Nhìn lại các bài học từ Chiến tranh Iraq

Print Friendly, PDF & Email

iraqw

Nguồn: Richard N. Haass, “Revisiting the Iraq war”, Project Syndicate, 08/7/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bảy năm, 12 tập các chứng cứ, phát hiện, và kết luận, và sau đó là một bản tóm tắt, Báo cáo điều tra Iraq, hay còn gọi là Báo cáo Chilcot (đặt theo tên của người đứng đầu nhóm nghiên cứu, ngài John Chilcot), hiện đã được công bố cho tất cả mọi người cùng đọc. Rất ít người sẽ đọc hết toàn bộ báo cáo này, chỉ riêng bản tóm tắt đã hơn 100 trang, quá dài đến nỗi người ta đã đề nghị cần có bản tóm tắt cho riêng bản tóm tắt đó.

Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu báo cáo này không được đọc rộng rãi, và quan trọng hơn là nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi vì nó chứa đựng các phân tích sâu sắc về việc các hoạt động ngoại giao được tiến hành như thế nào, cách người ta làm chính sách và đưa ra các quyết định ra sao. Báo cáo cũng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của quyết định xâm lược Iraq năm 2013, và các hậu quả của nó, trong việc hiểu được tình hình Trung Đông ngày nay.

Chủ đề trung tâm của báo cáo này chính là lập luận rằng Cuộc chiến tranh Iraq không cần thiết phải diễn ra, và chắc chắn là như vậy vào thời điểm 2003. Quyết định đi đến chiến tranh với Iraq một phần dựa trên các thông tin tình báo sai lệch. Tối đa thì Iraq mới chỉ là một đe dọa đang hình thành, không phải là hiểm họa tức thời. Các biện pháp thay thế cho việc sử dụng lực lượng quân sự, như tăng cường khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan trong việc thực thi và ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm gây sức ép lên Saddam Hussein, chỉ được xem xét một cách hời hợt. Hoạt động ngoại giao đã bị bỏ qua.

Vấn đề càng tệ hơn khi cuộc chiến được tiến hành khi chưa có đầy đủ kế hoạch và các chuẩn bị cho giai đoạn hậu chiến. Như báo cáo này đã chỉ ra, nhiều quan chức trong chính phủ Anh và Hoa Kỳ đã dự đoán rằng tình trạng hỗn loạn sẽ bùng lên nếu “gọng kìm sắt” của Saddam được dỡ bỏ. Quyết định giải tán quân đội Iraq và cấm tất cả các thành viên Đảng Ba’ath của Saddam (thay vì chỉ cấm một vài lãnh đạo của đảng) tham gia vào chính phủ kế nhiệm là một sai lầm rất lớn. Iraq không chỉ là một cuộc chiến của sự lựa chọn (tùy tiện), đó còn là một chính sách được cố vấn sai lầm và thực hiện yếu kém.

Phần lớn báo cáo chú trọng vào các tính toán của Anh và sự ủng hộ của Thủ tướng Tony Blair thời đó đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Quyết định liên kết Anh với Hoa Kỳ là một lựa chọn chiến lược khả dĩ đối với một quốc gia nhỏ hơn mà ảnh hưởng của nó phần nhiều đến từ mối quan hệ song phương gần gũi của họ với Hoa Kỳ. Điều chính phủ Tony Blair đã sai lầm là đã không thúc ép để có được nhiều ảnh hưởng lên các chính sách (của Hoa Kỳ) nhằm đổi lại các ủng hộ của mình đối với Washington. Chính quyền George W.Bush có thể sẽ phản đối các nỗ lực như vậy, nhưng khi đó Chính phủ Anh sẽ có cớ để rút ra khỏi chính sách mà nhiều người tin rằng không thể thành công.

Nhiều bài học cần được rút ra từ cuộc chiến tranh Iraq. Thứ nhất, bởi vì các giả định tác động lên điều mà các nhà phân tích sẽ nhận thấy khi họ nhìn vào các thông tin tình báo, các giả định sai có thể dẫn tới các chính sách sai lầm nguy hiểm. Hầu hết mọi người giả định rằng việc Saddam không chấp hành theo các thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc bắt nguồn từ thực tế là ông ta đang giấu giếm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trên thực tế, Saddam lại đang che giấu sự thật là ông ta không có những vũ khí như vậy.

Tương tự như vậy, trước khi bắt đầu cuộc chiến, nhiều nhà hoạch định chính sách tin rằng dân chủ sẽ trỗi dậy nhanh chóng một khi Saddam ra đi. Việc đảm bảo rằng các giả định cơ bản và có thể gây hậu quả nghiêm trọng đó phải được kiểm tra bởi các “quân đỏ” – tức những người không ủng hộ chính sách đó – nên được xem là quy trình đánh giá chuẩn.

Cũng có một thực tế là việc lật đổ các chính phủ là vô cùng khó khăn nhưng cũng không khó bằng việc tạo dựng an ninh mà chính phủ mới cần để củng cố chính quyền và có được tính chính đáng trong mắt công chúng. Xây dựng dân chủ trong một xã hội thiếu hầu hết các tiền đề cơ bản là nhiệm vụ kéo dài hàng thập kỷ, không phải vài tháng.

Báo cáo nói rất ít về di sản của cuộc Chiến tranh Iraq, nhưng đó là điều quan trọng cần xem xét. Đầu tiên, cuộc chiến đã phá hỏng thế cân bằng sức mạnh trong khu vực. Không còn vị thế để làm sao lãng và cân bằng lại với Iran, Iraq thay vào đó lại bị chính Iran ảnh hưởng. Iran không chỉ được tự do phát triển một chương trình hạt nhân hiệu quả, mà còn can thiệp trực tiếp và thông qua các chân rết ở một số quốc gia. Các cuộc chiến tranh phe phái đã đầu độc quan hệ giữa dòng Hồi giáo Sunnis và Shia trên khắp khu vực. Sự oán hận từ các binh lính và quan chức của lực lượng quân đội bị giải tán của Saddam đã tiếp lửa cho các cuộc nổi dậy của dòng Sunni và cuối cùng dẫn tới sự ra đời của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cuộc chiến có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với Iraq và Trung Đông, mà còn với Anh và Hoa Kỳ. Việc bỏ phiếu của Nghị viện Anh năm 2013 chống lại việc tham gia vào bất cứ nỗ lực quân sự nào để trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì đã làm ngơ các cảnh báo rõ ràng về việc không được sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở đất nước này chắc chắn có liên quan với quan điểm rằng can thiệp quân sự tại Iraq là sai lầm. Cũng có khả năng là sự thiếu tin cậy đối với giới chóp bu vốn khiến phần lớn người dân bỏ phiếu ủng hộ phong trào “Brexit” cũng xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Iraq.

Cuộc chiến Iraq và hậu quả của nó cũng đã ảnh hưởng tới suy nghĩ của chính quyền Tổng thống Barack Obama, vốn giờ chán ngấy các cuộc phiêu lưu quân sự mới tại Trung Đông vào thời điểm mà nhiều người Mỹ đang chịu đựng hội chứng “mệt mỏi vì can thiệp [ở nước ngoài]”.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là các bài học đó được học quá mức cần thiết. Bài học từ cuộc chiến Iraq không phải là tất cả các can thiệp quân sự vào Trung Đông hoặc bất kỳ nơi nào khác cần phải được né tránh, mà là việc can thiệp chỉ nên tiến hành khi có được chiến lược hiện hữu tốt nhất và khi các kết quả có thể biện minh được cho các tổn thất bỏ ra. Libya là trường hợp can thiệp gần đây vi phạm nguyên tắc này; nhưng Syria sẽ còn gây phí tổn thậm chí lớn hơn, tuy nhiên trong trường hợp này đó là vì các nước đã không can thiệp.

Cuộc chiến tranh Iraq đã đủ tai hại kể cả khi người ta không rút ra các bài học sai lầm từ nó [tức không còn dám tiến hành các cuộc can thiệp nữa – NBT]. Đó rốt cuộc sẽ là một nghịch lý– và càng làm trầm trọng thêm thảm kịch này.

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush ở Bắc Ireland, và Điều phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Revisiting the Iraq war
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]