Nguồn: Thomas Graham, “Russia Needs Options to Deal with China“, Yale Global, 03/05/2016.
Biên dịch: Vũ Hiền
Để tránh bị gạt ra lề và quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga cần khôi phục quan hệ với phương Tây.
Hai năm trước, ngay sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, xa lánh nước này về mặt ngoại giao vì đã sáp nhập bất hợp pháp Crimea, Tổng thống Nga Putin đã đến Thượng Hải để ca tụng một mối quan hệ chiến lược đang “đâm chồi nảy lộc” với Trung Quốc. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố hứa hẹn cùng hành động chống lại mưu đồ bá chủ của Mỹ và cam kết đưa mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước đi vào chiều sâu. Biểu tượng của bản cam kết này là một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD mà cuối cùng sẽ đưa khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc. Ông Putin hãnh diện rằng quan hệ Trung-Nga chưa bao giờ tốt hơn. Ông sẽ không khuất phục trước sức ép của phương Tây. Và ông đã có những lựa chọn. Hai năm sau, Nga chợt nhận ra mình chỉ còn một lựa chọn là Trung Quốc.
Các nhà bình luận đã nói về một chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Nga song song với của Mỹ. Trên thực tế, nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung Quốc – để tạo ra những lựa chọn chiến lược – đã bắt đầu sớm hơn nhiều từ khi Liên Xô suy yếu. Khi đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã nỗ lực tiến tới để khôi phục thế cân bằng mối quan hệ tay ba giữa ba cường quốc, khi quan hệ Trung-Mỹ trở nên bấp bênh với sự nổi lên của phong trào dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn. Trong thập niên đầu tiên hậu Liên Xô, việc nối lại quan hệ hữu nghị đã đi vào chiều sâu, mà đỉnh cao là Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác vào năm 2001. Nhờ đó, hợp tác thương mại giữa hai nước đã nở rộ: kim ngạch thương mại song phương từ 16 tỷ USD năm 2003 tăng vọt lên 95 tỷ USD năm 2014, khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ tăng cường việc Nga đón nhận Trung Quốc.
Các mối quan hệ gần gũi hơn luôn đem lại ý thức chiến lược tốt. Bên cạnh việc làm xói mòn đòn bẩy về mặt ngoại giao của Mỹ đối với Nga, họ im lặng, và nhờ thế giảm bớt gánh nặng bảo vệ đường biên giới dài Trung-Nga sau hàng thập kỷ căng thẳng, trong đó có một cuộc xung đột vũ trang ngắn vào năm 1969. Tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc đã đem lại sinh lực cho nền công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là vào những năm 1990, khi mà Nga đã không còn đủ khả năng chi những khoản tiền lớn cho quân đội nước này. Ở Trung Á, trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã kháng cự lại ảnh hưởng của Mỹ khi nước này tăng cường sự hiện diện của mình để duy trì các chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
Hiện nay, các mối quan hệ gần gũi hơn cũng giúp Nga đứng vững trên sân khấu thị trường kinh tế sôi động nhất của thế giới – Đông Á. Lợi ích trải khắp nền kinh tế của Nga, nhưng những mối liên hệ thương mại vững chắc đã đem lại tiềm năng lớn để phát triển các nền kinh tế đã suy kiệt ở vùng Viễn Đông của Nga. Hơn thế nữa, các thị trường ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể giúp đa dạng hóa thượng mại của Nga để thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào châu Âu, trong những năm gần đây, vốn chiếm một nửa thương mại quốc tế của Nga và phần lớn nhất đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga.
Tuy nhiên, các lợi ích lớn thường đi kèm rủi ro cao về địa chính trị, kinh tế và tâm lý. Chẳng hạn Trung Quốc có thể giúp Nga kiềm chế Mỹ ở Trung Á, nhưng đồng thời cũng dần dần làm xói mòn vị thế của chính Nga ở đó. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt qua Nga, trở thành đối tác thương mại hàng đầu với 5 nước Trung Á. Tương tự, Trung Quốc có thể đem lại hy vọng phát triển vùng Viễn Đông của Nga, nhưng khu vực này có nguy cơ trở nên bị phụ thuộc vào các thị trường Trung Quốc, và việc khu vực này hội nhập khu vực kinh tế Đông Bắc Á có thể làm suy yếu mối quan hệ vốn đã mong manh với phần châu Âu xa xôi của Nga.
Nhưng thách thức lớn nhất có lẽ là về tâm lý, kết quả của việc vận mệnh bị đảo ngược quá nhanh. Trong phần lớn 300 năm qua, Nga là một siêu cường; nếu không phải về sản lượng kinh tế hay dân số thì cũng không nghi ngờ gì về nguồn năng lượng và tham vọng. Trong thế kỷ 18 và 19, Nga đã củng cố vị thế của mình ở Đông Á gây tổn hại cho một Đế chế Trung Hoa đang suy tàn và chiếm vùng lãnh thổ phía Bắc Mãn Châu, bao gồm phần đất nay là cảng Vladivostok nhờ một trong những hiệp ước bất bình đẳng giữa thế kỷ 19. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, việc Nga cố vấn cho Trung Quốc một cách ngạo mạn đã dẫn đến sự chia rẽ trong phong trào cộng sản quốc tế những năm 1960 và cuối cùng đẩy Trung Quốc vào thế hình thành liên minh với Mỹ những năm 1970. Khi đó trạng thái cân bằng đã thay đổi. Tại thời điểm Liên Xô tan rã, nền kinh tế của Nga và Trung Quốc đại thể có quy mô như nhau. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn gấp 5 lần của Nga và khoảng cách đó hứa hẹn còn lớn hơn trong những năm tới.
Đằng sau sự chêch lệch về kinh tế là một khoảng cách thậm chí còn lớn hơn về tham vọng và tầm nhìn chiến lược. Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy, hướng về phía trước với sự lạc quan; nước này đang xây dựng tương lai. Nga là một cường quốc đang suy sụp, lo lắng rằng mình sẽ không thể khôi phục sự vĩ đại đã mất; Nga muốn tái dựng quá khứ.
Khoảng cách còn thể hiện rõ ràng ở các điểm trọng tâm trong chiến lược lớn của hai nước, dự án “Một vành đài, một con đường” (Con đường tơ lụa mới) của Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu của Nga. Sáng kiến của Trung Quốc là một kế hoạch cơ sở hạ tầng Á-Âu khổng lồ nhằm chuyển đổi khung cảnh bằng các hành lang trên biển và trên bộ, kết nối hai khu vực kinh tế chiến lược lớn của thế giới, Đông Á và châu Âu. Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và thuyết phục hầu hết các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới tham gia và hỗ trợ tài chính cho tầm nhìn của mình. Ngược lại, sáng kiến của Nga là một nỗ lực nhằm tái hội nhập các nền kinh tế trì trệ và các nhà nước dễ đổ vỡ thuộc Liên Xô trước đây dưới sự lãnh đạo của Moksva. Cho đến nay, Nga mới chỉ tìm được cách thuyết phục 4 trong 14 nước cộng hòa Xôviết trước đây tham gia, trong khi những hành động của Nga ở Ukraine có lẽ đã khiến nước cộng hòa Xôviết cũ này tránh xa Moskva ít nhất một thế hệ. Làm thế nào để hai dự án chiến lược không tương thích nhau có thể hòa hợp như những gì mà Putin và Tập Cận Bình đã hứa vẫn còn là một điều bí ẩn.
Kết quả của sự vượt trội của Trung Quốc thể hiện thường xuyên trong những vấn đề từ nhỏ đến lớn. Trong tất cả các cuộc thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc sẽ không hủy hoại mối quan hệ của mình với Mỹ hoặc châu Âu vì lợi ích của Nga. Chẳng hạn Trung Quốc đã không bỏ qua việc Nga sáp nhập Crimea, cũng như từ chối công nhận việc Nga tách Abkhazia và Nam Ossetia ra khỏi Gruzia năm 2008. Trung Quốc tiếp tục ký kết các thỏa thuận thương mại khó khăn với Nga tận dụng sự yếu kém và sự cô lập của châu Âu gần đây với Nga. Được biết Nga đã có sự nhượng bộ đáng kinh ngạc về giá cả, để ký kết bản hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD mà Tổng thống Putin đã chào hàng tại Thượng Hải hai năm trước.
Vậy Nga làm sao có thể hy vọng sẽ đủ khả năng xoay xở các mối quan hệ lợi ích của mình với người khổng lồ năng động trên các đường biên giới châu Á của nước này? Nga không thể thực hiện một mình, Nga cần các đối tác, hoặc những lựa chọn chiến lược. Và, một thực tế không mấy dễ chịu đối với Nga là những đối tác đó chỉ được tìm thấy ở phương Tây. Ấn Độ, Brazil hay những nước tương tự, bất chấp Nga mong chờ nhiều đến thế nào, thì cũng sẽ không làm như vậy. Chắc chắn rằng không một nước phương Tây nào muốn liên minh với Nga để chống lại Trung Quốc. Thứ Nga cần thay thế là một cực khác hoặc các cực tạo ra không gian xoay xở với Trung Quốc, để nước này có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp mà không rơi vào tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế và chiến lược.
Nhiệm vụ của Nga phải rõ ràng: Moskva cần cải thiện mối quan hệ với phương Tây, thêm bạn, bớt thù. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Putin, Nga dường như có xu hướng lợi dụng những rạn nứt và nỗi sợ hãi ở phương Tây – về vấn đề người nhập cư, khủng bố, sự bất bình đẳng về kinh tế và bản sắc dân tộc – với hy vọng thuyết phục phương Tây thừa nhận vai trò của mình trong vấn đề Syria, Ukraine và an ninh châu Âu nói chung. Sự can thiệp như vậy sẽ chỉ củng cố sự phản đối Nga trong các cường quốc châu Âu như trong chuyến thăm châu Âu tháng 4 vừa qua của Tổng thống Obama cho thấy đó là một chiến lược thất bại đối với Nga, một con đường không tìm lại sự vĩ đại mà chỉ khiến Nga bị gạt ra ngoài lề cả ở phương Tây và phương Đông. Chỉ Trung Quốc có thể vui mừng./.
Tác giả Thomas Graham là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Các Vấn đề Toàn cầu Jackson.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]