Tác giả: Tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Hội nghị Trung ương 4 (TW4) khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “Quyết định về một số vấn đề lớn trong việc đẩy mạnh toàn diện dùng pháp luật trị quốc”. Đây là một sự kiện lớn có ý nghĩa sâu xa. “Quyết định” này được mọi người nhiệt tình quan tâm.
Từ Cách mạng Tân Hợi trở đi, người Trung Quốc theo đuổi chế độ xã hội dân chủ không có nền chuyên chế của vua chúa. Nhưng trải qua vô số cuộc đấu tranh và thất bại, lý tưởng tốt đẹp chưa bao giờ được để ý chăm sóc trên mảnh đất khô cằn này. Năm 1949 mới viết chữ “Cộng hòa” vào tên nước mình. Thế nhưng gánh nặng lịch sử trầm trọng mấy nghìn năm vẫn cố chấp quấy rầy chúng ta, chẳng những chưa thực hiện được nhà nước pháp trị mà ngược lại từng có thời rơi vào vực thẳm đáng sợ bất chấp đạo trời phép nước.
Hội nghị TW4 đã có nỗ lực đáng mừng để thoát khỏi gánh nặng lịch sử.
Trước Hội nghị TW4, một số tờ báo có đăng những bài nói về chuyên chính, muốn đưa vấn đề trị nước theo luật pháp vào con đường cũ rích chuyên chính. Mọi người đều biết, lý luận chuyên chính và lý luận pháp trị là hai hệ thống phát ngôn [nguyên văn: thoại ngữ] khác nhau. Lý luận chuyên chính chủ yếu nhằm vào xã hội đối kháng gay gắt. Lý luận pháp trị nhằm vào xã hội xây dựng hòa bình. Lê-nin nói: Chuyên chính cách mạng vô sản là chính quyền không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về pháp luật.
Từ đó có thể thấy trên ý nghĩa nhất định thì chuyên chính là sự phủ định pháp trị. Nhưng nước CHND Trung Hoa đã thành lập được 65 năm, những mối quan hệ xã hội cũ đã bị những mối quan hệ xã hội mới thay thế. Chính quyền nhà nước hiện nay rõ ràng không phải là thứ “chính quyền không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về pháp luật” như Lê-nin nói năm 1918. Đương nhiên vẫn phải dựa vào pháp luật để trừng trị các phần tử phạm tội gây nguy hại cho xã hội, các phần tử tham nhũng dùng quyền lực để mưu lợi riêng. Nhưng đấy không phải là chuyên chính giai cấp, mà là ý nghĩa cần có của pháp trị. Hội nghị TW4 không lấy chuyên chính vô sản làm biện pháp trị nước theo luật pháp, như thế là phù hợp với tình hình Trung Quốc hiện nay.
Trước Hội nghị TW4 tại Trung Quốc từng dấy lên một đợt dư luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhưng Hội nghị TW4 không bị dư luận đó chi phối, không viết đấu tranh giai cấp vào “Quyết định”.
Sau năm 1956, giai cấp trên mặt kinh tế đã bị tiêu diệt; mọi người phỉ nhổ lý luận phân chia giai cấp dựa vào chính trị, và tư tưởng dựa trên lý luận này từng gây ra những hậu quả tai hại. Giờ đây đối tượng của cuộc đấu tranh giai cấp mà những người đó nói là ai vậy? Là những chủ doanh nghiệp dân lập được phát triển trong cải cách hay là những nhà trí thức có suy nghĩ độc lập? Nếu như vậy thì chẳng những là bước thụt lùi về lịch sử mà còn sẽ nhất định gây ra sự rối loạn cực lớn.
Trung Quốc sau cải cách mở cửa đã xuất hiện các tầng lớp xã hội mới. Giữa các tầng lớp khác nhau khó tránh khỏi có mâu thuẫn. Loại mâu thuẫn này không thể dùng phương thức đấu tranh giai cấp để giải quyết, mà chỉ có thể dùng luật pháp để dàn xếp. “Quyết định” của Hội nghị TW4 yêu cầu “kiện toàn chế độ bảo vệ quyền sản nghiệp lấy công bằng làm nguyên tắc cốt lõi, tăng cường bảo vệ quyền tài sản của các tổ chức kinh tế và thể nhân thuộc các loại chế độ sở hữu”. Luật pháp bảo vệ một cách công bằng lợi ích của các tầng lớp xã hội, đồng thời dựa vào pháp luật để tấn công mọi hành vi phi pháp của các nhóm lợi ích gây thiệt hại cho lợi ích của đại chúng nhân dân. Dùng pháp luật để dàn xếp mối quan hệ giữa các tầng lớp là một tiến bộ lớn về ý tưởng trị quốc, là bước tiến lớn hiện đại hóa hệ thống quản trị nhà nước.
Mấy chục năm qua, chúng ta luôn luôn tiến hành đấu tranh giai cấp, thực thi chuyên chính. Truyền thống đó vẫn còn lưu lại một số di tích trong một số văn kiện nào đó. Những di tích này chính là gánh nặng trầm trọng mà lịch sử để lại cho chúng ta. Hội nghị TW4 đã dỡ bỏ những gánh nặng ấy, chứng tỏ dũng khí và tinh thần sáng tạo mới về lý luận của Đảng CSTQ.
Cần nhận thức trên ý nghĩa hiện đại đối với “Dựa pháp luật để trị nước”. Trung Quốc xưa nay chưa bao giờ thiếu luật pháp, từ Luật Đại Tần đến Luật Đại Thanh, đến “Lục pháp toàn thư”, tầng lớp thống trị các đời trước đều thống trị đất nước dựa vào luật pháp do chúng làm ra. Cũng có thể gọi đó là “Dựa pháp luật trị quốc”. Những luật đó đều thể hiện ý chí của kẻ thống trị. Kẻ nắm quyền dựa vào ý chí của chúng để làm ra mọi luật pháp chúng cần, dùng các luật đó để ràng buộc và trừng phạt dân chúng. Kiểu “Dựa pháp luật trị quốc” như thế không phải là pháp trị của xã hội hiện đại, cũng đi ngược lại mục tiêu đẩy mạnh hiện đại hóa quản trị nhà nước do Đại hội Đảng CSTQ 18 đề ra.
Vì nhà nước có quyền lực cực kỳ lớn, trước quyền lực của Chính phủ, bất cứ cá nhân và tổ chức xã hội nào cũng là kẻ yếu. Kẻ yếu cần được bảo vệ. Luật pháp là công cụ kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lợi của các công dân. Pháp trị chẳng những dùng pháp luật để chuẩn hóa hành vi của công dân mà trước hết là dùng pháp luật để ràng buộc quyền lực thống trị. Pháp trị là sự thống trị của pháp lý, chỉ có quyền lực phục tùng pháp luật chứ không có pháp luật phục tùng quyền lực. Pháp luật cao hơn ý chí của tất cả mọi người, dĩ nhiên kể cả ý chí của kẻ thống trị. Kể từ Đại hội 12 Đảng CSTQ trở đi, Điều lệ Đảng đều có quy định: “Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật”. Quy định này là sự thể hiện nguyên tắc “Không có quyền lực cao trên pháp luật”.
“Quyết định” của Hội nghị TW4 chỉ rõ: “Kiên trì dựa trên pháp luật để trị quốc trước tiên phải dựa trên Hiến pháp để trị quốc; kiên trì dựa trên pháp luật để nắm quyền trước tiên phải dựa trên Hiến pháp để nắm quyền. Yêu cầu “Các dân tộc trong cả nước, toàn bộ các cơ quan nhà nước và các lực lượng vũ trang, các chính đảng và các đoàn thể xã hội, các tổ chức sự nghiệp doanh nghiệp đều phải lấy Hiến pháp làm chuẩn tắc hoạt động căn bản, và phải có chức trách bảo vệ sự tôn nghiêm của Hiến pháp, bảo đảm thực thi Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều phải bị truy cứu và sửa chữa.”
Nếu yêu cầu nói trên được thực hiện thì đó sẽ là một tiến bộ lớn trong đời sống chính trị ở nước ta.
Khi đối chiếu “Hiến pháp 1982” với hiện thực thì sẽ phát hiện thấy các chế độ, chính sách, pháp lệnh hiện hành của nước ta cũng như rất nhiều hành vi của chính quyền còn có khoảng cách rất lớn với quy định của Hiến pháp. Hiến pháp là Luật cơ bản của nhà nước, là Tổng chương trình trị quốc an dân. Hiến pháp lập ra rồi không thực hiện trong một thời gian dài, đây là điều bậy bạ đến chừng nào! Căn cứ theo “Quyết định” của Hội nghị TW4, biến Hiến pháp bị bỏ xó đã thành hệ thống luật pháp thực sự, hệ thống chế độ thực sự; thay đổi tất cả mọi chế độ, chính sách và pháp lệnh vi phạm Hiến pháp, làm cho chúng nhất trí với Hiến pháp – đây là việc lớn hiện thực nhất, cấp bách nhất.
Nhiều năm nay tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu luôn luôn khuyến khích và kêu gọi thực hiện Hiến pháp, vì thế mà đã phải chịu sức ép nặng nề. Tinh thần “Quyết định” của Hội nghị TW4 là nguyện vọng bức thiết nhiều năm nay của chúng tôi. Tạp chí sẽ không phụ lòng mong mỏi của công chúng, tiếp tục gào thét vì dân chủ và pháp trị.
Nguồn: 向法治中国迈进 炎黄春秋杂志 2015年第1期
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]