Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường: Cuộc chiến từ chính trị tới kinh tế

xili

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping, Li Keqiang take political battle into economic arena“, Nikkei Asian Review, 18/08/2016

Biên dịch: Trần Quang

Sự chênh lệch về chỉ số phát triển ngày càng lớn giữa Liêu Ninh và Chiết Giang dường như có ý nghĩa chính trị, thể hiện phần nào cuộc tranh đấu quyền lực giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Một số nhà quan sát chính trị nói rằng Liêu Ninh, nơi mà ông Lý từng là bí thư, đang trở thành mục tiêu chính trị gần đây nhất của Bắc Kinh.

Thành phố An Sơn, một thành phố sản xuất thép của tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc được bao phủ bởi lớp khói mù dày đặc, một cảnh quan đô thị màu xám, tương phản hoàn toàn với những cách đồng ngô xanh trải dài bất tận mà nhóm tác giả đã đi qua trên đường tới đây.

Trời nóng, nhiệt độ là 32 độ C, nhưng mặt trời có lẽ đang ẩn mình đâu đó.

Tương lai của thành phố An Sơn cũng u ám như bầu trời ở đây. Các nhà máy thép lớn ở thành phố này đang bị đe dọa bởi chiến dịch cải cách công nghiệp của chính quyền trung ương – trong đó các nhà máy này phải cắt giảm đáng kể công suất.

Theo Hiệp hội Thép thế giới, trong năm 2015, sản lượng của tập đoàn thép Ansteel của An Sơn là 32,5 triệu tấn, đứng thứ bảy toàn cầu.

Kinh tế Liêu Ninh phụ thuộc chủ yếu vào ngành sản xuất thép và các ngành công nghiệp nặng quy mô lớn, giờ đây phải cắt giảm hơn một nửa sản lượng trong nửa đầu năm nay. Bởi một lý do được đưa ra là nhu cầu thép thế giới giảm.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm sản lượng thép trong nước khoảng 100 triệu tấn đến 150 triệu tấn tới năm 2020 và trong năm nay sẽ cắt giảm 45 triệu tấn.

Điều này có nghĩa ngành công nghiệp thép của Trung Quốc cần giảm một sản lượng thép bằng một nửa sản lượng thép hàng năm của Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu tham vọng này đòi hỏi Liêu Ninh, trung tâm ngành công nghiệp thép vùng Đông Bắc Trung Quốc, phải hy sinh hàng triệu tấn thép.

Ảnh hưởng của chính sách này đang dần được cảm nhận:

– Một công nhân khoảng 40 tuổi làm việc cho Ansteel cho biết điều ông hy vọng nhất bây giờ là giữ được việc, thậm chí lương thấp hơn.

– Rất nhiều cửa hàng dọc theo đường chính của thành phố An Sơn đã phải đóng cửa.

– Những cao ốc văn phòng xây dựng ở Thẩm Dương, thủ phủ của Liêu Ninh chỉ thu hút được sự quan tâm của một số ít người.

Số liệu kinh tế cũng cho thấy bức tranh ảm đạm của Liêu Ninh. Tỉnh Đông Bắc Trung Quốc này có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I năm nay giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này được công bố cùng với báo cáo tăng trưởng của các tỉnh khác đã tạo ra cú sốc trên toàn đất nước. Tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn này là 6,7%.

Trong sáu tháng đầu năm, kinh tế Liêu Ninh giảm hơn 1%. Những dấu hiệu kinh tế ảm đạm đã bắt đầu từ năm trước, khi một số ngành công nghiệp chủ chốt của tỉnh như khai thác than đá, ma-giê và khoáng sản khác đã giảm mạnh từ 10% đến 20%.

Phó Chánh văn phòng phụ trách thông tin của Liêu Ninh Zhang Shaorui cho biết làm một tấn than không đủ lãi để mua một cốc kem, các mỏ than ở Phủ Thuận của tỉnh này đã phải cắt giảm sản xuất.

Tuy nhiên, Zhang dự báo một triển vọng khá lạc quan khi cho biết nền kinh tế của tỉnh sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, tốt hơn nữa vào năm sau và tiếp tục phát triển hơn nữa trong những năm tới.
Bầu trời xanh của Zhang không có vẻ thuyết phục khi Trung Quốc sẽ tiến hành cắt giảm sản xuất đạt đỉnh vào năm nay. Nếu như tỉnh chấp hành đúng hướng dẫn của chính phủ, nền kinh tế của Liêu Ninh sẽ không thể khả quan hơn trong sáu tháng cuối năm.

Chỉ có hai cách để đưa kinh tế Liêu Ninh khả quan hơn trong sáu tháng cuối năm.

  • Tỉnh bỏ qua mục tiêu của chính phủ và tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất thép.
  • Tạo ra số liệu giả để chứng tỏ kinh tế đang dần đi lên.

Liêu Ninh là nơi sinh ra cái gọi là chỉ số kinh tế Lý Khắc Cường. Khi ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm còn làm bí thư Liêu Ninh, ông đã nói với đại sứ Mỹ ở Trung Quốc rằng số liệu GDP là không đáng tin cậy. Ông Lý cho biết ông sử dụng ba chỉ số tương đối đáng tin cậy để đánh giá kinh tế là (1) chỉ số tiêu thụ điện, (2) bao nhiêu chuyến hàng được trung chuyển, (3) dư nợ và khoản vay dài hạn tại ngân hàng.

Tuy nhiên, đối với Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, chỉ số của Lý Khắc Cường lại thiếu chính xác. Thành phố này đang tăng trưởng mạnh về kinh tế và sẽ là thành phố chủ nhà của hội nghị G20 vào tháng tới.

Nhà chung cư mới gần khu vực phát triển của thành phố có giá từ 40.000 đến 50.000 nhân dân tệ (6000-7500 USD) một m2, gấp bốn đến năm lần giá đất ở Thẩm Dương, thủ phủ Liêu Ninh và gần ngang bằng với vùng ngoại ô của Bắc Kinh, nơi có giá bất động sản đắt nhất Trung Quốc. Mua một căn hộ 100m2 ở Hàng Châu mất tới 1 triệu USD, sánh ngang giá nhà ở trung tâm Tokyo.

Tuy nhiên có thể thấy, hầu hết người dân ở Hàng Châu không có thu nhập cao bằng những người sống tại các khu công nghiệp quốc gia như An Sơn. Ngoài ra, việc sở hữu chung cư ở Trung Quốc, nơi đất đai thuộc sở hữu nhà nước và giới hạn thời gian sử dụng thì chung cư không được coi là tài sản cố định. Tuy nhiên, giá nhà chung cư ở đây lại tăng vọt. Đây là một dạng của bong bóng bất động sản.

Một lý do khiến Hàng Châu đang phát triển bùng nổ do đây là đại bản doanh của Alibaba Group Holding, tập đoàn Internet khổng lồ của Trung Quốc. Nhu cầu về hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng hóa cần thiết hàng ngày tại Trung Quốc khá cao. Người tiêu dùng Trung Quốc mua hầu hết hàng hóa thông qua mạng trực tuyến. Do đó, không ngạc nhiên khi Alibaba phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, Chiết Giang còn là cái nôi của rất nhiều công ty tư nhân có lợi nhuận.

Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa Liêu Ninh và Chiết Giang dường như có ý nghĩa chính trị, thể hiện phần nào cuộc tranh đấu quyền lực giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ông Tập làm bí thư Chiết Giang những năm 2000, trong khi ông Lý làm bí thư Liêu Ninh cũng khoảng thời gian tương tự.

Một số nhà quan sát chính trị nói rằng Liêu Ninh đang trở thành mục tiêu chính trị gần đây nhất của Bắc Kinh. Thật vậy, Wang Min, một quan chức cấp cao của tỉnh tháng 3 vừa qua đã bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng (tỉnh hiện tại không có bất kỳ ưu đãi nào). Quý I và Quý II năm nay, Liêu Ninh công bố số liệu GDP chậm nên đã bị các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích.

Các hãng tin mô tả số liệu GDP của Liêu Ninh là ảm đạm và nền kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Mặc dù được sự hỗ trợ khổng lồ từ Bắc Kinh hơn 10 năm qua, nhưng nền kinh tế của tỉnh hầu như thiếu sự quản lý và phát triển “khập khiễng”.

Một số bài báo còn đi xa hơn khi chỉ trích các nhà lãnh đạo trước của Liêu Ninh. Điều này là bất thường ở Trung Quốc và cách viết của các bài báo này là kiểu nói bóng gió của chính trị.

Cuộc tấn công chính trị đối với Liêu Ninh dường như có hai mục tiêu. Đó là Bạc Hy Lai và Lý Khắc Cường. Bạc Hy Lai đã bị kết án tù chung thân vì tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Bạc Hy Lai chỉ là quan chức thứ hai của tỉnh, Lý Khắc Cường mới là số một. Vì vậy, việc các phương tiện truyền thông chỉ trích hoạt động kinh tế của Liêu Ninh yếu kém như cú đánh gián tiếp vào ông Lý.

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vẫn tiếp tục ganh đua để trở thành người chỉ đạo trực tiếp nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh tăng trưởng nước này đang có xu hướng giảm, vấn đề quan trọng được bàn thảo trong cuộc họp kín của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua là làm thế nào quản lý được tình hình.

Theo một quan chức Trung Quốc có thời gian gắn bó với ông Tập trong quá trình công tác tại địa phương, ông Tập có thể xuất hiện một cách nhẹ nhàng, nhưng tham vọng của ông đã nói với ông rằng những quyết định quan trọng phải là của mình.

Ông Tập từng là bí thư Hàng Châu, thành phố đang chuẩn bị tổ chức hội nghị Thượng đỉnh G20, nơi được ông Tập hy vọng sẽ củng cố sự lãnh đạo và chính sách của ông, dù ông Lý vẫn tiếp tục chống lại điều này.

Đầu tháng 7, hai bên đã có cuộc “đụng độ” trong chỉ đạo cải cách doanh nghiệp nhà nước. Bị kẹt giữa hai nhà lãnh đạo, trang mạng chính phủ và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã nỗ lực để tạo ra một sự cân bằng. Tiêu đề của các tin bài đều thể hiện hai nhà lãnh đạo đã ban hành hướng dẫn về cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, một tiêu đề viết “ông Tập muốn sự cạnh tranh trong các doanh nghiệp nhà nước”, trong khi tiêu đề khác viết “ông Lý muốn loại bỏ các doanh nghiệp không có lợi nhuận, thu gọn doanh nghiệp nhà nước và giải phóng thị trường”.

Các báo cáo cho thấy ông Tập và ông Lý không chỉ cạnh tranh quyền chỉ đạo kinh tế đất nước mà những quy định đối với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước của hai nhà lãnh đạo cũng rất khác nhau. Nhiều bình luận trên mạng đã chế nhạo sự khác biệt về chính sách giữa ông Tập và ông Lý.

Tranh giành quyền lực giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc là một bí mật mở. Người chiến thắng sẽ là người trả lời một cách thuyết phục hai câu hỏi:

  • Người nào có thể đổ lỗi cho sự suy thoái nghiêm trọng kinh tế đất nước?
  • Chính phủ nên trả lời như thế nào?

Đây là điều không thể dự đoán khi trận chiến đang diễn ra.

Katsuji Nakazawa là cây bình luận cao cấp của Nikkei.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]