Tại sao thế giới phải tập trung chống tham nhũng?

Print Friendly, PDF & Email

Corruption_Biology

Nguồn: William J. Burns & Michael Mullen, “Why Corruption Matters”, Project Syndicate, 06/05/2016.

Biên dịch: Lê Quang Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Giáo hoàng Francis đã gọi tham nhũng là “phần hoại tử của nhân loại”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì gọi tham nhũng là yếu tố “cực đoan hóa” người dân bởi vì tham nhũng “tàn phá niềm tin vào sự chính danh của chính quyền”. Và Thủ tướng Anh David Cameron đã mô tả tham nhũng là “một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của sự tiến bộ xã hội trong thời đại của chúng ta”.

Hiểu một cách đơn giản tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan công quyền để đạt được các lợi ích cá nhân. Các nhà lãnh đạo ngày càng nhận thức được rằng tham nhũng là mối đe dọa đối với sự phát triển, phẩm cách con người và an ninh toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh phòng chống tham nhũng toàn cầu vào ngày 12 tháng 5, các lãnh đạo thế giới cùng với đại diện từ giới kinh doanh và xã hội dân sự sẽ có một cơ hội lớn để có các hành động ứng phó phù hợp với nhận thức về tham nhũng kể trên.

Tham nhũng bị lên án ở mọi nền văn hóa và trong suốt lịch sử. Tham nhũng đã tồn tại song hành cùng với sự tồn tại của chính quyền, nhưng giống như các loại tội phạm khác, trong những thập niên gần đây tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi, gây tác động tàn phá lên mức sống và nhân phẩm của nhiều công dân vô tội.

Trước tiên, tham nhũng làm què quặt triển vọng phát triển. Ví dụ, khi gian lận trong mua sắm công trở nên tràn lan, hay thuế khai thác tài nguyên bị đánh cắp từ nguồn hoặc khu vực tư nhân bị độc quyền hóa bởi các nhóm thân hữu hạn hẹp, thì quần chúng không thể đạt được tiềm năng phát triển của mình.

Tham nhũng cũng gây nên một tác động khác ít được nhận thấy. Khi công dân chứng kiến các lãnh đạo làm giàu cho mình bằng cách gây thiệt hại cho người dân, người dân ngày càng thất vọng và tức giận, điều có thể dẫn tới bất ổn dân sự và xung đột bạo lực.

Rất nhiều cuộc khủng hoảng an ninh quốc tế hiện nay bắt nguồn từ những bất mãn này của người dân. Sự tức giận về hành vi lạm quyền của một cảnh sát tham nhũng đã khiến một người bán hoa quả người Tunisia tự thiêu hồi năm 2010 và thổi bùng các cuộc cách mạng khắp thế giới Ả-rập. Người biểu tình yêu cầu một số bộ trưởng phải bị bắt và đưa ra tòa, và yêu cầu trả lại các tài sản bị tham ô – một yêu cầu hầu như không được đáp ứng.

Ở những nơi mà các quan chức chính phủ tận hưởng (và thường phô trương) sự giàu có và việc không bị trừng phạt của họ, các phong trào cực đoan – bao gồm Taliban, Boka Haram và Nhà nước Hồi giáo – đã khai thác sự phẫn nộ của dân chúng. Các nhóm cực đoan này khẳng định chỉ có một cách duy nhất để khôi phục sự công chính trong xã hội là áp dụng một cách nghiêm ngặt các quy định về hành vi ứng xử của cá nhân. Khi không có con đường khả dĩ nào khác, và không có phương tiện để đề đạt các thỉnh nguyện ôn hòa, những luận điệu như vậy ngày càng trở nên thuyết phục.

Rõ ràng là tham nhũng phải bị diệt trừ, nhưng chúng ta chưa xác định được rõ phải làm như thế nào để loại trừ tham nhũng. Trong một thế giới của những nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau, các chính phủ tham nhũng thường tỏ vẻ đáp ứng các mục đích quan trọng (của các nước khác). Chính phủ này có thể triển khai binh lính để giúp chiến đấu chống khủng bố, chính phủ kia lại tham gia cung cấp nguồn cung năng lượng quan trọng hoặc cho phép tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô. Các nhà lãnh đạo không thể tránh khỏi những sự đánh đổi đầy khó khăn.

Để xác định được phương pháp tiếp cận tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể, các chính phủ phải phân tích các vấn đề hiệu quả hơn nữa, có nghĩa là phải cải thiện việc thu thập thông tin tình báo và dữ liệu. Như chuyên gia an ninh Sarah Chayes đã lập luận trong cuốn Against Corruption (Chống tham nhũng), một tuyển tập các bài biết mà chính phủ Anh sẽ công bố trong hội nghị thượng đỉnh, ngày nay tham nhũng là một hành vi mang tính hệ thống. Giống như tội phạm có tổ chức, tham nhũng đã trở thành một mạng lưới tinh vi (với các cá nhân tham nhũng gắn liền với hệ thống đó). Các chính phủ phải nghiên cứu các hoạt động này và hậu quả của chúng giống như cách họ nghiên cứu các tổ chức tội phạm và khủng bố xuyên quốc gia.

Trên cơ sở những nghiên cứu đánh giá như vậy, các quốc gia tài trợ phải cấu trúc những khoảng viện trợ của họ theo cách làm giảm thiểu các rủi ro về tham nhũng. Các hoạt động quân sự hoặc hỗ trợ phát triển không phải là các hoạt động phi chính trị. Các chương trình phải được thiết kế để đảm bảo rằng nguồn vốn không bị chiếm đoạt bởi giới tinh hoa đang thống trị đất nước. Điều này có nghĩa là các nỗ lực chống tham nhũng không còn được phép giao cho các chuyên gia thiếu nguồn lực nữa, các chuyên gia này phải đóng vai trò trung tâm trong việc lên kế hoạch cho các sáng kiến phát triển lớn hoặc các hợp đồng mua bán vũ khí tốn kém. Chính phủ nhận tài trợ phải hiểu rằng nguồn tài trợ sẽ cạn kiệt nếu họ tiếp tục phung phí hoặc đánh cắp nó.

Thực tế, tham nhũng và hệ quả của nó phải định hướng cho cách các quan chức phương Tây tương tác với đối tác của họ ở các nước đang phát triển. Các cơ quan chính phủ nơi mà chúng tôi làm việc trong phần lớn sự nghiệp – Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ – tin rằng việc xây dựng các mối quan hệ là rất quan trọng và có giá trị. Các nhà ngoại giao phụ thuộc vào các mối quan hệ này để thúc đẩy lợi ích quốc gia, và mối quan hệ nghề nghiệp giữa các sỹ quan quân đội đôi lúc là cách duy nhất để đạt được các thỏa thuận trong các vấn đề chính trị đầy khó khăn. Nhưng các nhà ngoại giao hay tướng lĩnh quân sự cũng nên sẵn sàng lùi một bước trong các trường hợp cần thiết, ra điều kiện cho sự tương tác, và sử dụng các đòn bẩy ảnh hưởng có sẵn – thậm chí cả việc chấp nhận cơn giận dữ của đối tác.

Nhưng, như những tiết lộ gần đây về các công ty vỏ bọc hoặc việc hối lộ qua trung gian chứng minh, có rất nhiều ảnh hưởng thực sự nằm ngay trong nước chúng ta – ở trong ngành tài chính và bất động sản trong nước, trong các công ty luật hay quan hệ công chúng vốn giúp đánh bóng hình ảnh các tầng lớp cai trị cướp bóc, và trong các trường đại học vốn đào tạo con cái của các quan chức tham những và thu hút sự đóng góp tài chính của họ. Việc áp dụng Đạo luật về các Tổ chức Tham nhũng và bị ảnh hưởng bởi các cá nhân gian lận (RICO) của Hoa Kỳ để truy tố các quan chức FIFA (Liên đoàn Bóng đá Quốc tế), đã chỉ ra cách việc tập trung vào các thể chế cung cấp dịch vụ của phương Tây có thể giúp kiềm chế tham nhũng của các quan chức nước ngoài như thế nào.

Một công cụ quan trọng khác để chống lại tham nhũng có thể là sự phát triển của công nghệ, điều có thể làm giảm các cơ hội thực hiện các việc làm sai trái, trao quyền cho công dân để chỉ ra các hành vi bất hợp pháp và nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ. Những bước tiến đã được thực hiện trong một số lĩnh vực, từ đăng ký cử tri điện tử đến trả lương điện tử cho các công chức. Dù công nghệ không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, nhưng khi kết hợp với các cải cách chính sách khôn ngoan thì nó có thể đóng góp một cách ý nghĩa cho cuộc chiến hướng tới quản trị tốt.

Không có một đề xuất nào nêu trên là dễ thực hiện. Nhưng để giải quyết rất nhiều các cuộc khủng hoảng hiện nay vốn đang cản trở sự phát triển của thế giới, việc tập trung mạnh vào cuộc chiến chống tham nhũng là điều quan trọng. Chúng tôi hi vọng rằng hội nghị sắp tới tại London sẽ chứng minh được sự tối cần thiết của việc thống nhất giữa mục tiêu và cam kết hành động nhằm phòng chống tham nhũng.

William J. Burns, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, là Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Michael Mullen là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2007-2011.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Why Corruption Matters
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]