Đằng sau viện trợ nước ngoài của Nhật Bản

japanaid

Nguồn: Purnendra Jain, “Japanese foreign aid: what’s in it for Japan?“, East Asia Forum, 21/07/2016.

Biên dịch: Vũ Hiền

Viện trợ nước ngoài là một công cụ can dự quốc tế quan trọng trong bộ công cụ chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Mặc dù Tokyo không còn là nhà tài trợ hàng đầu thế giới như những năm 1990, nhưng nước này vẫn đứng thứ tư thế giới vào năm 2015 với ngân sách viện trợ hàng năm gần 10 tỷ USD.

Không chỉ quy mô ngân sách viện trợ thay đổi mà cách suy nghĩ của Tokyo sau viện trợ nước ngoài cũng đã thay đổi. Trong những năm 1980, khi đó Nhật Bản trở thành một siêu cường về viện trợ, thì cũng là lúc những lời phê bình xuất hiện ở cả trong và ngoài nước về bản chất viện trợ “kiểu con buôn” của nước này. Tiền thường chảy vào tài khoản cá nhân của các nhà lãnh đạo chính trị tham nhũng ở châu Á và các dự án gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường.

Để đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đã ban hành Điều lệ viện trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tiên vào năm 1992 và sau đó sửa đổi vào năm 2003. Một cách tiếp cận mới đối với viện trợ có thể được nhìn thấy trong Điều lệ hợp tác phát triển hiện nay của Nhật Bản, được công bố vào năm 2015. Mặc dù điều lệ mới duy trì một số khía cạnh quan trọng của những điều lệ trước đây, chẳng hạn như an ninh con người, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và phúc lợi của phụ nữ, nó còn đưa ra một số chương trình nghị sự mới và gây nhiều tranh cãi như là một phần của chương trình viện trợ. Trong khi những điều lệ trước đó ghi rõ những hoạt động liên quan quốc phòng và quân sự nằm ngoài khu vực viện trợ, sự nhiệt tình của Chính quyền Abe trong khái niệm “đóng góp tích cực cho hòa bình” đã mở ra những khả năng mới, bao gồm cả việc sử dụng ngân sách viện trợ cho các mục đích quân sự phi chiến đấu.

Nhật Bản gần đây đã cung cấp các tàu tuần tra biển cho Việt Nam và Philippines. Định hướng chiến lược của các gói viện trợ này là rất rõ ràng: cả Việt Nam và Philippines đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và đang lo ngại trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với việc sử dụng ngân sách viện trợ, Nhật Bản hiện nay cũng cung cấp các cơ hội giáo dục cho quân nhân của các quốc gia Đông Nam Á thông qua các tổ chức giáo dục của Nhật Bản. Những quân nhân ở “độ chín” của sự nghiệp sẽ dành một khoảng thời gian kéo dài trong các tổ chức giáo dục được chỉ định của Nhật Bản để học lịch sử, chính trị, ngoại giao và quan hệ quốc tế. Việc hiểu biết tốt về lịch sử và quan hệ quốc tế sẽ giúp quân nhân đánh giá cao những lợi ích của hòa bình và hậu quả thảm khốc của chiến tranh.

Việc Nhật Bản tập trung trở lại vào các nước Đông Nam Á cũng có thể được ghi nhận qua Sách Trắng mới nhất về ODA, được công bố vào tháng 4/2016. Trong bối cảnh quan hệ bế tắc của Nhật Bản với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và những tuyên bố chủ quyền phi lý cũng như hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy khái niệm tự do hàng hải của các tuyến đường biển và phát triển mạng lưới các quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực. Để đạt được mục tiêu pháp trị, an ninh hàng hải, các biện pháp xây dựng hòa bình và an ninh mạng, Sách Trắng của Nhật Bản đã coi các quốc gia Đông Nam Á như là các đối tác quan trọng. Mặc dù việc xây dựng mạng lưới các quốc gia có cùng chí hướng là không có gì bất thường trong lịch sử chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau chiến tranh, những điều đáng chú ý ở đây là việc Nhật Bản sử dụng ngân sách viện trợ cho các hoạt động quân sự mở rộng, cho dù những khoản viện trợ này không nhằm trực tiếp cho mục đích chiến đấu.

Việc sử dụng viện trợ để thúc đẩy lợi ích quốc gia là một sự thay đổi chính sách quan trọng trong các mục tiêu ODA của Nhật Bản. Trong khi lợi ích quốc gia ngầm hướng dẫn chính sách viện trợ của Nhật Bản trong quá khứ, đây là lần đầu tiên nó được nêu rõ ràng trong một tài liệu của chính phủ và được Bộ Ngoại giao cũng như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bảo vệ. Vì vậy, tiền viện trợ của Nhật Bản không chỉ liên quan đến sự đóng góp cho hòa bình toàn cầu mà còn ngày càng gắn liền với khái niệm về “sự thịnh vượng của người dân Nhật Bản”.

Một phương tiện tạo ra sự thịnh vượng là thông qua liên kết doanh nghiệp và các nhà thầu Nhật Bản với các dự án viện trợ của nước này. Lợi ích thương mại rõ ràng ban đầu đã trở nên nổi bật trong các mục tiêu chính sách viện trợ nhằm giải quyết sự suy thoái kinh tế dài hạn của Nhật Bản, trong khi các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh có lợi nhuận ở nước ngoài. Với việc Nhật Bản nhấn mạnh vào “chất lượng cơ sở hạ tầng”, “chất lượng tăng trưởng” và “chất lượng hợp tác”, tiền viện trợ giờ đây ngày càng liên quan đến công nghệ, thiết kế và xây dựng của Nhật Bản. Mặc dù chi tiết chưa được công khai, Chính quyền Abe đã thực hiện một cam kết mới với Ấn Độ để xây dựng tàu cao tốc chạy từ trung tâm tài chính của Ấn Độ, Mumbai, tới thành phố cảng thương mại Ahmedabad, bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi. Dự án lớn này, ước tính trị giá ban đầu gần 15 tỷ USD, sẽ được tài trợ chủ yếu thông qua ngân sách ODA của Nhật Bản.

Các cam kết ODA lớn trong những năm gần đây cho các nước như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng đem lại những cơ hội kinh doanh đáng kể cho các công ty Nhật Bản. Những nước này chiếm khoảng 1/3 tổng số ngân sách ODA của Nhật Bản. Với những năm đầu trong chương trình viện trợ của Nhật Bản, những dự án viện trợ lớn sẽ giúp cho các công ty Nhật Bản thâm nhập vào các thị trường mới nổi, nơi những triển vọng tăng trưởng kinh tế và mở rộng thị trường là rất lớn. Trong khi Nhật Bản xác định lại định hướng viện trợ để phục vụ cho các lợi ích quốc gia và địa chiến lược của mình, phần lớn là do những thay đổi trước môi trường địa chiến lược toàn cầu trong bối cảnh sự nổi lên của Trung Quốc, Tokyo vẫn cam kết mạnh mẽ với triết lý viện trợ thông thường. Nước này vẫn đặt các nguồn lực tài chính và nhân lực đáng kể vào các vấn đề xã hội và nhân đạo mà các xã hội đang phát triển ở châu Á, châu Phi và các nơi khác đang phải đối mặt.

Tóm lại, Nhật Bản đã hết lòng tham gia chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG) và tự hào về vai trò của mình trong việc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện các tiêu chuẩn y tế ở những nước đang phát triển. Tokyo giờ đây cũng ủng hộ mạnh mẽ chương trình nghị sự về Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, trong đó “phủ sóng” các vấn đề toàn cầu lớn hơn và rộng hơn so với MDG đã làm./.

Tác giả là Giáo sư Purnendra Jain thuộc Khoa nghiên cứu châu Á, Đại học Adelaide, và là cựu chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu châu Á của Úc.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]