Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “Lifting of arms-sale ban largely a symbolic move”, TODAY, 20/05/2016.
Biên dịch: Việt Hải
Một số bản tin cho hay Việt Nam hồi trước đã âm thầm tổ chức một hội thảo quốc phòng với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất vũ khí hàng đầu nước Mỹ như Boeing và Lockheed Martin. Hội thảo này, diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ, dường như xác nhận tin đồn rằng ông Obama có thể tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội trong chuyến thăm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hoan nghênh triển vọng này, cho rằng động thái trên sẽ thúc đẩy hơn nữa lòng tin lẫn nhau giữa hai quốc gia cựu thù. Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel, hồi tuần trước khẳng định vẫn chưa có quyết định cuối cùng liên quan đến vấn đề này.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm sẽ phát đi tín hiệu về sự xích lại gần nhau mạnh mẽ hơn giữa hai nước, song hiện cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Trong khi Hà Nội muốn lệnh cấm này được dỡ bỏ càng sớm càng tốt, Washington lại đang lưỡng lự do áp lực trong nước.
Tháng 10/2014, Nhà Trắng đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm, vốn được áp đặt kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, để cho phép bán những khí tài quân sự liên quan đến an ninh biển cho Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vẫn chưa được công bố, một phần do một vài chính trị gia và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kiên quyết cho rằng một quyết định như thế cần được đặt điều kiện phụ thuộc vào hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, vốn đã được cải thiện phần nào thời gian gần đây song vẫn gây quan ngại ở Washington.
Tuy nhiên, với xu hướng củng cố hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như sự phát triển lành mạnh trong quan hệ hai bên nói chung những năm gần đây, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm dường như chỉ là vấn đề thời gian.
Trước áp lực gia tăng từ Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào năng lực quân sự của mình. Thống kê gần đây từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIRPI) cho thấy tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699% so với giai đoạn 2006-2010, biến Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới trong cùng giai đoạn.
Dù việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm của Mỹ có thể củng cố xu hướng nói trên, các nước khu vực cũng không nên quan ngại.
Trước tiên, có khả năng việc dỡ bỏ lệnh cấm phần lớn sẽ chỉ mang ý nghĩa biểu tượng trong một thời gian trước mắt. Kể từ khi một phần lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 2014, hai bên vẫn chưa đạt được bất kì thương vụ mua bán vũ khí nào. Quả thực, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn mua hai tàu hải quân từ Mỹ, song sau khi Washington đưa ra chi tiết cho một thỏa thuận tiềm năng thì Hà Nội từ đó đến nay đã không hồi đáp.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, đặc biệt về phía Việt Nam, sẽ chủ yếu được xem là biểu tượng cho sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương. Giới chức Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu này, liên hệ với thực tế rằng lệnh cấm đó là tàn dư cuối cùng của sự thù địch thời Chiến tranh Lạnh giữa hai nước và đi ngược xu thế thắt chặt quan hệ song phương.
Trong tương lai, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm có dẫn đến các thỏa thuận mua bán vũ khí lớn giữa Mỹ và Việt Nam hay không? Điều này còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác hiện vẫn cản trở một kết quả như thế.
Chẳng hạn, dù Việt Nam đã tăng cường nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, Nga vẫn là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam khi chiếm tới 90% kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam những năm gần đây. Nhu cầu duy trì sự tương thích giữa hệ thống vũ khí Nga với những gì Việt Nam muốn nhập từ Mỹ sẽ là rào cản cơ bản cho bất kì thỏa thuận vũ khí lớn nào giữa Hà Nội và Washington.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang chịu thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, và chính phủ đang muốn cải thiện vị thế tài khóa của mình bằng cách hạn chế chi tiêu, kể cả trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trong khi đó, giá cả các hệ thống vũ khí của Mỹ có tiếng là tương đối cao. Hai yếu tố này có xu hướng làm mờ nhạt hơn nữa triển vọng Việt Nam ký kết bất kì thỏa thuận vũ khí lớn nào với Mỹ trong tương lai gần.
Cuối cùng, vũ khí mà Việt Nam nhập từ Mỹ, nếu có, nhiều khả năng sẽ mang tính phòng ngự hơn là tấn công. Quả thực, ở thời điểm hiện tại, sự quan tâm của Việt Nam dường như tập trung vào việc mua các tàu tuần tra, radar ven biển và máy bay tuần thám từ Mỹ để củng cố năng lực hàng hải của mình nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Những khí tài này thường không quá đắt, và không tạo ra vấn đề lớn về tính tương thích đối với Việt Nam.
Nói tóm lại, dù Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tương lai gần, động thái này trước hết nên được xem như là một biểu tượng của mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Hà Nội và Washington mà thôi. Thậm chí trong tương lai xa hơn, tác động thực sự của nó lên cán cân sức mạnh trên Biển Đông tối đa cũng chỉ mang tính hạn chế.
Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp những tác động địa chiến lược của mối quan hệ Mỹ – Việt được củng cố toàn diện mà bản thân việc dỡ bỏ lệnh cấm này là một bằng chứng. Một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước, mà có thể rốt cuộc bao gồm việc Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở quân sự của Việt Nam như Cảng Cam Ranh, hay sự tham gia của Việt Nam vào các sáng kiến quốc phòng đa phương do Mỹ đứng đầu trong tương lai, có thể góp phần tạo ra những chuyển biến ý nghĩa trong cục diện địa chính trị khu vực./.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]