Tại sao Việt Nam triển khai bệ phóng rocket ở Trường Sa?

tsa

Nguồn: Le Hong Hiep, “Understanding Vietnam’s rocket launcher deployment in the Spratlys”, The Straits Times, 17/08/2016.

Tuần trước, truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi rằng Việt Nam đã âm thầm triển khai một số lượng không rõ các bệ phóng rocket EXTRA trên năm thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Các hệ thống rocket di động tối tân này được cho là có khả năng bắn tới các đường băng và cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo lân cận được Trung Quốc xây dựng gần đây.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ những thông tin trên là “không chính xác”, nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố vào tháng Sáu năm nay rằng Hà Nội có quyền triển khai các vũ khí như vậy nhằm mục đích tự vệ.

Diễn tiến này đã chứng minh cho thực tế rằng nhiệt độ ở Biển Đông đang tăng lên, và các quốc gia tham gia tranh chấp có nguy cơ bị đẩy vào tình trạng leo thang quân sự, điều cuối cùng có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực.

Tuy vậy, việc triển khai các bệ phóng rocket của Việt Nam không phải là một bất ngờ. Thay vào đó, nó là một diễn tiến logic nếu xét đến quỹ đạo gần đây của tình hình tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, để bảo vệ tốt hơn lợi ích của mình ở Biển Đông, Việt Nam đã theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân sự trong một thời gian. Ví dụ, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, tổng số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699 phần trăm so với giai đoạn 2006-2010, đưa Việt Nam thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới trong cùng thời gian. Hầu hết các loại vũ khí và trang thiết bị mới đều liên quan đến các năng lực trên biển.

Các bệ phóng tên lửa EXTRA mà Việt Nam triển khai tới quần đảo Trường Sa được cho là được nhập khẩu từ Israel, một trong những đối tác quốc phòng mới nổi của Việt Nam. Chúng góp phần vào nỗ lực của Hà Nội nhằm xây dựng một mức độ răn đe khả tín chống lại các cuộc tấn công có thể có vào các thực thể trong quần đảo Trường Sa hiện đang do Việt Nam kiểm soát.

Theo nghĩa đó, tin tức trên không nhất thiết phải là một điều xấu đối với Việt Nam. Để đảm bảo răn đe có hiệu quả, ngoài việc phát triển các khả năng áp đặt chi phí một cách đáng tin cậy, người ta cũng cần làm cho đối thủ mà mình muốn răn đe biết được điều đó. Do đó, việc triển khai các bệ phóng tên lửa được báo chí đề cập có thể giúp Hà Nội truyền đạt một thông điệp, đặc biệt là tới Bắc Kinh, không chỉ về các năng lực sẵn có của Việt Nam, mà còn về quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông.

Thứ hai, từ quan điểm của Hà Nội, việc triển khai các bệ phóng không phải là một động thái khiêu khích hoặc leo thang. Thay vào đó, nó được xem như một phản ứng tự vệ cần thiết để chống lại các mối đe dọa mới được thiết lập bởi Bắc Kinh ở Biển Đông. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vị trí cách bờ biển miền Trung Việt Nam 119 hải lý, hay việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, đã mạnh mẽ đánh động Việt Nam về ý đồ chiến lược của Trung Quốc cũng như khả năng dễ bị tổn thương của Việt Nam ở Biển Đông. Do đó, các phản ứng mạnh mẽ nhưng được tính toán kỹ lưỡng là cần thiết để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Việt Nam ở đó.

Trong khi không ai biết thời gian chính xác của việc triển khai các bệ phóng nêu trên, nó có thể đã diễn ra trước khi các tin tức được loan báo tuần trước khá lâu. Thật vậy, một số nguồn tin cho rằng Hà Nội có thể đã bắt đầu xem xét việc triển khai này từ tháng Năm năm ngoái, khi xuất hiện những báo cáo về việc Trung Quốc triển khai các xe tên lửa di động trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng. Dù là trường hợp nào đi nữa, mức gia tăng nhận thức các mối đe dọa xuất phát từ sự quân sự hóa các đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc rõ ràng đã khuyến khích Hà Nội đưa ra một phản ứng mạnh mẽ hơn.

Từ góc nhìn lịch sử, việc triển khai các dàn phóng rocket nêu trên phản ánh mẫu hình truyền thống trong cách Việt Nam ứng xử với Trung Quốc, trong đó kết hợp giữa sự tôn trọng và thách thức.

Là bên nhỏ hơn trong mối quan hệ, Việt Nam luôn mong muốn duy trì quan hệ hòa bình và ổn định với Bắc Kinh. Trong thời kỳ tiền hiện đại, Việt Nam đã sẵn sàng thể hiện sự tôn trọng Trung Quốc bằng cách tham gia vào hệ thống triều cống của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc nhiều lần khác nhau khi chủ quyền, quyền tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị xâm phạm.

Trong những thập niên gần đây, tổng thể quan hệ Việt -Trung đã được cải thiện đáng kể, nhưng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông tiếp tục là một thách thức lớn cho cả hai nước. Tuy nhiên, mức độ giao lưu kinh tế song phương chưa từng có đã giúp giữ hai nước khỏi xung đột với nhau.

Cụ thể, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng một phần năm tổng giá trị thương mại hàng năm của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ chín tại Việt Nam. Vì vậy, trong khi Việt Nam có xu hướng hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích trên biển của mình, Việt Nam cũng không muốn để cho các tranh chấp ở Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang, điều sẽ phá hủy những lợi ích rộng lớn hơn mà các mối quan hệ với Trung Quốc mang lại.

Vì vậy, việc triển khai các bệ phóng tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn của các biến đổi gần đây trong tranh chấp Biển Đông, cũng như cách ứng xử truyền thống của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Động thái này, chủ yếu nhằm mục đích phòng vệ, không nên khiến các nước trong khu vực quan ngại. Chắc chắn rằng xung đột quân sự với một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều là điều cuối cùng mà Việt Nam muốn vấp phải.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]