Ấn Độ và Trung Quốc: Cuộc đua đến vị thế siêu cường

Print Friendly, PDF & Email

India-vs-China-690-825x542

Nguồn: Darren MacKie, “The Race to Superpower Status“, Asian Affairs, 03/2016.

Biên dịch: Văn Cường

Trước khi khẳng định nước nào sẽ là siêu cường toàn cầu thời gian tới, chúng ta cần nhìn lại các yếu tố để tạo nên một siêu cường là gì. Quan điểm chung đều cho rằng siêu cường là một quốc gia có thể tạo ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới quốc gia đó tới khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Điều này đạt được thông qua sức mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa, ngoại giao và khoa học kỹ thuật. Nếu xét về khía cạnh này thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã là siêu cường. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu cả hai có thực sự thể hiện được tất cả những điều nói trên ở phương diện toàn cầu, nếu không thì nước nào nổi trội hơn?

Về mặt kinh tế có thể dễ dàng chỉ ra rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đang thẳng tiến trên đường tới vị thế siêu cường. Cả hai đều có thị trường nội địa lớn về kích thước và quy mô. Các thị trường này lớn đến mức hầu hết các nước phát triển khác hiện đều phải phụ thuộc về xuất khẩu tới và nhập khẩu từ hai nước này. Tuy nhiên, đây không phải là cách có thể dựa vào để phán đoán một nước đang trên đường tới vị thế siêu cường về mặt kinh tế. Nên đánh giá sâu hơn về nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc, đó là kiểm chứng về tốc độ tăng trưởng GDP, sản lượng sản xuất, các ngành dịch vụ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hai nước và hai nước đầu tư ra ngoài. Điều này sẽ giúp có cái nhìn rộng hơn xem nước nào có thể ảnh hưởng đến tương lai của nền kinh tế toàn cầu, như cách mà nước Mỹ đã làm trong vòng 60-70 năm qua.

Trước hết, trong nhiều lĩnh vực Trung Quốc chiếm ưu thế hơn Ấn Độ. Tăng trưởng hai con số ổn định trong thời gian dài hơn mà Trung Quốc đạt được hiện giúp Trung Quốc ở vị thế cao hơn so với các nước khác về quy mô nền kinh tế. Tuy nhiên, dù chưa thừa nhận, nhưng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hiện đang giảm dần trong 5 năm trở lại đây trong khi đó tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đang tăng dần. Đến cuối năm 2015, Ấn Độ đã tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số tất cả các nước phát triển. Xét về cấu trúc tăng trưởng kinh tế cho thấy Ấn Độ tăng chậm nhưng chắc. Các báo cáo gần đây của IMF và Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng dựa vào sản xuất và công nghiệp, chiếm 44% toàn bộ nền kinh tế và dịch vụ chiếm 46%. Ngược lại đối với Ấn Độ, công nghiệp chỉ chiếm 24%, dịch vụ chiếm 58%. Điều này cho thấy Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào nguồn lực thông qua giáo dục nhằm tạo ra các kỹ sư, các nhà khoa học – những người cần thiết cho sự thành công trong thế giới toàn cầu hóa mà không cần phải đi theo lối mòn truyền thống công nghiệp hóa trước khi bước vào nền kinh tế tri thức.

Theo báo cáo của Forbes năm nay, Ấn Độ cũng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu gần hơn Trung Quốc. Khi so sánh hai nước này, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù Trung Quốc chiếm 17% GDP toàn cầu trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 7% nhưng xuất khẩu của Ấn Độ đạt giá trị phần trăm GDP lớn hơn nhiều so với của Trung Quốc. Điều này cũng đúng về mặt FDI. Thoạt đầu có thể thấy Ấn Độ đi sau Trung Quốc rất nhiều; theo số liệu của CIA World Factbook, FDI vào Trung Quốc đạt 1,44 nghìn tỷ USD, lớn hơn vào Ấn Độ 12 lần. Nhưng chúng ta không được quên rằng, FDI vào Ấn Độ chiếm 12,3% đầu tư vào bên trong với trị giá 310 tỷ USD, trong khi đó đầu tư vào bên trong của Trung Quốc chỉ chiếm 10,5%. FDI đầu tư ra ngoài cũng là một câu chuyện khá thú vi. Năm ngoái, các công ty Ấn Độ đã hoàn thành 70% việc mua bán, sáp nhập ở nước ngoài, so với Trung Quốc là 50%. Lý do là vì Ấn Độ là một nước dân chủ, các công ty chủ yếu là thuộc lĩnh vực tư nhân, trong khi đó các công ty của Trung Quốc là công ty nhà nước bị trung ương kiểm soát. Khi phải lựa chọn, các công ty nước ngoài thường chọn bán cho Ấn Độ.

Vẫn còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhưng với một chính phủ BJP (BJP – Đảng Nhân dân Ấn Độ) chiếm đa số thì có vẻ như việc quyết định rỡ bỏ những rào cản về thương mại và đưa ra các cải cách cần thiết để thu hút đầu tư cùng với chiến dịch “Make in India” thì có thể tin rằng một khi chính phủ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và đào tạo tốt đông đảo dân số trẻ, thì Ấn Độ sẽ thống lĩnh nền kinh tế toàn cầu hơn Trung Quốc trong những năm tới.

Phát triển kinh tế không phải là cái kết của câu chuyện về vị thế siêu cường. Tất nhiên, một nền kinh tế vượt trội không phải là tất cả để dựa vào đánh giá, ít nhất trong số đó phải kể đến là sức mạnh về quân sự thể hiện cả trong và ngoài nước. Hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có lực lượng quân đội hùng hậu: Trung Quốc có trên 2 triệu lính, Ấn Độ hơn 1,3 triệu. Trong vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến dài trong việc mở rộng các căn cứ quân sự, trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (J-20) và mở rộng quy mô hạm đội tàu ngầm hạt nhân cũng như tàu ngầm nhỏ có thể chở vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Ấn Độ chỉ vừa mới bắt đầu tiến trình hiện đại hóa.

Ấn Độ phải thừa nhận rằng ngày nay Trung Quốc đang có lực lượng quân đội hùng mạnh và tiên tiến. Mặc dù vậy, điều này đang thay đổi nhanh chóng. Ấn Độ không cần nhiều quân lính, tàu chiến hay máy bay nhiều hơn Trung Quốc mà chỉ cần công nghệ tốt hơn. Về mặt này, Ấn Độ đang nhanh chóng vượt lên Trung Quốc. Ấn Độ đã đào tạo ra được nhiều nhà khoa học, các nhà thiết kế, kỹ sư, kỹ sư phần mềm giỏi nhất thế giới, và nhờ sự cởi mở, sẵn sàng hợp tác với các nước khác, những thay đổi đang dần lộ rõ nhanh chóng. Ví dụ, Ấn Độ đã thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA), với sự hợp tác giữa công ty Hindustan Aeronautics và Tập đoàn Sukhoi của Nga, công ty đã chế tạo máy bay quân sự trên 70 năm qua. Đây là máy bay đa chức năng, có khả năng vừa là máy bay chiến đấu, vừa thả bom và sử dụng các công nghệ tàng hình mới nhất, động cơ ở cấp độ cao, tốc độ hành trình hơn Mach-1, hệ thống radar quét tự động, điều khiển bắn tiên tiến với độ chính xác tăng cao.

Tất cả những đặc điểm này cùng thế hệ với J-20 của Trung Quốc và F-22 của Mỹ. Chương trình cũng đang triển khai cùng với các dự án quân sự khác để xây dựng các phiên bản tốt nhất của tên lửa hành trình mà FGFA sẽ có khả năng thực hiện. Cùng với sản phẩm này, trên đài BBC vào ngày 25/01, Pháp và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận để Ấn Độ mua 36 chiếc Rafale JETS từ Pháp và nhiều người tin rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm việc chia sẻ một số công nghệ. Nhưng chính phiên bản FGFA của Ấn Độ mới tạo ra sự khác biệt đối với Trung Quốc. Theo tạp chí quốc phòng The National Interest, J-20 đã được sản xuất mà không hề có hỗ trợ của nước ngoài và FGFA sẽ cho phép Ấn Độ có thể vượt qua Trung Quốc về những lợi thế trên không.

Trên biển, Ấn Độ cũng đang có những bước tiến lớn với sự giúp đỡ từ các kỹ sư Nga để xây dựng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình với một lò phản ứng hạt nhân và khả năng phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung trong khi lặn dưới nước, giúp Ấn Độ trở thành nước thứ sáu trên thế giới có khả năng như vậy và đưa Ấn Độ trở lại cân bằng với Trung Quốc. Loại tàu ngầm này sẽ có tầm đi xa toàn cầu và sẽ mở rộng tầm vươn xa hạt nhân của Ấn Độ. Phải thừa nhận rằng Ấn Độ đang bước đầu xây dựng ba trong số các tàu ngầm này, có nghĩa là chỉ có 12 tên lửa hạt nhân có thể được đưa ra biển bất cứ lúc nào, phù hợp với chính sách hạt nhân “không tấn công trước”. Nhưng tất cả như nhau, Ấn Độ hiện nay có một nền tảng tốt hơn để phản ứng lại một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ. Cùng với một loại tên lửa chống tàu mới có khả năng phóng từ đất liền, biển và trên không và thiết kế hai tầng của nó, điều này có nghĩa là nó cũng có thể được phóng từ dưới nước. Hợp tác cùng với Nga, tên lửa này là một trong những loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay và một khi sử dụng, các mối đe dọa có thể đến từ bất cứ nơi nào.

Tiếp theo là tàu Lớp Kolkata thế hệ mới. Hai chiếc đã được chuyển giao là INS-Kolkata và INS-Kochi, với INS-Chennai đang được đưa ra biển thử nghiệm và kiểm tra. Các tàu khu trục mới này có radar quét tự động để phát hiện các mối đe dọa từ đất liền và trên biển, được hỗ trợ bởi các thiết bị thu sóng âm thanh Sonar có thể phát hiện tàu ngầm. Việc triển khai sức mạnh hải quânthực sự xuất phát từ việc xây dựng các tàu sân bay và Ấn Độ đã hạ thủy INS Vikrant 37.500 tấn năm 2013, là một thế hệ tàu sân bay đầu tiên được xây dựng ở Ấn Độ cùng với một tàu sân bay khác đang được đóng. Việc xây dựng và hạ thủy tàu sân bay này đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ ưu tú của bốn quốc gia khác có khả năng làm như vậy. Ấn Độ cũng là một trong bốn quốc gia đã xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Trong khi Trung Quốc hiện đang dẫn trước, Ấn Độ đã trên đường bắt kịp với khả năng của Trung Quốc dựa trên công nghệ được sử dụng trong thế hệ máy bay và tàu chiến mới. Thực tế là Ấn Độ có thể dựa vào chuyên môn của các nhà thiết kế quân sự tiên tiến, ít nhất để giữ cân bằng với, nếu không nói là vượt qua, Trung Quốc trong những năm tới.

Cuối cùng, về công nghệ Ấn Độ vẫn còn kém Trung Quốc đôi chút. Trong một báo cáo cho tạp chí “Tuần Công nghiệp” nói rằng Ấn Độ có thể sau Trung Quốc mười năm về đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R & D) và số bằng sáng chế được đăng ký. Điều này thực sự không có gì ngạc nhiên nếu xem sự mở cửa nền kinh tế Ấn Độ mới thực sự bắt đầu từ cải cách kinh tế của Manmohan Singh vào năm 1991, khi mà Trung Quốc đã bắt đầu vài năm trước. Điều đáng ngạc nhiên là cách Ấn Độ đang chạy đua để bắt kịp. Cũng trong báo cáo nói trên cho tạp chí “Tuần Công nghiệp” lưu ý rằng Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trong các ngành công nghiệp dược phẩm, thép, công nghệ ô tô, đã được thúc đẩy bởi các công ty đa quốc gia của Ấn Độ có thể mua lại các công ty đã phát triển ở nước ngoài và tiếp cận với công nghệ của họ. Hãy xem Tata mua Jaguar Landrover và Corus, mà Trung Quốc đã không thể đấu được. Khoa học đời sống cũng đang bùng nổ ở Ấn Độ, với tăng đầu tư hàng năm vào R & D chủ yếu đến từ khu vực tư nhân và không phải là chính phủ. Trong các lĩnh vực R & D, tăng lớn nhất đến từ FDI vào Ấn Độ từ các công ty nước ngoài coi Ấn Độ là nơi có chi phí hiệu quả và lực lượng lao động được đào tạo tốt cho nghiên cứu.

Các công ty công nghệ Ấn Độ ở nước ngoài cũng đang ở thời điểm tốt. Họ dễ dàng hơn nhiều so với đối tác Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài nhờ sự kiến thức tốt về tiếng Anh và hiểu cách thế giới phương Tây làm việc. Kai-Fu Lee, Giám đốc điều hành và sáng lập công ty Innovation Works của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng trong khi tăng trưởng trong khu vực công nghệ của Trung Quốc là lớn, thì chính khu vực công nghệ lại rất nhỏ và không có nhiều ví dụ về các công ty Trung Quốc làm tốt bên ngoài Trung Quốc hay các công ty nước ngoài làm tốt ở Trung Quốc vì những khó khăn về văn hóa và ngôn ngữ. Ngược lại, với Ấn Độ, các công ty công nghệ lớn như Tata Consultancy Services, Infosys hay Oracle Financial Services Software hoạt động ở mọi lục địa và thực sự có quy mô toàn cầu. Sáu công ty lớn nhất cũng chỉ chiếm 36 phần trăm tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, có nghĩa là có một thị trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ hơn để cạnh tranh và phát triển trong nước. Phần lớn khu vực dịch vụ công nghệ thông tin là xuất khẩu ra bên ngoài Ấn Độ. Đây chính là khả năng của các công ty Ấn Độ hoạt động trên quy mô toàn cầu và thu hút đầu tư R & D trở lại Ấn Độ, cho phép nước này phát triển một ngành công nghệ luôn đổi mới công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, mang đến cách nhìn hiện đại về Ấn Độ trên toàn thế giới.

Về công nghệ không gian, cả Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa thành công con người vào không gian và trở lại trái đất. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc tập trung vào chuyến bay vũ trụ có người lái, Ấn Độ đã gửi một vệ tinh lên sao Hỏa và thành công đưa nó vào quỹ đạo, trở thành nước thứ ba duy nhất vươn tới sao Hỏa và là nước đầu tiên thực hiện thành công trong nỗ lực đầu tiên.

Vậy ai sẽ là siêu cường toàn cầu tiếp theo? Trong 20 năm qua thế giới đã được chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc và rất ít chú ý đến sự nổi lên ngày càng tăng của Ấn Độ. Nhưng với sự lan rộng của các doanh nghiệp Ấn Độ ra thế giới trong khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái , Ấn Độ có thể tận dụng thế mạnh của mình để thích ứng và vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đồng thời chậm nhưng chắc chắn trong việc hiện đại hóa quân sự, bỏ qua cuộc cách mạng công nghiệp và sử dụng kỹ năng sáng tạo của người dân trong đổi mới, thiết kế và công nghệ để làm mọi thứ trở thành nhu cầu của thế giới.Tưởng tượng đơn giản rằng, nếu Trung Quốc là một công xưởng làm ra những gì người khác đã thiết kế, thì Ấn Độ đang nhanh chóng bắt kịp trở thành một bộ não thiết kế và làm ra những thứ mà thế giới chưa hề biết cho đến khi Ấn Độ thiết kế ra nó. Đối với Ấn Độ để thành công và đạt được vị thế siêu cường thực sự trước Trung Quốc, thì chính phủ phải tiếp tục đầu tư vào R & D được hỗ trợ bởi các công ty tư nhân, các dự án quân sự nội địa phải được tiếp tục để nhanh chóng đạt được cân bằng với Trung Quốc và cải cách cơ cấu về cơ sở hạ tầng và thuế phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Một lĩnh vực chính phủ phải tập trung nữa là giáo dục phổ thông cho lực lượng lao động để đảm bảo rằng 100 triệu người ​​sẽ tham gia lực lượng lao động trong mười năm tới có thể giành được lợi thế của nền kinh tế hiện đại.

Trong khi có nhiều việc phải làm trong vòng 20 năm tới, Ấn Độ đang ở vị trí lý tưởng có thể tiến lên và song hành cùng với Hoa Kỳ như là một siêu cường toàn cầu thực sự, làm nên thế kỷ của Ấn Độ.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]