Chính phủ bù nhìn của Putin ở Donbass

Print Friendly, PDF & Email

ukr

Nguồn: Paul Gregory, “Putin’s Government in Donbass”, Project Syndicate, 13/04/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào tháng 3 vừa qua, tờ Bild của Đức cho đăng một bài báo dựa trên một tài liệu mật tiết lộ cách những vùng ly khai tại miền đông Ukraine đã “được xem là những phần nằm trong lãnh thổ có chủ quyền của Nga” như thế nào. Các phát hiện này đã mở ra một cách nhìn nhận mới về các cuộc thương lượng hòa bình Minsk 2 đang diễn ra, qua đó lột tả được nỗi thất vọng của chính phủ Ukraine.

Tài liệu mà tờ Bild có được là bản báo cáo từ cuộc họp vào tháng 10 năm ngoái của “Ủy ban Liên bộ về Cung cấp Cứu trợ Nhân đạo cho các Khu vực chịu ảnh hưởng ở miền Đông Nam khu vực Donetsk và Luhansk” của Nga. Bản báo cáo mô tả những người tham gia cuộc họp không chỉ tập trung vào hỗ trợ nhân đạo, mà còn đóng vai trò như một chính phủ ngầm. Các nhóm công tác phối hợp với giới chức Nga được thành lập nhằm quản lý nguồn tài chính, các chính sách kinh tế, hạ tầng giao thông và năng lượng, thương mại của khu vực này.

Đáng chú ý, cuộc họp diễn ra dưới sự giám sát thận trọng của bốn thành viên thuộc Cơ quan cảnh sát mật của Nga (FSB), do chính trị gia Nga Sergey Nazarov làm chủ trì. Các nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk không tham gia buổi họp. Thực tế, người Ukraine duy nhất tới tham dự là một đại diện của DTEK – gã khổng lồ trong ngành năng lượng của Ukraine do Rinat Akhmetov, một đầu sỏ chính trị giàu có nhất Ukraine, làm chủ sở hữu.

Lập trường đàm phán chính thức của Kremlin là Nga muốn một Ukraine đơn nhất phải trao cho các nền cộng hòa ly khai quyền tự trị đáng kể cũng như quyền phủ quyết đối với các dự luật quốc gia chính yếu. Quan điểm này yêu cầu Ukraine phải sửa đổi hiến pháp nhằm cấp quy chế riêng biệt cho các vùng ly khai – một thay đổi trong cấu trúc cơ bản của đất nước, điều có vẻ như không khả dĩ về mặt chính trị sau khi 10.000 người đã thiệt mạng (để chống lại sự thay đổi đó). Đổi lại, điện Kremlin hứa sẽ hỗ trợ – nhưng chỉ sau khi hiến pháp được thay đổi – chính quyền quốc gia Ukraine trong việc thiết lập lại quyền kiểm soát đối với những khu vực đó, cũng như đối với đường biên giới với Nga.

Trên lý thiết, các cuộc đàm phán đang được diễn ra giữa chính phủ Kiev và những người đứng đầu các vùng ly khai. Liên minh châu Âu hiện đang gây áp lực lên tất cả các phía, trong đó có Nga, trong đó tổ chức này bỏ ngỏ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga để làm phần thưởng cuối cùng nếu Nga ủng hộ các nỗ lực hòa bình.

Nga vừa đề xuất sử dụng thứ mà nước này gọi là “ảnh hưởng hạn chế” để thuyết phục các chính phủ nổi loạn hợp tác. Tuy nhiên, nếu Nga thực sự nắm toàn quyền kiểm soát các khu vực ly khai và chủ động hợp nhất những nơi này vào nền kinh tế của mình, theo như nội dung tài liệu tờ Bild có được, thì điện Kremlin không còn được coi là người nằm ngoài cuộc chơi nỗ lực để chi phối một đồng minh bất hợp tác nữa. Thay vì vậy, có thể thấy rõ rằng những người đứng đầu các vùng ly khai ít nhất là những con rối, và những bên thực sự tham gia đàm phán chính là Nga và Ukraine.

Những điều này không xa lạ gì đối với giới chức Kiev, bởi lâu nay họ khẳng định rằng chính quyền ly khai, những người họ mong đợi đạt được thỏa thuận, thực ra đều làm theo lệnh từ các cấp trên người Nga. Nhưng thông tin này có thể có ảnh hưởng quan trọng lên lập trường của giới chức châu Âu, những người đang cố gắng tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán.

Nga hiện đang nhấn mạnh việc chính quyền Kiev miễn cưỡng thực hiện các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk 2 nhằm chia rẽ Ukraine và châu Âu. Thông điệp của Kremlin là Ukraine là một quốc gia thất bại và không thể thực hiện thỏa thuận mà nước này nhất trí trước đó. Theo lối suy diễn đó, vấn đề chính nằm ở sự suy thoái chính trị ở Ukraine, trong khi Nga là một sứ giả hòa bình vô tội phải chịu những trừng phạt không đáng có.

Những công bố của tờ Bild đưa ra đã đánh trúng vào lỗ hổng trong lập luận của Nga, vậy nên Kremlin nhiều khả năng sẽ chất vấn tính xác thực của tài liệu hoặc cho rằng nội dung của nó đã bị hiểu sai. Nga có thể lập luận rằng việc đưa viện trợ nhân đạo tới Donbass là một nhiệm vụ trọng tâm đòi hỏi sự đóng góp của nhiều bộ ngành và cơ quan, bao gồm cả FSB. Những người biện hộ cũng có thể nghĩ tờ Bild bị chi phối bởi phe cánh hữu, một nhóm lợi ích chống Nga của Đức, và rằng tờ báo đó chỉ là một tờ lá cải mà không cần phải bận tâm nhiều.

Tuy nhiên, tờ Bild đã chứng minh rằng họ có thể tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc, chẳng hạn như việc phơi trần việc Nga chống lưng cho nền kinh tế Donbass ra sao sau khi nơi này ly khai qua việc trả lương cùng các khoản trợ cấp cũng như cấp tiền cho các nỗ lực tạo công ăn việc làm. Những phóng viên của Bild có vẻ cũng đã làm hết khả năng để xác thực biên bản cuộc họp, thậm chí ngay cả khi họ không thể công bố toàn bộ các chi tiết vì sợ lộ nguồn cung cấp thông tin. Nga càng tìm cách phủ nhận những phát hiện của tờ Bild bao nhiêu, thì những tác động từ các tiết lộ của tờ Bild càng khó phủ nhận bấy nhiêu.

Paul R. Gregory, nghiên cứu viên tại Học viện Hoover và nghiên cứu viên cộng tác tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức ở Berlin, là giáo sư của Đại học Houston.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Putin’s Government in Donbass
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]