Mục tiêu bá quyền của Trung Quốc: Nói dễ, khó làm

Print Friendly, PDF & Email

Globe and China Flag for background

Nguồn: Mark Beeson, “China’s achieving hegemony is easier said than done”, East Asia Forum, 13/07/2016

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Phần lớn chúng ta chưa hề biết đến một thế giới nơi nước Mỹ không phải là cường quốc thống trị. Giờ đây mọi thứ đang bắt đầu trở nên tương đối khác. Không chỉ vì phần lớn nền kinh tế toàn cầu bị mắc kẹt trong một đợt suy thoái kéo dài, mà còn vì xuất hiện một mô hình phát triển kinh tế thay thế, dường như thành công hơn, dựa trên mẫu hình được gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh”.[1] Chính thực tế này, cùng với thành tích ấn tượng của nền kinh tế Trung Quốc cho đến nay, là điều đã dẫn đến kết luận đó, như Martin Jacques quả quyết, rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ ‘thống trị thế giới’.

Dĩ nhiên, vị thế bá chủ của Trung Quốc không phải là chưa từng xảy ra. Trong hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn năm, Trung Quốc đã thực thi một dạng ảnh hưởng bá quyền lên khu vực của mình, trong sự tách biệt tương đối so với các thế lực bên ngoài. Hệ thống triều cống, trong đó các nước láng giềng thừa nhận về mặt nghi lễ vị thế thống trị của Trung Quốc, là một hiện tượng tương đối cục bộ trong kỷ nguyên tiền hội nhập quốc tế. Sự bá chủ của Hoa Kỳ, ngược lại, đã dần trở nên mang tính toàn cầu, một thực tế càng bám rễ nhờ sự tiến bộ công nghệ và thắng lợi của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Nếu có một ngày Trung Quốc ngang bằng được hoặc vượt qua Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc thống trị, nước này sẽ phải thực thi quyền lực ở một quy mô và phạm vi chưa từng có từ trước đến nay.

Trở ngại đầu tiên cho bất kỳ tham vọng bá quyền nào mà Trung Quốc đang ấp ủ là về thể chế. Có một sức ì nhất định trong các vấn đề quốc tế khiến cho các thể chế khó có thể thay đổi hay triệt tiêu, ngay cả khi có bằng chứng cho thấy chúng không còn phục vụ được cho các mục đích ban đầu. Các thể chế như IMF, Ngân hàng Thế giới và WTO đã tiếp tục tồn tại ít nhất một phần bởi nhiều người muốn chúng như vậy, đặc biệt là khi không có các lựa chọn thay thế thực tế và hữu hiệu.

Trung Quốc đang bắt tay vào phát triển các thể chế đối chọi hoặc song song với các thể chế hiện hữu, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Các nỗ lực của Trung Quốc có sự tương đồng rõ ràng với Kế hoạch Marshall cực kỳ thành công của Hoa Kỳ dù chưa được công nhận một cách rộng khắp.

Vậy đó có phải là một biểu thị rõ ràng về tầm ảnh hưởng gia tăng và quyền lực bá quyền ngày càng lớn của Trung Quốc? Ở một mức độ nào đó thì đúng là như thế. Rõ ràng, trọng lượng kinh tế của Trung Quốc đã trở nên quá quan trọng để họ có thể bị khinh rẻ hay xúc phạm vô cớ. Nhưng cũng rõ ràng là một vài quốc gia đang giữ một thái độ thực dụng đối với Trung Quốc: họ có thể chẳng thích gì Trung Quốc, nhưng họ vẫn thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ tốt đẹp với quốc gia này.

Điều này nêu bật hai điểm yếu tiêu biểu trong thách thức bá quyền không dễ gì vượt qua được của Trung Quốc. Trước hết, Trung Quốc không có bạn. Chính xác thì luôn luôn có Triều Tiên. Nhưng ngạn ngữ có câu: Bạn bè như vậy còn quá hơn kẻ thù. Thực tế với Trung Quốc đó là các “bán đồng minh” của họ như Triều Tiên, Pakistan, Lào và Campuchia đều yếu kém, không đáng tin cậy và quá cơ hội chủ nghĩa.

Ngược lại, Hoa Kỳ có hàng loạt liên minh an ninh song phương đã tồn tại rất lâu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đặc biệt ở khu vực Đông Á, các liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng tỏ được sự bền vững, và, theo quan điểm của Trung Quốc, là quá gần, quá nguy hiểm đối với nước này. Các đồng minh như Australia đều sẵn sàng chiến đấu cho Hoa Kỳ trong các xung đột mà hầu như không ảnh hưởng nhiều đến an ninh của chính mình. Trung Quốc không có bạn hay đồng minh như vậy.

Các động thái về chính sách đối ngoại và chiến lược của Trung Quốc gần đây cho thấy rằng sự cô lập tương đối này gần như không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Ngược lại, Trung Quốc đã gây căng thẳng cho các nước láng giềng luôn âu lo [về Trung Quốc] tại phần lớn Đông Nam Á bằng các tham vọng lãnh thổ xác quyết, thậm chí hiếu chiến, ở Biển Đông. Hoa Kỳ không phải là bên hưởng lợi duy nhất từ trật tự kinh tế quốc tế mở mà họ dẫn đầu, cho dù họ hưởng lợi từ nó nhiều nhất. Ngược lại, sự tập trung chủ yếu vào lợi ích quốc gia và chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh trong chính sách của Trung Quốc là điều khiến các quan sát viên chú ý nhiều nhất hiện nay.

Có thể đạt được bá quyền thông qua thuyết phục hoặc cưỡng ép. Mặc dù rõ ràng Hoa Kỳ đã nhiều lần cưỡng ép các nước khác – kể cả ở Đông Á –  nhưng một phần lý do giúp tầm ảnh hưởng của họ được kéo dài là bởi họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác. Cũng quan trọng không kém là mặc dù khó đong đếm hơn, Hoa Kỳ rõ ràng đã hưởng lợi từ thứ “quyền lực mềm” vốn giúp giảm chi phí giao dịch đi kèm với việc duy trì vị thế đứng đầu quốc tế của mình. Ở giai đoạn hiện nay, Trung Quốc không có những đặc tính như vậy.

Bất chấp rất nhiều thảo luận trong nội bộ Trung Quốc về sự không công bằng của trật tự thế giới hiện tại, trên phương diện lịch sử, họ hầu như chưa từng thực hiện được bước đi vững chắc nào nhằm đưa ra một viễn cảnh thay thế – điều khiến cho AIIB càng trở nên thú vị và có sự quan trọng tiềm tàng. Nhưng cho dù nếu AIIB chứng tỏ được sự thành công trong vai trò thúc đẩy đầu tư ồ ạt trong khu vực, thì sẽ vẫn có những kìm hãm đáng kể lên tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Do Trung Quốc đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản là của phương Tây về quản trị tốt và tính minh bạch trong cách vận hành AIIB, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nếu muốn đơn phương sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình.

Khi Trung Quốc đối mặt với viễn cảnh một cuộc khủng hoảng tư bản quy mô lớn đầu tiên của mình, số phận của không chỉ nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nguy hiểm. Chế độ chuyên chế trông có vẻ mong manh của Trung Quốc đã đặt cược uy tín và tính chính danh của mình vào khả năng mang lại sự phát triển kinh tế liên tục. Nếu họ không thể tiếp tục làm vậy và đồng thời không quản lý được các mâu thuẫn trong nước về bất bình đẳng và sự bất ổn đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, các tranh luận về sức ảnh hưởng bá quyền tiềm tàng của họ cũng như khả năng tồn tại của mô hình phát triển thay thế của Trung Quốc thậm chí sẽ không còn là một mối quan tâm của các học giả nữa.

Mark Beeson là Giáo sư Chính trị Quốc tế, Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Tây Úc.

————

[1] Trái với mô hình “Đồng thuận Washington” dựa trên các nguyên tắc thị trường và giá trị tự do của phương Tây – NBT.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]