Nguồn: Derek Grossman & Michael Chase, “Why Xi is Purging the Chinese Military“, The National Interest, 15/04/2016.
Biên dịch: Trần Quang
Chủ tịch Trung Quốc đang làm theo những lời dạy trong cuốn sách đỏ Mao tuyển của Mao Trạch Đông.
Đã có nhiều bàn tán về một loạt tuyên bố trong những tháng vừa qua của Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) – báo hiệu những cải cách cơ cấu lớn đối với Quân giải phóng nhân dân (PLA), các cải cách này được dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020. Các nhà quan sát kỳ cựu về Trung Quốc đã sốt sắng liệt kê những điều đã biết và chưa biết tính tới thời điểm này từ các tuyên bố chính thức, và những điều được đồn đoán dựa trên các nguồn không chính thức.
Chẳng hạn, các nhà quan sát đã đặc biệt chú ý tới việc Tập Cận Bình thành lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA và suy ngẫm về vị thế của nó trong PLA so với các quân chủng, cũng như vai trò và nhiệm vụ chính xác của nó. Các nhà phân tích cũng suy nghĩ về các câu hỏi như tư cách thành viên trong tương lai của CMC và các cấp hàng đầu thường do quân đội thống trị trong ban lãnh đạo PLA sẽ hợp tác đến đâu dưới các cải cách.
Trong khi việc hiểu các chi tiết trong cải cách của Tập Cận Bình là điều quan trọng để đánh giá đường hướng phát triển của quá trình hiện đại hóa PLA, người ta cũng cần xem xét những ảnh hưởng rộng hơn của mối quan hệ rõ ràng giữa Tập Cận Bình và quân đội. Nhiều nhà quan sát đã nêu ra điều hiển nhiên nhất: Tập Cận Bình cũng “có vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm” trong giới quân sự như trong nền chính trị Trung Quốc nói chung. Điều này đúng, nhưng sự kiểm soát của ông đối với PLA xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn so với trước đây. Đây chính là chủ đề của bài viết này. Tác giả lập luận rằng Tập Cận Bình đang làm sống lại các cách thức theo kiểu Mao Trạch Đông – bao gồm các vụ thanh trừng sĩ quan tham nhũng, những sự phô bày công khai một cách ép buộc lòng tôn kính Mao Trạch Đông và sự ủng hộ đối với tư tưởng Mao, và một hệ thống giám sát trong nước đáng sợ – để đảm bảo sự thống trị của cá nhân ông đối với quân đội. Phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình đối với quân đội sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đối với các quan hệ dân sự-quân sự tại Trung Quốc.
Thanh lọc quân đội
Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào tháng 11/2012, ông đã thề chống lại cả “hổ” lẫn “ruồi” – một sự ám chỉ tới việc tấn công các nhà lãnh đạo tham nhũng cũng như các quan chức thấp hơn có hành vi tham nhũng trong cả hệ thống của Trung Quốc. PLA sẽ không phải là một ngoại lệ.
Phát bắn cảnh báo đầu tiên được nhắm tới các con hổ. Năm 2014, Tập Cận Bình cho bắt giữ Từ Tài Hậu, nguyên Phó chủ tịch CMC, vì đã tham gia một mưu đồ “đổi tiền lấy cấp bậc”. Sau khi khai trừ Từ Tài Hậu khỏi đảng, Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng trong năm 2015 với việc bắt giữ và thanh trừng một cựu phó chủ tịch CMC khác, Quách Bá Hùng, với các cáo buộc tương tự. Các vụ bắt giữ là điều chưa từng có tiền lệ, ở chỗ Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng là hai sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội Trung Quốc khi họ phục vụ với tư cách là phó chủ tịch CMC, và các vụ bắt giữ họ đánh dấu việc lần đầu tiên các sĩ quan nghỉ hưu ở cấp cao nhất của PLA phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Tính tới đầu tháng 3/2016, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã dẫn tới việc bắt giữ ít nhất 44 sĩ quan quân đội cấp cao, cho dù con số thực sự có thể cao hơn.
Tập Cận Bình cũng không hề quên các con ruồi. Ít nhất 16 sĩ quan quân đội cấp thấp hơn cũng đang đối mặt với sự trừng phạt do các cáo buộc tham nhũng. Đợt vận động chống tham nhũng trong quân đội là một phần của một cái lưới lớn hơn nhiều: tổng cộng gần 1.600 cá nhân trong khắp chính phủ Trung Quốc hoặc đang bị điều tra tham nhũng, hoặc đã bị bắt giữ, thanh trừng hay kết án kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Chỉ có duy nhất một nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc cũng viện tới các cuộc thanh trừng ở cấp cao như vậy – và rất đều đặn – đó là Mao Trạch Đông. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, đã có ít nhất 4 cuộc thanh trừng lớn; hai trong số đó có liên quan tới các nhà lãnh đạo quân đội. Đầu tiên, Mao Trạch Đông đã thanh trừng Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài vào năm 1959, do ông này nghi ngờ chính sách Đại nhảy vọt thảm họa. Vụ thanh trừng Bành Đức Hoài liên quan nhiều tới chính trị lãnh đạo hơn là một cuộc tranh giành quyền lực giữa Mao Trạch Đông và PLA, nhưng Bành Đức Hoài cũng được biết đến là một người ủng hộ quá trình hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội theo kiểu Xôviết, điều Mao Trạch Đông tin rằng đi ngược lại với sự nhấn mạnh của riêng ông vào truyền bá học thuyết chính trị. Vụ thanh trừng thứ hai của Mao Trạch Đông trong PLA diễn ra vào năm 1971, chống lại Nguyên soái Lâm Bưu, người thay thế Bành Đức Hoài và từng được nhiều người coi là người kế vị hiển nhiên của Mao Trạch Đông trong những năm tháng hỗn loạn của cuộc Đại cách mạng Văn hóa vô sản của Mao. Cho dù các ghi chép lịch sử có khác nhau về chi tiết, dường như Mao Trạch Đông đã nghi ngờ Lâm Bưu có liên quan tới một âm mưu đảo chính chống lại ông, có lẽ Lâm Bưu nôn nóng muốn thay thế “Người cầm lái vĩ đại” trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Cho dù Lâm Bưu có biết hay liên quan tới mức nào, ông đã phải gánh chịu hậu quả. Lâm Bưu đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay khi được cho là đang trên đường chạy trốn khỏi Trung Quốc để tới Liên Xô. Một số lượng đáng kể người ủng hộ Lâm Bưu được cho là đã bị thanh trừng sau cái chết bí ẩn của ông.
Theo một đánh giá gần đây, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình thể hiện cho cuộc thanh trừng có hệ thống lớn nhất kể từ cái chết của Lâm Bưu, và theo phân tích mới từ học giả nổi tiếng về Trung Quốc David Shambaugh, là cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, đều ít sử dụng các cuộc thanh trừng như vậy. Điều quan trọng hơn, cả Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều chưa bao giờ sử dụng chúng chống lại PLA theo một cách thức táo bạo như vậy, có lẽ là do cả hai đều không có vị thế trong hàng ngũ cấp cao của quân đội để làm như vậy. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, người bản thân cũng là một nhà lãnh đạo tối cao như Mao Trạch Đông, về mặt kỹ thuật cũng chưa bao giờ thanh trừng PLA theo cách thức Tập Cận Bình đã làm. Người ta thường nói rằng Đặng Tiểu Bình đã “thanh trừng” hai nhà cách mạng cộng sản đồng chí là Tướng Dương Thượng Côn và Tướng Dương Bạch Băng (“anh em nhà Dương”) sau khi có nghi ngờ rằng họ cố gắng phế truất Giang Trạch Dân, người lúc đó là Tổng Bí thư. Đặng Tiểu Bình buộc Dương Thượng Côn phải nghỉ hưu, và gạt bỏ Dương Bạch Băng bằng cách loại ông khỏi CMC, trên thực tế là chấm dứt ảnh hưởng của họ đối với PLA. Nhưng một điều quan trọng cần lưu ý là cả hai đều không bị bắt hay bị khai trừ (tức là bị thanh trừng) khỏi Đảng. Trên thực tế, trong trường hợp của Dương Thượng Côn, ông vẫn giữ được các chức tước mang tính nghi thức cho tới khi qua đời.
Đối lập với cách tiếp cận của Giang Trạch Dân, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình thường xuyên bao gồm việc khai trừ khỏi đảng và sự trừng phạt khắc nghiệt. Chắc chắn Tập Cận Bình dường như tập trung vào việc dẹp bỏ nạn tham nhũng tràn lan khi quyết định liệu có thanh trừng các sĩ quan quân đội hay không, trong khi chỉ sự bất đồng với Mao Trạch Đông thường là đủ để bị cách chức – và trong một số trường hợp tồi tệ hơn nhiều, là sự trừng phạt khốc liệt tới mức nó dẫn đến cái chết của một số đối thủ bị hất cẳng của Mao Trạch Đông. Cũng có vẻ như sự thanh trừng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất đầu tiên, vì Tập Cận Bình đã dựa vào việc cải tổ trên quy mô lớn các sĩ quan quân đội để giảm bớt ảnh hưởng của họ, lặp lại các thủ đoạn mà Đặng Tiểu Bình từng sử dụng khi còn là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Đưa Mao Trạch Đông quay trở lại vị trí hàng đầu về tư tưởng
Kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, những người kế nhiệm ông có xu hướng nhấn mạnh vào tư tưởng thực tế và khoa học so với việc thực hiện công việc hàng ngày theo tinh thần của tư tưởng Mao. Tuy nhiên, Tập Cận Bình tin rằng việc thiếu sự can thiệp của ban lãnh đạo dân sự, đặc biệt dưới thời Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, đã dẫn tới một sự xa cách đáng kể của PLA khỏi sự giám sát của đảng. Theo quan điểm của ông, việc này giải thích tại sao tình trạng tham nhũng lại lan rộng đến vậy trong PLA. Vì vậy, Tập Cận Bình đã truyền nỗi lo sợ vào các sĩ quan quân đội cấp cao của mình bằng cách nhắc nhở họ nhớ rằng vị thế lãnh đạo “cốt lõi” của ông cho phép ông can thiệp theo ý muốn để kiềm chế những hành động quá trớn của PLA. Cho dù Tập Cận Bình có thấy bất cứ chân lý nào trong tư tưởng Mao hay không, ông dường như thấy được một số lợi ích trong việc lợi dụng cái được cho là sự thiếu tuân thủ tư tưởng Mao như là một cách thức để đe dọa quân đội.
Tập Cận Bình đã vẽ một đường nối trực tiếp giữa Mao Trạch Đông và hiện tại tại một cuộc họp quan trọng vào tháng 11/2014. Trong lễ kỷ niệm 85 năm cái gọi là hội nghị Cổ Điền, nơi Mao Trạch Đông đã lần đầu tiên khẳng định sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng đối với quân đội vào năm 1929, Tập Cận Bình đã triệu tập 420 sĩ quan cao cấp nhất của ông để họp mặt tại thị trấn nhỏ Cổ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến phía Đông Nam Trung Quốc. Theo hiểu biết của tác giả, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc tái triệu tập ban lãnh đạo quân đội tại Cổ Điền kể từ thời Mao Trạch Động – ban lãnh đạo quân đội chắc chắn nhận thức được tính biểu tượng của hành động này.
Tiến sĩ James Mulvenon, Phó chủ tịch bộ phận tình báo của công ty công nghệ an ninh Defense Group, có lẽ đã miêu tả tốt nhất bầu không khí tại hội nghị Cổ Điền năm 2014. Ông miêu tả cảnh tượng các sĩ quan quân đội “ngắm nhìn một bức tượng Mao Trạch Đông với sự tôn kính, ăn một bữa tối điển hình cho cái gọi là ‘bữa ăn của Hồng quân’, nghiên cứu tài liệu lịch sử, lắng nghe các bài giảng về ‘truyền thống’ và xem ‘các bộ phim cách mạng’”. Mulvenon tiếp tục kể chi tiết cảnh tượng “Tập Cận Bình leo 151 bậc thang của Khu tưởng niệm Chủ tịch Mao, ‘kính cẩn đặt một giỏ hoa trước tượng đài Mao Trạch Đông, tự tay vuốt phẳng các dải ruy băng trên giỏ hoa, để mọi người cúi đầu 3 lần trước tượng đài, tỏ lòng tôn kính bức tượng và tưởng nhớ sâu sắc tới những thành tích chói lọi của các nhà cách mạng thế hệ trước’”.
Bên cạnh sự tôn kính rõ ràng tới Mao Trạch Đông, thông điệp của Cổ Điền cũng bắt nguồn từ ý niệm của Mao Trạch Đông về sự cân bằng phù hợp giữa Đảng và quân đội. Chẳng hạn, các tài liệu đọc trước đã tái khẳng định vị thế ưu việt và không thể bị bác bỏ của Đảng đối với quân đội. Việc này chuẩn bị cho Tập Cận Bình ngầm truyền đạt tới tất cả những người tham dự rằng họ cũng có thể trở thành nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng của ông, giống như Tướng Từ Tài Hậu cách đó vài tháng, nếu họ không chịu suy nghĩ sâu sắc về các bài học đã được rút ra và làm tiêu tan hoàn toàn ảnh hưởng của nó. Theo Mulvenon, cuộc thanh trừng thành công của Tập Cận Bình có thể chứa đựng đủ tài liệu buộc tội để sử dụng chống lại tất cả những ai có mặt tại Cổ Điền, điều này có thể là nguồn quan trọng nhất cho quyền lực của Tập Cận Bình đối với PLA.
Thiết lập hệ thống trách nhiệm của chủ tịch CMC
Cuối cùng, Tập Cận Bình thay thế “Hệ thống trách nhiệm của phó chủ tịch CMC” bằng một “Hệ thống trách nhiệm của chủ tịch CMC” mới. Theo quan điểm của ông, Hệ thống trách nhiệm của phó chủ tịch CMC bao gồm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đóng vai trò lãnh đạo nhưng không có thực quyền, trong khi bản thân PLA xử lý hầu hết các quyết định, đặc biệt trong các vấn đề nhân sự và hành chính quan trọng, và đây chính là căn nguyên cho kiểu bê bối tham nhũng liên quan tới các cựu Phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Được chính thức công bố như là một phần trong các cải cách cơ cấu quân đội của Tập Cận Bình vào tháng 1/2016, hệ thống mới đem lại cho Tập Cận Bình toàn quyền quản lý PLA và đích thân can thiệp khi thấy cần thiết. Theo một nguồn tin, Tập Cận Bình dành trung bình mỗi tuần nửa ngày để giải quyết các vấn đề của quân đội trong văn phòng của ông tại CMC – một sự đối lập mạnh mẽ so với Hồ Cẩm Đào, người hiếm khi làm việc tại đó.
Sự can dự trực tiếp mới và tự chỉ định của Tập Cận Bình đưa ông tiến một bước gần hơn tới việc đạt được quyền tiếp cận và ảnh hưởng không giới hạn của Mao Trạch Đông đối với PLA. Do Hệ thống trách nhiệm của chủ tịch CMC và các cải cách về tổ chức của PLA đã bãi bỏ 4 tổng cục của PLA, điều này đồng nghĩa với việc CMC hiện có sự kiểm soát trực tiếp đối với các chỉ huy hàng đầu của PLA, khiến việc chống lại các chỉ thị của Tập Cận Bình, hay thậm chí giả vờ tuân thủ, trở nên giống với một thách thức hơn. Ngoài ra, hệ thống sẽ bao gồm một ủy ban kỷ luật mới với nhiệm vụ giám sát và trừng phạt các quan chức tham nhũng của PLA.
Các ảnh hưởng
Các thủ đoạn của Tập Cận Bình để quản lý PLA, lặp lại Mao Trạch Đông ở một số khía cạnh, có thể có một vài hệ quả đáng kể. Thứ nhất, cách tiếp cận của Tập Cận Bình không phải là không có nguy cơ. Áp lực mạnh mẽ được tạo ra từ chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình có thể kích động sự bất mãn và chống đối gia tăng đối với sự lãnh đạo của ông. Chẳng hạn vào tháng 3/2016, một số đảng viên bất mãn được cho là đã viết một lá thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ chức. Lá thư này được công bố trên mạng trong một thời gian ngắn và sau đó bị chính quyền gỡ bỏ. Sự thù địch đối với phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình dường như có thật, và một số nhà quan sát đã giả định rằng trong một sự kiện quá khích nhưng hầu như không có khả năng xảy ra, Tập Cận Bình thậm chí có thể trở thành nạn nhân của một nỗ lực đảo chính. Xét cho cùng, chính Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu được cho là đã xem xét việc loại bỏ Mao Trạch Đông do tình hình khốc liệt được tạo ra bởi cuộc khủng bố tư tưởng vào thời điểm đó – cuộc Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, sẽ cực kỳ khó khăn để tập hợp đủ sự chống đối đáng tin cậy đối với Tập Cận Bình khi xét tới sự giám sát mạnh mẽ tình trạng tham nhũng và không trung thành trong hàng ngũ PLA của ông. Nhưng ngay cả khi một cuộc đảo chính là ý tưởng cường điệu, thì các căng thẳng cũng có thể gia tăng giữa PLA và Tập Cận Bình trong những năm tới nếu các sĩ quan nhận thấy cách tiếp cận của ông đối với quân đội là hung hăng và cậy quyền.
Cũng sẽ hữu ích khi xem sự tái khẳng định quyền lực theo kiểu nhà lãnh đạo tối cao của Tập Cận Bình đối với PLA sẽ diễn ra như thế nào đối với người kế nhiệm ông. Xu hướng chung sau thời Đặng Tiểu Bình đã là ngày càng để mặc PLA tự lo liệu. Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho PLA rút khỏi kinh doanh và tập trung vào việc cải thiện tính chuyên nghiệp và năng lực chiến đấu, nhưng tới khi trách nhiệm được chuyển giao cho Hồ Cẩm Đào, ông có rất ít lực đòn bẩy đối với quân đội và phải tìm ra cách thức làm việc với các quan chức quân đội cấp cao mà về bản chất có lợi cho cả hai bên. Giống như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào thiếu kinh nghiệm quân sự và không có bất cứ thứ gì gần giống với vị thế của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, những nhà cách mạng cộng sản được tán dương. Điều này khiến thời gian ông làm tổng tư lệnh của Trung Quốc có nhiều thách thức một cách khác thường.
Xu hướng chắc chắn đã bị đảo ngược dưới thời Tập Cận Bình, nhưng liệu sự kiểm soát mang tính cá nhân hóa nhiều hơn đối với PLA có tiếp tục diễn ra sau thời Tập Cận Bình? Yếu tố then chốt trong việc trả lời câu hỏi này có thể là liệu người kế nhiệm Tập Cận Bình có phải là con cháu của một nhà cách mạng cộng sản được tôn kính hoặc nếu không thì sở hữu các mối quan hệ với PLA hay không. Tập Cận Bình là con trai một nhà cách mạng trước đây và có thời gian ngắn phục vụ ở vị trí thư ký của một quan chức hàng đầu trong CMC. Khó có thể tưởng tượng được một nhà lãnh đạo tương lai sẽ có sự kiểm soát cá nhân như vậy đối với quân đội mà không có các quan hệ với lực lượng này hoặc với quá khứ cách mạng của Trung Quốc.
Một câu hỏi quan trọng khác mà chúng ta có thể quên đi, ít nhất vào thời điểm hiện tại, đó là liệu PLA có phải là một bên tham gia không lương thiện trong hệ thống của Trung Quốc không? Rõ ràng dưới thời Tập Cận Bình, quân đội đang được quản lý chặt chẽ hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Mao Trạch Đông. Và giờ đây khi các tổng cục đã được cải tổ và trực tiếp nằm dưới sự kiểm soát của chính CMC, các tư lệnh có thể phải trực tiếp trả lời một bộ tổng tham mưu mới hay thậm chí bản thân CMC. Về mặt ngoài, dây chuyền chỉ huy mới này có thể là một trở ngại cho quá trình ra quyết định, cho dù liên quan tới Biển Đông, Đài Loan hay những nơi khác. Chắc chắn các bộ tư lệnh vùng tác chiến mới của Tập Cận Bình – được công bố như là một phần trong các cải cách quân đội sâu rộng – có nhiệm vụ trao quyền cho, chứ không phải hạn chế, các tư lệnh đưa ra các quyết định then chốt. Chúng ta sẽ phải chờ xem động lực này phát triển ra sao.
Cuối cùng, trái ngược với một số đồn đoán, sự khẳng định quyền kiểm soát đối với quân đội của Tập Cận Bình ít có khả năng tác động tiêu cực tới các nỗ lực hiện đại hóa đang diễn ra của PLA. Một phần trong “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình là tạo ra một quân đội mạnh có khả năng ngăn chặn, hoặc nếu cần thiết đấu với các đối thủ hùng mạnh tiềm tàng, thậm chí kể cả Mỹ. Tập Cận Bình dường như muốn duy trì chiến dịch chống tham nhũng của ông và sự kính trọng đối với Mao Trạch Đông bị kiềm chế ở mức lớn, để tập trung vào việc chống lại vấn đề tham nhũng và loại bỏ hoàn toàn bất cứ sự không trung thành hay chống đối lại cải cách nào trong hàng ngũ. Trong khi đó, Mao Trạch Đông tìm kiếm sự trong sạch về hệ tư tưởng do ông xác định, với thiệt hại dành cho các nỗ lực hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa của PLA.
Cho tới nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy Tập Cận Bình đang xem xét con đường này. Trên thực tế, các cải cách quân đội của ông cho thấy điều gần như ngược lại: Tập Cận Bình muốn một PLA thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, nhưng ông cũng muốn một PLA có năng lực và có khả năng tác chiến tốt hơn nhiều tới năm 2020 – một quân đội tương xứng với vị thế của Trung Quốc như là một cường quốc chủ yếu trên thế giới và có khả năng bảo vệ các lợi ích khu vực và toàn cầu của nước này.
Derek Grossman là nhà nghiên cứu cấp cao Tập đoàn RAND. Michael Chase là nhà khoa hoặc chính trị cao cấp và là giáo sư khoa học chính trị cao cấp của Tập đoàn.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]