Toàn cầu hóa số: Cơ hội cho các nước đang phát triển

tch so

Nguồn: Laura Tyson & Susan Lund, “Digital Globalization and the Developing World”, Project Syndicate, 25/03/2016.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Quá trình toàn cầu hóa đang bước vào một kỷ nguyên mới, được định hình không chỉ bởi dòng chảy hàng hóa và vốn qua biên giới, mà còn bởi dòng chảy dữ liệu và thông tin ngày càng gia tăng. Sự dịch chuyển này dường như có lợi cho các nền kinh tế tiên tiến, nơi có những ngành công nghiệp đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số trong các sản phẩm và quy trình vận hành của mình. Liệu các nước đang phát triển có bị bỏ lại phía sau?

Trong hàng thập kỷ, với các nước thu nhập thấp, ganh đua để thu hút các doanh nghiệp sản xuất với chi phi thấp có vẻ là phương pháp hứa hẹn nhất để vươn lên. Thương mại hàng hóa toàn cầu tăng từ 13,8% GDP toàn cầu năm 1985 (2.000 tỷ USD) lên đến 26,6% GDP (16.000 tỷ USD) năm 2007. Được thúc đẩy bởi nhu cầu và việc thuê ngoài từ các nước phát triển, các thị trường mới nổi giành được thị phần ngày càng lớn trong khối lượng giao dịch hàng hóa ngày một gia tăng này. Tính đến 2014, các nước này chiếm hơn một nửa khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu.

Tuy vậy, kể từ cuộc Đại Suy Thoái (2007-08), sự tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đã khựng lại, chủ yếu do nguồn cầu suy giảm ở các nền kinh tế chủ chốt của thế giới và sự sụt giảm giá cả hàng hóa. Nhưng những thay đổi cấu trúc sâu xa hơn cũng có vai trò trong chuyện này. Rất nhiều công ty đang đơn giản hóa và làm gọn chuỗi cung ứng của họ. Với nhiều loại hàng hóa, tự động hóa có nghĩa là vị trí sản xuất và các quyết định thuê ngoài không còn phụ thuộc vào chi phí nhân công nữa. Chất lượng của nhân tài, cơ sở hạ tầng, chí phí năng lượng, và tốc độ tiếp cận thị trường có tầm quan trọng lớn hơn trong các quyết định trên. Trong tương lai gần, công nghệ in 3D có thể làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua các cự ly dài.

Nếu tỉ lệ thương mại hàng hóa toàn cầu so với GDP toàn cầu đã đạt đỉnh, thì các nước nghèo như ở Châu Phi, Mỹ Latinh, và Châu Á sẽ khó mà phát triển bằng cách trở thành các công xưởng tiếp theo của thế giới. Nhưng toàn cầu hóa tự nó cũng sẽ không thoái trào. Trong khi thương mại hàng hóa toàn cầu đã chững lại và dòng chảy tài chính xuyên biên giới đã sụt giảm mạnh từ năm 2007, thì dòng chảy thông tin số đã bùng nổ: Lưu lượng băng thông xuyên biên giới đã tăng gấp 45 lần trong thập kỷ qua, giúp truyền tải các ý tưởng, hàm lượng tri thức, và các sáng kiến đổi mới đi khắp thế giới.

Các dòng chảy toàn cầu, trong đó dòng chảy dữ liệu tăng mạnh. Nguồn: Project Syndicate.
Các dòng chảy toàn cầu, trong đó dòng chảy dữ liệu tăng mạnh. Nguồn: Project Syndicate.

Nghiên cứu mới từ McKinsey Global Institute (MGI) nhận thấy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tài chính, con người, và dữ liệu xuyên biên giới trong giai đoạn này đã làm tăng GDP toàn cầu khoảng 10% – xấp xỉ 7.800 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014. Dòng chảy dữ liệu chiếm khoảng 2.800 tỷ USD trong số này, tạo ra ảnh hưởng lớn hơn so với thương mại hàng hóa toàn cầu – một phát hiện đáng chú ý khi mạng lưới thương mại toàn cầu đã được phát triển hàng trăm năm trong khi luồng dữ liệu xuyên biên giới mới chỉ xuất hiện 15 năm trước.

Số hóa thay đổi mọi thứ: bản chất của trao đổi hàng hóa, thế giới các nhà cung ứng và khách hàng tiềm năng, phương thức giao hàng, và lượng vốn và quy mô cần có để có thể vận hành toàn cầu. Nó gia tăng cơ hội tham gia nền kinh tế toàn cầu cho nhiều loại hình doanh nghiệp, cá nhân và quốc gia hơn. Nó cũng đem lại cho các nước và doanh nghiệp ở bất cứ đâu cơ hội để tự định hình lại lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của mình. Ví dụ, dù nước Mỹ có thể gặp bất lợi trong một thế giới mà chi phí nhân công thấp là tối quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, thì toàn cầu hóa số giúp khai thác sức mạnh công nghệ và sáng tạo của nước này.

Về cơ bản, việc chuyển dịch sang toàn cầu hóa kỹ thuật số có vẻ sẽ gây hại cho các nước đang phát triển có nhiều nhân công giá rẻ mà thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục. Các nền kinh tế phát triển thống trị bảng Chỉ số Mức độ Kết nối gần đây nhất của MGI. Chỉ số này xếp hạng các nước dựa vào dòng chảy vào và ra của hàng hóa, dịch vụ, tài chính, con người, và dữ liệu so với kích cỡ của nước đó cũng như tỉ trọng của nó trong từng dạng dòng chảy toàn cầu. Những dòng chảy này tập trung chủ yếu vào một nhóm nhỏ các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Đức, và Singapore, với khoảng cách khổng lồ giữa những người dẫn đầu này và những nước bị bỏ lại phía sau. Trung Quốc là quốc gia đang phát triển duy nhất nằm trong top 10 danh sách này (Việt Nam xếp thứ 37 – NBT).

dg2
Bảng xếp hạng Chỉ số Mức độ Kết nối. Nguồn MGI và Project Syndicate.

Dù vậy dòng chảy số đem lại cho các nước đang phát triển phương thức tương tác mới với nền kinh tế toàn cầu. Chí phí cận biên xấp xỉ bằng không của giao tiếp và giao dịch số tạo ra những khả năng mới để kinh doanh xuyên biên giới ở một quy mô khổng lồ. Alibaba, Amazon, eBay, Flipkart, và Rakuten đang biến hàng triệu doanh nghiệp nhỏ trên khắp thể giới trở thành các nhà xuất khẩu “đa quốc gia siêu nhỏ”. Các công ty nằm tại các nước đang phát triển có thể vượt qua những ràng buộc của thị trường địa phương và kết nối với khách hàng, nhà cung ứng, nguồn tài chính, và nhân tài khắp toàn cầu. Mười hai phần trăm lượng thương mại hàng hóa toàn cầu đã được hoàn thành ở các kênh thương mại điện tử.

Hơn thế nữa, các nước không cần phải phát triển Thung lũng Silicon cho riêng mình mới có thể hưởng lợi được từ xu thế này. Các quốc gia nằm ở rìa của mạng lưới các dòng chảy dữ liệu toàn cầu có thể có lợi nhiều hơn các quốc gia nằm tại trung tâm mạng lưới đó. Kết nối số khuyến khích gia tăng năng suất. Thật vậy, chúng có thể giúp các quốc gia đang phát triển tăng năng suất tối đa bằng cách khiến các doanh nghiệp của họ tiếp cận với các ý tưởng, nghiên cứu, công nghệ, các phương thức quản lý và vận hành tốt nhất, và bằng cách xây dựng các kênh mới nhằm phục vụ thị trường toàn cầu rộng lớn.

Nhưng Internet không thể tạo ra những tiến bộ trong hiệu suất và sự minh bạch trừ khi các quốc gia này xây dựng được cơ sở hạ tầng số cần thiết để kết nối với lượng dân số khổng lồ vẫn chưa được tiếp cận internet. Số lượng người dùng internet toàn cầu hiện này là hơn 3,2 tỷ người, nhưng tính đến cuối 2015, 57% dân số thế giới, hay 4 tỷ người, vẫn còn chưa được tiếp cận internet, và rất nhiều người online nhưng chỉ sử dụng điện thoại cơ bản. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, tốc độ kết nối quá chậm, không ổn định, hay quá tốn kém để các nhà khởi nghiệp và cá nhân có thể thu được toàn bộ lợi ích của các cơ hội kinh doanh và giáo dục toàn cầu mới.

Các hệ thống giáo dục cũng cần phải bắt kịp với nhu cầu cần có sự thành thạo ngôn ngữ và kỹ năng số. Trong khi 40% dân số thế giới có kết nối với Internet, thì 20% vẫn không biết đọc, biết viết. Theo một nghiên cứu gần đây khác của MGI, cũng có khoảng cách lớn giữa hai giới tính về cơ hội tiếp cận với các công nghệ số trên khắp thế giới, và sự thiếu hụt tiếp cận này ngăn cản việc nâng quyền kinh tế và xã hội cho phụ nữ. Các nước đi sau thất bại trong việc khuyến khích bình đẳng giới, đầu tư vào giáo dục, và áp dụng các cải cách quản lý và điều tiết nói chung có nguy cơ tụt hậu sâu hơn nữa trong quá trình gặt hái các lợi ích đáng kể của quá trình toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa trong thế kỷ 21, được thúc đẩy bởi công cuộc số hóa và các thay đổi nhanh chóng trong lợi thế cạnh tranh, có thể phá hủy các ngành nghề, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, đồng thời gây suy giảm việc làm dù nó giúp gia tăng năng suất, số lượng việc làm nói chung, và tạo ra những lợi ích tổng thể khắp nền kinh tế. Các chính phủ cần cẩn thận cân nhắc những đánh đổi này và phát triển các phương pháp để hỗ trợ những người bị thiệt hại bởi các dòng chảy toàn cầu, đem lại cho họ các vai trò và phương kế mưu sinh khác. Đến nay, rất ít chính phủ đã làm vậy. Trớ trêu ở chỗ, phản ứng chính trị chống lại toàn cầu hóa đang ngày càng chiếm ưu thế ở nhiều nơi ngay cả khi công cuộc số hóa giúp gia tăng cơ hội và các lợi ích kinh tế mà quá trình toàn cầu hóa đem lại.

Laura Tyson, cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng Thống Mỹ, là  giáo sư tại Haas School of Business của Đại học California, Berkeley, cố vấn cao cấp của Rock Creek Group, và là một thành viên của Hội đồng Nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Bình đẳng Giới.

Susan Lund là một đối tác của McKinsey Global Institute.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]