01/07/1965: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đề xuất thỏa hiệp tại VN

Print Friendly, PDF & Email

ustroops

Nguồn: “Ball recommends compromise in Vietnam”, History.com (truy cập ngày 1/7/2016)

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Vào ngày này năm 1965, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ George Ball đã nộp một bản ghi nhớ cho Tổng thống Lyndon B. Johnson với tựa đề “Một giải pháp thỏa hiệp cho miền Nam Việt Nam.” Bản ghi nhớ bắt đầu một cách thẳng thằng: “Người Nam Việt Nam đang thua trong cuộc chiến tranh với Việt Cộng. Không ai có thể đảm bảo với ông rằng chúng ta có thể đánh bại Việt Cộng, hoặc thậm chí buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán theo các điều khoản của chúng ta, bất kể bao nhiêu trăm ngàn binh lính da trắng hay nước ngoài (Mỹ) mà chúng ta triển khai tại đó.” Ball khuyên rằng Hoa Kỳ không nên cam kết thêm bất kỳ số lượng binh sĩ nào nữa, nên hạn chế vai trò chiến đấu của những binh sĩ đã được triển khai, và tìm cách thương lượng cách rút ra khỏi cuộc chiến.

Trong lúc Ball gửi bản ghi nhớ của mình cho Johnson, căn cứ không quân của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã bị tấn công bởi Việt Cộng lần đầu tiên. Một biệt đội đột kích đã xâm nhập vào sân bay, phá hủy ba chiếc máy bay và làm hư hỏng ba chiếc khác. Một phi công Hoa Kỳ đã thiệt mạng và ba lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ bị thương.

Cuộc tấn công vào Đà Nẵng, sự gây hấn ngày càng tăng của Việt Cộng, và sự yếu kém của chế độ Sài Gòn đã thuyết phục Johnson rằng ông phải làm một cái gì đó để ngăn chặn những người cộng sản, nếu không họ sẽ sớm chiếm miền Nam Việt Nam.

Trong khi Ball đề nghị một giải pháp thương lượng, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara lại thúc giục tổng thống “mở rộng nhanh chóng và đáng kể” hiện diện quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Không muốn để mất miền Nam Việt Nam vào tay cộng sản, Johnson cuối cùng đã chấp nhận đề nghị của McNamara.

Ngày 22 tháng 7, ông cho phép triển khai 44 tiểu đoàn Hoa Kỳ tham chiến tại Nam Việt Nam, một quyết định đã dẫn đến một sự leo thang chiến tranh lớn. Tại thời điểm đó mới có chưa tới mười tiểu đoàn lục quân và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Cuối cùng, đã có hơn 540.000 quân Hoa Kỳ được đổ vào đây.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]