Vấn đề biên giới Nga-Trung thời kỳ Chiến tranh Lạnh

ch-150

Vấn đề biên giới giữa các quốc gia dân tộc luôn luôn là vấn đề phức tạp trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Giải quyết các tranh chấp, phân định biên giới giữa các nước lớn có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực, thế giới vì các siêu cường, cường quốc và quan hệ giữa họ luôn giữ vai trò to lớn trong quan hệ quốc tế. Nga (Liên Xô trước đây) và Trung Quốc là hai nước lớn có chung đường biên giới. Trước và trong Chiến tranh Lạnh, giữa hai quốc gia đã xảy ra tranh chấp biên giới, lãnh thổ và vấn đề biên giới chưa được giải quyết hoàn toàn để lại những kinh nghiệm cho các thế hệ sau. Bài viết phân tích những nét chính về vấn đề biên giới Nga (Liên Xô) – Trung Quốc thời kỳ  trước và trong Chiến tranh Lạnh và rút ra một số nhận xét về vấn đề này.

1. Những nét chính về vấn đề biên giới giữa Nga với Trung Quốc trước và trong chiến tranh lạnh

Sự hình thành, phát triển của quốc gia dân tộc luôn gắn bó chặt chẽ với biên giới quốc gia. Về cơ bản lãnh thổ và biên giới của Trung Quốc hình thành ổn định vào triều đại Mãn Thanh (1644-1911). Sau cải cách nông nô năm 1861, nước Nga tiến nhanh vào chủ nghĩa tư bản; cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đế quốc Nga – “đế quốc phong kiến – quân phiệt” đã mở rộng lãnh thổ của mình sang Châu Âu, Châu Á, nhiều nhất là về phía Đông (khu vực Xibêri và Viễn Đông) và phát triển ảnh hưởng ở Đông Bắc Á.

Trong khoảng thời gian từ sau Chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc với Anh (1840-1842) đến cách mạng Tân Hợi năm 1911, do suy yếu, bạc nhược và thất bại, triều đình phong kiến Mãn Thanh Trung Quốc đã buộc phải ký rất nhiều hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc thực dân Âu – Mỹ mà kết quả là mất nhiều đất, phải bồi thường chiến phí và phụ thuộc vào các nước châu Âu và Hoa Kỳ([1]).

Thời kỳ trước Đại chiến Thế giới thứ nhất, nước Nga có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốccác biểu hiện là: năm 1895 Nga thành lập Ngân hàng Nga – Trung, 1896 Nga Hoàng và Mãn Thanh ký Hiệp ước liên minh chống Nhật Bản, Nga xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Đông Trung Quốc (từ Hắc Long Giang, Cát Lâm đến Hải Sâm Uy), 1898 Trung Quốc cho Nga thuê bán đảo Liêu Đông và pháo đài Đại Liên, 1900 Nga Hoàng đưa quân tới Mãn Châu Lý, 1903 Nga và Nhật đàm phán về số phận Mãn Châu Lý và Triều Tiên không đi đến kết quả([2]).

Năm 1917, nước Nga Xô Viết thành lập sau thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga,  năm 1922 Liên Xô ra đời. Năm 1949 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố thành lập sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nội chiến với Quốc Dân đảng. Vấn đề biên giới Xô – Trung trở thành một vấn đề quan trọng trong quan hệ Xô – Trung. Đã diễn ra sự tranh chấp và giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất trong thời gian Chiến tranh Lạnh, điều này thể hiện như sau:

Thứ nhấtgián tiếp liên quan đến vấn đề biên giới Xô – Trung là vấn đề Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Mông Cổ – quốc gia nằm giữa Liên Xô và Trung Quốc có lịch sử bi hùng. Năm 1921 với sự giúp đỡ của nước Nga Xô Viết, Mông Cổ làm cách mạng thành công và tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội. Lãnh đạo Trung Quốc luôn có ý định sát nhập Mông Cổ vào Trung Quốc. Điều này gặp phải sự phản đối của Liên Xô và chính Mông Cổ. Các nhà lãnh đạo Xô Viết phản đối Trung Quốc “thôn tính” Mông Cổ do Liên Xô cần một đồng minh láng giềng Mông Cổ tồn tại, cần Mông Cổ làm “phên dậu” ngăn cách giữa Liên Xô với Trung Quốc và không bao giờ muốn có một nước Trung Quốc hàng xóm mở rộng biên giới quốc gia, lớn mạnh.

Năm 1936, khi nói chuyện với nhà báo Hoa Kỳ E. Snow, lãnh tụ Mao Trạch Đông đã khẳng định dự định sau khi Đảng Cộng sản lên nắm chính quyền ở Trung Quốc sẽ đưa Mông Cổ gia nhập nước Trung Hoa mới([3]).

Lãnh đạo Trung Quốc đã đề cập trực tiếp vấn đề trên với lãnh đạo Liên Xô. Mùa xuân 1949 khi thắng lợi trong nội chiến Quốc – Cộng đã nằm trong tầm tay Đảng Cộng sản, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nêu kiến nghị với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Xtalin về việc sát nhập Mông Cổ vào Trung Quốc, Xtalin trả lời Mao Trạch Đông rằng Liên Xô không nghĩ đến việc Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ sẽ từ bỏ nền độc lập của mình và việc Mông Cổ gia nhập Trung Quốc hoàn toàn công việc nội bộ, tự quyết của nhân dân Mông Cổ([4]). Năm 1954, khi Trung Quốc kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với sự tham dự của đoàn đại biểu Liên Xô và đoàn đại biểu Mông Cổ tại Bắc Kinh Trung Quốc lại đặt vấn đề trên với Liên Xô, Mông Cổ và Liên Xô, Mông Cổ đã bác bỏ yêu cầu đó([5]).

Các tài liệu Trung Quốc luôn luôn khẳng định Mông Cổ là một phần của Trung Quốc. Trong sách “Tóm tắt lịch sử các dân tộc Mông Cổ” xuất bản năm 1977 tại Trung Quốc ở trang đầu khẳng định, Mông Cổ là một bộ phận của Trung Quốc; trong tạp chí “èýớóúửỗú” in ở Trung Quốc số 2-1994, khi phân tích các sự kiện xảy ra ở hồ Khaxan năm 1938 và khu vực sông Khankingôn năm 1939 (nơi xảy ra chiến tranh giữa liên quân Liên Xô – Mông Cổ với quân đội Nhật Bản) tác giả bài viết đã khẳng định rằng: Mông Cổ là một bộ phận của Trung Quốc và được gọi là Nội Mông([6]).

Thứ haiLiên Xô và Trung Quốc đã tranh chấp và giải quyết vấn đề biên giới Xô – Trung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự vận động vấn đề biên giới giữa Liên Xô với Trung Quốc trong thời gian từ 1949-1991 có thể chia làm các giai đoạn: 1949-1960, 1960-1969, 1970-1991.

Trong giai đoạn 1949-1960: Liên Xô và Trung Quốc liên minh với nhau, cùng chống chủ nghĩa đế quốc, hai nước đã tranh luận về vấn đề biên giới, bước đầu bàn biện pháp để hợp tác phân định biên giới chung.

Sau Hiệp ước hữu nghị, liên minh và tương trợ lẫn nhau ký giữa lãnh đạo cao cấp Liên Xô và Trung Quốc ngày 14 tháng 2-1950([7]), quan hệ Xô – Trung phát triển. Một số minh chứng là: Chính phủ Liên Xô cho Trung Quốc vay dài hạn 520 triệu rúp, giúp Trung Quốc xây dựng mới 15 xí nghiệp công nghiệp và cung cấp thiết bị để cải tạo, mở rộng 141 xí nghiệp([8]).

Về vấn đề biên giới quốc gia, năm 1951 Trung Quốc xuất bản “Bản đồ các tỉnh Trung Quốc” trong đó nhiều lãnh thổ đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh như Triều Tiên, Mông Cổ, Cadắcxtan, Cưdơgưxtan, Ápganixtan, Ấn Độ, Liên Xô… được xem là phần đất của Trung Quốc. Theo yêu cầu của Trung Quốc năm 1952, Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh đã chuyển cho Chính phủ Trung Quốc bản đồ chi tiết biên giới Xô – Trung do Liên Xô vẽ trên đó ghi nhiều điểm Liên Xô đang chiếm giữ, theo quan điểm của Liên Xô là đất của Liên Xô mà Trung Quốc tự nhận là lãnh thổ của mình theo Át lát Trung Quốc 1951; về bản đồ này Trung Quốc không có ý kiến phản bác([9]).

Do sự phản đối từ các nước láng giềng, năm 1953 Trung Quốc in bản đồ Trung Quốc mới với một số sửa chữa so với bản đồ năm 1951, nhiều vùng đất đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đã được Trung Quốc “trả lại” như với Ápganixtan (là tỉnh Bađátxan), đối với Liên Xô (là tỉnh miền núi Bađátxan)… Theo bản đồ này, biên giới Xô – Trung theo hệ thống núi phía bắc khu vực Carátcôrun và vùng Ur-Ben là “chưa xác định”. Cần lưu ý rằng trong thời gian này, lãnh đạo Trung Quốc không công nhận các hiệp ước bất bình đẳng mà nhà Thanh đã ký với các cường quốc Âu, Mỹ vì Bắc Kinh cho rằng trong các hiệp ước này các nước đế quốc thực dân đã “lấy và cướp đi” rất nhiều đất của Trung Quốc. Trong vấn đề biên giới quốc gia, Trung Quốc không thừa nhận các hiệp định mà triều đình Mãn Thanh đã ký với thực dân Anh cuối thế kỷ 19 lấy dãy Himalaya làm biên giới giữa Trung Quốc với các thuộc địa của Anh và Hiệp ước Lítva ký năm 1879 phân định biên giới giữa Nga Hoàng và Trung Quốc Mãn Thanh([10]).

Trong giai đoạn 1960-1969, quan hệ Liên Xô và Trung Quốc xấu đi, hai nước thi hành chính sách đối đầu, thù địch với nhau và đã xảy ra chiến tranh biên giới Xô – Trung năm 1969.

Cuộc đàm phán lần thứ nhất về biên giới Xô – Trung được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1964, trong vòng đàm phán này hai bên đã trao đổi bản đồ, đạt được sự nhất trí miệng về đường biên giới phía Đông, nhưng chưa ký được hiệp định chính thức nào coi như hội đàm không có kết quả([11]). Do đó, tháng 9-1964, Trung Quốc yêu cầu xét lại các vùng lãnh thổ Châu Á mà các hoàng đế Trung Hoa đã để mất vào tay Nga Hoàng ở thế kỷ XIX([12]). Tháng 8-1968 quân đội khối Vácxava do Liên Xô lãnh đạo vào thủ đô Praha và cứu chủ nghĩa xã hội ở Tiệp Khắc, ngày 23-8-1968 trong buổi tiếp Đại sứ Rumani tại Bắc Kinh Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lần đầu tiên đã gọi Liên Xô là “đế quốc xã hội chủ nghĩa”, “Đại bá Xô Viết”([13]).

Mâu thuẫn Xô – Trung phát triển gay gắt dẫn tới chiến tranh biên giới Xô – Trung. Lực lượng vũ trang Liên Xô và quân đội Trung Quốc đã đánh nhau ở các đảo thuộc vùng Đaman trên sông Ussuri (Nga) tháng 3-1969 và khu vực Dalanacôn (Cadắcxtan) vào tháng 8-1969 và một số điểm khác trên biên giới Xô – Trung. Xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc ở biên giới được chấm dứt sau khi diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Liên Xô Côxưgin và người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai tại sân bay Bắc Kinh ngày 11-9-1969, lãnh đạo hai nước đạt thỏa thuận về đình chiến ở biên giới và mở cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp([14]).

Đàm phán lần thứ hai về biên giới giữa Liên Xô với Trung Quốc diễn ra trong gần 9 năm, từ tháng 10-1969 đến tháng 6-1978 và vẫn không đi đến kết quả cuối cùng. Đầu tháng 10-1969, cuộc đàm phán Trung – Xô về biên giới giữa hai nước bắt đầu tiến hành ở Bắc Kinh, nhưng quan điểm hai bên hoàn toàn khác nhau: phía Trung Quốc cho rằng vùng tranh chấp biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc có diện tích khoảng 33.000 km2 còn bên Liên Xô chỉ đồng ý giải quyết tranh chấp biên giới chung giữa hai nước theo các hiệp ước ký cuối thế kỷ XIX giữa Nga Hoàng với chính quyền Mãn Thanh, do đó hội đàm giữa hai nước không có kết quả([15]).

Mặt khác, theo hồi ký của nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm – nhà ngoại giao lão thành đã tham gia đàm phán  giữa Trung Quốc với Liên Xô về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và phân định biên giới Xô – Trung: “Do những nguyên nhân lịch sử, đoạn biên giới trên sông Amur (sông Hắc Long) giữa Trung Quốc và Liên Xô thời nhà Thanh chỉ đơn giản lấy sông làm biên giới chứ không hoạch định cụ thể và nghiêm túc. Phía Liên Xô vẫn đứng trên lập trường ngang ngược của Nga Sa hoàng, tuyên bố biên giới Trung Quốc cần được hoạch định theo đường ven sông giới tuyến (sông giáp ranh) thuộc phía Liên Xô. Nếu như vậy, các đảo trên sông nghiễm nhiên thuộc về phía Liên Xô, trong khi các sông Hắc Long và Ô Tô Lý đã là những sông thuộc lãnh thổ Liên Xô. Phía Trung Quốc đương nhiên không thể nhất trí mà chủ trương căn cứ luật pháp và thông lệ quốc tế, cần vạch trung tâm trên đường lưu thông chính của sông giáp ranh làm đường biên giới chung. Năm 1969 xung đột đẫm máu xảy ra ở đảo Trân Bảo giữa hai nước suy cho cùng  cũng do nguyên nhân này”([16]).

Về chiến tranh biên giới Xô – Trung (nhiều tác giả trong và ngoài nước gọi là xung đột biên giới Xô – Trung), trong Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc ngày 8-10-1969, Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định Trung Quốc sẽ giải quyết các tranh chấp, bất đồng về biên giới với các nước trên cơ sở công bằng, thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực([17]).

Giai đoạn thứ ba 1970-1991: trong  hơn 10 năm đầu quan hệ giữa Liên Xô với Trung Quốc vẫn ở thế đối đầu, chỉ vào cuối những năm 1980 hai nước tiến hành cải thiện quan hệ, bình thường hóa, đàm phán và bước đầu giải quyết vấn đề biên giới Nga – Trung.

Sau chiến tranh biên giới Xô – Trung, cả Liên Xô và Trung Quốc đều đưa ra các kiến nghị nhằm giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước.

Năm 1971, Liên Xô đề nghị Trung Quốc và Liên Xô ký Hiệp ước không sử dụng vũ lực trong quan hệ với nhau, 1973 lãnh đạo Liên Xô lại kiến nghị ký Hiệp định không tấn công nhau giữa hai nước, song Bắc Kinh đã bác bỏ hai yêu cầu trên của Mátxcơva. Ngày 26-2-1978, báo cáo trước Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Hoa Quốc Phong cho rằng: “Để cải thiện quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc, Liên Xô phải rút các lực lượng vũ trang ra khỏi các vùng biên giới tranh chấp Xô – Trung, rút quân ra khỏi Mông Cổ, khôi phục biên giới Xô – Trung về hiện trạng đầu những năm 1960…”; Ngày 9-3-1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chuyển công hàm với nội dung như trên cho V.S. Tônschicốp Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh([18]).

Liên quan đến quan hệ và biên giới giữa Liên Xô với Trung Quốc cuối năm 1979, quân đội Xô Viết tiến vào Cabun, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố phản đối và yêu cầu rút quân đội Liên Xô ra khỏi Ápganixtan và theo báo “Nhân dân nhật báo” hành động đưa quân vào Ápganixtan của Mátxcơva đã tạo ra “sự đe dọa với an ninh Trung Quốc từ hướng Tây”([19]).

Quan hệ giữa Liên Xô với Trung Quốc được cải thiện, tiến tới bình thường hóa chỉ sau khi Đại hội XII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1982) xác định lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm thay cho trước đó lấy đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội và thực thi chính sách đối ngoại hòa bình, Liên Xô từ 1985 thực hiện “Cải tổ” từ đối đầu chuyển sang đối thoại với các “đối thủ” trước đó.

Về phía Trung Quốc: năm 1982, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp Đại hội XII xác định hòa bình và phát triển là xu thế chính dòng chủ lưu của thời đại và quyết định phát triển kinh tế đất nước là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, chuyển trọng tâm đối ngoại từ ý thức hệ và đấu tranh giai cấp sang lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm hàng đầu. Trong quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc chủ trương đàm phán tiến tới bình thường và giải quyết phân định biên giới Trung – Xô theo quan điểm của Bắc Kinh. Mùa hè 1982, Trung Quốc chính thức yêu cầu Liên Xô giải quyết 3 trở ngại lớn trong quan hệ giữa hai nước([20]). Gặp gỡ và đàm phán Trung – Xô về bình thường hóa quan hệ và phân định biên giới giữa hai nước đã được thực hiện trong thập niên 80 thế kỷ XX từ cấp Vụ trưởng đến Thứ trưởng, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng và cấp cao nhất – Nguyên thủ quốc gia.

Về phía Liên Xô, sau nhiều năm đối đầu Xô – Trung, tháng 3-1982 tại Tasken (thủ đô Udơbêchxtan) của Liên Xô nhà lãnh đạo Xô Viết Brezhnev phát biểu thừa nhận Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa, chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan và tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tiếp theo đó, trong tuyên bố của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp ở Vlađivốtxtốc (7-1986) và Crátxnôđarơ (9-1988), Liên Xô điều chỉnh chính sách với khu vực Đông Bắc Á, theo đó: Liên Xô sẽ giảm quân đội ở phía Đông và rút hết lực lượng vũ trang từ Mông Cổ về nước, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc([21])điều cần lưu ý là tại Vlađivốtxtốc, Goócbachốp đã chấp nhận lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới giữa hai nước, đồng ý phân chia đường biên giới trên sông Amur (sông Hắc Long) theo chỉ giới trung tâm trên đường lưu thông chính. Năm 1989 là năm quyết định trong quan hệ Xô – Trung: vào mùa xuân năm này Liên Xô đã rút hết lực lượng vũ trang từ Ápganixtava và Mông Cổ về nước, giảm quân ở biên giới Xô – Trung, tháng 5-1989 Goócbachốp đi thăm chính thức Trung Quốc, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố quan hệ giữa hai nước và hai đảng cộng sản bình thường hóa hoàn toàn([22]).

Trong bối cảnh đó, Liên Xô và Trung Quốc đã trở lại thảo luận và phân định về biên giới Xô – Trung.

Cuộc đàm phán về biên giới Xô – Trung lần thứ ba diễn ra từ tháng 2-1987 tại Mátxcơva ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Trong 3 vòng đàm phán của cuộc đàm phán lần ba này Liên Xô và Trung Quốc đã đạt được phần lớn nội dung hiệp định nguyên tắc về đoạn biên giới phía Đông. Đoạn biên giới phía Tây phức tạp hơn, hai nước đã nhất trí nguyên tắc hoạch định và đồng ý thành lập nhóm chuyên gia công tác thảo luận cụ thể, thành lập đội chụp ảnh hỗn hợp từ trên không… Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm thì tiến triển của cuộc đàm phán thứ ba đã giúp làm hòa hoãn tình trạng đối đầu gay gắt về đường biên giới, trở thành một bộ phận thúc đẩy quan hệ song phương giữa Trung Quốc với Liên Xô.

Sau khi bình thường hóa quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc năm 1989, vấn đề biên giới Xô – Trung đã bước đầu được giải quyết: 16-5-1991 Nga và Trung Quốc đã ký Hiệp định biên giới phía Đông giữa hai nước, theo Hiệp định này biên giới phía Đông Nga – Trung dài 4375 km được phân định bằng đường trung tuyến các con sông Amua, Ussuri, Tuman và khoảng 1500 ha đất, đảo Đaman trên sông Ussuri chuyển về Trung Quốc([23]). Tuy nhiên, cuối năm 1991, Liên Xô tan rã và vấn đề biên giới Xô – Trung vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

2. Một số nhận xét về vấn đề biên giới Nga – Trung trước và trong Chiến tranh Lạnh

Từ tranh chấp, giải quyết vấn đề biên giới giữa Nga (Liên Xô) với Trung Quốc trước và  trong Chiến tranh Lạnh có thể rút ra các nhận xét sau:

Một là, vấn đề biên giới quốc gia là một vấn đề liên quan tới tương quan lực lượng giữa các nước trong quan hệ quốc tế. Khi quốc gia mạnh, biên giới, lãnh thổ của nó được mở rộng và ngược lại khi suy yếu lãnh thổ, biên giới của một nước thường bị thu hẹp lại. Trung Quốc thời Mãn Thanh do suy nhược buộc phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc đế quốc, mất nhiều lợi ích, trong đó có đất đai và các khu vực ảnh hưởng. Trong tranh chấp, giải quyết vấn đề biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một lần nữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại bị lép vế và thua thiệt do quốc lực yếu hơn Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (tính bình quân từ năm 1953 đến năm 1980: tổng GDP của Liên Xô gấp 2,5 lần tổng GDP của Trung Quốc, cụ thể: trong thời gian đó Liên Xô chiếm  độ 10% GDP thế giới, tổng GDP của Trung Quốc đạt khoảng 4%)([24]).

Hai là, vấn đề biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của hai nước. Dù trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hệ tư tưởng là nhân tố cực kỳ quan trọng để tập hợp lực lượng, xây dựng các liên minh, song lợi ích quốc gia dân tộc vẫn là nhân tố giữ vai trò rất quan trọng trong quan hệ quốc tế. Chính do đặt lợi ích về biên giới quốc gia nói riêng cũng như lợi ích quốc gia dân tộc nói chung cao hơn hệ tư tưởng (chủ nghĩa Mác – Lênin) và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân nên Liên Xô, Trung Quốc đã không nhân nhượng nhau và không giải quyết được tranh chấp về biên giới chung giữa hai nước, để xảy ra xung đột và chiến tranh biên giới 1969 giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất.

Ba làvấn đề biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc liên quan đến quan hệ  Xô – Trung, Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và Phong trào cộng sản quốc tế. Việc Liên Xô, Trung Quốc không giải quyết được vấn đề biên giới chung và xây dựng biên giới Xô – Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước đã góp phần làm cho mâu thuẫn Xô – Trung phát triển trầm trọng, gay gắt; đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự khủng hoảng, sụp đổ của Liên Xô, Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và làm cho Phong trào cộng sản quốc tế suy yếu, “tạm lâm vào thoái trào”.

Tóm lại, Vấn đề biên giới giữa Nga (Liên Xô) với Trung Quốc đã tồn tại và chưa được giải quyết hoàn toàn ở thời kỳ trước và trong Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh quan hệ Xô – Trung thăng trầm, trong thời gian Chiến tranh Lạnh, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đối thủ và đối địch nhau, quan điểm về phân chia biên giới giữa hai nước khác nhau, tất yếu vấn đề biên giới Xô – Trung chưa được giải quyết triệt để. Nghiên cứu vấn đề biên giới Nga – Trung thời kỳ này để lại kinh nghiệm lịch sử là: để giải quyết vấn đề biên giới giữa các quốc gia dân tộc, các bên cần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng, đấu tranh và hợp tác giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp theo thông lệ và luật pháp quốc tế, thông qua thương lượng và đàm phán hòa bình, không sử dụng vũ lực, chiến tranh./.

————————

([1]) Ví dụ: Hồng Kông trở thành thuộc địa của Anh, Ma Cao là thuộc địa của Bồ Đào Nha, Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản…

([2]) ИСТОРИЯ РОССИИ, Москва, МГУ, 2003, с. 311.

([3]) E. Snow, Red Star over China, New York, 1937, p. 102.

([4]) Проблемы Дальнего Востока, 1995, № 2.

([5]) Проблемы Дальнего Востока, 1974, № 1.

([6]) КИТАЙ В МИРОВОЙ ПОЛИТИКЕ, Москва, МГИМО, 2001, с. 151-152.

([7]) Ю.С. Песков, СССР – КНР: от конфронтации к партнерству, Москва, Институт Дальнего Востока, 2002, с. 11.

([8]) Nguyễn Huy Quý, Lịch sử hiện đại Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 65.

([9]) См. П. Прохоров, К вопросу о советско – китайской границе, Москва, 1975, с. 212.

([10]) Е.Д. Степанов, Пограничная политика КНРКИТАЙ В МИРОВОЙ ПОЛИТИКЕ, указ., соч., с. 155-158.

([11]) Quá trình bình thường hóa quan hệ Trung – Xô, Thông Tấn xã Việt Nam, Các vấn đề quốc tế, số tháng 10-2007, tr. 17.

([12]) Viện Thông tin khoa học xã hội, Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh phân tích và dự báo (tập 1), Hà Nội, 2001, tr. 5.

([13]) А.А. Свешников, Концепции КНР в области внешней политики и национальной безопасности, КИТАЙ В МИРОВОЙ ПОЛИТИКЕ, указ., соч.,  с.  99.

([14]) Ю.С. Песков, СССР – КНР: от конфронтации к партнерству, указ., соч., с. 16.

([15]) История международных отношений и внешней политики СССР, Москва, “Международные отношениия”, 1979, с. 165.

([16]) Quá trình bình thường hóa quan hệ Trung – Xô, Thông Tấn xã Việt Nam, Các vấn đề quốc tế, số tháng 10-2007, tr. 15.

([17]) КИТАЙ В МИРОВОЙ ПОЛИТИКЕ, указ., соч., с. 161.

([18]) Ю.С. Песков, СССР – КНР: от конфронтации к партнерству, указ., соч., с. 26-29.

([19]) Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), 31-12-1979.

([20]) Theo Trung Quốc, ba trở ngại lớn trong quan hệ Trung – Xô là: Liên Xô đóng quân ở khu vực biên giới với Trung Quốc và Mông Cổ, quân đội Xô Viết có mặt tại Ápganixtan và Liên Xô ủng hộ Việt Nam đóng quân ở Campuchia.

([21])СОВРЕМЕННЫЕ МЕЖДУНАРОДНЫЕ ОТНОШЕНИЯ, Москва, МГИМО, 2001, с. 366-367.

([22]) ВНЕШНЯЯ ПОЛИТИКА РОССИЙСКОЙ ФЕДЕРАЦИИ 1992-1999, Москва, МГИМО, 2000, с. 251.

([23]) В.А. Корсун, ВНЕШНЯЯ ПОЛИТИКА КИТАЯ НА ПОРОГЕ XXI ВЕКА, Москва, МГИМО, 2002, с. 35.

([24]) Samuel Hungtington, S va chm ca các nn văn minh, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2003, tr. 99.

————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ВНЕШНЯЯ ПОЛИТИКА РОССИЙСКОЙ ФЕДЕРАЦИИ 1992-1999, Москва, МГИМО, 2000, 328 с.

2. ИСТОРИЯ РОССИИ, Москва, МГУ, 2003, 520 с.

3. История международных отношений и внешней политики СССР, Москва, “Международные отношениия”, 1979, 374 с.

4. КИТАЙ В МИРОВОЙ ПОЛИТИКЕ, Москва, МГИМО, 2001, 528 с.

5. В.А. Корсун, ВНЕШНЯЯ ПОЛИТИКА КИТАЯ НА ПОРОГЕ XXI ВЕКА, Москва, МГИМО, 2002, 197 с.

6. СОВРЕМЕННЫЕ МЕЖДУНАРОДНЫЕ ОТНОШЕНИЯ, Москва, МГИМО, 2001, 584 с.

7. Ю.С. Песков, СССР – КНР: от конфронтации к партнерству, Москва, Институт Дальнего Востока, 2002, 192 с.

9. Quá trình bình thường hóa quan hệ Trung – Xô, Thông Tấn xã Việt Nam, Các vấn đề quốc tế, số tháng 10-2007, tr. 1-26.

Nguồn : Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á (số 4, 2008)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]