Nguồn: Frank Walter Steinmeier, “Reviving Arms Control in Europe”, Project Syndicate, 26/08/2016
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi tình hình an ninh tại châu Âu một lần nữa lại bị đe dọa. Vì vậy, một lần nữa, an ninh châu Âu lại là chủ đề bàn luận chính trong chương trình nghị sự chính trị của chúng ta.
Đã có nhiều dấu hiệu báo trước một cuộc đối đầu giữa các khối thù địch thậm chí trước cả khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2014. Thế nhưng, lần chạm trán mới này lại không được định hình bởi sự thù địch giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, mà bởi một cuộc tranh chấp về trật tự xã hội và chính trị, bao gồm các vấn đề tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, cũng như bởi sự giành giật phạm vi ảnh hưởng địa chính trị.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã vi phạm luật pháp quốc tế và làm dấy lên nghi ngờ về những nền tảng của cấu trúc an ninh châu Âu. Thêm vào đó, bản chất của cuộc xung đột tại Ukraine đã thay đổi đáng kể. Cái gọi là chiến tranh phức hợp cùng các chủ thể phi nhà nước đang đóng vai trò lớn hơn rất nhiều so với trước đây.
Những công nghệ mới bao gồm khả năng tấn công mạng, máy bay không người lái có vũ trang, robot, các loại vũ khí điện tử, laser và vũ khí tầm xa đều ẩn chứa nhiều hiểm họa mới. Các kịch bản tấn công mới bao gồm việc triển khai các đơn vị ít người hơn, có sức chiến đấu cao hơn, khả năng triển khai nhanh hơn đều chưa được điều chỉnh bởi các chế độ kiểm soát vũ khí hiện hành. Mối nguy hiểm của một cuộc chạy đua vũ trang mới đang hiển hiện ngày một rõ ràng hơn.
Kể từ sau Báo cáo Harmel vốn tái xác định chiến lược của NATO vào năm 1967, phương Tây đã thực thi một cách tiếp cận kép trong quan hệ với Nga: chính sách đối ngoại vừa hòa hoãn (détente) vừa răn đe (deterrence). NATO đã làm mới cam kết của mình đối với chiến lược kép này tại Hội nghị thượng đỉnh Warsaw hồi đầu hè vừa qua. Chúng ta đã thông qua nhiều biện pháp cần thiết để mang lại sự đảm bảo về quân sự và đồng thời tái khẳng định lại một lần nữa trách nhiệm chính trị của chúng ta trong vấn đề an ninh hợp tác ở châu Âu.
Phương thức tiếp cận kép này khó tránh khỏi một trở ngại cố hữu: răn đe được thể hiện rõ ràng và tất cả mọi người đều nhìn thấy được; còn hòa hoãn cũng phải mang đặc tính tương tự nếu nó muốn đóng một vai trò cụ thể. Bất cứ khi nào cán cân chính sách này trở nên mất cân đối, những nhận thức sai lầm sẽ xuất hiện và rất khó để có thể giảm thiểu được rủi ro bất ổn leo thang.
Nhằm giảm bớt rủi ro này, chúng ta nên đưa ra một mục tiêu cụ thể: khôi phục việc kiểm soát vũ khí ở châu Âu như là phương tiện được kiểm chứng nhằm giảm bớt rủi ro, xây dựng lòng tin và tính minh bạch giữa Nga và phương Tây.
Lịch sử đã chứng minh những thỏa thuận kiểm soát vũ khí không phải là kết quả của lòng tin hiện hữu, mà thay vào đó chúng là phương tiện để xây dựng lòng tin khi nó đã bị đánh mất. Năm 1962, Khủng hoảng Tên lửa Cuba đã đưa thế giới tới bờ vực đối đầu hạt nhân. Ngay sau sự kiện này, thời điểm mà mối quan hệ Hoa Kỳ-Liên Xô đang ở mức tồi tệ nhất, cả hai siêu cường này đều quyết định đã đến lúc vượt ra khỏi sự chia rẽ thông qua các bước đi nhỏ và cụ thể. Nguyên tắc này cũng là nội dung cốt lõi trong Chính sách Hướng Đông Mới (Neue Ostpolitik) của Willy Brandt trong thập niên 1960 và 1970.
Ngày nay, những bất đồng mới và sâu sắc giữa Nga và phương Tây đang ngày một gia tăng, và tôi sợ rằng chúng ta sẽ không thể nào khắc phục được những bất đồng này trong một sớm một chiều được dù có nỗ lực đến đâu. Không ai được phép xem nhẹ những thử thách mà chúng ta phải đối mặt trên khía cạnh này, nhất là khi xét tới những cuộc khủng hoảng phức tạp đang diễn ra ở miền Đông Ukraine, Syria, Lybia và nhiều nơi khác, tại một thời điểm mà chúng ta cũng không thể tránh khỏi tình trạng bất ổn leo thang tái diễn hay những trở ngại lớn hơn. Chỉ có một điều duy nhất chắc chắn: Nếu chúng ta không cố gắng, hòa bình ở châu Âu và nhiều nơi khác sẽ trở nên rất mong manh. Chúng ta cần phải để tâm tới bài học của chính sách hòa hoãn: dù rạn nứt có sâu sắc đến đâu, chúng ta cũng cần phải cố gắng xây dựng những chiếc cầu để lấp đầy các rạn nứt đó.
Tiếc là, các chế độ kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị hiện nay đang sụp đổ. Nga không còn thực hiện Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (Treaty on Conventional Armed Forces), hiệp ước đã dẫn đến việc di dời hàng vạn chiếc xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khỏi châu Âu trong những năm sau 1990. Tương tự, những cơ chế minh bạch và xây dựng niềm tin trong nội dung Công ước Vienna 2011 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhanh chóng cho thấy sự kém hiệu quả, và bản thân nước Nga thì phản đối những bước đi cần thiết để hiện đại hóa những cơ chế này.
Hiệp ước Bầu trời mở của OSCE hiện cũng đang bị hạn chế hiệu lực thi hành. Việc sáp nhập bán đảo Crimea của Nga đã khiến Bản ghi nhớ Budapest trở nên lỗi thời. Lòng tin từng được dày công vun đắp trong suốt nhiều thập kỷ đã trở nên bị lãng phí.
Thế nhưng, Nga vẫn liên tục kêu gọi một cuộc tranh luận mới về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu. Về mặt này, đã đến lúc chúng ta cần tin vào lời nói của Nga!
Tái khởi động kiểm soát vũ khí thông thường sẽ dựa trên một nguyên tắc cốt lõi của Chính sách Hướng Đông của Brandt: an ninh ở châu Âu không thể được coi là một quá trình đối đầu vĩnh viễn và không phải là trò chơi có tổng bằng không. Tăng cường an ninh cho một bên không có nghĩa bên còn lại cảm thấy an ninh của mình bị suy giảm. Theo quan điểm của tôi, việc khôi phục kiểm soát vũ khí sẽ bao gồm năm yếu tố. Chúng ta cần có những thỏa thuận với mục đích:
- Xác định giới hạn trần cho khu vực, khoảng cách nhỏ nhất, các biện pháp minh bạch (đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm về quân sự như các quốc gia vùng Baltic);
- Xem xét đến các khả năng và chiến lược quân sự mới (các đơn vị cơ động hơn, nhỏ hơn thay vì phải điều động cả một đơn vị lớn kiểu truyền thống, đồng thời tính đến các nguồn lực như khả năng vận tải);
- Tích hợp các hệ thống vũ khí mới (ví dụ như máy bay không người lái);
- Cho phép thanh sát có hiệu quả, triển khai nhanh chóng, linh hoạt và độc lập trong giai đoạn khủng hoảng (ví dụ, do OSCE thực hiện);
- Được áp dụng tại những nơi có tình trạng tranh chấp lãnh thổ.
Dựa vào những vấn đề phức tạp này, chúng tôi muốn khởi xướng một cuộc đối thoại có sắp đặt với tất cả các quốc gia cùng có chung trách nhiệm đối với an ninh châu Âu. Năm nay, Đức giữ vai trò chủ tịch của OSCE và đây là một diễn đàn quan trọng để tiến hành một cuộc đối thoại như vậy.
Nhiệm vụ trên chưa chắc đã có thể thành công khi mà trật tự thế giới đang xói mòn, mối quan hệ với Nga còn đang căng thẳng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ là những người vô trách nhiệm nếu không dám thử sức.
Đúng là Nga đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản về hòa bình: tính toàn vẹn lãnh thổ, tự do chọn lựa đồng minh, công nhận luật pháp quốc tế – vốn là những vấn đề không thể thương lượng ở phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đoàn kết lại để không phải đối mặt với tình trạng đối đầu và thù địch leo thang.
Ở cả phương Tây lẫn nước Nga, thế giới của chúng ta đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, xung đột khốc liệt tại Trung Đông, những nhà nước thất bại cùng với cuộc khủng hoảng người tị nạn đang là hiểm họa đối với toàn châu Âu. Những khả năng an ninh của cả hai bên đều đã tới điểm giới hạn. Chiến thắng không thuộc về ai và chúng ta sẽ thua nếu bản thân chúng ta phung phí sức lực trong một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Việc khôi phục kiểm soát vũ khí sẽ là lời mời gọi hợp tác rõ ràng cho những ai muốn chia sẻ trách nhiệm đối với an ninh ở châu Âu. Đã đến lúc chúng ta cần phải thử sức với những điều tưởng chừng như không thể.
Frank Walter Steinmeier là Ngoại trưởng Đức.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]