Nguồn: John R. Deni, “Germany Embraces Realpolitik Once More“, War on the Rocks, 19/9/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thế Phương
Sách trắng quốc phòng (Weissbuch) vừa được công bố mới đây đã cho thấy một bước tiến mạnh mẽ của nước Đức hướng tới việc quay trở lại trở thành một cường quốc “bình thường” (“normal” power). Mặc dù ít gây được sự chú ý từ truyền thông Anh ngữ, Sách trắng đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ về nhiều mặt. Trên thực tế, việc nước Đức có đi theo các định hướng được nêu trong văn bản lịch sử này hay không và làm thế nào mà Đức có thể hiện thực hoá được những định hướng này sẽ quyết định vai trò an ninh và quốc phòng của Châu Âu trong mối tương quan với sức mạnh kinh tế và các nghĩa vụ xuyên Đại Tây Dương của khối này trong tương lai.
Sách trắng 2016 là chiến lược an ninh và quốc phòng ở tầm quốc gia đầu tiên của nước Đức được công bố trong vòng một thập niên qua. Phiên bản gần nhất, xuất bản năm 2006, chỉ là một bản liệt kê các sự kiện và tình huống mà giới hoạch định chính sách ở Đức phải đối mặt. Trong khoảng thời gian đó, Đức hầu như không sở hữu bất kỳ một kinh nghiệm triển khai sức mạnh nào ra ngoài biên giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh ngoài tham gia vào các hoạt động can thiệp quốc tế tại Bosnia và Kosovo. Cả hai sự kiện này đều được tiến hành dưới sự uỷ thác của các tổ chức quốc tế, trong trường hợp Bosnia là Liên Hiệp Quốc còn với Kosovo là dưới sự lãnh đạo của NATO.
Những kinh nghiệm này thúc đẩy Đức tham gia vào các nhiệm vụ của NATO tại Afghanistan, vốn được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn và triển khai trong năm 2006. Tuy nhiên, cũng giống như các đồng minh khác, Đức đã áp dụng các giới hạn ngặt nghèo về việc lực lượng quân đội của họ sẽ được triển khai ở đâu và như thế nào tại chiến trường Afghanistan. Điều này giúp gia tăng mức độ hoan nghênh và chấp nhận nói chung đối với vai trò ngày càng gia tăng của Đức trên thế giới. Nó cho thấy rằng nước Đức sẵn sàng mở rộng vai trò của mình, ví dụ như thông qua các nhiệm vụ quốc tế cách xa Châu Âu, nhưng lại không muốn vượt quá phạm vi khuôn khổ đa phương cũng như tính chính đáng được quy định bởi các thiết chế quốc tế. Sự cân bằng này đã được thể hiện trong Sách trắng 2006.
Xét trên nhiều khía cạnh, Sách trắng 2016 cũng là một sản phẩm tương tự. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong vòng một thập kỷ vừa qua, và đi cùng với các thay đổi đó là quan điểm của Đức về vai trò của mình trên thế giới. Mầm mống của các thay đổi này xuất hiện từ hai năm trước, khi Tổng thống Đức, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đều cho rằng đã đến lúc nước Đức phải lãnh trách nhiệm lớn hơn trên trường quốc tế. Những tời tuyên bố quan trọng đó đã bước đầu được hiện thực hoá thông qua Sách trắng 2016, vốn một lần nữa nhấn mạnh tới trách nhiệm và khả năng lãnh đạo.
Cụ thể hơn, Sách trắng 2016 nêu lên thay đổi căn bản mang tính hệ thống trong hai lĩnh vực quan trọng. Thứ nhất, Sách trắng đã thừa nhận khả năng nước Đức có thể tham gia vào các liên minh để phản ứng lại với các cuộc khủng hoảng an ninh tập thể. Sách trắng đề cập tới một thực tế ngày càng hiển nhiên: “các hợp tác mang tính tạm thời sẽ ngày càng trở thành một công cụ quan trọng để giải quyết khủng hoảng và xung đột quốc tế”. Điều quan trọng nhất có lẽ là tuyên bố của nước Đức về việc nước này không những sẵn sàng tham gia mà còn sẵn sàng đề xuất việc thành lập các liên minh như thế. Đây chính là một bước thay đổi mạnh mẽ so với quá khứ, khi Đức chỉ muốn thể hiện sức mạnh cứng của mình thông qua việc tham gia vào các thiết chế đa phương.
Bằng nhiều cách, chúng ta đã có thể nhận thấy những thay đổi này trên thực tế. Ví dụ, có thể thấy các chính sách của Đức từ năm 2014 như trang bị và huấn luyện cho các lực lượng người Kurd ở Iraq hay tham gia vào liên minh chống ISIL. Mặc dù còn có những giới hạn nhất định được đặt ra, song các chính sách này đã nằm ngoài khuôn khổ của Liên Hợp Quốc hay NATO. Đây chính là những điển hình cho các thay đổi căn bản trong cả lý thuyết cũng như thực tế trong chính sách an ninh của Đức.
Những biến đổi này gắn liền với yếu tố thay đổi thứ hai mang tính hệ thống trong chính sách an ninh của Đức: tập trung ngày càng nhiều vào vai trò của lợi ích. Sách trắng năm 2006 đã cho rằng: “Chính sách an ninh của Đức được thúc đẩy bởi các giá trị được Luật Căn bản (Basic Law, tức Hiến pháp) bảo vệ cũng như nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của quốc gia”. Trong khi đó, Sách trắng 2016 lại nói rằng: “ Chính sách an ninh của Đức gắn liền với các giá trị và được định hướng bởi lợi ích”. Có thể đây chỉ là một thay đổi nhỏ trong cách hành văn, tuy nhiên sự thay thế này lại rất đáng chú ý. Ngôn từ sử dụng trong bản 2006 rõ ràng đặt lợi ích của nước Đức bên dưới các giá trị Đức bằng việc cho rằng chính sách an ninh “được thúc đẩy” (geleitet) bởi giá trị. Trong bản 2016, mối quan hệ đó đã thay đổi – hiện tại chính sách an ninh của Đức được “định hướng” bởi lợi ích (interessengeleitet), và chỉ đơn thuần “gắn” với các giá trị Đức (wertegebunden).
Có sự tranh cãi không dứt trong nhiều nền dân chủ tự do phương Tây giữa hai khái niệm lợi ích và giá trị. Ví dụ, nước Mỹ thường xuyên cho rằng bản thân mình là đại diện của dân chủ và tự do trên toàn thế giới. Và trong khi có nhiều ví dụ cho thấy Washington đã thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài – ở đây chính là thúc đẩy giá trị thông qua chính sách đối ngoại – thì công bằng mà nói chính nước Mỹ cũng đã xếp một số chính phủ độc tài vào hàng các nước đồng minh hay các nước bạn bè thân thiết. Đối với Mỹ, cũng như một số nước khác, bảo vệ lợi ích có nghĩa là nhiều lúc cần bỏ giá trị qua một bên. Sách trắng 2016 cho thấy Đức cũng đang gia nhập câu lạc bộ lợi ích, mong muốn đóng một vai trò thực dụng hơn trên thế giới.
Trong khi dần dần trở thành một quốc gia “bình thường”, nước Đức cũng xác nhận vai trò của mình như là một quốc gia tối quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, hai nội hàm đó liệu có bổ sung cho nhau hay chia sẻ cho nhau những tham vọng sẵn có hay không thì vẫn còn chưa rõ ràng. Một mặt, chính sách an ninh của Đức vẫn còn gặp trúc trắc do thiếu nguồn lực cần thiết, vốn không thể thay thế được nếu Đức chỉ tham gia vào các hợp tác đa phương. Trong khi đó, mặc dù cuộc khủng hoảng nợ quốc gia hầu như đã không còn là nỗi ám ảnh, Liên minh Châu Âu dường như sẽ vẫn phải dành nhiều năm để tự suy ngẫm lại chính mình. Ví dụ như trong hiện tại EU sẽ phải đối phó với việc nước Anh rời khỏi liên minh, hay đảm bảo rằng các đường biên giới bên ngoài không phải chỉ là vẽ lên cho có, hay việc tiếp tục đàm phán về năng lực quân sự cũng như việc thiết lập một lực lượng quân sự riêng biệt…, tất cả những việc này sẽ chiếm hết thời lượng làm việc của toàn EU trong cả các năm 2017 và 2018. Để có thể biến những thay đổi đã được nêu lên trong Sách trắng 2016 trở thành hiện thực, vốn cần phải bao hàm cả lợi ích của Berlin và Brussels, sẽ cần khả năng lãnh đạo chính trị thật sự quyết tâm và can đảm.
John Reni là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược (SSI) trực thuộc Đại học Chiến tranh Hoa Kỳ (US Army War College). Vào ngày 21 tháng 9, SSI hợp tác với Viện Nghiên cứu các vấn đề đương đại Đức tại Mỹ và Quỹ Marshall tổ chức một sự kiện liên quan tới Sách trắng Quốc phòng năm 2016 của Đức.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]