Nguồn: “The 1MDB affair“, The Economist, 27/05/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày 24/05/2016, chính quyền Singapore cho biết họ đã đóng cửa chi nhánh Singapore của BSI, một ngân hàng tư nhân, vì vi phạm giấy phép. Đây là một trong số các ngân hàng đã xử lý số tiền mặt liên quan đến 1MDB, một công ty đầu tư quốc gia của Malaysia, vốn là trung tâm của một vụ bê bối tài chính ngày càng lớn. Ngân hàng này cũng đang phải đối mặt với các vụ tố tụng hình sự ở nước nhà là Thụy Sĩ. Các cuộc điều tra về các dòng tiền liên quan đến 1MDB đang được tiến hành tại 6 quốc gia, và dường như đang được tăng tốc. Vậy vụ việc này diễn ra như thế nào?
Công ty Phát triển 1Malaysia (1Malaysia Development Berhad – 1MDB) được thành lập vào năm 2009 ngay sau khi ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia, nhậm chức. Ý tưởng là nhằm thu hút đầu tư vào Malaysia bằng cách thành lập các liên doanh với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, vào năm 2014 công ty đã phải vật lộn để trả các khoản nợ lên tới hơn 11 tỷ USD. Các vụ việc của công ty này rất phức tạp, nhưng cụ thể hai giao dịch đã gây sốc.
Đầu tiên là một hợp đồng đối tác với một công ty dầu khí nhỏ của Saudi Arabia vốn được 1MDB bơm vào khoảng 1 tỉ USD vào năm 2009. Các điều tra viên cho rằng một phần trong số tiền đó không được thể hiện trên sổ sách. Một trọng tâm khác là một giao dịch từ năm 2012, trong đó IPIC, một quỹ nhà nước của Abu Dhabi, đã đồng ý làm người bảo lãnh cho 1MDB: các ngân khoản đến hạn theo thỏa thuận đó được cho là đã không được trả cho công ty con của IPIC, mà cho một công ty không liên quan có trụ sở tại Quần đảo British Virgin. Các điều tra viên tại Thụy Sĩ nói rằng khoảng 4 tỉ USD có thể đã bị chiếm dụng từ các công ty nhà nước Malaysia. Tất cả những người liên quan đều phủ nhận sai phạm.
Vụ bê bối mở rộng vào tháng 7/2015, khi tờ Wall Street Journal báo cáo rằng khoảng 700 triệu USD đã được gửi vào tài khoản ngân hàng của ông Najib ngay trước cuộc tổng tuyển cử năm 2013, trong đó liên minh của ông đã giành chiến thắng sát sao. Ông Najib kiên quyết phủ nhận cáo buộc rằng khoản tiền này đến từ 1MDB. Phe của ông cho biết số tiền đó là khoản tài trợ cá nhân hợp pháp từ một hoàng thân Ả-rập, một người đồng tình về cách chính phủ của ông điều hành Malaysia, và rằng phần lớn số tiền đó đã được trả lại. Vị tổng chưởng lý của quốc gia này đã đồng ý với quan điểm này, và nói rằng không có lý do gì khiến thủ tướng phải đối mặt với các cáo buộc.
Các cuộc điều tra vào vụ việc này có thể làm sáng tỏ tính hiệu quả và việc thực hiện các quy tắc vốn được cho là sẽ làm giảm nguy cơ rửa tiền xuyên biên giới. Các điều tra viên ở Mỹ được cho là đang xem xét liệu có bất kỳ khoản tiền nào từ 1MDB đã được sử dụng để mua các tài sản xa xỉ hay không, và liệu có hay không bất kỳ khoản tiền nào từ công ty này đã được chuyển đến một công ty sản xuất phim của Hollywood được quản lý bởi con trai riêng của vợ ông Najib (người đã tuyên bố rằng mình không làm gì sai). Một số ngân hàng khác tham gia vào các giao dịch của 1MDB có thể vẫn chưa phải đối mặt với điều tra.
Trong khi đó người biểu tình tại Malaysia đã kêu gọi vị thủ tướng từ chức. Tuy nhiên, ông Najib vẫn bám chặt vào vị trí của mình. Ông sử dụng ảnh hưởng rộng lớn trong UMNO [Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất], đảng đã dẫn dắt liên minh cầm quyền của Malaysia từ khi nước này giành được độc lập và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhóm người Malay chiếm đa số tại quốc gia này. Nhiều cử tri có vẻ chấp nhận sự khẳng định của chính phủ rằng toàn bộ sự việc đã được dựng lên bởi phe đối lập – những người mà chính phủ nước này ám chỉ là ủng hộ các lợi ích của các nhóm thiểu số người Trung Quốc và Ấn Độ tại Malaysia hơn là các lợi ích của người Malay.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]