Việt Nam, ASEAN và thế lưỡng nan về ‘đồng thuận’

Print Friendly, PDF & Email

aseancs

Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “Vietnam, ASEAN and the ‘Consensus Dilemma’”, ISEAS – Yusof Ishak Instititute, 31/08/ 2016

Trong Bài giảng Singapore thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) chủ trì ngày 30/08/2016, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc định hình các phản ứng của khu vực đối với các mối đe dọa an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, tuyên bố rằng việc duy trì một “cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc, trong đó ASEAN đóng một vai trò trung tâm” là điều hết sức quan trọng.

Đáng chú ý là trong khi ca ngợi vai trò của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, ông Quang cũng ngầm thể hiện sự thất vọng của Việt Nam đối với sự bất lực của ASEAN trong việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp, một vấn đề chủ yếu do nguyên tắc đồng thuận của khối gây ra.

Trả lời một câu hỏi từ cử tọa về quan điểm của Việt Nam về vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, ông Quang dù công nhận “đồng thuận” là một nguyên tắc cơ bản trong cách vận hành của ASEAN, nhưng cũng cho rằng do “các vấn đề mới phát sinh”, ASEAN nên xem xét thiết lập các cơ chế bổ sung để cho phép một mức độ linh hoạt nhất định nhằm quản lý tốt hơn những thách thức an ninh này.

Trong số các “vấn đề mới phát sinh” mà ông Quang đề cấp tới có những khó khăn gần đây mà nguyên tắc đồng thuận gây ra cho việc định  hình một quan điểm chung của ASEAN về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã rất chú trọng sử dụng các cơ chế ASEAN để quản lý tranh chấp Biển Đông với các quốc gia yêu sách khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên tắc đồng thuận của ASEAN cũng đặt ra một tình thế khó xử đối với Việt Nam trong việc theo đuổi chiến lược này. Trong khi nguyên tắc này cho phép Việt Nam về cơ bản có thể phủ quyết các chính sách và hành động của ASEAN nào có thể gây phương hại đến lợi ích quốc gia của mình, nó cũng làm hạn chế những nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo ra một lập trường chung giữa các quốc gia thành viên ASEAN về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Vì vậy, đề nghị của ông Quang rằng ASEAN có thể tính tới các cơ chế bổ sung nhằm vượt qua các khó khăn mà nguyên tắc đồng thuận của ASEAN gây ra phản ánh thực tế rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông đang chiếm vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự đối ngoại của Việt Nam, vượt lên trên những lợi ích khác mà nguyên tắc này có thể mang lại cho Hà Nội trong các vấn đề khác.

Đề nghị của CTN Trần Đại Quang có thể đáng được ASEAN xem xét nếu ASEAN muốn tăng cường hiệu quả của mình trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc có tác động lớn đối với an ninh khu vực. Nó cũng trùng hợp với đề nghị của một số học giả khu vực cho rằng ASEAN cần đánh giá lại cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận của mình bằng cách loại bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên, đồng thời áp dụng nguyên tắc “ASEAN trừ nước X” thay vì sự đồng thuận đầy đủ trong việc giải quyết các vấn đề nhất định.

Để đề xuất này được thông qua bởi ASEAN, trước hết các quốc gia thành viên cần phải đạt được một sự đồng thuận về sự cần thiết phải thay đổi cơ chế làm việc nền tảng lâu nay của Hiệp hội. Nếu xét tình hình gần đây của ASEAN, triển vọng để các nước thành viên có thể để đạt được một sự “đồng thuận chống lại đồng thuận” như vậy, hoặc ít nhất là đồng ý về các cơ chế bổ sung cho nguyên tắc đồng thuận như CTN Trần Đại Quang đề nghị, có thể không cao.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam và một số đối tác ASEAN khác có chung lợi ích và quan điểm có thể làm việc cùng nhau để hình thành các cơ chế tạm thời nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khẩn cấp, đặc biệt là liên quan tới tranh chấp Biển Đông. Dù cách tiếp cận như vậy có thể ít nhiều làm suy yếu vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, nhưng đó có thể là một sự đánh đổi mà các thành viên ASEAN phải chấp nhận nếu họ kiên quyết muốn giữ vững nguyên tắc đồng thuận.

TS Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]