Hun Sen: Việt Nam ‘không phải vua của tôi’

hun_sen_13_01_2014_

Nguồn: “Vietnam ‘not my king’: PM”, The Phnom Penh Post, 02/08/2016

Biên dịch: Phan Nguyên

Phát biểu mạnh mẽ bất thường về mối quan hệ của mình với Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen hôm qua đã mắng một người sử dụng Facebook khi người này cáo buộc ông “phản bội” nước láng giềng phía đông của Campuchia và khẳng định rằng “Việt Nam không phải là ông chủ của tôi”.

Trả lời nhận xét của một tài khoản có tên “Pham Duc Hien”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh lòng trung thành với Vương quốc Campuchia, đồng thời cũng yêu cầu người dùng Facebook này chuyển thông điệp trên của ông đến các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người “luôn luôn tôn trọng chủ quyền của Campuchia và là hoàn toàn khác với cậu, một người không quan trọng “.

“Cậu cần biết rằng tôi trung thành với nhân dân Campuchia, nhà Vua, và người vợ yêu quý của tôi. Việt Nam không phải là ông chủ của tôi mà tôi phải trung thành với họ”, ông Hun Sen nói. “Nếu cậu là một người Việt Nam sống tại Campuchia, cậu phải tôn trọng pháp luật của Campuchia; nếu cậu đang sống ở Campuchia bất hợp pháp, cậu phải rời khỏi Campuchia; và nếu cậu sống ở Việt Nam, hãy yêu mến các lãnh đạo Việt Nam”.

Những người phản đối vị thủ tướng từ lâu đã công kích các mối quan hệ của Đảng Nhân dân Capuchia (CPP) cầm quyền với Việt Nam, nói rằng Việt Nam, nước đưa quân vào giúp lật đổ chế độ Khmer Đỏ và đưa các thành viên nòng cốt của CPP lên nắm quyền, vẫn còn ảnh hưởng quá nhiều đối với Campuchia.

Tuy nhiên, gần đây Campuchia đã thực hiện một sự chuyển hướng sang Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia, điều theo các nhà phân tích là đã cho phép Hun Sen thoải mái rời xa Hà Nội hơn.

Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Campuchia đã công khai một loạt công hàm ngoại giao gửi Việt Nam, trong đó phản đối việc Việt Nam tiến hành xây dựng trong các khu vực biên giới đang tranh chấp, một chủ đề nhạy cảm đối với nhiều người dân Campuchia.

Phát biểu ngày hôm qua, nhà quan sát chính trị Ou Virak nói những ý kiến gần đây của Hun Sen có vẻ vừa là một nỗ lực giành ủng hộ từ các cử tri có quan điểm chỉ trích Việt Nam, đồng thời là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa một trong những vũ khí tấn công chính của phe đối lập.

“Nhưng câu hỏi là: người dân có tin ông ta không?” Virak đặt câu hỏi, và nói rằng có một khoảng cách giữa các tuyên bố trên truyền thông xã hội và các thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại.

Nhà phân tích khu vực Đông Nam Á, ông Carl Thayer, lại nói rằng dù Việt Nam khó mà hài lòng với Campuchia do các tuyên bố của nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Việt Nam có các tuyên bố chủ quyền đối lập, nhưng Hà Nội lại có một chính sách đối ngoại “phức tạp” cố gắng để cân bằng các lợi ích mâu thuẫn nhau. Việt Nam sẽ không ngạc nhiên bởi mối quan hệ đang phát triển giữa Hun Sen với Trung Quốc.

“Điều đó không có gì mới. Việt Nam hiện không phải thức giấc và bỗng thấy Campuchia áp dụng một chính sách hoàn toàn bất ngờ. . . họ biết rằng họ không thể thay đổi nó “, ông Thayer nói.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]