Tại sao “chiến lược công nghiệp” của Anh quay trở lại?

57-Why “industrial strategy” is back

Nguồn:Why “industrial strategy” is back“, The Economist, 24/7/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Theresa May, thủ tướng mới của nước Anh, chắc chắn là một người táo bạo, thậm chí liều lĩnh, trong một số quyết định nhân sự nội các của mình. Nhưng bà cũng táo bạo không kém trong việc đưa “chiến lược công nghiệp” (industrial strategy) lên đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ mới – một động thái có thể đánh dấu một sự thay đổi lớn so với các chính phủ tiền nhiệm của bà. Thuật ngữ đó đã không được tán thành trong nội bộ Đảng Bảo thủ kể từ thời Margaret Thatcher cầm quyền. Tuy nhiên, bà May đưa ra lập luận về “một chiến lược công nghiệp thích hợp để khiến toàn bộ nền kinh tế bùng nổ”, trong bài phát biểu của bà khi nhận tiếp quản từ David Cameron. Và sau khi yên vị tại Downing Street, bà nhanh chóng tạo ra một bộ phận hoàn toàn mới, mang tên “Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp”. Tại sao bà May quyết định từ bỏ chính sách chính trị chính thống của cả một thế hệ?

Cụm từ này ở Anh sẽ luôn luôn được gắn liền với chính phủ Công Đảng của những năm 1970, và đến những thất bại công nghiệp thảm hại của thời kỳ đó. Trong một thời đại mà kinh tế học Keynes và kế hoạch hóa chi phối lĩnh vực hoạch định chính sách, một người cánh tả tên là Tony Benn đã tuyên bố sự cần thiết cần có một chiến lược như vậy. Điều này chủ yếu là để phản ứng lại các thiếu sót rõ ràng của một nền tảng công nghiệp lạc hậu, hay gặp đình công và thua lỗ của Anh. Với vai trò là Bộ trưởng Công nghiệp trong giai đoạn giữa thập kỷ, Benn đã can thiệp sâu sát hơn bao giờ hết vào các công ty làm ăn thua lỗ như công ty xe máy Triumph, cũng như những người kế nhiệm ông đã can thiệp với một quy mô lớn hơn để chống đỡ cho các tập đoàn lớn như British Steel.

Hầu như tất cả những biện pháp can thiệp này đều thất bại tai hại, gây thiệt hại hàng tỷ bảng Anh cho người nộp thuế mà không thể cứu được các công ty; chiến lược đó đã bị cười nhạo là “chọn người chiến thắng”. Sau khi bà Thatcher trở thành Thủ tướng vào năm 1979, các ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước phần lớn bị giải tán, và trong một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tự do kinh tế thị trường, khái niệm đó [chiến lược công nghiệp] đã trở nên lỗi thời. Ngay cả khi Công Đảng đã phục hồi quyền lực dưới thời Tony Blair sau năm 1997, nó vẫn luôn luôn nằm ngoài chương trình nghị sự.

Nhưng xu thế bắt đầu thay đổi vào cuối thời kỳ của các chính phủ Công Đảng mới, khi Gordon Brown là Thủ tướng. Một lần nữa, cảm giác khủng hoảng là điều đã thúc đẩy một mối quan tâm mới đối với chiến lược công nghiệp, lần này là khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo. Các chính trị gia đã bị thuyết phục rằng nền kinh tế phải được “cân đối lại”, tránh xa tình trạng quá phụ thuộc vào các dịch vụ tài chính, và nghiêng nhiều hơn nữa về phía các ngành công nghiệp và sản xuất.

George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh trong chính phủ liên minh đầu tiên của David Cameron, gọi chính sách này là “cuộc diễu hành của các nhà sản xuất” (march of the makers). Ngài Vince Cable, Bộ trưởng Kinh doanh của Đảng Dân chủ Tự do trong chính phủ liên minh, lại một lần nữa phát biểu một cách nhiệt tình về các chiến lược công nghiệp. Ông chỉ ra 11 lĩnh vực mà chính phủ sẽ xây dựng mối quan hệ “đối tác” dài hạn, bao gồm sản xuất ô tô và hàng không vũ trụ. Bà May có khả năng sẽ tiếp tục các loại hình đầu tư của chính phủ này. Bà cũng đã chỉ ra rằng chiến lược của mình sẽ bao gồm nâng cao năng suất thấp kinh niên của Anh, đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng lớn và thêm nhiều dự án xây dựng nhà. Bà cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng bên ngoài London, và không chỉ trong phạm vi “trung tâm phía Bắc” xung quanh Manchester, chính sách được ưa chuộng bởi Osborne.

Việc bà May có thể đưa một chiến lược công nghiệp tiến xa đến thế nào trong một chính phủ Bảo thủ chiếm đa số chắc chắn bị nghi ngờ. Vào thời điểm hiện tại, chính sách vẫn còn đang phôi thai, nhưng những người ủng hộ thị trường tự do đã bắt đầu lo lắng. Mark Littlewood, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế, một trong những tổ chức cố vấn ưa thích của bà Thatcher, lập luận rằng việc áp dụng ngay cả một chiến lược công nghiệp hạn chế cũng có thể khiến chính phủ phải đi xa hơn bằng cách vực dậy các ngành công nghiệp làm ăn thua lỗ như ngành thép – đặc biệt là khi Anh rời khỏi EU và không còn bị ràng buộc bởi các quy tắc của châu Âu đối với trợ cấp của nhà nước. Cho đến nay phản hồi như vậy là khá ôn hòa. Nhưng, nhận thức được tâm trạng của người dân chống toàn cầu hóa và một chính phủ có xu hướng chiếm lấy nền tảng chính trị trung dung bị từ bỏ bởi Công Đảng, nhiều thành viên Đảng Bảo thủ sẽ trông chừng để tìm kiếm các dấu hiệu chệch hướng nhiệm vụ. Các biện pháp can thiệp có ý tốt có thể nhanh chóng trở nên phản tác dụng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bị suy giảm, nhu cầu về một chiến lược công nghiệp sẽ trở nên lớn hơn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]