Tác động của TPP tới vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á

Print Friendly, PDF & Email

TPP+Logo

Tác giả: Trần Thị Bảo Hương

Tóm tắt: Toàn cầu hóa và hội nhập là hai xu thế phát triển song song của thời đại trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Một loạt các cơ chế hợp tác trên cơ sở lấy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung tâm là biểu hiện cụ thể của hội nhập khu vực ở Đông Á. Do đặc thù riêng, hơn 15 năm qua,ASEAN luôn đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình hợp tác khu vực. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều yếu tố, vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực ngày càng suy giảm. Trong những năm gần đây, dưới nỗ lực thúc đẩy của Hoa Kỳ, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phát triển tương đối nhanh và mạnh, đồng thời có xu thế áp đảo các khuôn khổ hợp tác kinh tế hiện có trong khu vực do ASEAN khởi xướng, do đó trở thành một biến số mới khá quan trọng đối với vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á. Bài viết này chủ yếu phân tích ảnh hưởng của TPP đối với vai trò chủ đạo của ASEAN trong tiến trình hợp tác khu vực Đông Á.

Toàn cầu hóa và hội nhập được xem như là hai xu thế phát triển song song của thời đại trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Một loạt các cơ chế hợp tác trên cơ sở lấy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung tâm là biểu hiện cụ thể của hội nhập khu vực ở Đông Á, trong đó ASEAN+3 (APT) là cơ chế hợp tác chủ yếu.[1] Trong tiến trình hợp tác khu vực này, ASEAN luôn giữ vị trí trung tâm và phát huy vai trò chủ đạo.

1. Vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực Đông Á

Giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tiến trình hợp tác khu vực Đông Á và cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á năm 1997 có một mối liên hệ tương đối mật thiết. Năm 2012 là năm đánh dấu 45 năm thành lập ASEAN, 15 năm kể từ ngày diễn ra cuộc cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á và 15 năm từ ngày hợp tác khu vực Đông Á bắt đầu chính thức khởi động. ASEAN là tổ chức tiến hành hội nhập sớm nhất trong khu vực và chính việc hội nhập của ASEAN đã mở ra tiến trình xây dựng cộng đồng Đông Á. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 lại là chất xúc tác quan trọng cho hợp tác khu vực Đông Á. Từ tiến trình hợp tác khu vực Đông Á đến tiến trình xây dựng Cộng đồng Đông Á đều không thể tách rời ASEAN.

Xuất phát từ nhu cầu phát triển , đặc biệt là dưới áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nhận thấy tầm quan trọng của việc mở rộng quy mô hợp tác trong toàn khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã khởi xướng, tích cực thúc đẩy hợp tác Đông Á, đồng thời trở thành lực lượng chủ đạo của tiến trình hợp tác ở khu vực này. Vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực không những thể hiện ở chỗ ASEAN là người khởi xướng, sáng lập và thúc đẩy hợp tác mà còn thể hiện ở chỗ ASEAN đã hoàn toàn nắm vững, chi phối tiến trình, nội dung và nguyên tắc hợp tác khu vực.

Trước tiên, xét từ góc độ tiến trình, ASEAN từ đầu đến hiện tại luôn là “nước chủ nhà” trong hợp tác khu vực Đông Á. Từ lúc bắt đầu khởi động năm 1997 đến nay, các cuộc hội đàm ASEAN+1 và ASEAN+3 được tổ chức hàng năm đều do một trong mười nước ASEAN tổ chức, các thành viên tham gia chương trình hội đàm cũng do ASEAN quyết định, hội đàm được tổ chức tại nước giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, do Chủ tịch luân phiên ASEAN chủ trì. Từ năm 2005, việc ASEAN chủ đạo tiến trình hợp tác Đông Á đã được thể chế hoá[2] và được các nước Đông Á, đặc biệt là các nước Đông Bắc Á –Trung, Nhật, Hàn chính thức thừa nhận thông qua các tuyên bố chung sau hội nghị.

Thứ hai, xét về nội dung hợp tác, hợp tác Đông Á từ lúc bắt đầu khởi động đến nay đều lấy ASEAN làm trung tâm, triển khai hợp tác quanh trục ASEAN và chủ yếu phục vụ ASEAN. Các lĩnh vực hợp tác đa phần do ASEAN xác định, được ASEAN triển khai và phục vụ nhu cầu của ASEAN. Các nước đối tác tương đối thụ động, trong quá trình hợp tác tuy có thể đưa ra kiến nghị, đề xuất, nhưng những kiến nghị đó có được triển khai thực hiện hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của ASEAN.

Thứ ba, trên phương diện quy tắc hợp tác, vai trò chủ đạo của ASEAN cũng thể hiện rất rõ: Các cơ chế hợp tác do ASEAN đưa ra về thực chất đều là sự tiếp nối  của cấu trúc “ASEAN+N”; “Con đường ASEAN” (ASEAN Way) đã trở thành quy tắc hợp tác chung cho khu vực, “Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á” (TAC) cũng trở thành một trong những hạng mục hợp tác quan trọng trong khu vực Đông Á, thậm chí là cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả các điều này trên thực tế đều lấy ASEAN làm cơ sở, giúp ASEAN có thể kiểm soát, làm chủ các nguyên tắc và cơ chế hợp tác, biến ASEAN trở thành “trung tâm”, “cốt lõi”[3] của hợp tác khu vực Đông Á.

Các quốc gia Đông Nam Á có lịch sử tương đồng, có ưu thế về địa chính trị, xuất phát từ nhu cầu  thực tiễn đã tự nguyện đồng tâm hiệp lực, cùng nhau trên một con thuyền, hướng tới hội nhập, trước hết là để làm chủ vận mệnh, bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc, tiếp theo là nhằm phát huy vai trò lớn hơn, tiến tới dẫn đầu toàn bộ quá trình hợp tác khu vực. ASEAN không chỉ dẫn đầu tiến trình, nội dung hợp tác mà còn làm chủ nguyên tắc hợp tác trong khu vực Đông Á.

Lý do ASEAN có thể phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực là nhờ, một mặt, các quốc gia này có lợi thế về lịch sử và địa lý (địa chính trị), lại có kinh nghiệm hợp tác lâu năm, phong phú, đạt được nhiều thành tựu hợp tác to lớn; mặt khác, do hiện trạng khu vực chưa hình thành được cơ chế phối hợp giữa các nước lớn, nhờ vậy ASEAN mới có thể triển khai thành công chiến lược cân bằng nước lớn, giúp ASEAN ngày càng có vị thế cao trên trường quốc tế và đóng vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực. Vì thế, việc ASEAN giữ vai trò chủ đạo trong hợp tác Đông Á vừa xuất phát từ nhu cầu tất yếu của lịch sử, vừa là di sản được hình thành từ thực trạng quan hệ quốc tế khu vực.

Dưới sự khởi xướng và thúc đẩy tích cực của ASEAN, theo đà hội nhập nội khối ASEAN, hợp tác Đông Á cũng ngày càng phát triển, tăng cường sự gắn kết khu vực trên tinh thần bình đẳng, cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa, xây dựng một khu vực thịnh vượng, hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế quốc tế của các nước Đông Á nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung.

2. Ảnh hưởng của TPP đối với vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực Đông Á

ASEAN không chỉ sáng lập và tích cực thúc đẩy hợp tác Đông Á mà còn nắm giữ vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực. Tuy nhiên, hiện trạng hợp tác khu vực tại Đông Á tương đối phức tạp, cơ chế hợp tác đa dạng, thậm chí chồng chéo nhau, nhưng quy chế hợp tác lỏng lẻo, thêm vào đó là vấn đề cạnh tranh về quyền lãnh đạo khu vực của các nước lớn cũng như năng lực lãnh đạo của bản thân ASEAN gần đây giảm đi đáng kể… là những lý do khiến ASEAN gặp nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo hợp tác khu vực, thậm chí vai trò lãnh đạo bị suy yếu dần. Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời như là một biến số mới khiến vai trò chủ đạo của ASEAN gặp càng nhiều khó khăn, thách thức.

Đề xuất Tự do hóa sớm tự nguyện theo ngành (EVSL) và Mục tiêu Bogor của APEC không thành công, các nước không đạt được đồng thuận, FTAAP không có tiến bộ đáng kể, tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không có đột phá trong thời gian dài, thêm vào đó, đàm phán Doha tiến triển chậm chạp… Những yếu tố này khiến TPP từ lúc ra đời đã rất được quan tâm, đồng thời có sức hấp dẫn ngày càng lớn đối với các nước, được xem như là một luồng gió mới trong khung cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

So với các hiệp định thương mại thông thường trước đó (như WTO, BTAs, FTAs, PTAs), TPP được xem như một khuôn khổ hợp tác “chất lượng cao”, “tiêu chuẩn cao” và thậm chí là khuôn khổ hợp tác của “thế hệ mới”[4]. Cái yêu cầu cao về tiêu chuẩn của TPP ở chỗ mức độ bao phủ và rộng mở của TPP vượt xa so với các thỏa thuận thương mại tự do thông thường. Tính thời đại của TPP không chỉ thể hiện ở tính toàn diện, tính mở cũng như đòi hỏi cao về chất lượng, tiêu chuẩn mà còn ở phản ánh thái độ của nó đối với các vấn đề thời đại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, điều kiện sản xuất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v…

Cho đến nay, TPP đang trong quá trình đàm phán giai đoạn cuối với 12 quốc gia thành viên và đề ra mục tiêu đi đến thỏa thuận vào cuối năm 2013, phê duyệt thực hiện năm 2014. Với đà phát triển nhanh chóng của TPP, đặc biệt là với sự dẫn đầu của Hoa Kỳ, ngày càng nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Á (chẳng hạn như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines v.v…), quan tâm đến đàm phán TPP hoặc bày tỏ ý định tham gia đàm phán nhằm tìm kiếm hơn nữa sự ủng hộ từ phía Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số quốc gia ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Colombia, Costa Rica… cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với việc gia nhập đàm phán, từ đó chúng ta có thể thấy được đà phát triển nhanh chóng của TPP .

Khi vai trò chủ đạo của ASEAN ngày càng giảm sút, TPP ra đời và có xu hướng phát triển nhanh chóng, làm cho khuôn khổ hợp tác vốn đa dạng, chồng chéo ở khu vực Đông Á nay càng trở nên phức tạp hơn. Sự đa dạng, đa nguyên trong hợp tác Đông Á xét một cách khách quan là hợp lý và cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng có mặt trái là khiến các cơ chế hợp tác trùng lặp, thậm chí chồng chéo nhau. Các cơ chế hợp tác một mặt thúc đẩy lẫn nhau, nhưng mặt khác lại cạnh tranh nhau, tất nhiên sẽ mang lại nhiều khó khăn hơn cho ASEAN trong việc đóng vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực. Có thể nói, việc nâng tầm và phát triển TPP thành con đường thực hiện khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương ở tầm cao tuy mang lại một số thuận lợi, nhưng phần lớn vẫn khiến ASEAN gặp nhiều thách thức trong việc đóng vai trò chủ đạo hợp tác Đông Á, chủ yếu thể hiện ở các mặt sau:

a. Thách thức của TPP đối với vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực Đông Á

Thách thức của TPP đối với vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực Đông Á chủ yếu thể hiện ở ba khía cạnh chính:

  • Thách thức về cơ chế và khuôn khổ hợp tác

Thử phân tích một cách đơn giản, chúng ta sẽ nhận thấy có sự khác biệt khá rõ giữa hai cơ chế hợp tác TPP và Đông Á (lấy hợp tác ASEAN+3 làm chính), cho dù ở phương diện nào, từ quy mô, lĩnh vực hợp tác đến quyền chủ đạo hay chế độ hợp tác… thì chỉ cần trong một thời gian nhất định, cạnh tranh giữa chúng là điều không thể tránh khỏi.

Biểu 1: So sánh về hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+3 và TPP

Nội dung ASEAN+3 TPP
Số lượng thành viên 13 nước 12 nước (có thể còn mở rộng)
Dân số

Tỷ lệ

21.25.714.826

30,72%

784.077.908

11,33%

Diện tích** (km2)

Tỉ lệ

14.538.694

2,85%

32.633.010

6,4%

GDP*** (Triệu USD)

Tỷ lệ

14.216,908

22,6%

24.908,271

39,59%

Phạm vi hợp tác Hợp tác trong khu vực

giữa các quốc gia Đông Á

Hợp tác liên khu vực

giữa các quốc gia

Lĩnh vực hợp tác Kinh tế

An ninh (truyền thống, không truyền thống)

Xã hội

Kinh tế
Mục tiêu Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA)

Cộng đồng Đông Á (EAC)

Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)
Nắm giữ quyền chủ đạo ASEAN Hoa Kỳ
Chế độ hợp tác Mềm dẻo, linh động (ranh giới, chế độ và nhận thức chung) Mức độ chế độ hóa cao (có tính ràng buộc)
Mức độ tiêu chuẩn tự do hóa Thấp Cao

Chú thích: *Nguồn: World Factbook, 2010. ** Tổng diện tích toàn thế giới là 510.065.284 km2 (bao gồm cả diện tích các lục địa và quần đảo). Nguồn: UN, 2007. *** Nguồn: Cơ sở dữ liệu kinh tế thế giới, IMF, 9/2011.

So với ASEAN+3, TPP rõ ràng có sức hấp dẫn hơn: Thứ nhất, số lượng thành viên trong khuôn khổ hợp tác của cả hai tương đương nhau, nhưng tổng lượng GDP của TPP nhiều gần gấp đôi ASEAN+3; Thứ hai, TPP là một cơ chế hợp tác liên khu vực giữa các quốc gia, mở hơn so với ASEAN+3 chỉ hợp tác trong khu vực; Thứ ba, TPP chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế, dễ dàng triển khai hợp tác hơn so với ASEAN+3 vốn dàn trải cả về kinh tế, an ninh, văn hóa xã hội; Thứ tư, mục tiêu hợp tác của TPP (Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương) nhận được sự đồng thuận lớn, không chỉ được các nước Đông Á ủng hộ mà còn được các nước châu Á – Thái Bình Dương tích cực hưởng ứng; Thứ năm, một trong những lý do mà hợp tác ASEAN+3 phát triển chậm là bởi hệ thống hợp tác quá mềm mỏng, thiếu sự ràng buộc, trong lúc đó mức độ thể chế hóa hợp tác của TPP lại rất cao, tính ràng buộc của nó có thể thúc đẩy TPP phát triển nhanh chóng; Thứ sáu, mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư mà TPP thực hiện cũng cao hơn hẳn so với khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do mà Đông Á hiện có. Chính những yếu tố này làm cho TPP có một sức hấp dẫn lớn trong hợp tác khu vực.

Nằm trong danh sách ưu tiên về chiến lược kinh tế đối ngoại của các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, TPP cung cấp cho các nước Đông Á một sự lựa chọn mới, có thể thay thế cơ chế và khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 trên thực tế. Tính trên số nước thành viên hiện có và các ứng cử viên tiềm năng trong khu vực, TPP có đến 8 trên tổng số 13 quốc gia của ASEAN+3, bao gồm hơn ½ thành viên của ASEAN (4 thành viên hiện có là Singapore, Brunei, Việt Nam, Malaysia và 2 thành viên tiềm năng là Thái Lan, Philippines) và 2/3 thành viên từ Đông Bắc Á (Nhật Bản và thành viên tiềm năng là Hàn Quốc).

Tích cực tham gia đàm phán TPP, thông qua đàm phán để đạt được thế chủ động, tránh trở thành “người đến sau” một cách bất đắc dĩ, tạo động lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và nâng cao vị trí quốc tế là lựa chọn chung của các nước ASEAN, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, bao gồm các nước sáng lập TPP như Singapore, Brunei và các nước tham gia đàm phán về sau như Việt Nam, Malaysia. Về phía Nhật Bản, ngoài những yếu tố trên, tham gia đàm phán TPP còn có thể giúp Nhật Bản giải quyết mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ – Nhật – Trung: Trước hết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; Thứ hai, thông qua TPP tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật – Hoa Kỳ; Thứ ba, nhằm vào Trung Quốc để “tái định vị quốc gia” cho Nhật Bản. Về phía Hàn Quốc, hiện tại, Hàn Quốc đã chuyển đổi chính sách FTA từ mô hình hướng nội sang hướng ngoại, tình hình hợp tác tự do hóa thương mại và đầu tư của  Hàn Quốc đang tiến triển rất thuận lợi. Hàn Quốc đã ký kết hiệp định tự do hóa thương mại và đầu tư với hầu hết các nước, khu vực chủ yếu trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, do đó không cần vội gia nhập TPP. Tuy nhiên, theo đà phát triển nhanh chóng của TPP thì Hàn Quốc sớm muộn cũng sẽ có nhu cầu tích hợp các BTAs, FTAs hiện có giữa mình với các nước và khu vực, do đó gia nhập TPP đối với Hàn Quốc chỉ là vấn đề về thời gian.

Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, vì vậy, các nước tất nhiên đều có xem xét đến yếu tố thị trường xuất khẩu này khi tham gia đàm phán TPP. TPP nếu đàm phán thành công sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ riêng TPP-12 đã chiếm xấp xỉ 40% GDP toàn cầu, gấp rưỡi GDP của nền kinh tế lớn nhất hiện nay là Liên minh Châu Âu (chiếm 27%). Tham gia TPP không chỉ giúp các nước xâm nhập thị trường Hoa Kỳ, mà còn xâm nhập vào các nước trong khối TPP đang ngày càng được mở rộng, gia nhập vào hệ thống kinh tế khổng lồ này sẽ giúp các nước tăng đáng kể lượng xuất khẩu, đồng thời đưa nguồn hàng hóa chất lượng cao với giá cả phải chăng đến với người tiêu dùng trong nước, chủ động sử dụng chiến lược “thay thế nhập khẩu” để phát triển kinh tế. Sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với phân công lao động quốc tế trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Do đó, TPP có khả năng là mục tiêu tiếp theo của các nước Đông Á, trừ Trung Quốc.

ASEAN sở dĩ có thể đứng ở vị trí trung tâm và giữ vững vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực Đông Á được hình thành bởi một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, đó là trong khu vực chưa có cơ chế hợp tác khác có sức hấp dẫn hơn và phù hợp hơn với sự đặc thù của khu vực, khiến các cơ chế hợp tác do ASEAN thúc đẩy được coi là “không có sự lựa chọn nào khác”. Tuy nhiên, sự xuất hiện đầy hấp dẫn của TPP có thể coi đã phá vỡ thế độc tôn này. TPP ra đời tạo nên xu hướng tranh chấp rõ rệt về cơ chế hợp tác khu vực, cung cấp cho các nước Đông Á một sự lựa chọn mới ngoài mô hình hợp tác ASEAN+3 hoặc ASEAN+1. Nếu thành công, TPP rất có thể sẽ được thay thế cho cơ chế hợp tác ASEAN+3 và cơ chế ASEAN+1 giữa ASEAN với ba nước Trung, Nhật, Hàn, tiếp đó cơ chế hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương sẽ thay thế hoàn toàn hợp tác Đông Á.

HtDA

Hình 1: Các hiệp định mậu dịch tự do khu vực Đông Á-Thái Bình Dương

Ghi chú: * Các nước có thái độ tích cực trong việc tham gia TPP

Như đã đề cập ở trên, TPP là một vũ đài hợp tác mới đầy hấp dẫn, thu hút đến hơn nửa các nước Đông Á quan tâm và muốn gia nhập. Hoa Kỳ dựa vào sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của mình, lợi dụng tình hình mất tin tưởng chính trị vào Trung Quốc của các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy TPP. TPP như là một luồng gió mới, một hy vọng mới về tự do hóa thương mại và đầu tư nhằm thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phục hồi nền kinh tế trong nước của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Trước khi TPP xuất hiện, khu vực Đông Á tạm thời không có cơ chế hợp tác nào hiệu quả hơn, sự xuất hiện đầy hấp dẫn của TPP đã ảnh hưởng cơ chế hợp tác khu vực Đông Á: làm thay đổi ý chí hợp tác của đa số các nước Đông Á đối với vấn đề hợp tác khu vực, làm chậm lại tiến trình hội nhập Đông Á, phá vỡ tốc độ và bố cục hội nhập khu vực. Ngoài ra, TPP còn làm phân tán nguồn lực đầu tư, bao gồm cả thời gian, nhân lực và kinh phí của các nước Đông Á đối với hội nhập khu vực, làm giảm đi mức độ cấp bách trong việc thúc đẩy sâu rộng về hội nhập ở khu vực Đông Á, khiến cục diện hợp tác ở Đông Á phức tạp hơn. TPP khiến hợp tác Đông Á ngưng trệ, thậm chí có thể giải thể cơ chế hợp tác cũ do ASEAN sáng lập, vận hành và thúc đẩy mười mấy năm nay. Tuy TPP về trước mắt chưa mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên của nó, nhưng trên thực tế đã, đang và có thể tiếp tục gây trở ngại đối với xu hướng phát triển của hợp tác khu vực hiện có ở Đông Á. Cho dù xét về tiến trình hay nội dung thì đối với hợp tác khu vực Đông Á mà nói, TPP là một thách thức lớn, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Các cơ cấu hợp tác dự định trong tiến trình hội nhập Đông Á như Khu mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA), Cộng đồng Đông Á (EAC), Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có khả năng bị giải thể cấu trúc, không thể xây dựng thành công do tác động tiêu cực của TPP.

  • Thách thức về chế độ hợp tác

TPP nếu đàm phán thành công thì không chỉ thách thức về cơ chế và khuôn khổ hợp tác mà còn ảnh hưởng đến chế độ hợp tác hiện có của Đông Á.

Chế độ hợp tác của Đông Á vốn rất mềm dẻo, thể hiện ở hai phương diện nổi bật là ranh giới hợp tác và chế độ hợp tác. Ranh giới hợp tác mềm dẻo của Đông Á thể hiện ở tính mở, tính đa dạng và tính linh động về không gian cũng như nội dung hợp tác. Chế độ hợp tác mềm dẻo của Đông Á nằm ở chỗ hợp tác khu vực không phụ thuộc vào mức độ thể chế hóa cao về quy phạm pháp luật, mà chủ yếu được triển khai hợp tác theo “phương thức ASEAN”, chủ yếu dựa vào tuyên bố chung của các nước sau các kỳ hội nghị, dựa vào “quan hệ hữu nghị”, ý chí chính trị và các chuẩn mực xã hội của các nước thành viên, do đó tương đối lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc cần thiết, thiếu tính trọng tâm trong quyết sách.

Ngược lại, mức độ thể chế hóa trong hợp tác của TPP rất cao, từng chi tiết nhỏ trong hợp tác đều được thể chế hóa thành các điều khoản cụ thể, mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, vì vậy các hạng mục hợp tác đều được tiến hành đàm phán một cách nghiêm túc trước khi được thể chế hóa. Xem xét các đặc điểm cơ bản của TPP, chúng ta có thể thấy được rằng Hoa Kỳ chính là người tạo ra luật chơi, đưa ra quy định cho TPP, nếu TPP đàm phán thành công, các luật chơi theo tiêu chuẩn cao của hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương có khả năng rất lớn sẽ thay thế các luật chơi lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc cần thiết mà các nước Đông Á triển khai hơn 15 năm nay. Barack Obama cũng như nhà lãnh đạo của các nước đàm phán cũng hoàn toàn tin rằng mục tiêu mà hiệp định TPP đang hướng tới sẽ trở thành hình mẫu cho hiệp định thương mại tự do trong tương lai. [5]

Thông qua việc mở rộng TPP, Hoa Kỳ sẽ trở thành người đưa ra luật chơi, đưa ra chế độ hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai, tạo ra những thách thức về chế độ hợp tác của khu vực Đông Á. Chế độ hợp tác của TPP sẽ trực tiếp tác động, thậm chí làm thay đổi và thay thế cho chế độ hợp tác Đông Á, do đó trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình hợp tác Đông Á nói chung và hạn chế vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á nói riêng.

  • Thách thức trực tiếp về quyền chủ đạo

Từ sự hình thành phát triển của TPP, chúng ta dễ dàng nhận ra dấu vết của chính sách và chiến lược “trở lại Đông Á” của Hoa Kỳ. Sự tồn tại và phát triển của TPP không chỉ trong quá khứ mà thậm chí trong tương lai đều không thể tách rời động lực mạnh mẽ này của Hoa Kỳ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược chính trị và kinh tế đối ngoại của Hoa Kỳ.

Trước tiên, Hoa Kỳ lợi dụng TPP nhằm phục vụ cho chiến lược kinh tế của nước mình. Xét từ cấp độ quốc gia, Hoa Kỳ vướng vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã và đang đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế nan giải như tỷ lệ người thất nghiệp trong nước cao, kinh tế phục hồi chậm, lạm phát cao, thâm hụt ngân sách trầm trọng, nợ nần chồng chất v.v… buộc chính phủ Hoa Kỳ phải tìm cách xoay chuyển tình trạng khủng hoảng kinh tế trong nước, đặc biệt là trước kỳ tổng tuyển cử. Từ những vấn đề mới bao hàm trong TPP như chế độ lao động, bảo vệ môi trường…có thể thấy được đây là các mặt lợi thế, cũng là các vấn đề quan trọng trong nước của Hoa Kỳ. Đưa những vấn đề này vào các cuộc đàm phán TPP có nghĩa là kéo cả các nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào cuộc để giải quyết vấn đề kinh tế trong nước cho Hoa Kỳ, giúp giảm bớt áp lực cho Hoa Kỳ trong công cuộc hồi phục và phát triển kinh tế.

Xét từ cấp khu vực và toàn cầu, kinh tế khu vực châu Âu tăng trưởng chậm chạp, trong lúc kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại phát triển nhanh chóng, đặc biệt, hợp tác ASEAN+3 đem lại sự phát triển thuận lợi về kinh tế cho tất cả các bên liên quan nói riêng và cả khu vực nói chung, nhưng khu vực này không có sự hiện diện của Hoa Kỳ. TPP giúp Hoa Kỳ “đổ bộ” vào cuộc hội nhập khu vực ở Đông Á, đồng thời có thể mở ra thị trường mới cho Hoa Kỳ, tạo cơ hội thực hiện “kế hoạch xuất khẩu quốc gia” [6] . TPP là kênh quan trọng để thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ phục hồi. Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực vô cùng rộng lớn, hình thức kinh tế đa dạng, là thị trường xuất khẩu và điểm đến đầu tư quan trọng của Hoa Kỳ. Đặc biệt, từ năm 1980 sau khi Hoa Kỳ lần đầu tiên có kim ngạch thương mại xuyên Thái Bình Dương vượt quá kim ngạch thương mại xuyên Đại Tây Dương thì trung tâm chiến lược của Hoa Kỳ không ngừng chuyển hướng về phía Đông. [7] Hoa Kỳ cần thúc đẩy một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, có thể phát huy vai trò lãnh đạo của mình nhằm giữ vững lợi ích cốt lõi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của Hoa Kỳ chính là lấy TPP làm xuất phát điểm, tiến tới tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nâng cao lợi thế quốc gia trong thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và thậm chí dẫn dắt sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu ngày 12/11/2011 tại Honolulu, Hawaii, Obama cũng thừa nhận TPP là hiệp định thương mại “đầy tham vọng”: TPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta, làm giảm rào cản thương mại và đầu tư, tăng xuất khẩu và cung cấp việc làm cho người dân nước ta. Đây là việc lớn ưu tiên hàng đầu mà tôi phải hoàn thành…TPP có khả năng không chỉ dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà còn thiết lập một hình mẫu cho các hiệp định thương mại trong tương lai. [8] Vì vậy, trong khi ASEAN+3 tích cực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á thì Hoa Kỳ dựa vào TPP với mong muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn trong nước, đồng thời biến nó thành phương tiện để tận dụng, khai thác tiềm năng phát triển của Châu Á.

Từ TPP, chúng ta có thể thấy được chiến lược “trở lại Châu Á” đầy tham vọng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một “quốc gia đặc biệt ngoài khu vực” của Đông Á, bởi ở Đông Á có lợi ích chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ. Có thể nói rằng, Hoa Kỳ trở lại Đông Á chủ yếu nhằm vào bốn mục tiêu chính sau đây: Một là, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, thành lập một thị trường mở, xóa bỏ tình trạng bài trừ sự hiện diện của Hoa Kỳ trong hội nhập kinh tế khu vực Đông Á; Hai là, duy trì sự thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Á, ngăn chặn bất kỳ mối thách thức có thể xuất hiện nhằm cản trở vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ; Ba là, để đảm bảo lợi ích chiến lược về an ninh, chính trị, kinh tế của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Á; Bốn là, triển khai ứng phó trước tình hình chuyển giao quyền lực và tái cấu trúc trật tự đang được định hình ở khu vực Đông Á. [9] Do đó, thông qua việc định hình tiêu chuẩn và quy định mới cho TPP, Hoa Kỳ mong muốn lấy cục bộ thúc đẩy tổng thể, hy vọng thay đổi tình hình APEC vốn đang đình trệ, thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Hoa Kỳ chế định tiêu chuẩn toàn diện và tương đối cao cho các nước thành viên TPP, tăng cường đầu tư chiến lược khu vực, kết hợp TPP với FTAAP thành một mục tiêu dài hạn, nỗ lực cạnh tranh với khu vực Đông Á, thông qua TPP phấn đấu trực tiếp chỉ đạo tiến trình hợp tác châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả hợp tác kinh tế khu vực Đông Á, đây là sự cạnh tranh trực tiếp về quyền chủ đạo giữa Hoa Kỳ và ASEAN ở khu vực Đông Á.

Tiếp theo, TPP bao hàm cả sự điều chỉnh về chính sách khu vực trong chiến lược chính trị của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Liên quan đến lợi ích về kinh tế, chính trị, an ninh, lịch sử và địa lý…, Hoa Kỳ nhấn mạnh phải “trở lại” Châu Á, không ngừng tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực.

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong bài viết “Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” nêu rõ: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ trong 10 năm tới là tăng cường đầu tư đáng kể – về mặt kinh tế, ngoại giao, chiến lược và những khía cạnh khác – gắn kết với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.” [10]

Ở tầm quốc gia, sách lược và bố trí chiến lược của Hoa Kỳ là lấy việc củng cố quan hệ đồng minh truyền thống làm cơ sở cho hợp tác song phương, tiếp tục tăng cường hợp tác đa phương để duy trì thế lực và ưu thế của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ thành lập quan hệ liên minh với Úc, New Zealand, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Singapore, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam v.v…Ngoài các hiệp định song phương và đa phương nhằm đảm bảo an ninh và lợi thế quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có thể thông qua TPP để tăng cường hợp tác kinh tế và tăng cường sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia này, hình thành hệ thống trục nan hoa về kinh tế tồn tại song song với hệ thống liên minh quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương, gắn liền kinh tế với chính trị, ra tay một lúc trên nhiều mặt trận nhằm đáp ứng và phù hợp với nhu cầu điều chỉnh chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ở tầm khu vực và toàn cầu, Hoa Kỳ xem Trung Quốc như là đối thủ cạnh tranh và đối thủ lớn nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thậm chí là toàn cầu, [11] có thái độ kỳ thị đối với việc Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn trong tiến trình hợp tác Đông Á. Hợp tác Đông Á vừa là chiến lược khu vực, vừa là chiến lược toàn cầu quan trọng của Trung Quốc nhằm phát triển kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước này trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đối mặt với sự hình thành phát triển của cơ chế hợp tác khu vực Đông Á, Hoa Kỳ không khỏi cảm thấy quan ngại và lo lắng rằng, nếu tiếp tục đóng vai kẻ ngoài cuộc đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ dần bị đẩy sang bên lề cuộc chơi ở khu vực phát triển năng động này, nhường lại toàn bộ sân chơi cho Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ “không tiếp tục duy trì quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì vai trò của nó đối với thế giới sẽ bị suy yếu”. [12] Điều này cho thấy, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Hoa Kỳ quay trở lại và ra sức phát huy vai trò, sức mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một mặt, về an ninh, chính trị, Hoa Kỳ tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…; mặt khác, về kinh tế, Hoa Kỳ lấy TPP làm đòn bẩy để thực hiện chiến lược “trở lại Đông Á” một cách toàn diện, không khỏi khiến các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan phải xem xét cân nhắc về việc hưởng ứng và gia nhập TPP. Nếu các nước này tham gia TPP, một mặt có thể thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, mặt khác có thể củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, một công đôi việc. Phương diện an ninh của các quốc gia này về lâu dài vẫn sẽ dựa vào Hoa Kỳ, thậm chí nằm dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ, do đó thông qua TPP tăng cường quan hệ kinh tế, nhằm nâng quan hệ đồng minh lên cấp cao hơn. Từ đó dễ nhận ra các quốc gia này đều khẳng định và ủng hộ việc Hoa Kỳ phát huy vai trò chủ đạo trong cả an ninh chính trị và cả kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ASEAN, khiến vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á tiếp tục gặp chướng ngại vật, trải qua không ít thăng trầm.

Hơn nữa, tầm quan trọng của TPP đối với Hoa Kỳ còn ở chỗ, TPP giúp Hoa Kỳ lấy lại “danh dự” khi Hoa Kỳ đề nghị thành lập khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương nhưng không được các nước hưởng ứng. Trong Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội năm 2006, Hoa Kỳ đã khởi xướng đề nghị thành lập khu vực thương mại tự do khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tích hợp các hiệp định thương mại khu vực và song phương ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng thời điểm đó, hợp tác Đông Á đang trên đà phát triển mạnh mẽ, các nước hầu như không có động thái hưởng ứng gì đối với đề xuất này. Dưới sự nỗ lực của Hoa Kỳ, trong cuộc họp hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra năm 2009, các nhà lãnh đạo đã tuyên bố sẽ tiếp tục nghiên cứu tính khả thi về việc thành lập khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2010, các nhà lãnh đạo APEC đã nêu ra trong tương lai, Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có để thành lập Khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAAP), trong đó có cơ chế TPP… Điều này chứng minh rằng TPP không chỉ là đòn bẩy và con đường để Hoa Kỳ quay trở lại Đông Á, mà còn thể hiện Hoa Kỳ là nước phải “có trọng lượng trong từng lời nói”, đồng thời có khả năng thúc đẩy, thậm chí khống chế, chỉ đạo và chủ đạo hợp tác của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về an ninh quân sự, Hoa Kỳ tăng cường quan hệ đồng minh; về xã hội văn hóa, Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ giá trị quan của Hoa Kỳ; về kinh tế, Hoa Kỳ lấy TPP làm đòn bẩy để quay trở lại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. TPP là hành động về kinh tế nhằm đồng bộ hóa tất cả các mặt: an ninh chính trị, kinh tế, xã hội của Hoa Kỳ trong việc trở lại Đông Á, với mục tiêu là làm tan rã nhịp độ và bố cục hợp tác Đông Á, giúp Hoa Kỳ thay thế vị trí trung tâm của ASEAN ở Đông Á, rõ ràng là trực tiếp cạnh tranh với ASEAN trong việc nắm quyền chủ đạo trong hợp tác khu vực Đông Á, thậm chí là khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ có thế lực hùng hậu, phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ bao phủ khắp toàn thế giới. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Hoa Kỳ vì bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và rơi vào điểm nóng chiến tranh với các nước Trung Đông như Iraq, Afghanistan nên “làm ngơ một cách có thiện ý” đối với khu vực Đông Á. Tuy nhiên, trọng tâm tăng trưởng của thế giới chuyển dịch sang khu vực châu Á, trọng tâm tăng trưởng của châu Á lại chuyển dịch sang khu vực Đông Á. Sự tăng trưởng của khu vực Đông Á cùng với sự rút lui có lựa chọn của Hoa Kỳ làm Hoa Kỳ cảm thấy rằng vị trí và lợi thế của mình ở khu vực đang bị lung lay, không đành lòng đứng nhìn Hoa Kỳ bị loại trừ ra khỏi quá trình tái cấu trúc quyền lực trong quá trình hội nhập ở Đông Á nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, lo sợ một tiến trình hợp tác khu vực bài-trừ-Hoa-Kỳ sẽ tạo ra thách thức đối với trật tự thế giới do Hoa Kỳ dẫn đầu. Thực tế chứng minh, bất kể Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa lên nắm quyền, Hoa Kỳ cũng đều mong muốn duy trì vai trò lãnh đạo của mình trên toàn thế giới. Vì vậy, để cải thiện hình ảnh, khôi phục vị trí lãnh đạo của mình trên thế giới, Hoa Kỳ bắt đầu tái tập trung vào khu vực Đông Á, thực hiện “chiến lược can thiệp có chọn lọc”, thúc đẩy hợp tác TPP dưới khuôn khổ của APEC, quyết tâm “trở lại” châu Á – Thái Bình Dương, cố gắng dùng TPP làm bước đột phá, thu hút tất cả các nước thành viên APEC cùng gia nhập, xây dựng một hệ thống hợp tác châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Đông Á, do Hoa Kỳ dẫn đầu, tái xây dựng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, thiết lập quyền chủ đạo trên khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới này, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Hoa Kỳ.

Mặc dù có nhiều học giả cho rằng, TPP chỉ là chính sách đối phó Trung Quốc của Hoa Kỳ, nhưng tác giả tin rằng TPP không chỉ dừng lại ở đó, mà còn là phương tiện để Hoa Kỳ tập trung lực lượng về cả kinh tế và chính trị nhằm cạnh tranh giành quyền chủ đạo ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh chuyển giao quyền lực và tái cấu trúc khu vực ngày càng diễn biến mạnh mẽ, phức tạp, với ý đồ làm công cụ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo ở phạm vi toàn cầu. Hoa Kỳ đầy tham vọng, nhưng cũng đủ thực lực để “nói được, làm được” trong việc thiết lập ảnh hưởng của nó từ khu vực Đông Á đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Sở dĩ Hoa Kỳ có tham vọng, cũng có hy vọng và khả năng lớn như vậy là bởi: Một là, Hoa Kỳ là quốc gia có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực hợp tác hiệp định ưu đãi thương mại theo phương thức phủ định (Negative-list approach PTA), [13] TTP chẳng qua chỉ là một hiệp định thương mại theo phương thức phủ định ở cấp độ cao. Hai là, các nước Đông Á, ngoại trừ Singapore[14] chủ yếu tham gia vào hiệp định thương mại theo phương thức khẳng định. Trong nghiên cứu của mình, Kim và Manger đã nêu rằng, “phương thức phủ định” là một bước phát triển cao trong hợp tác FTA, và có hiệu quả hơn hẳn so với hợp tác theo phương thức khẳng định. Đồng thời, phần lớn các nước có xu hướng “đi vào lối mòn” trong hợp tác về FTA, tức nếu đã có kinh nghiệm về ký kết FTA theo phương thức khẳng định thì các quốc gia sẽ tiếp tục hợp tác về FTA theo phương thức khẳng định. [15] (Tuy nhiên, nếu đã có kinh nghiệm hợp tác FTA theo phương thức phủ định thì sẽ không thành vấn đề nếu yêu cầu các nước này hợp tác theo phương thức khẳng định, vì FTA phương thức khẳng định chỉ là cấp độ thấp so với FTA theo phương thức phủ định). Vì vậy, trong cuộc chơi TPP – FTA theo phương thức phủ định ở khu vực Đông Á, Hoa Kỳ có ưu thế nổi trội, tỷ lệ thắng so với các đối thủ khác trong khu vực là rất cao, thậm chí là tất yếu.

Trung tâm chính trị và kinh tế thế giới đang chuyển hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lợi dụng sự tăng trưởng và sức sống của châu Á là trọng tâm kinh tế và lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Tổng thống Obama đã xác định. [16] Do đó, Hoa Kỳ không chỉ nhấn mạnh việc trở lại Châu Á – Thái Bình Dương, mà còn tăng cường đầu tư vào khu vực này. Chiến lược trở lại Châu Á đã bước vào giai đoạn thực chất. Chính sách cơ bản của Hoa Kỳ là thông qua khuôn khổ hợp tác xuyên khu vực TPP nhằm xây dựng, tăng cường và củng cố địa vị lãnh đạo và vai trò chủ đạo của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Đông Á. TPP trở thành một khâu quan trọng cho chính quyền Obama trở lại Châu Á, phục hồi kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, thành lập khu thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương, chen chân vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, kiểm soát và khống chế hợp tác Đông Á, giành lấy quyền chủ đạo ở khu vực này. Hoa Kỳ dùng TPP làm đòn bẩy kinh tế tái trở lại, tái cơ cấu một sân chơi mới, cơ chế mới và chế độ mới với quy vi rộng lớn hơn, thích hợp hơn, dễ phát huy ảnh hưởng hơn trong khu vực, nhằm có thể giúp Hoa Kỳ hoàn toàn thay thế quyền chủ đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á, thậm chí là châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của sự tham dự và trực tiếp cạnh tranh của Hoa Kỳ là tìm kiếm quyền chủ đạo trong hợp tác khu vực, tất yếu sẽ làm gây nên khó khăn và thách thức lớn cho ASEAN trong việc tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo ở khu vực Đông Á. Nếu ứng phó không tốt trước “cơn bão” TPP, ASEAN có khả năng sẽ mất đi vai trò chủ đạo và địa vị trung tâm của nó trong khu vực Đông Á, nhường trọn vị trí mà ASEAN dày công xây dựng mười mấy năm nay cho Hoa Kỳ. Do vậy, không chỉ có Trung Quốc, mà cả các quốc gia Đông Nam Á cũng cần phải thận trọng với TPP.

b. Cơ hội của TPP đối với vai trò chủ đạo của  ASEAN trong hợp tác khu vực

TPP mang lại không ít thách thức cho ASEAN trong việc giữ vững và tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của mình trong hợp tác khu vực Đông Á, tuy nhiên, diễn biến kinh tế chính trị của TPP cũng mang lại một số cơ hội mới cho vai trò chủ đạo của ASEAN.

Một là, nếu chủ động ứng phó tốt, ASEAN có cơ hội cải thiện vị trí và vai trò của mình thông qua TPP.  Đầu tiên, ASEAN có thể thông qua việc tham gia vào TPP để kích thích phát triển toàn diện. Bằng cách tham gia và thực hiện một cách toàn diện, chất lượng cao về tự do thương mại và đầu tư, một mặt có thể giúp các nước ASEAN thâm nhập thị trường quốc tế, thực hiện phân công lao động quốc tế, đồng thời tận hưởng và chia sẻ phúc lợi và hàng hóa công cộng (public goods), cũng như thực hiên sự phân công lao động mang tính toàn cầu; mặt khác, tiếp nhận các điều khoản tiêu chuẩn cao sẽ giúp các nước ASEAN có động lực mạnh mẽ trong việc thực hiện cải cách về thể chế kinh tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế ASEAN tăng trưởng, giúp ASEAN củng cố và nâng cao vị thế của mình trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Tiếp theo, ASEAN là một phần quan trọng không thể thiếu được đối với sự thành bại của TPP, cho nên ASEAN có thể thông qua TPP để tiếp tục mở rộng chiến lược cân bằng nước lớn nhằm cải thiện vị thế của mình. Hoa Kỳ với nhu cầu phát triển TPP chắc chắn phải tăng cường đầu tư vào ASEAN; Trung Quốc dưới áp lực vô hình của TPP cũng phải chọn cách tiếp tục tăng cường hợp tác sâu rộng với ASEAN; mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng đi vào bế tắc, cộng thêm nền kinh tế trong nước thụt lùi thì Nhật Bản cũng cần phải coi trọng thị trường ASEAN với tư cách là nguồn cung cấp nguyên liệu và là thị trường xuất khẩu công nghệ, xuất khẩu tư bản quan trọng. Trò chơi chính trị về phân phối lợi ích phức tạp này có lợi cho ASEAN trong việc mở rộng chiến lược cân bằng nước lớn, cải thiện vị trí của mình, củng cố và tiếp tục tăng cường vai trò chủ đạo trong tiến trình hợp tác Đông Á.

Thứ hai, TPP là một lời nhắc nhở rằng ASEAN phải tăng cường hơn nữa vai trò chủ đạo của mình. ASEAN từ trước đến nay vẫn luôn chiếm vị trí trung tâm và phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác Đông Á, nên vẫn luôn khá tự tin, thậm chí khá chủ quan, nên vẫn luôn giữ vững mô hình phát triển và mở rộng hợp tác theo phương pháp tịnh tuyến, lấy ASEAN làm trung tâm và nền tảng để mở rộng dần quy mô hợp tác theo kiểu ASEAN+1, đến ASEAN+3, ASEAN+6, ASEAN+8…, hy vọng thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các nước lớn bên ngoài nhằm triển khai chiến lược cân bằng ngoại giao giữa các nước lớn. Tuy nhiên, vai trò chủ đạo của ASEAN không ngừng bị thách thức, nhất là sau khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), tức ASEAN+6 được mở rộng thành ASEAN+8, ASEAN mới bắt đầu nhận ra sự suy giảm về vị trí trung tâm cũng như vai trò chủ đạo của mình. Sự ra đời của TPP dưới sự dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ của Hoa Kỳ khiến ASEAN nhận thức được những khó khăn lớn hơn trong việc tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác Đông Á. Đông Á dưới tác động của TPP có thể mất đi sự gắn kết, thậm chí là sự đoàn kết giữa các nước ASEAN+3, khiến quyền chủ đạo và địa vị trung tâm của ASEAN sẽ ngày càng suy giảm, khiến hoạt động hợp tác khu vực có khả năng phải phụ thuộc vào nước lớn, thậm chí bị các nước lớn điều khiển. Ở thời điểm quan trọng này, ASEAN phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố vị trí trung tâm của ASEAN. TPP ra đời là một thách thức lớn đối với quyền chủ đạo của ASEAN. Do đó, TPP không chỉ là một lời nhắc nhở, giúp ASEAN nhận ra sự cần thiết phải nâng cao vai trò lãnh đạo của mình, mà còn giúp đưa ra một lý do chính đáng, một động lực mạnh mẽ và một quyết tâm cao độ cho ASEAN trong việc tăng cường vai trò chủ đạo.

Ba là, TPP giúp ASEAN có nhu cầu chủ đạo một diễn đàn hợp tác rộng lớn hơn. Với nhu cầu phát triển của mình, ASEAN không ngừng mở rộng khuôn khổ hợp tác, với phương thức tiến dần từng bước, phát triển cùng thời gian, mở rộng khuôn khổ hợp tác “10+N”, luôn cố gắng đóng vai chính trên sân khấu ngày càng lớn hơn. Lịch sử chứng minh rằng, trong các khuôn khổ hợp tác “ASEAN+N” (ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, ASEAN+8), ASEAN với tư cách là một khối trong “câu chuyện bó đũa”, có thể duy trì vị trí trung tâm và vai trò chủ đạo của mình trong hợp tác khu vực. Do đó, TPP mặc dù là một trở ngại lớn, nhưng nếu có phương pháp ứng phó tốt, ASEAN vẫn có hy vọng có thể tiếp tục đóng vai chính trên một vũ đài hợp tác lớn hơn, mang tầm liên khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong tình hình ngày càng có nhiều nước lớn quan tâm và đầu tư vào khu vực Đông Á, đặc biệt là sau khi TPP do Hoa Kỳ dẫn đầu ra đời, cục diện hợp tác khu vực Đông Á càng phức tạp hơn. TPP ra đời, ASEAN có khả năng cải thiện vị trí của mình, có khát vọng và hy vọng mở rộng vai trò lớn hơn trên vũ đài quốc tế. Tuy nhiên, thực tế mà nói, khát vọng, hy vọng thì có nhưng khả năng để đạt được điều này là rất khó. Xét một cách tổng thể, những thách thức mà TPP mang lại lớn hơn nhiều và thực tế hơn nhiều so với các cơ hội về quyền chủ đạo cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Sự xuất hiện và phát triển của TPP ở phương diện và mức độ nào đã và đang làm tiến trình hợp tác Đông Á bị phân tán, đình trệ, thậm chí có khả năng giải thể, không những ảnh hưởng đến đến phương hướng, động lực và kết quả mong đợi của tiến trình hội nhập ở Đông Á, gây mâu thuẫn về mặt cấu trúc đối với trật tự hợp tác mà khu vực này hiện có mà còn tạo ra những thách thức trong cơ chế, khuôn khổ và thể chế hợp tác khu vực Đông Á. Những điều này cộng với sự cạnh tranh của Hoa Kỳ đối với ASEAN về quyền chủ đạo tất nhiên đều liên quan trực tiếp đến vai trò chủ đạo và vị trí trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, làm cho vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác khu vực bị giảm sút đáng kể. Trong bài viết ở kỳ tiếp theo, tác giả xin đưa ra một số biện pháp nhằm duy trì và cải thiện vai trò chủ đạo của ASEAN trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh TPP.

Trần Thị Bảo Hương, cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị. Hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Ngoại giao tại Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân Dân (Bắc Kinh, Trung Quốc).

Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Số 96/2014.

———————

Tài liệu tham khảo chủ yếu

Tài liệu tiếng Việt:

  • Đỗ Hoài Nam, Võ Đại Lược,Hướng tới cộng đồng kinh tế Đông Á,Hà Nội: NXB Thế Giới, 2004.
  • Đỗ Thanh Bình, Văn Ngọc Thành chủ biên, Quan hệ quốc tế thời hiện đại: Những vấn đề mới đặt ra, NXB Chính trị Quốc gia, 6/2012, trang 146-162.
  • Nguyễn Hoàng Giáp chủ biên, Một số vấn đề chính trị quốc tế trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2012.
  • Nguyễn Thu Mỹ,Hợp tác ASEAN+3: Quá trình phát triển, thành tựu và triển vọng, Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 2008.
  • Nguyễn Thu Mỹ,Một số vấn đề cơ bản về hợp tác ASEAN+3,Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 2008.
  • Nguyễn Trần Quế,35 năm ASEAN hợp tác và phát triển,Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 2003.
  • Phạm Đức Thành chủ biên, Liên kết ASEAN trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 2006.
  • Trần Khánh chủ biên, Những vấn đề chính trị kinh tế Đông Nam Á thập niên đầu thế kỷ XXI, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 2006.
  • Lâm Khải, Kết nối Đông Á, Báo Thế giới và Việt Nam, Số 159, 07/12/2009.
  • Lê Đình Tĩnh, Cấu trúc khu vực, Báo Thế giới và Việt Nam, Số 263, 16/12/2011.
  • Lê Đình Tĩnh,Chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc: hướng tiếp cận và một số vấn đề lý thuyết, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Số 4(87), 12/2011.
  • Lê Thùy Trang, Luận Thùy Dương, Cộng đồng ASEAN 2015, Báo Thế giới và Việt Nam, số 177, 06/4/2010.
  • Lê Uyển Chi, Hợp tác khu vực, Báo Thế giới và Việt Nam, Số 217-219, 14/02/2011.
  • Lê Viết Duyên, Vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực Đông Á và tư duy đối ngoại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1(88), 3/2012.
  • Nguyễn Phương Bình, Vai trò của Asean đối với các nước thành viên và đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Số 34, 2000.
  • Phạm Bình Minh, Hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và rộng mở, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Số 3(90), 9/2012.
  • Trần Công, Xuyên Thái Bình Dương, Nguồn: Báo Thế Giới và Việt Nam, Số 264, 26/12/2011.
  • Trung Nguyên, Trở lại châu Á, Báo Thế giới và Việt Nam, Số 262, 13/12/2011.
  • Vũ Lê Thái Hoàng, Quan hệ Mỹ – Trung và trật tự khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Số 1(80), 3/2010.

Tài liệu tiếng Anh

  • Evelyn Goh, Sheldon W. Simon, China, the United States, and South-East Asia: Contending Perspectives on Politics, Security, and Economics, Oxford: Routledge, 2007.
  • Alice D Ba, Regionalism’s Multiple Negotiations: ASEAN in East Asia, Cambridge Review of International Affairs, Volume 22, Issue 3, 2009, p.p. 345-367.
  • Amy Searight, The United States and Asian Regionalism: The Politics of Reactive Leadership, The Political Economy of the Asia Pacific, 2011.
  • Ann Capling, Multilateralising Regionalism: What Role for the Trans-Pacific Partnership Agreement?, Pacific Review, Dec 2011, Vol. 24 Issue 5.
  • Brock R. Williams, Trans-Pacific Partnership (TPP) Countries: Comparative Trade and Economic Analysis, Congressional Research Services, 30 May 2012, p.1.
  • Cheunboran Chanborey,East Asian Community Building: Challenges and Future Prospect, CICP Working Paper, Jan 2011.
  • Claude Barfield, The Transpacific Partnership, Paper prepared for Euro-Latin Study Network on Integration and Trade Conferrence, 21-22 Oct 2011.
  • Claude Barfield, The Trans-Pacific Partnership: A Model for Twenty-First-Century Trade Agreement?, American Enterprise Institute for Public Policy Research,International Economic Outlook No. 2, Jun 2011.
  • M. Jones, M. L. R. Smith,Making Process, Not Progress: ASEAN and the Evolving East Asian Regional Order,International Security, (2007) 32 (1): p.p. 148-184.
  • Douglas Webber, The Regional Integration That Didn’t Happen: Cooperation Without Integration in Early Twenty-first Century East Asia, The Pacific Review, Volume 23, Issue 3, 2010, pp. 313-333.
  • Egberink, Fenna and Frans-Paul van der Putten, ASEAN and Strategic Rivalry among the Great Powers in Asia, Journal of Current Southeast Asian Affairs, 29, 3, p.p. 131-141.
  • Evelyn Goh, Institutions and the Great Power Bargain in East Asia: ASEAN’s Limited ‘Brokerage’ Role, Int Relat Asia Pac (2011) 11(3),p. 373-401.
  • Hadi Soesastro, Regional Integration in East Asia: Achievements and Future Prospects, Asian Economic Policy Review,Volume 1, Issue 2, Dec 2006, p.p. 215–234.
  • Hillary Rodham Clinton, America’s Pacific Century, Foreign Policy, Nov 2011.
  • Jae Jeok Park, The US-led Alliances in the Asia-Pacific: Hedge against Potential Threat or an Undersirable Multilateral Security Order?, The Pacific Review, Vol. 24, No.2, May 2011.
  • Joseph J. Chatz, China Drives U.S. Role in Pacific Trade, CQ Weekly, 31 Jan 2011, Vol. 69 Issue 5.
  • Julio Santiago Amador, ASEAN in the Asia Pacific: Central or Peripheral?, Asian Politics & Policy,Volume 2, Issue 4, Oct / Dec 2010, p.p. 601-616.
  • Kesavapany, Special Lecture on ASEAN Centrality in Regional Integration, Bangkok, 26 Feb 2010, http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/asco07-10.pdf, 14:19 20 Jul 2012.
  • Kai He, Does ASEAN Matter? International Relations Theories, Institutional Realism, and ASEAN, Asian Security,Volume 2, Issue 3, 2006, p.p. 189-214.
  • Kim, Manger, Hubs of Governance: Path-Dependence and Higher-order Effect of PTA Formation, Presentation at the annual meeting of the Political Economy of International Organizations, 7-9 Feb 2013, Mannheim and Heidelberg.
  • Ma Jingjing,TPP Reflects the United States Asia Complex,International Understanding, No. 1, 2011.
  • Mark E. Manyin, et al, Pivot to the Pacific? The Obama Administration’s “Rebalancing” Toward Asia, Congressional Research Services, 28 Mar 2012, pp.1-9.
  • Pang Zhongying, Rebalancing Relations between East-Asia and Trans-Pacific Institution: Evolving Regional Architectural Features, APEC and the Rise of China, 45-63.
  • Remarks by the President in the Meeting with Trans-Pacific Partnership, 12 Nov 2011,http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/11/12/rema rks-president-meeting-trans-pacific-partnership, 16:45 22 Mar 2013
  • Richard Stubbs, Asean Plus Three: Emerging East Asian Regionalism?, Asean Survey, Vol. 42, No. 3, May/Jun 2002, pp.440-455.
  • Simon, ASEAN and Multilateralism: The Long, Bumpy Road to Community, Contemporary Southeast Asia, 30 (2), p.p. 262–294,2008.
  • Shaun Narine, ASEAN in the Twenty-first Century: A Sceptical Review, Cambridge Review of International Affairs, Volume 22, Issue 3, 2009, p.p. 369-386.
  • Takashi Terada, Comment on “Politics of Association of Southeast Asian Nations Economic Cooperation”, Asian Economic Policy Review, Volume 6, Issue 1, Jun 2011, p.p. 41–42.
  • Tim Devaney, Obama Seeks Authority to Make Pacific Trading Pacts, Washington Times, The (DC), 28 Oct 2011.
  • Tim Ferguson, The Asian Opening Known as TPP, Forbes.com, 13 Nov 2011.
  • Trans-Pacific Partnership Leaders Statement, http://www.ustr.gov/about-us/press-office/press-releases/2011/November/trans-pacific-partnership-leaders-statement, 17:10 25 Mar 2012.

Tài liệu tiếng Trung:

  • 陈峰君、祁建华主编:《新地区主义与东亚合作》,北京:中国经济出版社,2007年6月第1版。

Chen Fengjun, Qi Jianhua chủ biên, Hợp tác Đông Á và chủ nghĩa khu vực mới, Beijing: NXB Kinh tế Trung Quốc, tháng 6/2007.

  • 陈奕平、秦珊、吴金平主编:《美国与东亚合作 》,北京:世界知识出版社,2006年5月第1版。

Chen Yiping, Qin Shan, Wu Jinping chủ biên, Hoa Kỳ với hợp tác Đông Á, Beijing: NXB Kiến thức Thế giới, tháng 5/2006.

  • 黄大慧主编:《构建和谐东亚:中日韩关系与东亚未来 》,北京:社会科学文献出版社,2010年4月第1版。

Huang Dahui chủ biên, Xây dựng một Đông Á hòa hợp: Mối quan hệ Trung-Nhật-Hàn và tương lai của Đông Á, Beijing: Nhà xuất bản Văn hiến Khoa học Xã hội, tháng 4/2010.

  • 黄大慧主编:《变化中的东亚与美国:东亚的崛起及其秩序建构》,北京:社会科学文献出版社,2010年2月第1版。

Huang Dahui chủ biên, Một Đông Á đầy biến động và Hoa Kỳ: Sự trỗi dậy và xây dựng trật tự Đông Á,  Beijing: NXB Văn hiến Khoa học Xã hội, tháng 02/2010.

  • 李扬、黄宁:“东盟四国加入TPP的动因及中国的策略选择”,《当代亚太》,2013年第1期。

Li Yang, Huang Ning, Động cơ của bốn quốc gia ASEAN khi gia nhập TPP và sự lựa chọn sách lược của Trung Quốc, Tạp chí “Châu Á – Thái Bình Dương Đương đại”, năm 2013.

  • 刘晨阳、于晓燕主编:《亚太经济一体化问题研究》,天津:南开大学出版社,2009年4月第1版。

Liu Chenyang, Yu Xiaoyan chủ biên, Nghiên cứu về vấn đề hội nhập kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Tianjin: NXB Đại học Nankai, tháng 4/2009.

  • 梅平主编:《东亚合作还是亚太合作:亚太地区合作的机制与方向研究》,北京:世界知识出版社,2010年8月第1版。

Mei Ping chủ biên, Hợp tác Đông Á hay là hợp tác châu Á – Thái Bình Dương: Nghiên cứu về cơ chế và phương hướng hợp tác của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Beijing: NXB Tri thức Thế giới, tháng 8/2010.

  • 彭述华著:《东亚经济一体化主导问题研究》,北京:人民出版社,2011年3月第1版。

Peng Shuhua biên soạn, Nghiên cứu vấn đề lãnh đạo hội nhập kinh tế Đông Á, Beijing: NXB Nhân dân, tháng 3/2011.

  • 魏玲主编:《东亚地区合作:2010》,北京:经济科学出版社,2011年3月第1版。

Wei Ling chủ biên, Hợp tác khu vực Đông Á – Năm 2010, Beijing: NXB Khoa học Kinh tế, tháng 3/2011.

  • 魏玲主编:《东亚地区合作:2011》,北京:经济科学出版社,2012年5月第1版。

Wei Ling chủ biên, Hợp tác khu vực Đông Á – Năm 2011, Beijing: NXB Khoa học Kinh tế, tháng 5/2012.

  • 杜兰: “美国力推跨太平洋伙伴关系战略论析”,《国际问题研究》,2011年第1期。

Du Lan, Phân tích chiến lược về việc Hoa Kỳ thúc đẩy mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, Tạp chí “Nghiên cứu vấn đề Quốc tế”, Kỳ 1, năm 2011.

  • 关权:“东亚经济一体化和TPP——中日之间的博弈”,《东北亚论坛》,2012年第2期。

Guan Quan, Hội nhập kinh tế Đông Á và TPPTrận chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Tạp chí “Diễn đàn Đông Bắc Á”, Kỳ 2, năm 2012.

  • 李建民、支大林:“东亚地区经济合作中的主导力量辨析”,《东北亚论坛》, 2006年第6期。

Li Jianmin, Zhi Dalin, Phân tích về lực lượng chủ đạo trong hợp tác kinh tế khu vực Đông Á, Tạp chí “Diễn đàn Đông Bắc Á”, Kỳ 6, năm 2006.

  • 季年芳:“东盟在东亚经济合作中的主导作用及制约因素”,《 东南亚纵横》, 2003年第12期。

Li Nianfang, Vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác kinh tế Đông Á và các yếu tố hạn chế, Tạp chí “Xoay quanh Đông Nam Á”, Kỳ 12, năm 2003.

  • 李文韬:“东盟参与‘TPP轨道’合作面临的机遇、挑战及战略选择”,《亚太经济》,2012年第4期。

Li Wentao, Cơ hội, thách thức và lựa chọn chiến lược khi ASEAN tham gia vào “quỹ đạo TPP”, Tạp chí “Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương”, Kỳ 4, năm 2012.

  • 刘卿:“美国在亚太战略部署的新变化”,《现代国际关系》,2011年第5期。

Liu Qing, Thay đổi mới của Hoa Kỳ trong kế hoạch chiến lược châu Á – Thái Bình Dương“, Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại”, Kỳ 5, năm 2011.

  • 庞中英:“东亚地区合作需要新思维和新路径”,《中国战略观察》,2011年第11期。

Pang Zhongying, Hợp tác khu vực Đông Á đòi hỏi tư duy mới và con đường mới, Tạp chí “Quan sát chiến lược Trung Quốc”, Kỳ 11, 2011.

  • 宋静:“美国因素影响下的亚太, 东亚合作机制之争”,《世界经济与政治论坛 》,2011年第1期。

Song Jing, Tranh chấp về cơ chế hợp tác giữa Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Á dưới ảnh hưởng của nhân tố Hoa Kỳ, Tạp chí “Diễn đàn kinh tế và chính trị thế giới” , Kỳ 1, năm 2011.

  • 韦宗友:“美国战略东移及其对东亚秩序的影响”,《国际观察》,2012年第6期。

Wei Zongyou,  Chiến lược hướng Đông của Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó đến trật tự Đông Á, Tạp chí “Quan sát quốc tế”, Kỳ 6, năm 2012.

  • 杨泽瑞:“推动亚太合作和东亚合作两大机制的融合”,《世界知识》,2011年第14期。

Yang Zerui, Thúc đẩy tích hợp hai cơ chế hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Á, Tạp chí “ Tri thức Thế giới”, Kỳ 14, năm 2011.

——————-

[1]Vì thế, bài viết này chủ yếu bàn về khuôn khổ hợp tác chính của hợp tác Đông Á, tức ASEAN+3 (APT).

[2] Được khẳng định chính thức tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (tháng 7/2005) và “Tuyên bố Kualar Lumper” , Hội đàm cấp cao Đông Á lần thứ nhất (tháng 12/2005).

[3] K.Kesavapany, Special Lecture on ASEAN Centrality in Regional Integration, Bangkok, 26 Feb 2010, http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/asco07-10.pdf, 14:19 20 Jul 2012.

[4]“Thế hệ thứ nhất” (như WTO) chủ yếu hợp tác tự do thương mại, “thế hệ thứ hai” (các hiệp định thương mại thông thường: BTAs, FTAs, PTAs) ngoài tự do hóa về thương mại còn chú trọng tự do hóa về dịch vụ, TPP được gọi là hiệp định thương mại của “thế hệ mới”, hoặc “thế hệ thứ ba”, có tiêu chuẩn cao, toàn diện và mang tính mở. Tham khảo: Remarks by the President in the Meeting with Trans-Pacific Partnership,12 Nov 2011,http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/11/12/ remarks-president-meeting-trans-pacific-partners hip, 16:45 22 Mar 2013.

[5]Remarks by the President in the Meeting with Trans-Pacific Partnership, 12 Nov 2011,http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/11/12/remarks-president-meeting-trans-pacific-partnership, 16:45 22 Mar 2013; Trans-Pacific Partnership Leaders Statement, http://www.ustr.gov/about-us/press-office/press-releases/2011/ November/trans-pacific-partnership-leaders-statement, 17:10 25 Mar 2012.

[6] Remarks by the President in State of the Union Address, 27 Jan 2010, http://www.whitehouse.gov/the-press-office/remarks-president-state-union-add ress,15:00 19 Mar 2013.

[7](Tiếng Trung) Wei Zongyou, Mỹ chuyển hướng chiến lược sang phía Đông và ảnh hưởng đối với trật tự Đông Á, Tạp chí Internation Review, Kỳ 6, năm 2012, trang 60-67.  

[8]Remarks by the President in the Meeting with Trans-Pacific Partnership, 12 Nov 2011,http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/11/12/remarks-president-meeting-trans-pacific-partnership, 16:45 22 Mar 2013.

[9]Mark E. Manyin, et al, Pivot to the Pacific? The Obama Administration’s “Rebalancing” Toward Asia, Congressional Research Services, Mar 2012, pp. 1-9.

[10]Hillary Rodham Clinton, America’s Pacific Century, Foreign Policy, Nov 2011.

[11] (Tiếng Trung) Huang Dahui chủ biên, Một Đông Á đầy biến động và Hoa Kỳ: Sự trỗi dậy và xây dựng trật tự Đông Á,  Beijing: NXB Văn hiến Khoa học Xã hội, trang 3-7, tháng 02/2010.

[12] Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore phát biểu trước chuyến thăm của Obama đến Châu Á năm 2009.  Tham khảo: Lý Quang Diệu, Hoa Kỳ nên gia nhập vào cộng đồng Đông Á để cân bằng Trung Quốc, Báo Phụng Hoàng, ngày 01/11/2009, http://news.ifeng.com/world/ 200911/1101_16_141418.shtml, đăng nhập lúc 11:33 ngày 23/3/2013.

[13] Hoa kỳ có đến gần 20 năm kinh nghiệm hợp tác FTA theo phương thức phủ định, tính từ lúc sáng lập NAFTA năm 1994.

[14] Singapore có sở trường và kinh nghiệm trong cả FTA theo phương thức khẳng định và phủ định. Ngoài ra, Singapore là quốc gia đầu tiên trong khu vực  Đông Á tham gia vào hợp tác FTA theo phương thức phủ định.

[15]Kim, Manger, Hubs of Governance: Path-Dependence and Higher-order Effect of PTA Formation, Presentation at the annual meeting of the Political Economy of International Organizations, 7-9 Feb 2013, Mannheim and Heidelberg,p.21.

[16]Hillary Rodham Clinton, America’s Pacific Century, Foreign Policy, Nov 2011.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]