Tác giả: Lý Lệnh Hoa (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 19/07/2016, ông Tô Cách, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc có viết trên Thời báo Hoàn Cầu bài báo với tựa “Trung Quốc mới là nước tuân theo pháp luật ở Nam Hải” [Việt Nam gọi là Biển Đông]. Đọc bài này, tôi cảm thấy nó có nội dung tương tự, giống hệt như bài báo đã đăng của ông Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc.
Cả hai vị Giám đốc này đều thiếu sự hiểu biết toàn diện tinh thần và lời văn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển [UNCLOS], thiếu nhận thức đúng đắn về sự nhất thể hóa kinh tế toàn cầu và sự cộng đồng hóa vận mệnh loài người thời nay. Nếu nghiêm chỉnh học tập Công ước thì hai vị sẽ hiểu rằng giữa Phán quyết của Tòa Trọng tài về Nam Hải và các điều khoản của Công ước không hề có mâu thuẫn và xung khắc, mà nội dung hai văn bản này thông suốt với nhau.
Hơn nữa cũng nên biết rằng bản Phán quyết của Tòa Trọng tài đã trình bày rõ hơn các quy tắc chi tiết về việc phân định ranh giới biển quốc tế, nhất là phán quyết đã thống nhất và đã đưa ra quy định về địa vị pháp lý của các cấu trúc địa lý [nguyên văn: địa vật] như các đảo đá, bãi đá lúc chìm lúc nổi và đá ngầm. Điểm này có ý nghĩa tích cực [nguyên văn: chính diện] không những đối với tiến trình phân định ranh giới biển Nam Hải mà còn đối với việc phân định ranh giới biển Đông Hải [Việt Nam gọi là biển Hoa Đông], có liên quan tới đảo Điếu Ngư [Nhật gọi là Senkaku], kể cả cuộc đàm phán phân định ranh giới biển Trung Quốc – Hàn Quốc và xác định địa vị đảo đá Xung Chi Điểu (Okinotorishima) của Nhật.[1]
Tô Cách từng là Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài và là người nghiên cứu các vấn đề quốc tế nhưng lại thiếu hiểu biết về các điều khoản của Công ước và về tình hình thực tế việc phân định ranh giới biển của Trung Quốc; ông đã mở mắt nói nhảm về vấn đề Nam Hải. Ông nói Trung Quốc mới là nước tuân theo pháp luật ở Nam Hải.
Có phải như thế chăng? Căn bản không phải.
Ba chục năm sau khi ký Công ước, Trung Quốc chưa bao giờ dựa vào các quy định ở Điều 74 và 83 của Công ước để tiến hành đàm phán về vấn đề phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa với các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Nam Hải, mà vẫn khư khư giữ “Đường 9 đoạn” có tính lịch sử chiếm tuyệt đại bộ phận vùng nước Nam Hải và chồng lấn với các nước khác có yêu sách chủ quyền ở xung quanh. Tô Cách nên biết rằng, ngày 15/05/1996, Trung Quốc lần đầu tiên công bố các điểm cơ sở và đường cơ sở của các khu vực trong đó có Nam Hải. Do sử dụng đường cơ sở thẳng quá dài, và tại quần đảo Tây Sa [Việt Nam gọi là Hoàng Sa] còn sử dụng đường cơ sở thẳng của quốc gia quần đảo nên cách làm đó cũng đã vi phạm luật quốc tế, cần tiến hành chỉnh sửa và bổ sung, kể cả về vấn đề kỹ thuật.
Nên biết rằng, chỉ có thể giải quyết toàn diện vấn đề Nam Hải khi nào 5 nước 6 bên [ý nói Đài Loan chỉ là bên, không là nước] cùng tham gia; chỉ dùng phương thức đàm phán song phương thì không thể giải quyết được vấn đề này.
Thế giới đang phát triển. Từ sau ngày Công ước ra đời năm 1982, chủ quyền lãnh thổ và ranh giới biển là một vấn đề tổng thể như hình với bóng, chỉ nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ mà bỏ qua sự vận hành thiết thực công việc phân định ranh giới biển thì mãi mãi không thể giải quyết được các tranh chấp biển. Cách nói chỉ lấy lãnh thổ làm cái gọi là “Làn ranh giới cuối cùng” là cách nói không có chút cơ sở lý luận nào.
Căn cứ chủ yếu mà việc vạch ranh giới biển quốc tế dựa vào là cấu hình của bờ biển và chiều dài của bờ biển; biên giới phải được ghi rõ kinh độ và vĩ độ. Cuộc tranh cãi vô hồi kỳ trận của các danh nhân quan trường và các “chuyên gia học giả” Trung Quốc về “Đường 9 đoạn” mập mờ là hoàn toàn không cần thiết. Cần đi sâu tìm hiểu và học tập các điều khoản về hoạch định ranh giới biển trong Công ước, không thể muốn nói thế nào thì cứ nói lấy được trên các phương tiện truyền thông.
Sự xuất hiện tình hình căng thẳng hiện nay ở Nam Hải gắn liền với trào lưu tư tưởng chủ nghĩa dân tộc dâng cao trong nước [Trung Quốc], và cũng có liên quan tới sự hoa mắt của một số danh nhân [Trung Quốc].
Để tự phát triển, Trung Quốc cần một môi trường chính trị tốt lành không căng thẳng tại Nam Hải. Cả hai Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc cần phải chú ý vấn đề nói trên.
Lý Lệnh Hoa là Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Viện Hải dương Nhà nước Trung Quốc.
Nguyễn Hải Hoành dịch và ghi chú. Nguyên văn đầu đề bài viết là “Nhắc nhở Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc”
Nguồn: 李令华: 给中国国际问题研究院提个醒, 2016-07-23
—————–
[1] Nhật gọi là Okinotorishima, tiếng Anh: Parece Vela. Nhật coi đó là đảo (island), nghĩa là cấu trúc địa lý có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; Trung Quốc phủ nhận.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]