Nguồn: Dani Rodrik, “Guns, Drugs, and Financial Markets”, Project Syndicate, 11/04/2008
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn đã một lần nữa chứng minh sự khó khăn của việc “thuần hóa” ngành tài chính, một ngành vừa là xương sống vừa là mối đe dọa nguy hiểm nhất của các nền kinh tế hiện đại. Trong khi điều này không phải là mới với các nền kinh tế mới nổi, những nước đã chịu nhiều cuộc khủng hoảng tài chính suốt ¼ thế kỷ vừa qua, thì nửa thế kỷ ổn định tài chính đã đẩy các nền kinh tế tiên tiến vào trạng thái tự mãn.
Sự ổn định đó đã phản ánh một sự “đánh đổi” đơn giản: sự điều tiết đổi lấy tự do vận hành. Chính phủ đặt các ngân hàng thương mại dưới sự điều tiết cẩn trọng để đổi lấy việc cung cấp công cộng việc bảo hiểm tiền gửi và chức năng người-cho-vay-cuối-cùng. Các thị trường chứng khoản bị buộc phải tuân theo các yêu cầu về công bố thông tin và minh bạch.
Nhưng việc phi điều tiết hóa ngành tài chính trong thập niên 1980 đã đẩy chúng ta vào những vùng đất bất định. Việc bãi bỏ quy định hứa hẹn tạo ra các cải tiến tài chính giúp gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cho phép đa dạng hóa danh mục đầu tư, và phân bố rủi ro tới những nơi có thể chống chịu tốt nhất. Các nhà ủng hộ tự do hóa cho rằng việc giám sát và điều tiết sẽ cản trở điều đó và các chính phủ không thể theo kịp các thay đổi.
Cuộc khủng hoảng ngày hôm nay đã tạo ra một sự khác biệt lớn. Giờ đây chúng ta nhận ra rằng thậm chí các người chơi lọc lõi nhất trên thị trường cũng không hiểu hết về các công cụ tài chính mới xuất hiện, và không ai nghi ngờ rằng ngành tài chính cần một cuộc đại tu.
Nhưng, chính xác thì cần phải làm gì? Các nhà kinh tế tập trung vào các vấn đề có xu hướng rơi vào ba nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người theo chủ nghĩa tự do, những người cho rằng bất cứ thứ gì ngăn cách hai người trưởng thành có đồng thuận với nhau đều giống với tội ác. Nếu bạn đang bán một mẩu giấy mà tôi muốn mua, trách nhiệm của tôi là phải biết tôi đang mua cái gì và nhận thức rõ về bất cứ hậu quả tai hại nào có thể xảy ra. Nếu món hàng gây phương hại đến tôi, tôi chỉ có thể trách bản thân mình. Tôi không thể đòi hỏi chính phủ một gói cứu trợ.
Những người chống chủ nghĩa tự do nhận ra sai lầm chết người trong lập luận này: những thất bại tài chính liên quan tới cái mà các nhà kinh tế gọi là “rủi ro hệ thống”- tất cả mọi người đều trả giá. Việc giả cứu Bear Stearns cho thấy, chính phủ có thể cần phải giải cứu các tổ chức tư nhân để ngăn chặn một cơn hoảng loạn có thể gây ra các hậu quả tồi tệ ở nơi khác. Vì vậy, rất nhiều tổ chức tài chính, đặc biệt là các tổ chức lớn nhất, vận hành với một sự đảm bảo ngấm ngầm từ chính phủ. Điều này biện minh cho sự điều tiết của chính phủ đối với việc cho vay và đầu tư.
Vì lý do này, các nhà kinh tế ở cả nhóm thứ hai và thứ ba – hãy gọi họ là những người nhiệt tình tài chính (finance enthusiasts) và những người đa nghi tài chính (finance skeptics) – đều theo chủ nghĩa can thiệp nhiều hơn. Nhưng mức độ can thiệp mà họ chấp nhận khác nhau. Điều này thể hiện quan điểm khác nhau của họ về mức độ kém hiệu quả của các phương pháp giám sát và việc điều tiết thận trọng đang thịnh hành.
Những người nhiệt tình tài chính thường coi mỗi cuộc khủng hoảng là một cơ hội để học hỏi. Dù việc điều tiết thận trọng và giám sát không bao giờ có thể hoàn hảo, nhưng mở rộng sự giám sát đó tới các quỹ đầu tư và các tổ chức không được điều chỉnh vẫn có thể làm dịu đi những tác hại. Nếu mọi thứ trở nên quá phức tạp với các cơ quan điều tiết, công việc này luôn có thể được trả lại cho khu vực tư nhân bằng cách dựa vào các tổ chức đánh giá và các mô hình kiểm soát rủi ro của chính các doanh nghiệp. Lợi ích thu được từ những cải tiến tài chính là quá lớn để có thể có những can thiệp mạnh mẽ hơn.
Những người hoài nghi tài chính phản đối. Họ ít bị thuyết phục rằng đổi mới tài chính đã tạo ra những thành quả lớn (ngoại trừ cho bản thân ngành tài chính), và họ cho rằng điều tiết thận trọng sẽ chẳng bao giờ có thể đủ hiệu quả. Sự cẩn trọng thật sự đòi hỏi các nhà điều tiết tận dụng một nhóm các công cụ chính sách rộng hơn, bao gồm các trần định lượng, thuế giao dịch, các hạn chế chứng khoán hóa, biện pháp cấm, hoặc các ngăn chặn trực tiếp lên các giao dịch tài chính- tất cả đều là những thứ bị các thành viên của thị trường tài chính ghét cay ghét đắng.
Để hiểu được cơ sở của một cách tiếp cận rộng hơn về điều tiết tài chính, hãy cân nhắc 3 ngành được điều tiết khác: dược phẩm, thuốc lá, và vũ khí. Trong từng ngành, chúng ta cố cân bằng lợi ích và tự do cá nhân với những rủi ro mà chúng có thể gây ra cho xã hội và chính chúng.
Một chiến lược là hãy nhắm đến hành vi gây nên các vấn đề và dựa vào việc tự giám sát. Về cốt lõi, đây là phương án được ủng hộ bởi những người nhiệt tình tài chính: tạo ra các phạm vi hành vi và để các tác nhân tài chính hoạt động tự do trong phạm vi đó.
Nhưng điều tiết của chúng ta đi tương đối sâu hơn tại cả ba khu vực. Chúng ta hạn chế việc tiếp cận đối với hầu hết các loại dược phẩm, đánh thuế nặng và đặt ra các hạn chế tiếp thị lên thuốc lá, và kiểm soát việc lưu thông và quyền sở hữu súng. Có một quy tắc cẩn trọng được áp dụng ở đây: vì khả năng giám sát và điều tiết của chúng ta tất nhiên là không hoàn hảo, chúng ta cần phải dựa vào một nhóm các biện pháp can thiệp rộng hơn.
Trên thực tế, những người nhiệt tình tài chính giống với những người ủng hộ súng của Mỹ vốn cho rằng “súng không giết người, người mới giết người.” Ẩn ý của họ rất rõ ràng: chỉ trừng phạt những người sử dụng súng để gây tội ác, nhưng không trừng phạt những người khác bằng việc hạn chế việc tiếp cận súng của họ. Nhưng, vì chúng ta không thể chắc chắc rằng nguy cơ bị trừng phạt có thể ngăn tất cả tội ác, hoặc tất cả tội phạm đều bị bắt, nên khả năng của chúng ta trong việc khiến những người sở hữu súng cư xử một cách có trách nhiệm lại bị hạn chế.
Kết quả là hầu hết các xã hội tiên tiến đều áp đặt việc kiểm soát trực tiếp quyền sở hữu súng. Tương tự, những người hoài nghi tài chính tin rằng khả năng của chúng ta trong việc ngăn chặn hành vi chấp nhận rủi ro quá mức cũng bị hạn chế một cách tương tự.
Việc một người đồng tính với những người nhiệt tình hay những người hoài nghi phụ thuộc vào ý kiến của người đó về các lợi ích ròng của việc đổi mới tài chính. Trở lại ví dụ của dược phẩm, câu hỏi là liệu người ta có tin rằng đổi mới tài chính cũng giống aspririn, thứ tạo ra những lợi ích khổng lồ với ít rủi ro, hay methamphetamine, thứ kích thích hưng phấn, và theo sau là một tai nạn nguy hiểm.
Dani Rodrik là Giáo sư ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế tại trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy và gần đây nhất là cuốn Economic Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Guns, Drugs, and Financial Markets
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]