớm 1929, đã bành trướng lãnh thổ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ chiếm các quận phía nam Giang Tây, đông nam Hồ Nam, lập các Xô viết, tăng bồi quân số, thi hành cải cách ruộng đất tại những địa phương chiếm đóng. Tháng Chạp 1930, Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Đại hội Xô viết ở Giang Tây, lập Chính phủ Xô viết, trong đó Mao được bầu làm Chủ tịch. Chu Đức là Tổng Tư lệnh Hồng quân.

Để đối phó với sự lớn mạnh của Hồng quân, Tưởng mở nhiều cuộc tấn công vào các vùng Xô viết năm 1931, Quốc dân Đảng đã tổn thất hàng ngàn binh lính, mất nhiều vũ khí vào tay Hồng quân. Tháng Tư 1933, Tưởng lại mở cuộc tấn công lần thứ tư vào Hồng quân. Lần này còn thất bại nặng hơn. Anh ta mất 2 sư đoàn lính, các sĩ quan chỉ huy bị bắt sống làm tù binh.

Đại diện Quốc Tế Cộng Sản từ Moscow đến Thượng Hải, tháng Giêng 1931 để tổ chức lại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lý Lập Tam bị thay chức lãnh đạo, Vương Minh thay thế. Thời gian này, nhiều cán bộ Đảng bị bắt khắp nơi, những ai không đầu hàng đều bị giết. Để bảo đảm sự an toàn, bộ chỉ huy của Vương Minh chuyển về vùng Xô viết, đầu 1933. Mọi quyền lực của Mao và các cán bộ chóp bu bị tước đoạt, vào tay Phó Chủ tịch Hạng Anh. Mao chỉ còn giữ chức Chủ tịch trên danh hiệu trong chính phủ Xô viết. Một đòn nặng đối với Mao.

Toàn thể Xô viết Giang Tây, Phúc Kiến bị 1 triệu quân Tưởng xiết chặt gọng kìm bao vây toàn bộ khu vực. Cho nên, tháng Mười 1934, Mao cùng Chu Đức khởi cuộc Vạn lý Trường chinh chạy đi hướng đông bắc Trung Quốc, đến Diên An. Khi thoát chạy, họ đã để lại trên 1 triệu nông dân, sau này, những người đó đã bị tàn sát, hoặc chết đói.[9]

Trong cuộc Trường chinh, Mao họp Chính trị Bộ tại Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, nơi anh ta được bầu vào chức Chủ tịch Đảng kiêm lãnh tụ Hồng quân.

Khi Hồng quân tới bắc Thiểm Tây, tháng Mười 1935, quân số từ 300,000 còn 30,000[10]. Thêm vào đó, khi phát động chiến dịch quân sự, Tưởng cũng tàn sát Cộng sản tại các tỉnh lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Bắc Kinh, Thiên Tân. Trên mười ngàn cán bộ, thành viên, cơ sở thanh niên Cộng sản bị bắt, bị giết, hoặc bị ép đầu thú, đi tù. Các cơ sở công nhân bị tan vỡ. Stalin đề ra phát động tranh đấu vũ trang – mà phe Mao ủng hộ – đã đem lại thất bại toàn diện. Cái trả giá cho chính sách này, là sự chết chóc khủng khiếp bằng chính mạng sống của bao nhiêu người.

Khi Hồng Quân tập trung đầy đủ ở Thiểm Tây, Mao kêu gọi mọi phe, mọi nhóm, kể cả Quốc Dân Đảng, cùng đứng chung trong “Mặt trận quốc gia thống nhất chống đế quốc Nhật”, theo khuôn mẫu “Mặt trận Bình dân chống Phát xít”, là đường lối của Đệ Tam Quốc tế đề xuất.

Tưởng bác đề nghị Mao, rồi cử Trương Học Lương đem quân đến Thiểm Tây, bao vây Diên An, cốt diệt Hồng quân. Tưởng đích thân giám sát cuộc hành quân, nhưng lại bị nhóm tay chân của Trương Học Lương – những người có tư thù với Tưởng, vì Tưởng đã thông đồng với Nhật, làm quân Nhật chiếm Mãn Châu, là căn cứ của họ – bắt giữ.

Nhóm Trương Học Lương muốn giết Tưởng. Nhưng Stalin gửi điện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo phải thương lượng với Tưởng. Mao phái Chu Ân Lai đi thuyết phục Tưởng, là để Tưởng sẽ lãnh đạo cuộc chiến kháng Nhật. Tưởng đồng ý. Rồi, Đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ rơi các Xô viết, bãi chương trình cải cách ruộng đất, chương trình tái tổ chức Hồng quân… để gia nhập quân đội Quốc gia, đặt hết lực lượng dưới quyền chỉ huy của Tưởng. Thế là, hợp tác Quốc dân Đảng – Cộng sản thành hình lần thứ nhì, mà chính Mao là người hỗ trợ mạnh mẽ.

4.

Hỏi: Cái-gọi-là thương thuyết với Tưởng, chỉ là cộng tác giai cấp, và là sự nhượng bộ toàn diện của Mao?

Đáp: Đúng thế. Sau 10 năm tranh đấu, Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ là đầu hàng Quốc dân Đảng. Những nhượng bước ghi trong thoả thuận giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng trong bản tuyên cáo, in ngày 15, 1937 của Đảng Cộng sản, như sau:

(1)                Chủ nghĩa Tam Dân do Tôn Dật Tiên đề ra là cốt lõi của Trung Quốc thời đại này. Đảng ta sẵn sàng thực hiện nhu cầu ấy.

(2)                (Đảng ta) từ bỏ đường lối đánh đổ Quốc dân Đảng bằng vũ lực cùng sự thực hiện các công xã Xô viết, từ bỏ chương trình tịch thu đất các địa chủ trong chương cải cách ruộng đất.

(3)                (Đảng ta) hủy bỏ chính quyền Xô viết cùng mọi chương trình dân chủ căn cứ trên quyền lợi quần chúng lúc trước, hầu thống nhất với sức mạnh chính trị Quốc gia.

(4)                (Đảng ta) hủy bỏ vai trò Hồng quân, tái phối trí với Quân đội cách mạng quốc gia, đặt dưới quyền điều động của Ủy ban Quân quản quốc gia trong chính phủ Quốc gia, đợi lệnh điều hành để sát cánh trong trách nhiệm chống Nhật nơi tiền tuyến.[11]

Tưởng lúc ấy đang bị chửi rủa khắp nơi vì không muốn chống Nhật, ngay trong quân Tưởng cũng đã có mầm mống nổi loạn. Ấn bản tuyên cáo của Đảng Cộng sản thành ra cứu Tưởng, cũng thành sự hoang mang tột độ ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

5.

Hỏi: Có sự chống đối trong Đảng không?

Đáp: Người hiểu chuyện thì hết sức phẫn nộ. Mao phải viết một loạt bài nữa để bảo vệ cho chính sách cơ hội mới này. Trong bài, “Nhiệm vụ khẩn cấp tiếp theo cho nền tảng hợp tác Quốc dân Đảng – Cộng sản”, Mao giải thích:

Nay mặt trận mới lập giữa 2 đảng đang dẫn tới giai đoạn mới của cách mạng Trung Quốc. Vẫn còn những người không hiểu vai trò lịch sử của mặt trận thống nhất cùng sự vĩ đại của nó, chỉ nhìn thấy tính tạm thời do thời cuộc đưa đẩy của hoàn cảnh, tuy nhiên, qua mặt trận thống nhất, bánh xe lịch sử sẽ dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc, tiến tới giai đoạn mới.”[12]

Còn nữa:

Nhiệm vụ hiện nay là duy trì tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Tam Dân của Bác sĩ Tôn suốt trên toàn quốc…”[13]

Ảo tưởng của Mao về Quốc dân Đảng hiển nhiên nhất, trong trích dẫn của anh ta ở bài “Về giai đoạn mới”:

“…Quốc dân Đảng cùng Cộng sản Đảng đều là nền móng cho mặt trận Kháng Nhật, nhưng giữa hai đảng, thì Quốc dân Đảng là nền móng trước nhất. Không có Quốc dân Đảng thì không có thể có cuộc kháng Nhật, không đeo đuổi được cuộc kháng Nhật. Theo lịch sử vinh quang của Đảng, thì Quốc dân Đảng đã lật được nhà Thanh, lập nền Cộng hòa, chống Viên Thế Khải, lập chủ thuyết Tam Dân, liên kết với Nga, với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và với công nhân cùng nông dân, làm thành cách mạng 1926-27. Ngày nay Quốc dân Đảng lại lần nữa gánh vác trách nhiệm lãnh đạo cuộc đại kháng chiến chống Nhật. Như thế rõ là vinh quang của Tam Dân chủ nghĩa; và đã được hai nhà lãnh đạo vĩ đại kế tiếp nhau – các đại nhân Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch; cùng đông đảo những nhà ái quốc kiên trung. Như vậy chúng ta không được xem nhẹ những nhà ái quốc này, phải cùng nhau chung sức tiến đến giai đoạn phát triển của lịch sử Trung Quốc.

Để tham gia chiến tranh chống Nhật, để tổ chức mặt trận thống nhất, Quốc dân Đảng sẽ giữ vai trò lãnh đạo và tổ chức… Dưới điều kiện duy nhất như thế, người ta có thể thấy sự chiến thắng chói lọi trong tương lai của Quốc dân Đảng…

Nhiệm vụ toàn thể quốc gia là cùng nhau hợp tác chân thành, với Tưởng là nhà lãnh đạo, cũng như phải hỗ trợ chính phủ Quốc gia, và hỗ trợ sự hợp tác Quốc dân Đảng – Cộng sản.

Để đạt mục đích này, chúng ta phải nâng cao uy tín của Tưởng và chính phủ Quốc gia, hầu tránh ảnh hưởng xấu cùng tăng gia tình hợp tác chặt chẽ giữa Quốc dân Đảng và Cộng sản. Tình hợp tác ấy sẽ bền lâu – không chỉ trong cuộc chiến mà còn cho đến khi hết cuộc chiến, khi điều kiện Quốc gia và Quốc tế ngày càng làm thuận lợi thêm cho sự hợp tác.”[14]

Lý thuyết quan trọng nhất của Mao, Về Tân Dân chủ, đã xuất hiện từ Đại Hội 7 họp năm 1945, và được áp dụng trong chương trình hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau chiến thắng 1949. Theo văn kiện này, Mao giải thích, sau Cách mạng tháng Mười tại Nga, Cách mạng quốc gia-dân chủ trong các xứ thuộc-địa và bán-thuộc-địa đã là cuộc “cách mạng Tân dân chủ-tư sản”, trong đó giai cấp tư sản quốc gia cũng có tính cách mạng. Cho nên cần thiết là thực hiện “Mặt trận thống nhất” gồm Công nhân, Nông dân, Tiểu tư sản, và Tư sản – khối cộng tác 4 giai cấp – để cùng chống Đế quốc và lực lượng Phong kiến, để rồi thành lập nền “Cộng hoà Tân Dân chủ”.

Tức là, Mao biện minh cho sự thành lập một chính phủ hợp tác với Tư sản.

Anh ta cũng biện minh cho “Tân Dân chủ”, tức là,

Chỉ quốc hữu hóa Đại ngân hàng cùng những Đại kỹ nghệ và cơ sở thương mại lớn. Chế độ cộng hoà không tịch biên tài sản các nhà tư bản nói chung, cũng như không cấm sự phát triển sản xuất của tư bản, miễn là nó không khống chế sinh hoạt nhân dân, vì kinh tế Trung Quốc còn rất lạc hậu … Nền kinh tế Phú nông vẫn được phép tại thôn quê.”[15]

Mao giải thích về lý thuyết thực hiện Cách mạng Giai đoạn như sau,

Nhiệm vụ cách mạng Trung Quốc hiện nay là chống đế quốc và phong kiến, còn xã hội chủ nghĩa chưa nói tới vội, cho đến khi nhiệm vụ trên hoàn tất, Cách mạng Trung Quốc không thể tránh được việc đi bước đi hai bước, bước thứ nhất là Tân Dân chủ rồi mới tới bước thứ hai là bước Xã hội chủ nghĩa. Thêm nữa, là bước thứ nhất cần một thời gian dài và không thể hoàn tất trong chớp mắt được.”[16]

Rồi để chứng minh chính sách này, Mao và Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động phong trào đàn áp tàn bạo Trotskyist, tổ chức duy nhất trong phong trào công nhân có tiếng nói Đối lập. Trong bài viết “Nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ kháng Nhật”, Mao luận định:

Kẻ thù chúng ta – đế quốc Nhật, bọn Trung Quốc cộng tác, bọn ủng hộ Nhật và bọn Trotskyist – đã hết sức phá hủy nỗ lực hoà bình, tinh thần đoàn kết, dân chủ và tự do, chống lại cuộc vũ trang chống Nhật… Nay chúng ta phải tự lao vào, không chỉ trong lãnh vực tuyên truyền, khích động cùng phê bình đám thủ cựu Quốc dân Đảng và những phần tử chậm tiến trong quần chúng, mà còn phải đương đầu bằng mọi cách, chiến đấu chống lại những mưu mô của bọn đế quốc Nhật cùng lũ chó săn của chúng, bọn theo Nhật và bọn Trotskyist, đã xâm lăng Trung Quốc.”[17]

Những người Trotskyist, như Trần Độc Tú và Bành Thuật Chi, bị gọi là “lũ phản bội” trên khắp sách báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, mặc dù họ cam kết ủng hộ kế hoạch quân sự của Tưởng, là chống đế quốc Nhật. Chiến dịch chống Trotskyist cuồng tín đến hung tợn, chỉ vì người Trotskyist đòi giữ quyền phê bình đối với Tưởng và chính phủ Quốc dân Đảng. Những người này kêu gọi võ trang cho quần chúng, đề nghị chương trình đấu tranh phải đặt trên quyền tự do phát biểu, trên báo chí, trên mọi Nghị hội, Hiệp hội, thực thi chương trình làm việc 8 tiếng một ngày, và quyền đình công. Đối với chính quyền Quốc dân Đảng, họ đưa ra khẩu hiệu “Triệu tập nghị hội toàn quốc có toàn quyền, được bầu cử tự do, bình đẳng, trực tiếp và kín.”

Nhưng đối với Tưởng, thì dù Mao có ca tụng đến đâu, Tưởng vẫn ra sức triệt hạ lực lượng Cộng sản. Tháng Giêng 1941, Tưởng tấn công, phá vỡ Tân Tứ quân của Cộng sản ở An Huy, bắt Tư lệnh Diệp Đĩnh, giết chính ủy Hạng Anh. Cùng lúc, quân lực Quốc dân Đảng do Hồ Tông Nam bao vây Diên An. Những thất bại của Đảng Cộng sản này báo trước cho những điềm gở sắp đến.

6.

Hỏi: Lúc đó, liên hệ của Mao đối với Stalin thế nào?

Đáp: Dịp sinh nhật 60 của Stalin, tháng Chạp 1939, Mao đọc diễn văn, có đoạn:

Mừng Stalin nghĩa là ủng hộ ý kiến ông, ủng hộ chiến thắng xã hội chủ nghĩa, ủng hộ bước tiến của loài người mà ông đã chỉ, tức là chúng ta ủng hộ người bạn thân thiết nhất của chúng ta. Đối với đại đa số nhân loại còn bị đau khổ, đám nhân loại ấy chỉ có thể tìm thấy tự do bằng con đường Stalin đã chỉ, với sự giúp đỡ của Stalin.”[18]

Năm 1941, tại trường Đảng ở Diên An, Mao đọc diễn văn, bài “Sửa đổi học tập”, như sau:

Thêm nữa, học Mác xít-Lêninít, chúng ta nên dùng cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản của Liên bang Xô viết (Bolsheviks), cuốn Tóm Lược, làm tài liệu chính. Đó là những cuốn tổng hợp, toát yếu đầy đủ về các chuyển cơ Cộng sản từ trăm năm nay, một mẫu mực tổng hợp về lý thuyết cùng hành động…”[19]

Thực ra, cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ là cuốn về lý thuyết Stalinist: Nào “Cách mạng giai đoạn”, nào “Xã hội chủ nghĩa trong một xứ”. Cuốn ấy chỉ nói về chính sách phiêu lưu của Stalin về tập thể hóa, kỹ nghệ hoá, chính sách đối ngoại trong cái gọi là “thời kỳ thứ ba”, và là cái Tổng kết tóm gọn của thuyết “Mác-xít xét lại” – từ đó mà có thanh trừng suốt những thập niên 1930, mở cuộc tàn sát lừng danh, thanh trừng hết các Bônxơvích cựu trào cùng các nhà cách mạng khác, rồi trơ trẽn thành lập cái chính sách sùng bái Stalin, cùng làm nền móng cho chính sách chuyên chính cá nhân.

7.

Hỏi: Mao giải thích thế nào về thất bại cách mạng 1927, cùng những thất bại về sau?

Đáp: Khi bàn đến các giải pháp chính trị trong Đại hội 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng Tư 1927, Mao đổ trách nhiệm thất bại của cách mạng thứ nhì 1927 lên Trần Độc Tú, và trách nhiệm thất bại quân sự cùng tổ chức Xô viết 1927-37 cho Cù Thu Bạch, Lí Lập Tam và Vương Minh. Kết luận, là chỉ mình Mao đúng trong mọi phong trào Cộng sản. Kết luận ấy thế này:

“…Sự thực hiện cách mạng Trung Quốc đã minh xác, là trong hai mươi bốn năm qua và còn tiếp tục cho đến nay, xác định rằng đường lối tranh đấu của Đảng ta cùng quảng đại quần chúng, là đường lối mà đồng chí Mao Trạch Đông vạch ra là hoàn toàn đúng đắn… Ngày nay, toàn Đảng nhận chân sự đúng đắn trong đường lối của đồng chí Mao Trạch Đông với sự nhất trí trong Đảng chưa từng có và sẽ đoàn kết dưới khẩu hiệu của đồng chí với sự cảnh giác hoàn toàn…”[20]

Nghị quyết không một chữ nào nói đến chính sách cực-cơ-hội do Stalin áp đặt trong cuộc cách mạng lần 2, và chính sách cực-phiêu lưu sau cách mạng ấy đã thảm hại thế nào. Ngược lại, Mao trích dẫn những câu của Stalin, chỉ để chứng minh Stalin lúc nào cũng đúng.

Sau Đại hội vào tháng Tư, Mao đọc báo cáo nhan đề “Về chính phủ hợp tác”, trong đó anh ta nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối là phải cộng tác Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng sản cùng các khuynh hướng khác, tức là thành một khối bốn giai cấp. Quốc dân Đảng tuyệt không tỏ một đáp ứng nào.

Đại hội thông qua chính sách mới, trong câu sau:

Đảng Cộng sản lấy chủ nghĩa Mác-Lê và phối hợp với nguyên tắc thực tiễn của cách mạng Trung Quốc – tư tưởng Mao Trạch Đông – là nguyên tắc hướng dẫn trong mọi hành động…”[21]

Rồi, sự sùng bái cá nhân Mao, rập khuôn Stalin, chính thức thành lập tại Đại hội này. Từ đó, Mao được nhắc đến như một “Lãnh tụ vĩ đại duy nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, “Một Stalin Trung Quốc”, “Một mặt trời phương Đông”, “Cứu tinh nhân dân”.

Có bài hát phổ biến khắp nơi, là “Đông phương Hồng”, với những câu:

Đông phương hồng

Mặt trời lên

Trung Hoa tiến lên Mao Trạch Đông

Hạnh phúc nơi nơi

Đại cứu tinh nhân dân

(còn tiếp)

———-

Nguồn: Bản tiếng Việt © 2010 Vũ Huy Quang & talawas


[1] Mao Trạch Đông, “Cuộc đảo chánh Bắc Kinh và giới nhà buôn”, Hướng Đạo, số 31-32, Tháng Bảy 1921.

[2] Hướng Đạo, tháng Bảy 11, 1923.

[3] Mao Tuyển (London, 1950, vol 1, p. 20)

[4] Hồ Kiều Mộc, tác giả 30 năm của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc. (London, 1951) p.22. (Sinh ở Quảng Tây (1911- ), học Vật lý ở Bắc Kinh, 1933 đi Thượng Hải, thành viên của ban Tuyên huấn. Gia nhập Đảng 1937, đi Diên An, trở thành Bí thư chính trị của Mao, trách nhiệm về các cơ sở tuyên truyền, như Nhân dân Nhật báo, Đài phát thanh Bắc Kinh và Tân Hoa Xã. Thập niên 1950 tích cực trong việc chỉnh huấn các nhà văn ly khai. Được bầu vào Bộ Chính trị, 1956. Cuốn lịch sử Đảng nổi tiếng, 30 năm của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc bị thu hồi trong Cách mạng Văn hoá. Biến khỏi chính trường sau Đại hội Trung ương Đảng kỳ 9, năm 1969. Chỉ tái xuất hiện cuối 1978. Sau được vào Trung ương trở lại, tháng Chạp 1978. Chú thích N.D)

[5] Chinese Communism and the rise of Mao, (New York, Harper & Row, 1967) pp. 73-78. (Tức là Mao ra sách lược “Lấy nông thôn bao vây thành thị”, như nhiều người nghĩ. Tức là, Mao đã biết khai thác sức mạnh nông dân, biết sử dụng sức mạnh đó làm cốt lõi – điều chỉ ở Trung Quốc… sáng chế ra. N.D)

[6] Phiên họp ngày 7 tháng Tám, 1927, là “phiên họp khẩn”, chủ đích trất chức Trần Độc Tú, đưa Cù Thu Bạch thay thế. Đại diện mới của Quốc tế Ba là Vissarion Lominadze điều hành buổi họp, được kêu bí danh là “đồng chí N”. Một đại diện khác, là Heinz Neuman tổ chức nổi dậy thành phố Quảng Đông, chỉ đến Trung Quốc tháng Mười, không có mặt trong phiên họp. (chú thích N.D)

[7] Theses on the Revolution Movement in the Colonies and Semi-colonies, International Press Correspondence, vol. 8, n.88, Dec 12, 1928, p. 1670.

[8] Như trên.

[9] Edgar Snow, Red Star Over China (New York: Garden city Pub. 1939), p. 174.

[10] Con số ước tính cuả Hồ Kiều Mục, sử liệu chính thức của Đảng trước Cách mạng Văn hóa, 30 năm của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc, tr. 40.

[11] “The CCP’s Public statement on KMT-CCP Co-operation”, A Documentary History of Chinese Communism, Conrad Brant, Benjamin Schawartz, and John K. Fairbank (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1952), p. 246. Tài liệu này cũng  được nhắc đến với ghi chú là ngày 22 tháng Chín 22,1937, ngày được loan báo chính thức trên báo chí do Quốc dân Đảng phát hành. Bản văn được thảo ngày 4 tháng Bảy, chính thức được đại diện Ban Trung ương Đảng Cộng sản chuyển tay đến ban lãnh đạo Quốc dân Đảng ngày 15 tháng Bảy 1937.

[12] Mao Tuyển, Anh ngữ, vol 2, p.p 37-38.

[13] Như trên.

[14] Lun Hsin Chieh-tuan (Về tân giai đoạn), (Diên An: Chỉnh Phong, 1939). Đây là báo cáo của Mao trong Phiên họp mở rộng lần thứ 6 của Đại hội Sáu Trung ương Đảng, tháng Mười 1938. Mao cho ấn hành chữ in năm 1939, nhưng sau ngưng việc phát hành (chỉ một ít trích dẫn được in lại trong Mao Tuyển, bài “Vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến tranh Quốc gia”).

[15] Về Tân Dân Chủ, tháng Giêng, 1940, Mao Tuyển, vol 2. p.353.

[16] Như trên.

[17] “Nhiệm vụ Đảng Cộng sản trong phong trào kháng Nhật”, tháng Năm, 1937, Mao Tuyển, vol. 1, p.264.

[18] “Stalin, Bạn của Nhân dân Trung Quốc”, ngày 20 tháng Chạp 1939,Selected Works (Peking: Foreign Languages, 1967) vol. 2, p. 335.

[19] Như trên.

[20] “Giải đáp vài câu hỏi về lịch sử đảng ta”, Mao Tuyển, vol. 4, pp. 171-218.

[21] Hiến chương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng Sáu, 1945, sách của Brandt, A documentary of Chinese Communist, p. 422.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]