Nguồn: “How a grand jury works“, The Economist, 07/12/2014
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày 03/12/2014, một đại bồi thẩm đoàn (grand jury) ở New York đã quyết định không khởi tố một sĩ quan cảnh sát da trắng vì đã làm nghẹt thở và giết chết một người đàn ông da đen không vũ trang. Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng được tổ chức trên khắp nước Mỹ. Quyết định này được đưa ra tiếp sau một quyết định của một đại bồi thẩm đoàn khác không khởi tố một nhân viên cảnh sát da trắng vì đã giết Michael Brown, một thanh niên da đen không vũ trang ở Ferguson, Missouri. Trong vụ đó, viên sĩ quan cảnh sát đã tuyên bố tự vệ và không có video nào để minh chứng cho những gì đã xảy ra. Nhưng những người đi đường đã quay được phim về cái chết của Eric Garner, người bị giết ở New York. Đòn khóa cổ (chokehold) được sử dụng trong vụ này đã bị cấm bởi Sở cảnh sát New York (NYPD) từ năm 1993. Một số sĩ quan cảnh sát cũng có mặt tại hiện trường; không có dấu hiệu cho thấy họ đang đối mặt với mối nguy hiểm từ Garner. Tất cả những điều này khiến cho quyết định của đại bồi thẩm đoàn về việc không khởi tố viên sĩ quan cảnh sát là đặc biệt khó hiểu. Vậy, đại bồi thẩm đoàn là gì, và họ làm việc như thế nào?
Mỹ là một trong số ít các quốc gia sử dụng đại bồi thẩm đoàn (grand jury). Tu chính án thứ năm yêu cầu hệ thống tư pháp liên bang sử dụng các đại bồi thẩm đoàn cho tất cả các tội phạm liên quan đến tử hình hay trọng tội. Các bồi thẩm đoàn được thành lập nhằm mục đích loại bỏ các vụ án được khởi tố thiếu căn cứ và đặc biệt hữu ích trong các vụ khủng bố, tham nhũng công và tội phạm có tổ chức.
Hầu hết người Mỹ biết rất ít về quy trình này, bởi thủ tục tố tụng không được công khai cho công chúng hoặc giới truyền thông. Việc giữ bí mật như vậy là nhằm đảm bảo rằng việc điều tra tránh được những ảnh hưởng bên ngoài và nhân chứng có thể sẵn lòng đưa ra lời khai hơn. Quy định của các bang không giống nhau: chỉ có khoảng một nửa số bang sử dụng đại bồi thẩm đoàn. Và thực tiễn áp dụng có thể rất khác nhau. Ví dụ, quy mô của một đại bồi thẩm đoàn là khác nhau ở mỗi nơi: ở Missouri, đại bồi thẩm đoàn bao gồm 12 người. Tại New York, có khoảng 23 người ngồi trong đại bồi thẩm đoàn.
Một phiên tòa thông thường sẽ có hai luật sư (một người cho mỗi bên), một thẩm phán chủ tọa và một ban hội thẩm (jury) 12 người, những người này phải kết án khi không còn nghi ngờ hợp lý (beyond a reasonable doubt – BRD). Công việc của đại bồi thẩm đoàn thì dễ dàng hơn. Tất cả những gì mà họ phải quyết định là liệu có đủ bằng chứng để đưa vụ án ra xét xử hay không – họ không quyết định một người là có tội hay vô tội.
Không giống như trong các phiên tòa thông thường, thẩm phán sẽ không có mặt để giám sát một đại bồi thẩm đoàn. Thay vào đó, chủ toạ là các công tố viên, đây cũng là người hướng dẫn cho đại bồi thẩm đoàn về pháp luật. Điều này có nghĩa rằng công tố viên có nhiều ảnh hưởng. Vào năm 1985, Sol Wachtler, một cựu chánh thẩm phán New York, trả lời tờ New York Daily News rằng “các công tố viên tiểu bang hiện nay có ảnh hưởng quá nhiều lên các đại bồi thẩm đoàn khiến cho “nói chung” họ có thể khiến đại bồi thẩm đoàn quyết định khởi tố cả một cái bánh sandwich giăm bông.” Trong gần ba thập niên, có rất ít trường hợp mà một đại bồi thẩm đoàn không đồng ý đưa ra một bản truy tố. Theo một tính toán, các công tố viên liên bang đã đưa 162.000 vụ án ra trước các đại bồi thẩm đoàn liên bang trong năm 2010. Chỉ có 11 vụ trong số đó không dẫn đến việc truy tố đương sự.
Các sĩ quan cảnh sát hiếm khi bị buộc tội giết người khi đang thi hành công vụ. Trong năm 2011, Bộ Tư pháp thống kê được rằng cảnh sát, những người thường phải ứng phó với mối đe dọa bạo lực, giết khoảng một người mỗi ngày. Nhưng từ năm 2005 đến 2011, chỉ có 41 sĩ quan cảnh sát bị buộc tội giết người hay ngộ sát vì đã nổ súng khi đang làm nhiệm vụ, theo nghiên cứu của Philip Stinson tại Trường Đại học Bowling Green. Mặc dù vậy, có vẻ gây sốc khi video về việc sĩ quan cảnh sát sử dụng đòn kẹp cổ gây chết người lại không đủ để đảm bảo dẫn đến một bản cáo trạng.
Một giả thuyết về việc tại sao viên sĩ quan cảnh sát không bị truy tố là bởi các công tố viên địa phương phải làm việc chặt chẽ với cảnh sát địa phương nên muốn giữ quan hệ tốt với họ. Điều này có nghĩa là đại bồi thẩm đoàn nhiều khả năng tin tưởng hơn vào cảnh sát. Một số người đang kêu gọi các công tố viên đặc biệt đứng ra chủ trì đại bồi thẩm đoàn trong các vụ án liên quan tới cảnh sát. Còn những người khác đang kêu gọi loại bỏ hoàn toàn hệ thống đại bồi thẩm đoàn.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]