Tác giả: Nguyễn Hữu Tráng
Theo một tài liệu nghiên cứu mới đây của Công ty tư vấn E&Y thì bức tranh về việc người Trung Quốc mua hoặc tham gia cổ đông vào các doanh nghiệp Đức nghiêm trọng hơn hình dung của nhiều người.
Năm 2016 người Trung Quốc chi 111 tỷ đô la để mua các doanh nghiệp của Mỹ và Châu Âu. Từ tháng một đến tháng sáu năm nay họ đã mua hoặc tham gia 27 doanh nghiệp Đức, trong khi cả năm ngoái chỉ là 39. Năm 2015 họ chi 526 triệu đô la, sáu tháng đầu năm nay đã lên đến 10,8 tỷ đô la.
Trung Quốc mua tất cả những cái gì có thể mua được, gồm cả những doanh nghiệp làm ăn thất bát họ mua, rồi đầu tư và khi làm ăn có lãi thì bán với giá cao hơn nhiều. Bên cạnh đó họ cũng nhắm vào những doanh nghiệp đã đăng ký trên sàn chứng khoán và đang hoạt động tốt, đặc biệt “ưu tiên” vào những ngành công nghệ cao.
Theo suy nghĩ của người Trung Quốc, Đức là địa chỉ ưu tiên hàng đầu vì có nền kinh tế mạnh và hấp dẫn nhất châu Âu, hàng hóa “Made in Germany” được đánh giá cao trên thế giới, lao động Đức có chất lượng cao, chăm chỉ, được đào tạo tốt và ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công, nói tiếng Anh tốt. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đánh giá cao chất lượng của công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng của Đức.
Vì sao lại có “làn sóng” lớn như vậy từ Trung Quốc? Có hai nguyên nhân chính đáng chú ý :
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc cho đến nay phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp nặng, công nghiệp gia công chế biến; sản phẩm của Trung Quốc bị coi là chất lượng thấp và ít giá trị cạnh tranh. Chiến lược mới của Chính phủ Trung Quốc thời gian tới là khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc ra nước ngoài, tham gia hoặc mua đứt những doanh nghiệp công nghệ cao mà Trung Quốc đang cần. Chiến lược này gọi là “Going out”. Chính phủ hỗ trợ hoặc đứng đằng sau các vụ dàn xếp này. Vì thế nên mới có chuyện họ chuyển tiền mặt số lượng cực lớn ra nước ngoài, khi đấu giá thường đưa ra cái giá “trên trời” và thông thường cao hơn 20% so với các đối tác khác.
Thứ hai, thời gian qua số lượng triệu phú, tỷ phú đô la ở Trung Quốc tăng chóng mặt. Nhưng bản thân những người này lại lo sợ một ngày nào đó kinh tế tụt dốc và Chính phủ không có khả năng chống đỡ, hay họ trở thành nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng hiện nay. Theo Viện Tài chính Quốc tế của Mỹ thì hiện tượng này góp phần vào làn sóng vốn tư bản từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài. Viện này dự đoán riêng năm 2015, 606 tỷ đô la đã được chuyển ra nước ngoài, gấp 7 lần so với 2014. Riêng tháng 1/2016 con số đã lên đến 100 tỷ đô la.
Còn ngân hàng Barclay đã tiến hành khảo sát và kết quả cho thấy trong 5 năm tới khoảng một nửa số triệu phú đô la của Trung Quốc sẽ rời đất nước.
Còn diễn đàn môi giới bất động sản ở Thượng Hải Juwai.com cho biết, lần đầu tiên trong danh sách địa chỉ mà người Trung Quốc muốn hướng tới, Berlin được đánh giá là thành phố yêu thích nhất của họ.
Nói vậy nhưng việc mua bán với người Trung Quốc không hề đơn giản.
Vụ việc “đình đám” nhất hiện nay là thương vụ mua sân bay Hahn (gần Frankfurt, nhưng thuộc bang Rheinland-Pfalz).
Một doanh nhân Trung Quốc đến gặp giới chức bang này và được giới thiệu sân bay Hahn đang làm ăn thất bát. Người này đồng ý mua ngay với giá nhiều chục triệu euro và vẽ ra tương lai sáng lạn cho khu vực này. Hợp đồng mua bán được ký, nhưng rồi tiền không được chuyển đúng hạn. Tìm trên mạng cũng không thấy có Công ty nào là Shanghai Yiqian Trading (SYT) buộc ông Randolf Stich, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ bang này tuần trước phải đích thân lặn lội sang Thượng Hải để tìm gặp đối tác, nhưng không tìm thấy họ ở đó. Vụ mua bán này bị đổ bể và người ta mới than rằng “Sự ngây thơ của một số chính trị gia thật đáng giật mình”. Họ bị đối tác Trung Quốc mê hoặc, không hề kiểm tra nguồn gốc hay khả năng tài chính của đối tác ngay cả đối với một dự án bất động sản lớn như sân bay.
Mà không phải chỉ sân bay Hahn.
Năm 2007, Công ty Pang Linkglobal Logistic mua sân bay nhỏ ở Đông Đức vốn trước là sân bay quân sự Parchim và muốn biến sân bay vùng quê này thành Parchim International Aiport với viễn cảnh mà ông chủ Jonathan Pang vẽ ra: có thể đến mười triệu việc làm sẽ được tạo ra ở đây, rồi các khu mua sắm, chung cư mọc lên; nơi đây sẽ xuất hiện cả một thành phố lớn.
Số tiền 30 triệu euro đến nay công ty vẫn chưa chuyển trả đủ.
Ngày 14 tháng 7 bà Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz Malu Dreyer mặc dù đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Nghị viên bang, nhưng dư âm đắng của vụ mua bán sân bay Hahn chắc không bao giờ bà và các quan chức bang này có thể quên mỗi khi có một người khách Trung Quốc đến để làm ăn hay mua bán.
Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin (1982), Thạc sĩ luật tại Đại học Tổng hợp Ruprecht- Karls, Heidelberg, CHLB Đức (1990), nguyên là Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (2011-15) và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (2007-11).
Bài viết được đăng lần đầu trên blog cá nhân của tác giả.
Hình: Công ty Midea của Trung Quốc đang tìm cách mua 49% cổ phần hãng sản xuất robot Kuka của Đức.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]