Tại sao các công ty Nhật cần ‘Anh văn – hóa’?

Print Friendly, PDF & Email

rakuten

Nguồn: Hiroshi Mikitani, “Japan’s New Business Language”, Project Syndicate, 21/04/2016.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Năm năm trước, tôi đứng diễn thuyết bằng tiếng Anh trước hàng ngàn người Nhật. Tôi nói với họ rằng từ đó trở đi, Rakuten – chợ trực tuyến lớn nhất của Nhật Bản nơi tôi làm CEO – sẽ thực hiện tất cả các hoạt động kinh doanh bằng tiếng Anh, từ các cuộc họp chính thức tới thư điện tử nội bộ. Tôi vẫn nhớ vẻ ngạc nhiên trên khuôn mặt các thính giả.

Phản ứng của họ thật dễ hiểu. Chưa từng có một công ty lớn nào của Nhật Bản thay đổi ngôn ngữ chính thức của mình. Nhưng có một sự thật đơn giản rằng việc áp dụng tiếng Anh có tính chất sống còn đối với sức cạnh tranh dài hạn của các công ty Nhật Bản.

Tất nhiên, quyết định của tôi cũng gặp nhiều chỉ trích. Một trong số các CEO Nhật Bản đã nhận xét kế hoạch này là “ngu xuẩn”- một điều đáng chú ý ở một đất nước mà các nhà điều hành thường không phê phán lẫn nhau trên báo chí. Rõ ràng là tôi sẽ phải trải qua một cuộc chiến khó khăn để có được sự chấp nhận về mặt văn hóa (đối với quyết định này).

Tuy vậy, tôi đã không nhụt chí. Một trận động đất lớn đòi hỏi chúng ta cần phải thích nghi với cảnh quan địa hình mới, và một cơn địa chấn kinh tế được tạo ra bởi các lực đẩy toàn cầu hóa và số hóa chính là những gì Nhật Bản đã trải qua trong các thập niên gần đây. Cách duy nhất để cạnh tranh trong thời đại kết nối Internet này là nói thứ ngôn ngữ của thị trường – và ngôn ngữ đó là tiếng Anh. Dù số lượng người nói tiếng Anh bản địa ít hơn nhiều so với số người bản địa nói tiếng Trung Quốc chẳng hạn, nhưng tiếng Anh mới là ngôn ngữ kinh doanh toàn cầu.

Vậy mà Nhật Bản vẫn tiếp tục co mình trong một thứ bong bóng ngôn ngữ- không chỉ vì rất nhiều công ty Nhật hướng vào thị trường nội địa và không quan tâm mấy đến các xu thế toàn cầu. Nhưng ngày càng khó biện hộ cho cách làm này. Chuyển sang tiếng Anh khiến các công ty Nhật trở nên cạnh tranh hơn, và đồng thời cũng mở rộng tầm mắt cho các nhân viên ra thế giới bên ngoài.

Còn có một tác dụng nữa trong việc sử dụng tiếng Anh trong kinh doanh, đó là ngôn ngữ này có ít từ biểu hiện địa vị quyền lực. Vì vậy, dùng tiếng Anh có thể phá bỏ các rào cản thứ bậc, quan liêu đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản và được biểu hiện qua giao tiếp của người Nhật. Điều này có thể làm gia tăng hiệu suất.

Tất nhiên, việc “Anh Văn-hóa” các công ty không hề đơn giản. Những biến đổi bên trong là rất sâu sắc. Những nhân viên có thể nói tiếng Anh tốt đột nhiên có địa vị cao hơn, họ không cần phải lo cho sự nghiệp của mình. Và điều này cũng đúng không chỉ với Nhật Bản: Một nghiên cứu gần đây của tạp chí Management International Review đánh giá việc mua lại hãng hàng không Hà Lan KLM của Air France đã nhận thấy quyết định biến tiếng Anh thành ngôn ngữ của công ty sau hợp nhất đã khiến nhiều người mừng rơn, nhưng cũng làm cho nhiều người sợ hãi.

Với Nhật Bản, trình độ thông thạo tiếng Anh thấp càng làm cho thách thức trở nên lớn hơn. Ở Châu Á, nước này đứng thứ 13 về mức độ lưu loát tiếng Anh, sau cả Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong trường hợp của Rakuten, việc điều chỉnh chắn chắn cần thời gian. Ban đầu, những cuộc họp thường có cảm giác gượng gạo. Buổi họp ban điều hành đầu tiên sau quyết định “Anh Văn-hóa” đã kéo dài tới bốn tiếng – gấp đôi so với bình thường. Nhưng bất cứ khi nào các nhà điều hành hỏi rằng liệu họ có thể nói về một số vấn đề nhất định bằng tiếng Nhật không, tôi đều bảo là không. Tôi biết rằng thử thách đó sẽ mang lại kết quả, và điều đó đã xảy ra.

Giờ đây, hơn 90% nhân viên của chúng tôi đã đạt được trình độ tiếng Anh cần thiết. Điều này khiến hoạt động của chúng tôi trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết. Một nhân viên ở bất cứ đâu trên thế giới đều có thể cầm máy lên và nhận được câu trả lời tức thì, thay vì phải thông qua một phiên dịch viên.

Tác động này cũng có thể được cảm nhận thấy ở mức độ cá nhân. Một nhà quản lý ban đầu lo sợ rằng anh ta sẽ phải rời khỏi công ty đã thay đổi thái độ sau khi theo học tại một trường tiếng Anh chuyên sâu ở Phillippines, nơi anh gặp những sinh viên từ Hàn Quốc và Trung Quốc quyết tâm sử dụng thành thạo tiếng Anh. Tiếng Anh của anh ta tiến bộ nhanh chóng, cùng với chỗ đứng  của anh ta trong công ty. Quan trọng hơn, anh ta đã có được một tầm nhìn toàn cầu rất cần thiết.

Một phần nhờ có quá trình Anh Văn-hóa, Rakuten đã có thể vươn ra bên ngoài Nhật Bản, mua lại các trang thương mại điện tử như Ebates ở  Mỹ và PriceMinister ở Pháp. Gần đây hơn, chúng tôi đã mua lại ứng dụng nhắn tin Viber và mua một số cổ phần thiểu số trong ứng dụng gọi xe trực tuyến Lyft và trang tạo album ảnh online Pinterest của Mỹ. Việc chúng tôi hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh đã khiến những sự chuyển tiếp này trở nên trơn tru, vì ban quản lý của công ty được mua không có cảm giác rằng một công ty ngoại quốc đã tiếp quản họ.

Bên trong Nhật Bản, Anh Văn-hóa đã cho phép chúng tôi thuê thêm nhiều nhân viên không phải người Nhật, bao gồm 80% số kỹ sư mới của chúng tôi từ năm 2011. Một luồng không khí mới bất chợt tràn ngập trong văn phòng của chúng tôi, khi các nhân viên vui vẻ tránh xa bộ com-lê xanh buồn tẻ điển hình của môi trường làm việc Nhật Bản. Phương thức tiếp cận đa dạng và hiện đại này đã thổi một luồng sinh khí mới vào một kiểu văn hóa kinh doanh đang hấp hối.

Dân số Nhật Bản đang già đi. Nền kinh tế của chúng tôi đang giảm tốc. Chúng tôi không tạo ra đủ số lập trình viên và các chuyên gia kỹ thuật số. Cách duy nhất có thể khiến chúng tôi có thể bắt kịp và hồi phục tăng trưởng và sự năng động chính là bằng cách tìm kiếm nhân tài từ bên ngoài biên giới. Để làm được điều đó, chúng tôi cần phải nói tiếng Anh.

Hiroshi “Mickey” Mikitani (trong hình) là người sáng lập và là CEO của Rakuten, website thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Japan’s New Business Language
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]