Trật tự châu Âu mới sẽ ra đời từ khủng hoảng Ukraine?

Print Friendly, PDF & Email

Ukraine-Crisis

Nguồn: Jacques Lévesque, “La crise russo-ukrainienne accouchera-t-elle d’un nouvel ordre européen?Le Monde diplomatique, 06/2015.

Biên dịch: Lý Vân Anh | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Bất chấp những bất đồng giữa các nước Tây Âu và sự do dự của Washington, Thỏa thuận Minsk 2 nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Donbass đã được ký kết ngày 11 tháng 2 vừa qua nhờ sáng kiến của Pháp và Đức. Nếu thỏa thuận dù vẫn rất mong manh này cho phép ngăn chặn xung đột tái diễn ở Ukraine, nó sẽ mang lại cơ may cuối cùng cho việc cải cách trật tự châu Âu, bởi thỏa thuận này đã đặt nền móng cho một kiểu quan hệ mới giữa phương Tây với Nga, trong đó, Pháp và Đức, hai trụ cột của châu Âu, có thể đóng vai trò lịch sử. Trước hết, ta hãy cùng xem xét những nhân tố cho phép đánh giá mức độ thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Đúng là việc sáp nhập Crimea có thể được coi là một sự trả đũa của Nga. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chính sách đối ngoại của nước Nga hậu Xô viết, ta có thể thấy sự kiện này là kết quả của hoàn cảnh hiện tại, và việc sáp nhập này không phải là tất yếu, cũng không phải được Nga lên kế hoạch từ trước năm 2014. Chính vì thế, việc sáp nhập Crimea vào Nga là điều không ai ngờ tới. Việc khái niệm Novorossia (nước Nga mới) được sử dụng để chỉ miền Đông Nam Ukraine và được tổng thống Vladimir Putin sử dụng đều diễn ra sau khi Crimea được sáp nhập đã chứng minh cho nhận định này.

Moskva chấp nhận ký vào Thỏa thuận Minsk 2 với hai điều kiện chính. Thứ nhất, và quan trọng nhất, mặc dù không được nêu rõ trong Thỏa thuận, là Ukraine không được gia nhập khối NATO. Thứ hai, Ukraine phải trở thành nhà nước liên bang, đây được coi là đảm bảo cho điều kiện thứ nhất.

Từ khi Liên Xô tan rã, tiến trình mở rộng châu Âu về phía Đông là nguyên nhân chính làm xói mòn quan hệ giữa Nga và Mỹ. Từ năm 1994, ngay cả những người thân phương Tây bên cạnh Boris Yeltsin cũng phản đối sự mở rộng này, họ khẳng định rằng Yeltsin được ủng hộ là để ngăn cản NATO bành trướng ở châu Âu. Mặc dù Washington và các lãnh đạo phương Tây đều không thừa nhận kế hoạch mở rộng NATO nhưng Ba Lan, Hungary, Séc và tiếp theo sau là các nước vùng Baltic đều khẳng định rõ ràng mong muốn gia nhập tổ chức này để được bảo vệ khỏi sự đe dọa quân sự từ nước Nga mà họ cho là sẽ sớm quay lại. Thế nhưng phải đợi đến 20 năm sau, sự đe dọa này mới hồi sinh trở lại rõ ràng.

Sự hồi sinh này đã phải mất rất nhiều thời gian. Năm 1997, tổng thống Nga Yeltsin đã ký với tổng thống Ukraine Hiệp ước lần đầu tiên chính thức công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong đó bao gồm cả Crimea. Ông Yeltsin lúc đó tính kìm hãm ngay từ trong trứng nước ý định gia nhập NATO của nước này. Sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, Tổng thống Putin, do muốn nối lại quan hệ với Washington, đã tạo điều kiện cho Mỹ triển khai căn cứ và hạ tầng quân sự ở các nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây để tiến hành can thiệp vào Afghanistan. Thậm chí ông Putin còn nhắm mắt trước việc tổng thống Bush bật đèn xanh cho ba nước cộng hòa Baltic gia nhập NATO, với hi vọng đây sẽ là những nước cuối cùng. Cho đến năm 2004, ông Putin vẫn tin rằng Nga có thể lớn mạnh chứ không phải chỉ là lực lượng bổ sung cho sức mạnh Hoa Kỳ.[1] Trong thời kỳ hợp tác hậu 11/9, quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc nhằm thúc đẩy một thế giới đa cực, được khởi động từ thời Yeltsin, thậm chí đã được gác lại một cách cẩn thận.

Thái độ đe dọa của ông Putin trở nên công khai chính là từ sau “cuộc cách mạng cam” năm 2004 tại Ukraine và nhất là sau hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 4 năm 2008, trong đó tổng thống Mỹ Bush đã cho viết vào tuyên bố của Hội nghị rằng Ukraine và Gruzia trong tương lai sẽ trở thành thành viên của liên minh này, và rằng Putin đã trở thành mối đe dọa công khai. Tuy nhiên, Tổng thống Bush đã phải bỏ tuyên bố này sau khi Pháp và Đức phản đối cấp cho hai nước quy chế MPA (Chương trình hành động để gia nhập NATO). Tất cả các cuộc thăm dò tại Ukraine khi đó đều cho thấy đa phần dân chúng phản đối gia nhập NATO, đó là lý do vì sao chính phủ Ukraine từ chối tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề này.

Trước đó vài tháng, ông Putin đã cảnh báo rằng nếu phương Tây công nhận nền độc lập của Kosovo mà không được sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì Nga có thể tự do làm bất cứ điều gì với Nam Ossetia và Abkhazia, và sẽ đặt lại vấn đề biên giới quốc gia đã được định hình trong Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng những lời đe dọa này, cũng như những phản đối của Nga từ năm 1994 trước sự mở rộng của NATO, đã không được phương Tây để tâm. Và chính Gruzia đã phải trả giá cho điều đó.

Bất chấp mọi cam kết mà tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili đã đưa ra đối với Mỹ, Gruzia đã không nhận được bất cứ sự trợ giúp quan trọng nào từ Washington cũng như NATO trong nỗ lực giành lại Nam Ossetia vài tháng sau đó. Với sự phục hồi kinh tế của Nga, sự sa lầy của Mỹ tại Iraq và Afganistan, sự thất bại thảm hại của Gruzia cho thấy khá rõ hồi kết của “giai đoạn đơn cực ngắn ngủi” vẫn còn ảnh hưởng rõ nét tới chính sách đối ngoại của Washington. Chỉ đến thời Barack Obama, nước Mỹ mới bắt đầu thấy được những hệ quả của nó.

Việc Nga quá chú trọng vào vấn đề NATO trong chính sách đối ngoại của mình, do ám ảnh địa chính trị, đã làm liên lụy tới quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu (EU). Trong nhiều năm, Nga không phản đối việc các thành viên cũ của Hiệp ước Vacsava và thậm chí cả các nước cộng hòa Baltic gia nhập EU. Nhưng việc các nước mới đồng thời gia nhập cả NATO và EU đã làm quan hệ giữa Nga và EU trở nên khó khăn. Nhờ sáng kiến của các thành viên mới, Quan hệ đối tác phương Đông của EU đã được thiết lập năm 1999, sao cho phù hợp với tất cả các nước, từ Belarus ở phía Bắc đến Gruzia, tạo thành một vệt dọc biên giới phía Tây của Nga. Quan hệ đối tác này nhằm dành cho các nước một địa vị và các lợi thế khác với của Nga, với điều kiện đảm bảo dân chủ hóa, điều tỏ ra là nhắm vào chế độ của ông Viktor Yanukovych. Điều này đã khiến ông Putin, vào đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình, phải đẩy nhanh dự án Liên minh Á-Âu[2] để thu hút các nước này. Như ta đã biết, chính sự cạnh tranh này, cùng với quyết định hoãn ký hiệp định giữa Ukraine với EU của ông Yanukovych đã dẫn tới cuộc nổi dậy (ở Quảng trường Maidan), sự trốn chạy của tổng thống và cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bài toán khó nhất cần phải giải quyết trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk sẽ là về quy chế cuối cùng của các vùng đã vượt khỏi vòng kiểm soát của Kiev. Giải được bài toán này rõ ràng là điều kiện tiên quyết để chính phủ Ukraine giành lại quyền kiểm soát ở biên giới. Từ năm 1994, Moskva đã chủ trương một nhà nước liên bang Ukraine như là giải pháp cho những chia rẽ chính trị xã hội sâu sắc ở đất nước này kể từ khi độc lập. Cho đến nay, Ukraine vẫn dứt khoát từ chối vì nhiều lý do. Những công thức liên bang hóa do Moskva đưa ra dẫn tới một nhà nước hợp bang hơn là liên bang.

Người ta thấy rõ điều đó trong Hiệp định được ký giữa Moldova và Transnistria tháng 11/2003 dưới sự bảo trợ của ông Putin nhằm chấm dứt việc ly khai ở Transnistria.[3] Sau khi được đại sứ Mỹ tại Chişinău hứa ủng hộ, tổng thống Moldova Vladimir Voronin đã quyết liệt từ chối ký Hiệp định này, khiến ông Putin đang trên đường đến Moldova để ký Hiệp định phải quay về. Còn đối với vùng Donbass, Pháp và Đức, là các bên ký kết Thỏa thuận và có ảnh hưởng chính trị, đã khiến Ukraine duy trì được sự toàn vẹn lãnh thổ và ngăn cản các vùng ly khai là Donetsk và Lougansk giành được quyền tự trị như Moskva mong muốn.

Từ năm 1992, Pháp và Đức đã trở thành các đối tác chính trị châu Âu quan trọng của Nga. Đức vẫn là đối tác kinh tế chính và Liên minh châu Âu đương nhiên cũng là đối tác kinh tế chủ chốt của Nga. Chúng ta vẫn còn nhớ sự đồng thuận của ba nước trong việc phản đối chiến tranh Iraq và Nga muốn tiếp tục sự đồng thuận đó ở những vấn đề khác. Từ lâu, Moskva luôn đặt cược vào những bất đồng giữa Mỹ và châu Âu. Pháp và Đức nắm giữ những đòn bẩy quan trọng để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; hai nước này có thể và cần phải tận dụng vị thế của mình trong những tính toán chính trị của Nga để đòi hỏi một giải pháp phù hợp với lợi ích của họ và của châu Âu. Thỏa thuận Minsk 2 mang đến một tia hi vọng cho việc sắp xếp lại quan hệ giữa Nga và châu Âu: lần đầu tiên, các nước chấp nhận nguyên tắc đàm phán ba bên về các quan hệ kinh tế giữa Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu. Việc ký kết một thỏa thuận được cả ba bên chấp nhận, về các vấn đề là nguyên nhân của các cuộc biểu tình ở Maidan, sẽ mang một ý nghĩa chính trị to lớn.

Rõ ràng, việc Nga ủng hộ lực lượng ly khai Ukraine trước hết là để đảm bảo Ukraine không tiến thêm về phía NATO. Giá mà sau khi chiếm được Crimea, tổng thống Putin cho tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế của vùng, chứ không phải về việc sáp nhập, thì Nga đã có thể dễ dàng đạt được các mục tiêu này mà không cần phải mở rộng xung đột ở Ukraine.[4] Trong các điều kiện hiện nay, có lẽ rất khó để tìm ra phương cách ngăn cản Ukraine ngả theo NATO, mặc dù kể cả Pháp và Đức trước kia cũng có ý như vậy.

Thực vậy, cả Washington và các nước phương Tây khác giờ đây đều cho rằng nếu NATO ngừng mở rộng thì chẳng khác nào chịu khuất phục trước việc Nga sáp nhập Crimea. Lập luận này nghe ra thì có vẻ thuyết phục, nhưng có phần đạo đức giả. Washington không hề ủng hộ nguyện vọng nhanh chóng gia nhập NATO của chính quyền Kiev. Ngay cả những người ủng hộ can thiệp nhất thuộc phe cộng hòa, vẫn đòi hỏi cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, cũng không đồng ý gửi lính Mỹ tới tham chiến ở đây. Tuy nhiên, chính giới Mỹ lại đồng thuận nhất ở chỗ sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để tăng cường thành phần NATO hiện nay. Gần giống như thời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, Mỹ đặt cược vào “châu Âu mới” để tăng cường bá quyền Mỹ trong NATO.

Thế nhưng không phải tất cả “châu Âu mới” đều như ý muốn. Hungary, Slovakia, và thậm chí Cộng hòa Séc đều không hưởng ứng. Mặc dù vậy, như báo chí Đức đã vạch trần, chỉ huy trưởng các lực lượng liên minh NATO, tướng Philip Breedlove vẫn cố gắng thổi phồng các con số mà tình báo châu Âu đưa ra về số lượng quân và vũ khí mà Nga tiếp tế cho các vùng ly khai ở Đông Ukraine, nhằm biện minh cho việc triển khai một lực lượng 3.000 lính NATO ở các nước cộng hòa Baltic.[5] Cứ làm như chính các nước này, chứ không phải Ukraine, đang cần cứu trợ khẩn cấp.

Trong bối cảnh tương quan lực lượng quốc tế hiện nay, cần phải thừa nhận rằng việc thổng thống Bush hứa kết nạp Gruzia và Ukraine vào NATO năm 2008 chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khốn khổ của các nước này. Nếu Thỏa thuận Minsk có thể giúp giải quyết được vấn đề, một trật tự mới có thể được thiết lập ở châu Âu. Khi đó, ta có thể có được sự hợp tác thật sự giữa Nga, NATO và châu Âu, cứu Ukraine khỏi sự sụp đổ hoàn toàn và đồng thời có được những đảm bảo về an ninh từ hai phía. Việc NATO chấm dứt mở rộng về phía Đông có thể cho phép quay trở lại với ý tưởng nước Nga thuộc về châu Âu, mà tổng thống Putin đã nhấn mạnh trong bài diễn văn tại Quốc hội Liên bang khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2001.

Đây là cái nhìn lạc quan nhất về tương lai của Thỏa thuận Minsk 2. Ước gì kịch bản này sẽ xảy ra, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn. Điều tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra. Trước hết là từ những tuyên bố đầy thách thức, thậm chí đe dọa từ phía Nga. Liệu những tuyên bố này chỉ đơn giản là để đạt được nhân nhượng về các vấn đề nêu ra? Hay là vì ông Putin đang muốn chứng minh sức mạnh của mình, như đã thể hiện ở việc tổ chức hoành tráng Thế vận hội Sochi, xem thường khả năng trả đũa của phương Tây và đẩy mạnh can thiệp ở Donbass sau thắng lợi dễ dàng ở Crimea mà không mảy may tổn thất về người?

Về phía chính quyền vốn đang bị chia rẻ và bất ổn hiện nay ở Kiev, rất khó đoán họ sẽ làm gì trước yêu sách của các toán quân ly khai. Mới đây thôi, chính quyền Kiev đã thuyết phục được Mỹ, rồi tới châu Âu – do bị Mỹ gây sức ép – áp đặt sự trừng phạt đối với Nga. Nhờ vào đó và đồng thời lợi dụng sự xuống thang chiến thuật của Nga, Kiev đã thành công bước đầu trong việc chiếm lại quyền kiểm soát quân sự ở những vùng ly khai.

Chuyến công du của thủ tướng Đức Angela Merkel tới Kiev vào tháng 8 năm 2014 nhân kỷ niệm 23 năm Ukraine tuyên bố độc lập diễn ra trong bối cảnh này. Trong chuyến thăm, bà Merkel đã công khai kêu gọi ngừng bắn, bất chấp sự cứng rắn của tổng thống Petro Poroshenko, điều mà ngay cả Washington cũng tránh không nhắc tới. Là người thực tế hơn, bà Merkel thừa biết Nga sẽ không làm được gì nhiều để lật ngược tình thế. Ngay cả giờ đây, Kiev đang cố gắng thay đổi các điều kiện trong Thỏa thuận Minsk về trao quyền tự trị cho các khu vự ly khai, nhằm gây sức ép lên phương Tây. Chính phủ Ukraine tiếp tục không trả lương cho giáo viên và viên chức ở các vùng ly khai thuộc Donbass. Trong vòng xoáy quyền lực, nhiều người muốn xung đột kéo dài chứ không muốn thực hiện một thỏa thuận mà họ cho là quá có lợi cho Moskva.

Cuối cùng, chính quyền Obama, vốn bị chia rẽ về vấn đề này, cũng có thể sẽ quyết định gửi một số vũ khí tinh nhuệ cho Ukraine, bất chấp sự phản đối của Pháp và Đức, như đã tuyên bố vào tháng 2 vừa qua, chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị ngoại giao ở Minsk. Điều này có thể dẫn tới leo thang và do đó khiến cho Moskva ủng hộ lực lượng nổi dậy – vốn chỉ chờ có thế – để giành lại Marioupol và một phần vùng bờ biển, để biến toàn bộ lãnh thổ chiếm được thành nơi “xung đột bị đóng băng,” nhằm nắm trong tay tương lai của Ukraine. Người Ukraine, cũng như người Nga, sẽ phải trả giá đắt, đặc biệt là với việc tổng thống Putin trong nhiệm kỳ cuối của mình ngày càng chuyên chế. Sự dịch chuyển của Nga về phía Trung Quốc và châu Á, vốn chưa bao giờ là lựa chọn số một của Nga, tiếp tục diễn ra, đang đẩy Nga ra xa phương Tây hơn. Phương Tây có lẽ sẽ phải chờ đợi một chế độ khác, có lẽ sẽ rất lâu, mà biết đâu còn chuyên chế và ngang ngược hơn bây giờ.

Jacques Lévesque là giáo sư danh dự tại Khoa Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Québec Montréal (Canada), và là đồng tác giả cuốn La Russie et son ex-empire: reconfiguration géopolitique de l’ancien espace soviétique, Presses de Sciences Po, Paris, 2003.

——————–

[1] Việc cấp quy chế MPA (Membership Action Plan – chương trình hành động để gia nhập NATO) cho một trong hai nước đã không thể đạt được sự nhất trí (cần thiết) của các thành viên NATO trong bối cảnh hiện nay. Xem “Nước Nga trở lại vũ đài quốc tế” (La Russie est de retour sur la scène internationale), Le Monde diplomatique, số 11/2013.

[2] Jean-Marie Chauvier, “Liên minh Á – Âu, cú sốc các nền văn minh phiên bản Nga” (Eurasie, le “choc des civilisations” version russe), Le Monde diplomatique, 05/2014.

[3] Hiệp định được ký tắt giữa các bên và ông Dmitri Kozak, đại diện của tổng thống Putin quy định Thượng viện với 50% ghế của Moldova và 50% ghế dành cho Transnistria và Gagaouziya, có quyền phủ quyết đối với những vấn đề lớn liên quan tới chính sách đối ngoại và quốc phòng, trong khi Nghị viện chỉ đại diện cho 18% dân số. Xem Jens Malling, “Từ Transnistria tới Donbass, lịch sử lặp lại” (De la Transnistrie au Donbass, l’histoire bégaie), Le Monde diplomatique, 03/2015.

[4] Jacques Lévesque, “Việc Nga sáp nhập Crimea: chiến lược của Nga với Ukraine là gì ?” (Annexion de la Crimée par la Russie: quelle est la stratégie du Kremlin en Ukraine ? ), Diplomatie, số 21, tháng 6–7/2014.

[5]Breedlove’s Bellicosity: Berlin Alarmed by Aggressive NATO Stance on UkraineSpiegel Online, 06/03/2015.