Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Tính chính đáng là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong ngành nghiên cứu chính trị. Tuy nhiên định nghĩa và đo lường tính chính đáng là một điều không dễ, thể hiện ở việc nhiều học giả đưa ra những định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Tuy nhiên có thể thấy một phần lớn các nghiên cứu về tính chính đáng dựa trên định nghĩa của Max Weber. Theo Weber, tính chính đáng là cơ sở của mọi hệ thống quyền hành và là nguồn gốc dẫn tới sự tự nguyện tuân thủ quyền hành đó. Tính chính đáng được xây dựng trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chính quyền, thừa nhận rằng chính quyền đó xứng đáng được cầm quyền. Niềm tin của người dân vì vậy mang lại cho chính quyền uy tín lãnh đạo. Tính chính đáng cũng bắt nguồn từ sự độc quyền của nhà nước đối với việc sử dụng bạo lực, được đảm bảo thực thi một cách hợp pháp thông qua bộ máy chính quyền và các tòa án tư pháp.
Một nhà nước xây dựng nên tính chính đáng của mình thông qua một quá trình được gọi là “chính đáng hóa”, hay “hợp pháp hóa” (legitimation). Việc xây dựng tính chính đáng là một quá trình diễn ra liên tục và không ngừng, bởi tính chính đáng được coi là một yếu tố đa diện, luôn luôn biến đổi của mỗi chính quyền. Một chính phủ chính đáng, hợp pháp ngày hôm nay có thể bị biến thành không chính đáng vào ngày mai. Tương tự, một dạng chế độ chính trị có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân ở một quốc gia này nhưng lại bị coi là không chính đáng ở một quốc gia khác. Tính chính đáng của mỗi chính quyền vì vậy cũng cần phải được phân tích và mổ xẻ dựa trên những bối cảnh kinh tế, chính trị – xã hội của một quốc gia cụ thể vào những thời điểm cụ thể.
Tương tự, chúng ta có thể thấy rằng các nhà nước khác nhau sẽ có những cách thức khác nhau nhằm xây dựng và duy trì tính chính đáng của mình, tùy thuộc vào các điều kiện, bối cảnh cụ thể của chính quyền đó. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu, ví dụ như Muthiah Alagappa, cho rằng một nhà nước có thể xây dựng tính chính đáng của mình dựa trên bốn yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, đó là các chuẩn tắc và giá trị chung của xã hội. Yếu tố này liên quan đến hệ thống niềm tin và các hệ tư tưởng giúp hình thành nên cấu trúc của hệ thống chính quyền và bộ máy cai trị. Chính vì vậy, mỗi chính phủ cần phải thúc đẩy một ý thức hệ nhất định, và người dân càng chấp nhận rộng rãi ý thức hệ đó thì tính chính đáng của chính quyền đó càng trở nên vững mạnh.
Thứ hai, đó chính là phương thức giành chính quyền. Một chính phủ giành được quyền lực thông qua những nguyên tắc được thừa nhận và tôn trọng rộng rãi sẽ được coi là có tính chính đáng. Chính vì vậy, các cuộc bầu cử hợp pháp đóng góp quan trọng đối với tính chính đáng của các chính quyền. Tuy nhiên, có hai trường hợp một chính phủ có thể có được tính chính đáng ban đầu mà không cần tới các cuộc bầu cử. Trường hợp thứ nhất là việc một chính phủ lên nắm quyền sau những sự kiện thay đổi lịch sử, ví dụ như các cuộc cách mạng; và trường hợp thứ hai liên quan đến uy tín của một cá nhân lãnh đạo, đặc biệt là khi kết hợp với các cơ sở quyền hành khác sau các cuộc cách mạng.
Thứ ba, đó là việc chính quyền có thực thi các quyền hành với mục tiêu giúp thúc đẩy lợi ích tập thể của người dân hay không. Theo đó, việc thực thi quyền hành phù hợp không chỉ bao gồm việc tuân thủ luật pháp các các quy định, tiến trình đã được thừa nhận rộng rãi mà còn liên quan đến tính hiệu quả của chính quyền. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện và thúc đẩy các lợi ích chung của người dân. Yếu tố hoạt động hiệu quả đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao tính chính đáng của các chính quyền độc tài, phi dân chủ, bởi các chính quyền này giành quyền lực không thông qua các nguyên tắc đã được định sẵn như các kỳ bầu cử phổ thông ở các quốc gia dân chủ. Nói cách khác, nếu không duy trì được hiệu quả hoạt động, đặc biệt là các thành tích phát triển kinh tế, các chính quyền phi dân chủ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tính chính đáng, một yếu tố có thể dẫn tới sự sụp đổ của các chính quyền này.
Cuối cùng, việc một chính quyền có duy trì được tính chính đáng của mình hay không còn tùy thuộc vào việc chính quyền đó có nhận được sự đồng ý và ủng hộ của người dân hay không. Sự đồng tình và ủng hộ của người dân đối với chính phủ được thể hiện dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, như sự tồn tại và số lượng của các tổ chức đối lập, việc tuân thủ các chính sách mà chính phủ đề ra, sự chấp hành các mệnh lệnh của các nhà lãnh đạo, cũng như mức độ đóng góp của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu chung mà chính quyền đề ra.
Mặc dù tính chính đáng là một khái niệm có nguồn gốc từ ngành khoa học chính trị, nó cũng đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu quan hệ quốc tế. Trong quan hệ quốc tế, tính chính đáng trở thành một vấn đề phức tạp hơn khi không tồn tại một chính phủ toàn cầu điều chỉnh hoạt động của các quốc gia như đối với các chính quyền trong nước. Các nghiên cứu về tính chính đáng trong quan hệ quốc tế hiện nay tập trung vào vấn đề tính chính đáng của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong xã hội quốc tế. Theo đó, một trong những yếu tố thiết lập nên cấu trúc của xã hội quốc tế chính là các nguyên tắc và thực tiễn của tính chính đáng quốc tế cũng như tính chính đáng quốc nội.
Tính chính đáng quốc nội liên quan đến tư cách cai trị của một chính quyền trong nước, trong khi tính chính đáng quốc tế phản ánh các nguyên tắc nhằm xác định những nhà nước nào xứng đáng được tính là một thành viên của xã hội quốc tế cũng như những hành vi nào của các nhà nước được coi là phù hợp. Tuy nhiên có thể thấy hai khía cạnh này của tính chính đáng có mối liên hệ mật thiết và bổ sung cho nhau, bởi lẽ tính chính đáng quốc nội là cơ sở để cộng đồng quốc tế công nhận một nhà nước, qua đó hình thành nên tính chính đáng quốc tế của nhà nước đó. Đồng thời tính chính đáng quốc tế, thể hiện ở những việc như thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong cộng đồng quốc tế và tham gia vào các tổ chức khu vực và toàn cầu, là một yếu tố giúp các nhà nước củng cố tính chính đáng quốc nội của mình. Nói cách khác, một nhà nước nếu không được người dân nước đó thừa nhận tính chính đáng thì khó có thể được cộng đồng quốc tế công nhận, và ngược lại, một nhà nước không được cộng đồng quốc tế công nhận cũng khó có thể xây dựng được uy tín lãnh đạo của mình đối với người dân trong nước.
Đối với tính chính đáng quốc tế, các quốc gia thường theo đuổi mục tiêu được thừa nhận là một thành viên của cộng đồng quốc tế thông qua việc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc, chuẩn tắc hay giá trị đã được thừa nhận rộng rãi. Trong trường hợp các quốc gia không tuân thủ, họ sẽ đối mặt với hậu quả là đánh mất tính chính đáng quốc tế, qua đó có thể bị cô lập về mặt chính trị, kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, tính chính đáng quốc tế không chỉ phụ thuộc vào ý chí và mong muốn của một quốc gia trong việc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc hay chuẩn tắc chung, mà còn liên quan đến bản chất của các yếu tố này. Các yếu tố như luật pháp quốc tế, chuẩn tắc hay các giá trị cần phải có giá trị phổ quát và được thừa nhận rộng rãi bởi tất cả các quốc gia thì việc tuân thủ chúng mới có ý nghĩa đối với tính chính đáng của một chinh quyền. Một ví dụ điển hình liên quan đến điều này chính là cuộc tranh luận giữa các quốc gia phương Tây và các quốc gia Châu Á về vấn đề dân chủ và nhân quyền, và là một trong những lập luận đứng đằng sau sự xuất hiện của khái niệm “các giá trị Châu Á” những năm 1990.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]