Thách thức từ ngân sách quân sự quá lớn của Nga

Print Friendly, PDF & Email

moscow_victory_parade_759

Nguồn: Surgei Guriev, “Russia’s Indefensible Military Budget,” Project Syndicate, 14/05/2015.

Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày mùng 9 tháng 5 vừa qua, Nga đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn nhất kể từ thời Liên Xô. Tiếp nối truyền thống thời kỳ đó, Quảng trường Đỏ đã tràn ngập các thiết bị quân sự tối tân nhất, bao gồm cả siêu tăng đời mới T-14 “Armata.” Và cũng theo truyền thống đó, khi chiếc siêu tăng chết máy trong buổi tổng duyệt, người dân đã tức thì nói đùa rằng: “Chiếc xe tăng Armata thực sự có sức công phá chưa từng có; một tiểu đoàn có thể tiêu diệt toàn bộ ngân sách Nga!”

Dù là cường điệu (mỗi chiếc xe tăng có giá khoảng 8 triệu đô la Mỹ), câu nói đùa đã làm nổi bật thêm một đặc điểm khác trong khuynh hướng quay về thời kỳ Liên Xô của Nga: bội chi ngân sách quân sự.

Giờ đây không còn nghi ngờ gì về việc chi tiêu quân sự của Điện Kremlin đang đe dọa vị thế tài chính của Nga, vốn đã bị suy yếu bởi giá dầu thế giới giảm mạnh và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Và việc Nga vung tay quá trán trong chi tiêu quân sự cũng không hề có dấu hiệu chậm lại. Trong những tháng gần đây, chi phí quân sự của Nga đã gia tăng nhanh chóng, vượt cả các kế hoạch vốn đã đầy tham vọng của chính quyền.

Ngân sách năm 2015 mà Nga xây dựng từ mùa hè năm ngoái được dựa trên giả định rằng giá dầu sẽ giữ ở mức 100 USD mỗi thùng, với mức tăng trưởng GDP và lạm phát hàng năm lần lượt ở mức khoảng 2% và 5%. Nhưng trên thực tế, giá dầu đã giảm mạnh, nền kinh tế giảm sút, và lạm phát đạt mức hai con số. Việc Tổng thống Vladimir Putin chỉ mới ký thông qua một kế hoạch ngân sách sửa đổi hồi cuối tháng trước đã cho thấy sự chậm chạm của chính phủ Nga trong việc chấp nhận thực tế.

Tin tốt là ngân sách sửa đổi đã thực tế hơn rất nhiều, vì nó đã cắt giảm khoảng 2% các khoản chi tiêu trên danh nghĩa. Với mức lạm phát hằng năm tối thiểu là 11%, điều này tương đương với việc cắt giảm xấp xỉ 8% các khoản chi tiêu theo kế hoạch trên thực tế.

Tuy nhiên, do giá dầu tiếp tục giảm và suy thoái kinh tế làm suy yếu nguồn thu ngân sách, mức thâm hụt sẽ tăng từ 0,5% lên đến 3,7% GDP. Đây là vấn đề lớn vì Nga không thể vay mượn từ thị trường tài chính toàn cầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây, dù mức nợ chính phủ của Nga là rất nhỏ, chỉ khoảng 13% GDP.

Kết quả là, lựa chọn duy nhất của chính phủ Nga để hỗ trợ tài chính nhằm giải quyết thâm hụt là phải sử dụng đến quỹ dự trữ với vai trò là đệm chống sốc cho nền kinh tế. Với nguồn quỹ dự trữ chỉ tương đương khoảng 6% GDP, Nga chỉ có thể duy trì thâm hụt ở mức 3,7% trong chưa đầy hai năm trước khi quyết định hoặc phải rút khỏi Urkaine để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hoặc phải tiến hành điều chỉnh tài khóa trên diện rộng, và với Putin thì đây là một sự mạo hiểm chính trị.

Nhưng ngay cả viễn cảnh này cũng có thể là quá lạc quan. Theo các số liệu ngân sách mới được công bố, trong ba tháng đầu tiên của năm 2015, chi tiêu ngoài quốc phòng chiếm 16,5% GDP quý I, đúng như kế hoạch; nhưng chi tiêu quân sự lại vượt quá 9% GDP quý I – hơn gấp đôi ngân sách dự toán.

Nói cách khác, Nga đã sử dụng hơn một nửa tổng ngân sách quân sự của mình trong năm 2015. Với tốc độ này, quỹ dự trữ của Nga sẽ cạn kiệt trước cuối năm.

Việc quỹ dự trữ của Nga đang được sử dụng theo cách này thể hiện một bước quyết định trong cuộc tranh luận kéo dài về việc chi tiêu quân sự của Nga. Nó bắt đầu từ năm 2011, khi Tổng thống lúc đó là Dmitri Medvedev đề xuất tăng chi tiêu quân sự lên khoảng 600 tỉ đô la Mỹ, nâng từ mức dưới 3% lên hơn 4% GDP, trong hơn 10 năm. Bộ trưởng Tài chính lúc đó là Alexei Kudrin – người chủ trương thặng dư ngân sách, giúp xây dựng quỹ dự trữ và cắt giảm đáng kể nợ quốc gia – đã bị sa thải khi cho rằng Nga không đủ khả năng gánh vác mức tăng như vậy. Kế hoạch của Medvedev được thông qua ngay sau đó.

Nhưng việc sa thải Kurdin cũng không thể thay đổi thực tế. Mục tiêu của Điện Kremlin là cực kỳ tham vọng so với các tiêu chuẩn của cả nước Nga cũng như toàn cầu. Hầu hết các nước châu Âu hiện nay đều chi ít hơn 2% GDP cho quốc phòng; Trung Quốc chi nhiều hơn 2% một chút; và Mỹ chỉ chi khoảng 3,5%. Theo Ngân hàng Thế giới, trên thế giới chỉ có 9 quốc gia, trong đó có Ả Rập Xê-út, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (gồm bảy quốc gia thành viên – NHĐ), và Israel, chi tiêu hơn 4% GDP cho quân đội của họ.

Nga chỉ đơn giản là không thể duy trì việc phân bổ một phần ngân sách lớn đến như vậy cho chi tiêu quốc phòng. Hơn nữa, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga không đủ khả năng sản xuất các thiết bị hiện đại nhanh theo đúng tiến độ dự kiến.

Kể từ khi kế hoạch của Medvedev được thông qua, các vụ bê bối liên quan đến việc giá cả đắt đỏ và tham nhũng đã tăng lên nhiều lần, với nhiều nhân viên quốc phòng mất việc. Và cho đến tận năm nay, chi tiêu quốc phòng trên thực tế vẫn duy trì ở mức khoảng 3% GDP.

Trong bối cảnh này, tình trạng chi tiêu quân sự quá đà gần đây của Nga càng đáng chú ý hơn vì nó cho thấy chính phủ nước này – đang cố hết sức duy trì sự ủng hộ của dân chúng trong bối cảnh thành tích kinh tế giảm sút – đã ít hứng thú hơn trong việc đầu tư vào các trang thiết bị tối tân nhất so với việc thể hiện sự ủng hộ dành cho các lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine, bất chấp cái giá phải trả là tình trạng kinh tế khó khăn hơn. Thậm chí Điện Kremlin có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn (vào Ukraine) trong những tháng sắp tới. Cũng có thể Nga không có chiến lược nào cả, và chi phí quân sự cao bất thường đơn giản chỉ là phản ánh cái giá phải trả cao hơn dự tính của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong bất cứ trường hợp nào, logic tài chính và kinh tế của Kurdin thậm chí còn có giá trị ở hiện tại hơn cả ở thời điểm ông bị sa thải. Nếu Nga đã không thể kham nổi mức ngân sách quốc phòng 4% GDP trong những thời điểm thuận lợi thì nó càng không thể xoay xở được với mức chi tiêu quân sự cao đến thế trong tình hình hiện nay, khi phải đương đầu với giá dầu thấp chạm đáy, các lệnh trừng phạt của phương Tây, và suy thoái kinh tế. Tất nhiên, chính phủ Nga có thể đang đặt cược vào sự phục hồi của giá dầu; xét cho cùng thì trong lịch sử, giá dầu cũng đã từng tăng trở lại khi nước Nga cần điều đó. Nhưng cũng giống như siêu tăng T-14 ở Quảng trường Đỏ, vận may của Putin có thể sắp chấm dứt.

Sergei Guriev nguyên là hiệu trưởng của Trường Kinh tế Mới ở Moskva, và hiện là Giáo sư Kinh tế tại Học viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po).