Nguồn: Heinz Schütte, “Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960”, Hamburger Südostasienstudien, Band 3, 2009.
Biên dịch: Talawas
Bài liên quan: Phần 1; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5
10. Bản án
Tháng 1 năm 1960 diễn ra phiên tòa chống lại những người bị cáo buộc làm gián điệp. Trần Duy, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt không thuộc số những người bị khởi tố, mà, như Hoàng Cầm nhớ lại, họ chỉ xuất hiện như những nhân chứng. Họ phải có mặt ở phiên tòa 5 ngày liền để phục vụ yêu cầu của tòa án. Phan Khôi, như đã nói ở trên, bị báo chí năm 1958 quy kết là “một phần tử hoạt động nguy hiểm” cho Pháp, đã qua đời đầu năm 1960, chỉ vài ngày trước khi phiên tòa diễn ra.
Nguyễn Hữu Đang không bị khởi tố với tư cách là lãnh tụ chính trị của Nhân văn, mà, một mặt ông bị cáo buộc làm gián điệp, mặt khác ông bị kết tội vì tổ chức trốn chạy khỏi miền Bắc thông qua sự trợ giúp của một “tổ chức”.
Trong bài “Nguyễn Hữu Đang – Tên phản động đầu sỏ” trên báo Nhân dân ngày 15.4.1958, tác giả Mạnh Phú Tư đã chuẩn bị cho việc kết tội Nguyễn Hữu Đang như sau: “Hòa bình lập lại, Nguyễn Hữu Đang trở về Hà Nội cùng bọn phản cách mạng khoác áo ‘kháng chiến’. Tại đây hắn đã câu kết với các phần tử tư sản phản động và bọn gián điệp do đế quốc để lại. Cùng tên Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, một tên tờ-rốt-kít chuyên xuất bản các tài liệu phản quốc để kiếm lời đút túi, Nguyễn Hữu Đang đã dụ dỗ mua chuộc những văn nghệ sĩ bằng tiền của bọn tư sản. Chúng đã liên tục cho ra những tập Giai phẩm…”.[1] Tuy nhiên, lại có rất ít thông tin về diễn biến của phiên tòa cũng như về số phận của các bị cáo. Các kho lưu trữ của Cộng hòa Dân chủ Đức, vốn có rất nhiều tài liệu giá trị về hầu hết các lĩnh vực nội chính của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lại không cung cấp bất kì câu trả lời nào cho sự kiện quan trọng này.[2] Bởi vậy, với hiện trạng thông tin hiện nay, chúng tôi đành phải dựa phần lớn vào những lời kể của nhân chứng và những đồn đoán (thường không phải khi nào cũng có nhiều thông tin), mà trong đó sự thật nhiều khi bị trộn lẫn cùng giai thoại.
Còn những bị cáo khác là ai? Thực ra, họ đều không thuộc nhóm những người thân cận nhất của các văn nghệ sĩ Nhân văn – Giai phẩm, mà chỉ là những người ủng hộ hoặc các cộng tác viên bên lề.
Đứng đầu bảng là Thụy An tức Lưu Thị Yến. Thụy An sinh năm 1916 trong một gia đình đại tư sản ở Hà Nội. Năm 1930, Võ Nguyên Giáp đã tới làm thầy giáo tư dạy sử địa cho Thụy An, và ông được cho là mối tình đầu của bà. Thụy An được kể lại như một phụ nữ đặc biệt quả cảm, vượt lên trên các khuôn phép thông thường của của một xã hội Khổng giáo-tiểu thị dân.[3] Đời sống cá nhân và các hoạt động chính trị của bà bị bao phủ bởi một màn sương mù bí ẩn, tuy nhiên, không nghi ngờ gì, bà là một trong những nhà văn nữ quyền đầu tiên và là nhà báo tiên phong của Việt Nam. Bà là người chủ trương tờ Đàn bà mới tại Sài Gòn năm 1934 và Đàn bà ở Hà Nội năm 1937, những tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Tiểu thuyết Một linh hồn xuất bản năm 1942, tác phẩm duy nhất của một tác giả nữ được Vũ Ngọc Phan đưa vào cuốn Nhà văn hiện đại, có thể coi là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của một nhà văn nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, bà còn viết những bài thơ yêu nước, chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến, Thụy An ở Hà Nội và làm việc cho Radio Vietnam, trong đó không ít lần bà làm công việc của một phóng viên chiến trường. Năm 1954, bà được phong chức Quyền Giám đốc của Agence France Presse ở Hà Nội. Về chính trị, bà ủng hộ Việt Nam Quốc dân Đảng. Hình dung của bà về con đường đấu tranh giành độc lập cũng như tương lai của Việt Nam hậu thuộc địa chịu ảnh hưởng bởi chủ trương chính trị của phe Quốc gia. Sau khi chia tay với chồng, ông Bùi Nhung[4], giám đốc Radio Hà Nội, một người xuất thân trong một gia đình Quốc dân Đảng nổi tiếng, khi hai người đã có 6 người con, Thụy An sống chung với Đỗ Đình Đạo, cũng là một yếu nhân của Quốc dân Đảng. Khi Đỗ Đình Đạo chết một cách bí ẩn, ở Hà Nội lan truyền tin đồn Thụy An đầu độc chồng.[5] Theo như những gì được kể lại, năm 1954 Thụy An bay vào Sài Gòn[6], nhưng sau đó lại trở ra Hà Nội – không có ai biết tại sao bà vào Nam rồi lại trở ra Bắc. Phải chăng bà muốn tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng Quốc dân Đảng ở miền Bắc? Liệu đây chính là điểm khiến bà bị cáo buộc là gián điệp do Pháp để lại? Điều chắc chắn là bà “có nhiều quan hệ với người Pháp và các giá trị Pháp” – bà Thụy Khuê thuộc đài RFI tiếng Việt cho tôi biết như vậy. Tuy nhiên, liệu Thụy An có liên hệ với Phòng Nhì của Pháp hay không, thì, với các tài liệu đã được công bố hiện nay, chúng ta chưa thể xác định được. Cùng với Phan Tại – người sẽ được nói tới ngay dưới đây, Thụy An đã dựng vở kịch Topaze của Marcel Pagnol ở Hà Nội, và đây cũng là một lý do nữa để người ta bắt giam bà: đối với giới lãnh đạo cộng sản thì việc biểu diễn một vở kịch của Pháp (trong đó, sự mua chuộc, sự tham nhũng, lòng tham của cải vật chất và sự phản bội có hệ thống của các quan chức cộng hòa bị mổ xẻ không khoan nhượng) hồi đó là một hành động phản cách mạng. Theo đó, vở kịch Topaze đã phá hoại đường lối chính sách của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trong khi có rất nhiều vở kịch của Liên Xô nhưng Thụy An lại không dựng!). Cáo trạng cho biết, tất cả các hoạt động của Thụy An đều cho thấy, đây là một kẻ đối lập chính trị nguy hiểm, kẻ lôi kéo văn nghệ sĩ về phía mình để chống lại chính quyền.
Trong giai đoạn Nhân văn, Thụy An được Phan Khôi nhận làm con gái nuôi. “Chị ấy rất thân với anh em Nhân văn. Rất thân với Lê Đạt. Tôi không thân với chị ấy, chúng tôi chỉ quen biết nhau thôi”, Hoàng Cầm nhớ lại. Trần Duy kể rằng, Thụy An có gửi 3 bài thơ tới Nhân văn, nhưng ông đã từ chối đăng, vì trung thành với đường lối của Nguyễn Hữu Đang: “Mình đều là dân kháng chiến trở về, mình không nên quan hệ với bà ta” – Nguyễn Hữu Đang nói.[7](Thụy An đã ở lại khu Pháp trong thời gian kháng chiến). Bà bị kết án 15 năm tù giam và 5 năm quản thúc tại địa phương. Theo như nhiều nhân chứng kể lại, trong tù bà đã tự chọc mù một mắt – “Chọc mù mắt để không phải nhìn thấy cái thế giới này nữa”, bà đã nói như vậy. Nhiều người cùng thời đã đánh giá thái độ đáng sợ này của bà như một biểu hiện của sự cao ngạo.
Hoàng Cầm kể rằng, tại phiên tòa người ta cũng chỉ nói rất ít tới “gián điệp”. Người ta đọc một bức thư của nhà nhân chủng học kiêm Giám đốc Viễn đông Bác cổ của Pháp ở Hà Nội, Maurice Durand, gửi Thụy An. Theo cáo buộc của Viện Công tố thì Giáo sư Durand là người của Phòng Nhì (Cơ quan Tình báo Quân sự của Pháp). Trong bức thư gửi Thụy An vào thời điểm Nhân văn số 1 ra mắt, Durand viết: “Giờ bà hãy đứng ngoài, nhưng phải để mắt trông nom mọi việc của các văn nghệ sĩ”. Bức thư này được coi là bằng chứng cho việc khởi tố Thụy An về tội làm gián điệp. Cách đây vài năm, Nguyễn Hữu Đang có nói với một người thân tín ở Hà Nội rằng, tại tòa Thụy An đã thừa nhận mọi tội trạng, và qua đó bà không những gián tiếp xác nhận cáo trạng mà còn gây áp lực nặng nề lên những bị cáo khác. Trong một lần gặp Thụy An thời gian ở tù, Nguyễn Hữu Đang đã trách Thụy An kiêu căng và độc ác, và bà đã tỏ ra ân hận vì hành vi thừa nhận tội trạng của mình. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể đánh giá đúng hành vi nhận tội này ở mội phiên tòa nặng tính phô diễn, khi mà chúng ta không biết liệu những lời khai của bị cáo có được thẩm định không hoặc thẩm định theo cách nào[8], nghĩa là, liệu những lời khai đó có phù hợp với những bằng chứng thu thập được hay không, hoặc phù hợp ở mức độ nào. Nguyễn Hữu Đang giải thích rằng, Hiệp định Paris 1973, hiệp định đã dẫn tới sự nới lỏng nhất định ở miền Bắc, đã cứu mạng sống và mang lại tự do cho ông năm 1974 – với Thụy An cũng vậy. Và cũng như Thụy An, khi được áp giải về quê[9] để chịu án quản thúc, Nguyễn Hữu Đang đã bị người ta ném đá. Nhờ thỉnh cầu của một người họ hàng, vài năm sau Thụy An được phép vào miền Nam. Năm 1978, bà đi tu trong một ngôi chùa. Bà qua đời năm 1989 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị cáo thứ ba là Minh Đức[10], tức Trần Thiếu Bảo, ông chủ nhà in nơi xuất bản các số Giai phẩm và Nhân văn. Minh Đức cũng xuất thân từ vùng quê Nam Định như Nguyễn Hữu Đang, nơi ông đã mở nhà sách đầu tiên những năm 1930. Ông thành lập nhà xuất bản Minh Đức ở Hà Nội, kiêm chức năng in ấn và phát hành. Tên của nhà xuất bản, Minh Đức, cũng trở thành tên hiệu của Trần Thiếu Bảo, đồng thời là tên chương trình xuất bản có tính khai sáng(về chính trị-xã hội) cho Việt Nam của ông. Minh Đức là một người yêu nước. Có lẽ ông đã cộng tác với Nguyễn Hữu Đang trong phong trào phổ cập chữ Quốc ngữ (từ 1936) và phong trào xóa nạn mù chữ (sau 1945), chẳng hạn như thông qua việc in sách giáo khoa. Sau Cách mạng tháng Tám, Minh Đức tiếp tục hoạt động xuất bản, sau đó ông tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, vì không thể xuất bản ở chiến khu, ông quay trở về vùng Pháp đóng (Hà Nội) để hành nghề. Thời gian này ông xuất bản những cuốn sách có nội dung yêu nước, như sách về các anh hùng Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học – nhân vật gần như đã trở nên một huyền thoại hồi đó. Dễ hiểu tại sao Nguyễn Hữu Đang đã chọn nhà xuất bản Minh Đức để in Nhân văn.
Tại tòa, Minh Đức, người luôn nhận được giấy phép in nhờ những mối quan hệ cá nhân với các cơ quan văn hóa[11], bị cáo buộc đã xuất bản các tác phẩm phản động; trong đó có các tiểu thuyết Số đỏ và Giông tố của Vũ Trọng Phụng, ngoài ra còn một số tác phẩm văn học lãng mạn và các bài nghiên cứu văn học của Hoàng Xuân Hãn, dù thực ra Minh Đức không hề xuất bản các tác phẩm chính trị. Trần Thiếu Bảo bị kết án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông được thả năm 1973, nhưng không được phép về Hà Nội mà phải chuyển tới Nam Định. Tại đây ông làm công tác phát hành cho nhà xuất bản Xunhasaba. Ông mất năm 1980.
Trong số những người bị khởi tố còn có Phan Tại (mất năm 2007) và một người nữa có tên là Lê Nguyên Chí. Phan Tại, người không tham gia Nhân văn – Giai phẩm, sinh ở Hưng Yên, là điêu khắc gia và họa sĩ, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, Phan Tại lại nổi nhất trong lĩnh vực điện ảnh và kịch nghệ. Năm 1945, mặc dù không quan tâm tới chính trị, ông vẫn tham gia Việt Minh và lãnh đạo một nhóm kịch cách mạng. Ông đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn ở Hà Nội và Hải Phòng. Khi quân Pháp tấn công Hải Phòng, Phan Tại cùng đoàn kịch gia nhập kháng chiến. Năm 1948, ông cùng gia đình bị bắt trong một đợt càn của Pháp ở Hưng Yên, nhưng ông không bị bắt giam mà bị đưa về Hà Nội[12], và tại đây ông lại lãnh đạo một nhóm ca múa nhạc. Đây là thời gian ông được “đánh giá rất cao”[13]. Tháng 5.1950, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đã dàn dựng nhiều vở ca múa nhạc với những bài hát của các tác giả cách mạng như Tiếng hát sông Lô của Văn Cao, Tiếng hát quay tơ của Tử Phác và Tiếng chuông nhà thờ của Nguyễn Xuân Phát. Sau Hiệp định Genève, Phan Tại ở lại Hà Nội và tiếp tục hoạt động trong một nhóm kịch gồm những người từ kháng chiến trở về cũng như những người ở lại thành. Ngôi nhà của Phan Tại tại 37 Trần Quốc Toản, cũng là nơi tá túc của Thụy An, ngay trong kháng chiến đã trở thành điểm tụ họp của nhiều văn nghệ sĩ. Sau khi Nhân văn bị cấm, trong khoảng thời gian 1957 – 1959, tại địa chỉ này đã hình thành một salon điện ảnh và văn chương xung quanh Phan Tại và Thụy An, mà Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán thường qua lại (nhưng không có Trần Duy). Tại phiên tòa, Phan Tại bị buộc tội vì đã cho Thụy An cùng sống ở ngôi nhà này. Ông bị kết án 6 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại địa phương. Sau khi được thả, Phan Tại hoạt động điêu khắc và thiết kế các tượng đài anh hùng. Khi ông được mời tham gia dựng một tượng đài ở Quảng Nam, công an đã can thiệp khiến ông phải chấm dứt dự án. Ông phải làm mặt nạ cho các nhà hát để kiếm tiền. Ông sống nghèo khổ, thỉnh thoảng được bạn bè cưu mang. Phan Tại mất tháng 5 năm 2007.
Còn bị cáo thứ năm, Lê Nguyên Chí, là ai? Có vẻ như không ai thực sự biết người này là ai, ngay cả cái tên của ông ta cũng được các nhân chứng nhớ lại mỗi người một khác. Người thì bảo là Nguyễn Văn Thi hoặc Lý Nguyên Cát, có người lại bảo ông ta từng là tay chân của đế quốc Pháp. Hoàng Cầm kể câu chuyện đầy tính hoang đường kì bí như sau: “Đột nhiên xuất hiện một người lạ” – một người tầm tuổi 50, tóc đã bạc. Một ngày kia, ông ta đến trước nhà Phan Tại và dựng một cái hiệu cắt tóc vỉa hè, rồi ông ta lần lượt làm quen với những người sống ở đó, và chẳng bao lâu đã hình thành một mối quan hệ thân tình. Rốt cuộc, Lê Nguyên Chí đưa ra ý tưởng rủ cả nhóm chạy trốn trên một chiếc thuyền của em trai ông ta ở Hải Phòng… Như đã nói ở trên, tất cả những con người tuyệt vọng đó đã bị công an biển bắt giữ. Phải chăng Lê Nguyên Chí là một đặc tình, một nhân viên của Cơ quan An ninh Việt Nam? Trong phiên tòa, Lê Nguyên Chí là người duy nhất có sắc diện hồng hào, trong khi Nguyễn Hữu Đang và Thụy An thì xanh rớt, mệt mỏi và gầy gò. Bị ghép vào tội tham gia nhóm gián điệp, Lê Nguyên Chí bị tuyên 5 năm tù và 3 năm quản thúc – từ đó không một ai còn gặp lại ông ta nữa và nhiều người đã đặt ra câu hỏi: liệu việc kết án Lê Nguyên Chí có phải một vở kịch được dàn dựng hay không?
Chúng ta hãy trở lại với Nguyễn Hữu Đang. Ông bị bắt năm 1958. Thời gian đầu ông bị giam ở Hỏa Lò, nhà tù khét tiếng thời thuộc địa và nay là nơi tưởng niệm các nạn nhân của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đầu năm 1960, ông bị kết tội phản bội chính quyền cách mạng và làm gián điệp cho Pháp.[14] Lời biện minh của Nguyễn Hữu Đang trong thời gian điều tra, và, như ông khẳng định, trong một cuộc trò chuyện với Trường Chinh, về việc ông muốn ra nước ngoài để tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất đất nước[15], giống như ngày xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng hoạt động như một nhà ái quốc, một người cộng sản và một nhà cách mạng ở hải ngoại, đã bị đáp trả với một thái độ không hiểu và khoái trá gần như lên đồng: Thật buồn cười! – người ta nói với ông như vậy – Chúng ta chỉ có thể đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng! Trên thực tế, Đảng Leninist không hề tính đến cuộc đấu tranh của những cá nhân hoặc những nhóm nhỏ (ngoài Đảng); chỉ trong tư cách một đảng viên đầy kỷ luật, một trí thức hoặc một văn nghệ sĩ, người ta mới có thể có khả năng thay đổi thế giới và thay đổi đất nước mình – theo luận điểm thứ 11 của Mác về Feuerbach. Nguyễn Hữu Đang đã sống 15 năm ở trại giam Quyết Tiến ở Giàng (Hà Giang), cách biên giới Trung Quốc 20 km, trong điều kiện đói, lạnh (nhiệt độ từ -15 tới -10 độ C) ở độ cao 1500 mét, bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, và bị lãng quên[16], và 15 năm nữa dưới những điều kiện khốn cùng và thường xuyên bị giám sát tại ngôi làng của ông ở Thái Bình. Với tư cách một tù nhân chính trị, ông bị coi là kẻ thù của dân tộc, và chỉ tới đầu những năm 1990, ông mới được phép trở lại Hà Nội. “Những người đấu tranh cho dân chủ chúng tôi đã bị làm cho tê liệt tinh thần”, ông thú nhận với tôi như vậy năm 1999. [17]Nguyễn Hữu Đang mất ngày 8.2.2007 ở Hà Nội.
11. Lời kết
Trong lần gặp cuối cùng của tôi với Huy Cận ở Hà Nội cuối năm 2001, chúng tôi cũng nói về Nhân văn – Giai phẩm. Ngay từ lần gặp đầu tiên năm 1997, giữa chúng tôi đã có một thỏa thuận rõ ràng – và được Huy Cận chấp nhận – là trong mối quan hệ này, chúng tôi có thể có những quan điểm rất khác nhau. Khi Huy Cận đến thăm tôi ở Paris năm 2001, ông khẳng định – tôi xin trích dẫn đại ý – các nhà ly khai đã đặt mục tiêu lật đổ chính quyền miền Bắc, vì vậy Đảng và Chính phủ đã không thể làm gì khác hơn như họ đã làm. Tôi bảo, ông nói thế thì trâng tráo quá, và ông đã cười vang đáp lại. Nhưng vài tháng sau, khi tôi đề cập tới Nguyễn Hữu Đang, và kể về người bạn đang ốm nặng Georges Boudarel, trong một khoảnh khắc, Huy Cận đã đánh mất đi vẻ hài hước châm biếm thường thấy (và thường là một vẻ hài hước châm biếm đầy trí tuệ và sảng khoái), ông trở nên suy tư, và ông nói về Nguyễn Hữu Đang: “Đó là một bi kịch lớn…, một thảm họa… Chúng tôi đã phạm nhiều sai lầm.”[18]
Thời kỳ đến nay vẫn được gọi là “bước ngoặt”, một cách tương đối và dè dặt, không có gì đảm bảo và luôn có thể bị đe dọa, chỉ bắt đầu từ tháng 10 năm 1987 dựa trên những cải cách do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng – căn bản trên đề xuất của tướng Trần Độ. Tuy nhiên đã không hề có sự phục hồi chính thức dành cho những người bị kết tội. Những vấn đề mà nhómNhân văn – Giải phẩm đặt ra, đặc biệt là những đòi hỏi về tự do biểu đạt và quyền công dân, đến nay vẫn còn hết sức thời sự. Cuối những năm 1980, một số nhà văn trẻ như Dương Thu Hương, Bảo Ninh hoặc Nguyễn Huy Thiệp, những người được coi là thuộc thế hệ vỡ mộng – thế hệ của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (đồng thời cũng là một cuộc nội chiến trong thời kì Chiến tranh Lạnh, hay là bước tiến cuối cùng của cách mạng) – cũng đã gây ra sự bất ổn, họ bị cấm xuất bản hoặc bị khám xét, hoặc thậm chí bị bắt giam (trường hợp Dương Thu Hương) và họ phải hứng chịu cơn giận giữ của cả hệ thống chuyên chế của Đảng và các cơ quan kiểm soát văn hóa. “Lĩnh vực văn nghệ phải do văn nghệ sĩ quản lý, chính trị không can thiệp”, Phan Khôi từng viết như vậy. Cuộc đấu tranh đòi tự do tư tưởng đã khiến giới cầm quyền ở Hà Nội năm 1956 sợ hãi cuống cuồng, bởi nó thách thức quyền lãnh đạo độc tôn về tinh thần. Với việc tiến hành chính sách giáo điều, thiển cận của Đảng từ cuối năm 1956, chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đánh mất tầng lớp trí thức-sáng tạo của mình, tầng lớp có năng lực và đã sẵn sàng cho công cuộc hiện đại hóa về văn hóa và khoa học, khiến cho chế độ có thể được dân chúng bên trong yêu mến và thế giới bên ngoài kính nể. Nhưng thay vì thế, những đảng viên và cán bộ văn hóa quan liêu của Việt Nam đã tự chặt đứt liên hệ với thế giới bên ngoài, thế giới của tri thức và của sự hoài nghi lành mạnh, cách ly khỏi tất cả những chủ đề thảo luận không phù hợp với chủ thuyết giáo điều của họ, xa rời tất cả những trào lưu văn hóa, tinh thần và khoa học của thời đại, để thúc thủ trong cái không gian thiển cận của đời sống tiểu nông tỉnh lẻ và trong sự giáo điều xơ cứng của mình.
Nhưng đấy lại chính là một trong những mục tiêu của cách mạng, và phong trào Trăm hoa đua nở là một trong những chặng đường chính của cuộc cải tạo cách mạng miền Bắc. Bởi vì mục đích của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi đó là mở rộng quyền lãnh đạo duy nhất và vô giới hạn của Đảng trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị; đời sống cá nhân – đứng tách ra khỏi quần chúng – được xem là có hại cho sự nghiệp chung, là phản cách mạng. Mỗi cá nhân là một phần của khối quần chúng thống nhất, phải phục tùng kỉ luật chung. Dưới những điều kiện như thế, người trí thức trước hết phải là một đảng viên, một “kĩ sư tâm hồn” của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, kẻ cùng gánh trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng cùng chia chác quyền lực. Bằng việc đàn áp phong trào Nhân văn – Giai phẩm, Đảng đã củng cố được quyền lực độc tôn của mình, nhưng tính chính danh và uy tín đạo đức của Đảng thì bị tổn thương nặng nề. Cũng giống như Trung Quốc, từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã nỗ lực thông qua cải cách và phát triển kinh tế để tìm ra những hình thức chính danh mới thay thế cho khoảng trống về tư tưởng. Tuy nhiên đến nay, mỗi khi đề cập tới Nhân văn – Giai phẩm, Đảng vẫn phản ứng một cách sợ hãi, lập cập và sắt máu. Bởi vì, dù Đảng vẫn chính thức bám giữ quan điểm cho rằng các thành viên Nhân văn – Giai phẩmlà những kẻ phản động và gián điệp, có mục đích lật đổ chính quyền cách mạng, thì sự thật vẫn là: 50 năm trước, những người này đã không hề muốn có một cuộc lật đổ, mà họ chỉ muốn mở rộng dân chủ và quyền công dân trong khuôn khổ của hệ thống chính trị. Và những đòi hỏi về việc quyền lực phải được kiểm soát này đến nay vẫn bị từ chối với dân chúng[19], cho dù kinh tế tăng trưởng nhanh, mức sống được nâng cao và đi cùng đó là một xã hội hàng hóa đang lan rộng. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Đảng và Chính phủ vẫn sợ hãi việc gợi lại ký ức Nhân văn – Giai phẩm đến thế, như họ sợ một bóng ma có thể đe dọa tới sự tồn vong của mình.
Cũng giống như trong đạo Hồi, người ta chỉ được phép tạo ra hình ảnh để phụng sự quyền năng sáng tạo duy nhất của Allah, bằng cách nhân rộng mãi một khuôn mẫu đã hoàn thiện, và chỉ được phép làm thế – chứ không được phép, chẳng hạn, tạo ra những hình ảnh do con người hình dung, quan sát và cảm nhận – nghĩa là chỉ luôn tụng niệm cái đã được cho là chân lý cố định, chứ không phải cái độc đáo cá thể và sự vận động có tính lịch sử của những con người cá thế, của một con chó, một cái cây, tình yêu và nỗi đau của nó; cũng vậy, người nghệ sĩ trong chế độ toàn trị chỉ được miêu tả những con người tham dự vào cuộc đấu tranh và xây dựng cái hệ thống lý tưởng tương lai (chẳng hạn như chủ nghĩa xã hội), và chỉ được miêu tả những con người đó trong cái chức năng duy nhất đó. Người họa sĩ trung thành với truyền thống Hồi giáo ca tụng công trình sáng tạo hoàn mỹ và muôn đời không đổi của Allah, nhưng anh ta không bao giờ được khuyến khích bắt chước Allah để mô phỏng cái thế giới hoàn mỹ này, bởi đó sẽ là sự xúc phạm Đấng sáng tạo. Ngược lại, người nghệ sĩ trên mặt trận xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ miêu tả sự tranh đấu và những thành tích – nghĩa là những sự việc hoàn toàn có tính vận động – nhưng cũng vậy, những nhân vật của anh ta cũng như kết quả của cuộc tranh đấu thì đã được Đảng ta, Đảng thần thánh, Đảng trăm tay nghìn mắt, Đảng không thể thiếu, lên khuôn cố định trước cả rồi.[20]
Tháng 3 năm 2007, rốt cuộc bốn thành viên của Nhân văn – Giai phẩm gồm Hoàng Cầm (khi đó đã 85 tuổi), Lê Đạt (78 tuổi), Phùng Quán (mất năm 1995) và Trần Dần (mất năm 1997), cũng được Bộ Văn hóa Việt Nam trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
(Hết)
© Bản tiếng Việt 2010 talawas
[1] Mạnh Phú Tư, “Nguyễn Hữu Đang – tên phản động đầu sỏ”, Nhân dân, 15.4.1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8494, thẻ 1, tr. 000090/91
[2] Đơn của tôi gửi ngày 7.2.2008 về việc xin giấy phép đặc biệt để tiếp cận các tài liệu liên quan trong Kho dữ liệu của Bộ Ngoại giao Pháp ở Paris đến nay (cuối tháng 4.2009) vẫn chưa được hồi âm.
[3] Tôi sử dụng những thông tin này đặc biệt dựa trên những thông báo của bà Thụy Khuê ở Paris ngày 5.9.2007.
[4] Năm 1954 Bùi Nhung cùng các con di cư sang Mỹ.
[5] Tham khảo thêm Đại sứ quán CHCD Đức gửi Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 27.3.1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.000066.
[6] Một bài viết trên báo Nhân dân ngày 19.1.1960 (xem phụ lục) nói Thụy An đã tới Hải Phòng, chứ không thấy nói gì về việc bà tới Sài Gòn. Trên thực tế, Hải Phòng là nơi cuối cùng Pháp rút quân khỏi miền Bắc theo thỏa thuận tại Hiệp định Genève.
[7] Trò chuyện với Hoàng Cầm 23.11.1999 và Trần Duy 22.10.2001 ở Hà Nội. Tham khảo thêm: Đại sứ quán CHDC Đức gửi Bộ Ngoại giao Berlin, Hà Nội 27.3.1958, tại: PolA, AA, MfAA/A 8420, tr.000066.
[8] Thomas Engelbert đã lưu ý tôi ở điểm này. Thomas Engelbert đã hào phóng cho tôi những thông tin trên, vốn xuất hiện trong một cuộc trò chuyện ngày 3.9.2007 giữa Thomas Engelbert và một người không muốn nêu tên tại Hà Nội.
[9] Quê Thụy An là làng Hòa Xã, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông.
[10] Sau đây tôi chủ yếu dựa vào những thông tin trong cuộc trò chuyện nói trên của Engelbert tại Hà Nội ngày 3.9.2007.
[11] Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, việc kiểm duyệt mới bị thắt chặt.
[12] Thomas Engelbert lưu ý rất có lý rằng, đoạn này đặt ra những câu hỏi – cũng có thể áp dụng cho trường hợp Minh Đức – khi mà từ 1947/48 càng có nhiều trí thức ở các vùng “giải phóng” quay trở về vùng Pháp chiếm đóng, bởi vì một phần – cũng giống như giai đoạn chỉnh huấn theo mô hình Maoist Trung Quốc từ 1951 – họ không muốn chịu đựng sự kiểm soát và nhồi sọ cộng sản nữa, và một phần họ thấy cuộc sống trong vùng kháng chiến quá khắc nghiệt đến mức không thể chịu đựng được.
[13] Thông tin từ cuộc trò chuyện của Th. Engelbert ở Hà Nội 3.9.2007 cũng như trong cuộc trò chuyện của tôi với Hoàng Cầm ở Hà Nội 23.11.1998.
[14] Vài năm sau, những thành viên của Nhân văn-Giai phẩm bị miêu tả là “những tên gián điệp của Mỹ-Diệm”, những kẻ “chống sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội”. “Đồng thời bọn chúng còn gây sức ép lên một số đảng viên trong các hội văn nghệ, nhằm làm suy yếu Đảng từ bên trong”. Nguyễn Khải, Chúng ta hãy đề cao cảnh giác! Hãy tập hợp mọi sức mạnh dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các cán bộ đảng viên để bảo vệ các tổ chức Đảng! tại: MfAA/A 8750, tr.000151.
[15] Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội 24.5.1999.
[16] “Le secret qui m’a aidé à vivre normalement (comme chez moi) a été la philosophie du Taoisme de Lao Tse que j’ai trovée condensée dans cette phrase – devise du Dao Duc Kinh: ‘Ne réaliser ardemment que l’inertie. Ne maintenir son attachement qu’à l’indifférence”. Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ở Hà Nội 24.5 và 3.6.1999.
[17] Trò chuyện với Nguyễn Hữu Đang ngày 22.6.1999 ở Hà Nội. Nguyễn Hữu Đang không được phục hồi, tuy nhiên ông cũng được nhận 1 khoản trợ cấp từ khi ông được cho về Hà Nội. Ngoài ra Chính phủ còn tặng ông một ngôi nhà ở khu sang trọng đường Phan Đình Phùng, nhưng ông đã bán không lâu sau đó. Ngày 2.9.2000 ông được xuất hiện khoảng 1 phút trên truyền hình như một nhân chứng trong Lễ tuyên ngôn độc lập năm 1945. Đó là lần đầu tiên tên ông được công khai nói tới trước công luận. Tháng 4.2001, cùng với Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh (đã qua đời) cũng như một số trí thức và chính trị gia khác, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý nhất của CHXHCN Việt Nam.
[18] Trò chuyện với Huy Cận ở Paris 12.6.2001 và Hà Nội 26.11.2001.
[19] Xem Wang 2007.
[20] Pamuk 2001.
Nguồn: Talawas
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]